Tháng tư đen tối và những kế hoạch của phụ nữ Việt hiện đại

Hạ Vũ, thông tín viên RFA
2016.05.01
000_ARP3893350.jpg Phụ nữ Việt bán hàng hóa ở chợ Đà Nẵng vào ngày 26 tháng 4 năm 1975.
AFP PHOTO

Tháng Tư dương lịch có một cái “Tết” vô cùng đặc biệt trong năm, với mỗi người Việt. Không giống như những ngày tết âm lịch khác được người Việt đặc biệt lưu tâm và vui vẻ chào mừng trên khắp cả nước, “tết độc lập” – 30/4 là một ngày tết mà suốt 41 năm qua vẫn gây ra nhiều tranh cãi giữa mỗi nhóm người Việt về sự chính danh của Việt Cộng trong việc “giải phóng” miền Nam.

Người khóc thương quốc gia Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã mất, người vui sướng cho đất nước được thống nhất, kẻ nuối tiếc thanh xuân đã mất đi vì cuộc chiến vô nghĩa, người ngu muội cảm ơn Đảng cướp đã “giành độc lập” cho dân tộc... Cứ thế, mỗi dịp tháng 4 về, trong không khí cờ hoa rực rỡ, từ mỗi bàn nhậu cho đến các diễn đàn online, người Việt hả hê, hoài nghi, đau khổ xỉ vả nhau và cật vấn chính mình.

... cá chết không phân hủy được thì mình nghĩ là chỗ cá chết đấy người ta mang bán đi, làm nước mắm bán cho mình, ăn vào độc hại lại chết, tự mình giết mình...
- bà Hồng

Năm 2016, tháng 4 lại vô cùng đặc biệt. Cùng với kết luận của chính quyền, rằng “thủy triều đỏ” đã xâm chiếm biển miền Trung, gây ra cái chết của hàng triệu loài sinh vật biển và những phát ngôn “ngờ nghệch”, thiếu trách nhiệm của các vị lãnh đạo về “vùng lãnh thổ của nước bạn” vào dịp tháng 4 này, thực sự đã khiến hết thảy người Việt, đặc biệt là các bà nội trợ, những người phải hàng ngày chịu trách nhiệm về bữa ăn và sự an toàn của cả gia đình, hoang mang, phẫn uất.

Họ có kế hoạch gì để cứu lấy tương lai của các con mình?

Khoảng ba tuần qua, dọc bờ biển Hà Tĩnh xảy ra hiện tượng cá nuôi và cá tự nhiên trên biển chết hàng loạt. Hàng chục tấn cá bị sóng đánh vào bờ, giắt vào khe đá, nhiều con thối rữa. Hiện tượng bất thường này sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Nhiều ngư dân buộc phải gác chèo, treo lưới vì đánh bắt về cũng không bán được do người dân lo sợ cá chết, không dám ăn. Một số người tiếc của nhặt cá chết về cho vịt ăn và vịt đã chết.

Hầu hết người dân Việt Nam đều cho rằng, nguyên nhân cá chết là do nước xả thải của các nhà máy trong và ngoài khu vực Vũng Áng. Trong đó, nghi vấn chính tập trung vào Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) xả thải qua đường ống kéo dài hơn 1km ra biển. Trong khi đó, công ty FHS khẳng định nước thải ra môi trường đạt chất lượng, đường ống nước ống xả mà ngư dân Nguyễn Xuân Thành đã phát hiện xả mạnh và có dấu hiệu bất thường từ 29/3 đến 4/4 gây tranh cãi trên các phương tiện truyền thông là “được sự cho phép của Bộ Tài nguyên - Môi trường Việt Nam” và FHS mong các cơ quan chức năng Việt Nam vào cuộc để sớm làm rõ nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt quanh khu vực Vũng Áng.

Đáp lại sự mong đợi của người dân cũng như công ty FHS, hơn 24.000 tiến sỹ cùng với chính quyền Cộng Sản các cấp vẫn không đưa ra được câu trả lời thỏa đáng. Hết lý do thủy triều đỏ, tới nguyên nhân tác động của con người... họ - thêm một lần nữa – trở thành nhân vật hề cho các bản nhạc chế, thơ bút tre, biếm họa… tràn lan trên mạng, mua vui cho người Việt qua ngày.

Bà Hồng – một phụ nữ 60 tuổi làm nghề bán xôi ở chợ Phú Thượng (Tây Hồ - Hà Nội), chưa từng có cơ hội tiếp cận với mạng xã hội cũng như báo đài và các tin tức thời sự chia sẻ về nỗi lo lắng của bà khi nghe tin cá chết hàng loạt:

Một người dân với những con cá biển đã chết trên một bãi biển ở huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế ngày 21 tháng 4 năm 2016.
Một người dân với những con cá biển đã chết trên một bãi biển ở huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế ngày 21 tháng 4 năm 2016.
AFP photo

“Ô nhiễm môi trường như thế mà không ngăn chặn được, không tìm hiểu ra. Thấy người ta bảo rất nhiều cá chết. Mà cá chết không phân hủy được thì mình nghĩ là chỗ cá chết đấy người ta mang bán đi, làm nước mắm bán cho mình, ăn vào độc hại lại chết, tự mình giết mình. Mình cũng chẳng lo được gì, thôi thì mình phải tự kìm chế mình thôi. Ví dụ như ăn thì chấm lấy muối tương mà ăn. Tự làm ra, sản xuất lấy mà ăn. Còn những ô nhiễm là không thể nào tránh khỏi được.”

