Từ gánh ve chai nhận giải quốc tế

Vượt nghèo khó để đi đến thành công là một việc làm vô cùng khó khăn với bất cứ ai và lại càng khó khăn hơn với phụ nữ bởi họ còn phải mang thiên chức làm mẹ, làm vợ.
Việt Hà, phóng viên RFA
2012.03.27
dttuyet-ttol-305.jpg Chị Dương Thị Tuyết trao quà là chiếc đĩa bằng đồng do chính mình làm cho bà Irina Bokova - tổng giám đốc UNESCO
Photo courtesy of ttol.vn

Thế nhưng, gánh nặng gia đình, và cái nghèo khó đã không thể làm một người phụ nữ chùn bước. Chị đã đi lên từ gánh đồng nát và trở thành một chủ doanh nghiệp thành công. Tạp chí phụ nữ tuần này xin được gửi tới quý vị câu chuyện của chị Dương Thị Tuyết, người phụ nữ Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng doanh nhân tài chính vi mô toàn cầu do quỹ tài chính vi mô toàn cầu trao tặng.

Từ gánh ve chai...

Ở thị trấn Lâm nhỏ bé thuộc tỉnh Nam Định, không mấy người không biết đến cái tên của chị Dương Thị Tuyết, chủ cơ sở đúc đồng và trạm khảm. Họ biết đến chị không phải chỉ bởi chị có cơ sở sản xuất khang trang mà còn bởi câu chuyện thành công trong kinh doanh của chị.

Mọi chuyện bắt đầu từ gánh đồng nát của chị Tuyết 20 năm về trước lúc chị mới 14 tuổi. Gia đình nghèo, bố mẹ chị cả đời làm ruộng, ngoài lúc làm ruộng, họ theo nghề đồng nát truyền thống ở Nam Định để kiếm thêm chút tiền nuôi các con.

Nhà nghèo, chị Tuyết đã không thể theo học hết cấp ba. Học hết lớp 9, cất sách, cất vở, giã từ bạn bè, trường học, chị mang quang gánh để đi hết làng xa xóm gần của tỉnh Nam Định để mua đồ đồng nát, tiếp tục cái nghiệp vất vả đã theo cha mẹ chị suốt cả cuộc đời. Chị nhớ lại:

"Năm đó tôi 14, 15 tuổi. Hồi đó tôi đi thì mấy chị em đi chung với nhau, một mình đi các làng các xã thì cũng hơi sợ, xe đạp chưa đi vững thì đi bọ, dần dần rồi quen. Tôi mua đồng nát như sắt, đồ phế liệu xoong thủng, chậu thủng, rồi chậu nhựa hỏng vất đi, tất cả các đồ là mua hết."

Chị đi rất nhiều, mỗi ngày tính ra cũng đến 40 cây số. Sau này, mệt quá, chị tập đi xe đạp. Mỗi ngày chị cũng phải đạp từ 70 đến 80 cây số. Chị làm cả tuần không có ngày nghỉ. Có những lúc chị phải đi rất xa, thuê phòng trọ ở chung với chị em vài ngày để thu mua đồ đồng nát.

Rồi chị lấy chồng và sinh con. Gánh nặng gia đình đè lên đôi vai người mẹ trẻ. Chồng chị có nghề làm đồng gia truyền nhưng vì không có vốn mở xưởng nên chỉ có thể đi làm thuê ở các xưởng đúc trong vùng. Thu nhập anh mang về cho gia đình vì vậy cũng không đáng là bao, trong khi thu nhập từ gánh đồng nát của chị cũng chỉ đủ góp tiền mua rau cho gia đình. Cái nghèo, cái khó đã làm chị nhiều lúc muốn nản:

"Tôi xây dựng gia đình xong thì mấy năm đầu vẫn đi đồng nát, sinh một cháu rồi đến cháu thứ hai rồi tôi vẫn đi đồng nát. Nhưng rồi đến khi cái nghề đồng nát vất vả quá. Ngày chỉ kiếm được mấy chục ngàn, chỉ đủ tiền mua rau. Một ngày đạp xe hàng mấy chục cây số vẫn không đủ tiền dư thừa, tôi thấy buồn và chán, suốt ngày con cái nheo nhóc."

