Những người mẹ đơn thân

Những người mẹ nuôi con một mình đã có từ ngàn xưa. Họ mang thai, sinh nở và nuôi dưỡng con trong đơn độc, không có người đàn ông bên cạnh và đối diện rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Phong Thu, thông tín viên RFA
2012.09.25
044_B67324125(1)-305.jpg Một bà mẹ đơn thân dắt con tới trường.
AFP photo

Ngày càng tăng

Không ai thích nuôi dạy con một mình trừ những trường hợp bất đắc dĩ như chồng chết, ly dị hoặc mang thai ngoài ý muốn.

Vào những thế kỷ trước, tỉ lệ phụ nữ nuôi con một mình rất thấp trừ khi có biến động lớn. Nhưng ngày nay, con số người mẹ độc thân ngày càng tăng cao và nhiều người còn cho đó là hiện tượng bình thường. Họ còn cổ xuý cho phong trào nuôi con một mình.

Theo thống kê của Hoa Kỳ, “Single Mother Statistics” hiện tượng độc thân làm mẹ rất phổ biến và có chiều hướng gia tăng. Vào thập kỷ 1960, số người mẹ độc thân nuôi con chỉ chiếm 9%, năm 2000 là 20%, năm 2007 là 27%. Trong năm 2011, có 11.700.000 gia đình chỉ có phụ nữ nuôi con một mình, chiếm tỉ lê 85.2%, và đàn ông nuôi con một mình chiếm tỉ lệ 14.8%. Nét đặc biệt ở đây mà chúng ta cần biết đến là khoảng 45% các bà mẹ độc thân chưa bao giờ kết hôn, khoảng 55% ly hôn, ly thân hoặc goá bụa. Ngoài ra có một số phụ nữ chọn lựa có con, thông qua thụ tinh nhân tạo hoặc qua ống nghiệm và xin con nuôi. Có khoảng 50% phụ nữ chỉ có một con và 30.2% có hai con.

Thống kê mới nhất làm chúng ta ngạc nhiên là phụ nữ da trắng nuôi con một mình chiếm 2/5, 1/3 da đen, ¼ người Spanish. Về trình độ văn hoá ¼ có bằng đại học, 1/6 chưa tốt nghiệp trung học; có khoảng 2/5 bà mẹ độc thân đi làm việc toàn thời gian bên ngoài và ¼ thì thất nghiệp quanh năm.

Theo thống kê của Bộ Lao Động (Labor Department), năm 2011, có 2.3 triệu phụ nữ có con dưới 18 tuổi thất nghiệp, chiếm tỉ lệ hơn một nửa –có khoảng 1,200.000 trên tổng số các bà mẹ thất nghiệp và thu nhập của họ dưới $25,000 một năm ($24,487). Trong khi đó, một gia đình có đủ vợ chồng thu nhập trung bình là $77,749 một năm. Họ chỉ nhận được sự hổ trợ từ chính phủ khoảng $300 một tháng.Tỷ lệ nghèo cho gia đình một mẹ chiếm là 40,7% so với 8,8% đối với gia đình có đủ vợ chồng. Đa số các trẻ em nghèo chiếm 24% và có ba phần tư các gia đình vô gia cư là những gia đình người mẹ độc thân.

Trao đổi với nữ nhạc sĩ Miên Du Đà Lạt, chị tâm sự về cuộc sống người mẹ độc thân nuôi con một mình hơn 20 năm gặp rất nhiều khó khăn:

NS Miên Du: Nếu nói về khó khăn rất nhiều khó khăn, biết bao khó khăn cho những người mẹ độc thân. Những người ở nhà nuôi con hưởng trợ cấp chính phủ thì dễ dàng hơn. Miên Du vừa đi học đại học, vừa đi làm vừa lo cho các con nên rất khó khăn. Những cái gì không may mắn đến với mình thì mình cũng phải chấp nhận những khó khăn đó. Miên Du cũng đã vượt qua trên 20 năm, nay các cháu đã vào đại học. Sống trong gia đình có đủ cha đủ mẹ thì các cháu lớn lên vẫn vui hơn, hay hơn. Thí dụ mẹ bận làm việc thì bố dẫn con đi chơi. Đời sống của tuổi thơ tốt đẹp hơn.

Nếu mình bị rủi ro không may mắn hôn nhân đổ vỡ phải nuôi con một mình đó là những điều không có gì vui đâu. Một mình nuôi con mà không kỹ càng, không kỷ luật, không chú ý đến con cái thì những đứa bé sẽ đi vào băng đảng, hay bịnh trầm cảm sẽ đến với con mình, nó không tốt những chuyện đó. Khi chọn lựa thì bất cứ ai, người phụ nữ hay nam giới đều muốn có một mái ấm gia đình, vẫn muốn chọn một người vợ tử tế, một người chồng tử tế để chung sống với nhau tốt hơn là sống một mình.