Trong khi đó cũng giống như rất nhiều những người còn trẻ khác, Phương – một bà mẹ ở Hà Tây chia sẻ:

“Sau khi xem hiện tượng mà cá chết hàng loạt và một số thông tin nói về nguồn gây ra như thế cũng rất lo lắng. Lo lắng về tình hình sức khỏe của người dân và cuộc sống của mọi người, sẽ như thế nào khi mà cá chết nó cũng ảnh hưởng tới cả kinh tế nữa.

Em thích đi Sài Gòn từ lâu lắm rồi vì cuộc sống trong đấy thoải mái. Em đã từng vào Sài Gòn và thấy người dân rất là thân thiện. Em nghĩ là mình vào Sài Gòn thì sẽ tốt hơn.”

Bốn mươi mốt năm sau khi Sài Gòn sụp đổ, người Việt – ai có thể đi đều cố gắng ra đi. Người miền Bắc chạy trốn cộng sản bằng cách di cư vào Nam, người có điều kiện đi xa hơn vào tới Sài Gòn, người ít điều kiện đi tới Đà Nẵng, Nha Trang. Người miền Nam di cư qua Mỹ và các nước Châu Âu, dân nghèo Tây Nguyên vượt biên qua Lào, Thái…

Từ làn sóng “thuyền nhân” nổi tiếng khắp năm châu, người Việt trong những thập niên gần đây đã có nhiều hình thức di cư khác hợp pháp và có vẻ ít rủi ro hơn như xuất khẩu lao động, chương trình “cô dâu Việt”... và đặc biệt, hiện tượng “chảy máu chất xám” trong những năm gần đây, khi hàng trăm ngàn du học sinh, doanh nhân và các cán bộ cao cấp tìm đường an toàn cho bản thân và con cháu ở các quốc gia phát triển.

Có thể nói, từ sau ngày Miền Nam Tự Do rơi vào tay Cộng Sản Bắc Việt, cả người Việt quốc nội lẫn người Việt hải ngoại dường như đang cùng mang một tâm trạng chung là chán ngán và lo sợ trước viễn ảnh đất nước Việt Nam ngày càng tiến dần tới chỗ bị Trung Cộng nuốt chửng qua tiến trình đồng hóa kiểu mới, nham hiểm hơn và tàn độc hơn cả trăm, nghìn lần chính sách đồng hóa cổ xưa. Hầu hết trong số họ chọn giải pháp ra đi.

Sau khi xem hiện tượng mà cá chết hàng loạt và một số thông tin nói về nguồn gây ra như thế cũng rất lo lắng. Lo lắng về tình hình sức khỏe của người dân và cuộc sống của mọi người...
- chị Phương

Chị Ly, một người dân Hải Phòng đã di cư vào Sài Gòn những năm 1990, và đang có kế hoạch đưa cả nhà đi Mỹ chia sẻ về lý do ra đi của chị:

“Thật ra tị nạn chỉ là một cách chị nói đùa thôi. Chứ chị muốn cho mấy bé đi để có cơ hội ra ngoài học tập. Ở ngoài đó thì học được nhiều thứ, có sự tự tin và vững chãi. Chứ còn học ở đây thì chị thấy ngay cái bằng đại học ở đây, học xong đại học ra chưa chắc làm được cái việc gì, rất bấp bênh. Luật không rõ ràng, còn cuộc sống, nếu nói cơm áo gạo tiền ngày ba bữa thì dễ rồi, nhưng còn những cái xa hơn…

Hồi xưa thì chị không nghĩ là chị muốn đi nhưng bây giờ chị có con rồi, thấy là nên đi. Đi là để cho mấy nhỏ nó có tương lai, học hành…”

Kể cả bà Hồng, người suốt 40 năm qua trung thành với nghề làm xôi gia truyền và chưa từng phản kháng lại cuộc sống khó khăn, vất vả của mình, cũng đã lựa chọn giải pháp ra đi khi được đề nghị nghĩ về việc mình có con và có thể ra đi.

So với thế hệ “thuyền nhân” mà phân nửa đã bỏ mình ngoài biển, những “cô dâu Việt” tủi nhục lấy chồng ngoại quốc để đổi đời hay những công nhân xuất khẩu lao động tìm đường trốn lại xứ người, du học sinh dường như là nhóm di dân có “đẳng cấp” nhất của người Việt. Tuy nhiên, muốn thực hiện ước mơ định cư đi làm sau du học, sinh viên Việt Nam phải chống lại cùng lúc vô số rào cản như chính sách nhập cư và quốc tịch ngày càng ngặt nghèo, sự kì thị chủng tộc và văn hóa, áp lực của lối sống công nghiệp hóa và kỉ luật cao, bất đồng về văn minh và tư tưởng, sự cạnh tranh không nhỏ từ lực lượng nhập cư gốc Hoa, Ấn và Phi châu… Để đạt được ước mơ định cư, đa số sinh viên phải trả một cái giá rất đắt về thời gian, tình cảm gia đình… chưa kể phải hy sinh những giá trị tinh thần khác như lòng tự trọng, tự tôn.

Cổ nhân có nói “Đánh mất chính mình là thất bại, chứ không thể là thành công”, tuy nhiên, những người Việt nhiều thế hệ qua, từ sau “sự cố” 30/4/1975, đã không chỉ tự đánh mất chính mình mà còn lãng quên cả Quốc tịch của mình để ra đi, để rồi lại day dứt, dằn vặt về một đất nước đã bị mình bỏ lại, có thể chỉ vì trong mỗi người họ đều có một người mẹ lo lắng một cách bất lực cho sự an toàn của con cái mình trước một tương lai mờ mịt mà Chính quyền Cộng sản đang mang đến cho dân tộc.

Mọi ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ email: havu082008@gmail.com.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.