Nghèo khó nhưng chị không cảm thấy bế tắc. Chị biết mình cần vốn để làm ăn lớn hơn. Chị mơ ước có thể có một cơ sở sản xuất riêng cho gia đình, vì chồng chị có nghề đúc đồng truyền thống. Nhưng vốn ở đâu khi mà thu nhập của hai vợ chồng còn chưa đủ ăn?

...đến chủ doanh nghiệp

Câu trả lời thấp thoáng đến với chị vào năm 1998, khi chị gia nhập quỹ tình thương ở địa phương. Chị được quỹ cho vay 500,000 đồng để khởi nghiệp kinh doanh. Một khoản tiền không lớn nhưng rất có ý nghĩa với chị. Chị sử dụng khoản tiền này, tiếp tục đi làm nghề đồng nát nhưng mua bán lớn hơn để có thêm tiền dành dụm. Đến năm 2000, cha mẹ chị thế chấp sổ đỏ căn nhà họ ở và vay ngân hàng 3 triệu để giúp chị bắt đầu cơ sở đúc đồng. Chị bắt đầu cơ sở của mình từ một khoản vốn ít ỏi, một công nhân và một cái lán nhỏ. Bắt đầu khởi nghiệp là vạn sự khó khăn. Chị Tuyết kể:

"Nói chung cũng vất vả, hồi đó thì nguyên vật liệu đồng vẫn còn rẻ, giá thành có hơn chục ngàn một cân nguyên vật liệu thôi. Nói chung với mấy triệu vay và đồng tiền tích lũy thì tôi làm cũng vất vả. Đầu tiên khách khứa mình chưa biết nhiều, nên sản phẩm bán chậm, phải đi đến các cửa hàng bán sẵn đồng và tôi chào thêm, ngoại giao thêm. Với mấy triệu đồng vốn thì vất vả, chật vật, nhiều lúc hàng chậm chưa bán được thì phải vay thêm của chị em bạn bè cho lúc khó khăn."

Với số vốn vay nhỏ, người nghệ nhân Việt Nam đã làm được những sản phẩm tuyệt vời bằng sức lao động và tình yêu của mình. Những gì người nghệ nhân ấy đã làm được xứng đáng được phát triển hơn nữa trong tương lai.

Ô. Philipp Tavernier, TGĐ Sogeti

Bản thân chị Tuyết cũng học nghề đúc đồng của chồng để tham gia sản xuất ngay từ ngày đầu tiên lập xưởng đúc.  Một vài ngày đầu chưa quen tay, chồng chị đã phải sửa những sản phẩm cho chị. Nhưng với nỗ lực và cũng do có tính sáng tạo cao, chỉ sau một năm, chị Tuyết đã rất vững với nghề.

Chị vững nghề và đồng thời cũng giỏi giang hơn trong việc tìm đến các khách hàng, giữ quan hệ với khách để tạo thêm công ăn việc làm cho xưởng. Chỉ khoảng 2 năm đầu còn vất vả, từ căn nhà cấp 4, từ một cái lán đơn sơ với 1 công nhân, đến nay cơ sở chị là một căn nhà 3 tầng khang trang ở thị trấn Lâm. Chị thường xuyên có 8 công nhân làm việc cho mình. Những lúc cao điểm, chị có thể thuê đến 10 công nhân. Vốn chị vay từ quỹ tình thương cũng tăng dần theo nhu cầu phát triển của cơ sở sản xuất. Đến năm 2004, vốn chị vay từ quỹ tình thương đã là 10 triệu đồng. Thu nhập gia chị giờ đây cũng khá hơn hẳn. Chị nói:

"Một tháng cả vốn cả lãi tôi phải xuất ra 50 đến 70 triệu đồng. Đấy là cả vốn cả lãi, còn nếu nguyên tiền lãi thì được chục triệu đồng, hơn chục triệu đồng."

Thành công đi cùng vinh dự

dongnat-250.jpg
Chị Dương Thị Tuyết và chồng tại cơ sở đúc đồng do chính mình làm chủ. Photo courtesy of ttol
Chị Dương Thị Tuyết và chồng tại cơ sở đúc đồng do chính mình làm chủ. Photo courtesy of ttol
Năm 2008, chị được nhận giải thưởng doanh nhân vi mô toàn quốc. Nhưng vinh dự lớn nhất mà chị nhận được chính là giải thưởng doanh nhân tài chính vi mô toàn cầu do quỹ tài chính vi mô toàn cầu (Planet Finance) trao tặng vào tháng 12 năm ngoái tại Paris, Pháp. Tổ chức Planet Finance là tổ chức cầu nối giúp tài trợ vốn kinh doanh nhỏ cho các đối tượng thiệt thòi trong xã hội ở hơn 80 nước trên thế giới. Chị Tuyết là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng này. Giải thưởng đã làm chị ngỡ ngàng và vui sướng. Chị vui vẻ chia sẻ:

"Đầu tiên tôi nghe được nhận giải thì cũng là điều bất ngờ, không bao giờ nghĩ đến giải như thế, quá mức suy nghĩ của mình. Tôi cũng có một lần nhận giải thưởng doanh nhân vi mô Việt Nam năm 2008 nên tôi cũng thấy là vinh dự lắm rồi nên cũng không ngờ mình lại có vinh dự nữa."

Ngày 5 tháng 12 năm 2011, chị Dương Thị Tuyết đã có mặt tại Paris để nhận giải thưởng trị giá 1,000 euro và một máy tính xách tay. Ông Philipp Tavernier, Tổng giám đốc tập đoàn Sogeti, đối tác cung cấp các khoản vay tín dụng nhỏ thông qua Planet Finance nói về chị:

"Với số vốn vay nhỏ, người nghệ nhân Việt Nam đã làm được những sản phẩm tuyệt vời bằng sức lao động và tình yêu của mình. Những gì người nghệ nhân ấy đã làm được xứng đáng được phát triển hơn nữa trong tương lai."

Đã hơn 10 năm trôi qua từ khi chị bắt đầu cơ sở sản xuất đồng, những năm tháng của đói nghèo đã lùi xa sau lưng chị và gia đình. Chị Tuyết hạnh phúc với những gì mình đã đạt được nhưng chị vẫn không quên cái nghề đồng nát ngày xưa, không quên những chị em đồng cảnh ngộ trước kia của chị. Chị mong muốn thấy nhiều chị em nghèo khác học được kinh nghiệm từ mình để vượt nghèo. Chị nói:

"Tôi cũng muốn vậy, nhưng nó còn phụ thuộc nhiều cái. Thứ nhất là chị em phải làm được, thứ hai là phải có đồng vốn đi theo. Cũng mong chị em tham gia vào các quỹ, vay vốn để về mở được cái nghề của mình thì nó hay hơn. Còn nghề đồng nát thì nó lông bông ngoài đường lúc nắng lúc mưa. Cũng mong chị em tiếp cận được vốn của các quỹ, nhất là quỹ tình thương để vay vốn, nếu làm được nghề gia truyền thì từ đời này còn truyền được cho đời con thì lâu dài hơn."

Đầu tiên tôi nghe được nhận giải thì cũng là điều bất ngờ, không bao giờ nghĩ đến giải như thế, quá mức suy nghĩ của mình.

Chị Dương Thị Tuyết

Chị cho biết các chị em vay vốn quỹ tình thương thì không phải thế chấp tài sản mà chỉ phải có giấy bảo lãnh của một thành viên trong gia đình như bố, mẹ, chồng, con hoặc anh chị em, cùng bảo lãnh của cán bộ cụm.

Quỹ tình thương ra đời từ đầu những năm 1990 với mục đích giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và cải thiện địa vị cho phụ nữ nghèo, nghèo nhất và gia đình họ thông qua các dịch vụ tài chính và phi tài chính. Các chị em như chị Tuyết tham gia quỹ được gọi là các thành viên. Cho đến nay quỹ này đã quy tụ được hơn 40,000 thành viên trong cả nước và hoạt động ở trên 10 tỉnh, thành phố.

Khi được hỏi về kế hoạch kinh doanh sắp tới, chị Tuyết cho biết chị muốn đem các sản phẩm mình đến nhiều thành phố trong cả nước và thậm chí còn đi xa hơn, ra thế giới, một ước mơ chắc không quá lớn đối với người phụ nữ bé nhỏ có nghị lực phi thường như chị.

Mọi thư từ đóng góp ý kiến cho chương trình, xin quý vị gửi về www.facebook/VietHaRFA hoặc email về địa chỉ vietha@rfa.org

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.