Thiệt thòi cho phụ nữ ...

Mẹ dắt tay con, ảnh minh họa. AFP photo
Mẹ dắt tay con, ảnh minh họa. AFP photo
Mẹ dắt tay con, ảnh minh họa. AFP photo
Chính phủ Mỹ có chương trình trợ giúp phiếu thực phẩm dành cho hầu hết hai phần ba của tất cả các bà mẹ độc thân, có 41% trẻ em của các bà mẹ độc thân, nhận được phiếu thực phẩm và 59% không. Mặc dù 2/5 các bà mẹ độc thân là người nghèo, nhưng chỉ có 1/10 nhận trợ cấp TANF. Trong một thông báo của Center On Budget and Policy Priorities có trụ sở tại Wahington D.C, ông Liz Schott và Ife Finch đã viết bài “Phúc Lợi TANF Thấp Không Theo Kịp Lạm Pháp - Phúc Lợi Không Cung Cấp Đủ Nhu Cầu Cơ Bản.” (TANF BENEFITS ARE LOW AND HAVE NOT KEPT PACE WITH INFLATION-Benefits Are Not Enough to Meet Families’ Basic Needs), Liz Schott and Ife Finch có viết rằng “chương trình trợ giúp của chính phủ không đủ so với thực tế và không thể giúp cho họ giảm được đói nghèo một cách triệt để…”. Liz Schott cho biết thêm “Trong tất cả các tiểu bang, trợ cấp TANF (Temporary Assistance for Needy Families) mức tối đa lợi ích cho một gia đình ba người đã giảm đi - đôi khi còn ít hơn một nửa của Mức Nghèo Liên Bang (FPL), và ít hơn so với tiền thuê HUD-Fair Market, cho một căn hộ hai phòng ngủ. Mục đích đầu tiên của TANF là để cung cấp hỗ trợ cho các gia đình nghèo để trẻ em có thể được chăm sóc tại nhà riêng của họ hoặc những người thân. Tuy nhiên, các khoản trợ cấp hỗ trợ không đủ để đáp ứng mục tiêu này.”

Trên Tạp Chí “SingleMom” cho biết, tỉ lệ người mẹ độc thân nuôi con gia tăng nhanh nhất là do tình trạng ly hôn tại Hoa Kỳ trong những năm gần đây tăng rất cao. Thời gian đầu của ly hôn mà người phụ nữ cần vượt qua không phải dễ dàng. Cảm giác trái tim vỡ nát, nước mắt, sự giận dữ và sự tổn thương tinh thần vẫn cứ mang theo suốt một thời gian rất dài, có khi cả cuộc đời không muốn lập gia đình lần thứ hai.

Khi chọn lựa thì bất cứ ai, người phụ nữ hay nam giới đều muốn có một mái ấm gia đình, vẫn muốn chọn một người vợ tử tế, một người chồng tử tế để chung sống với nhau tốt hơn là sống một mình.

NS Miên Du

Theo bà Nijole V. Benokraitis, Tiến sĩ Xã Hội Học chuyên nghiên cứu về vấn đề Hôn Nhân và Gia Đình (Marriages & Families) và vai trò giới tính, bà đã nói rằng người mẹ đóng một vai trò quan trọng, hỗ trợ tinh thần và nuôi dưỡng duy trì hạnh phúc gia đình. Người mẹ là một liên kết bền chặt các thành viên trong gia đình sau lưng người cha, là người chăm sóc trực tiếp đến các con.

Trẻ em sẽ dựa vào mẹ nhiều hơn bởi vì đặc điểm của họ là bảo vệ, nuôi dưỡng, từ một mối quan hệ mẹ con được thành lập từ khi mang thai cho đến lúc sinh con, và tiếp tục chăm lo khi đứa trẻ lớn khôn. Khi không có người đàn ông bên cạnh, bà mẹ độc thân phải trở thành trụ cột gia đình. Họ phải thực hiện đầy đủ hai bổn phận vừa làm cha, vừa làm mẹ. Do đó, bà mẹ không có đủ thời gian cần thiết để hỗ trợ, chăm sóc, giám sát con cái đầy đủ. Cho dù, người mẹ có tài giỏi đến đâu, có mang cho con thật nhiều hạnh phúc nhưng trẻ em vẫn cảm thấy thiếu thốn, và bị tổn thương về tinh thần.

Theo tài liệu của Wikipedia, 3 khu vực trên thế giới có nhiều phụ nữ ngoài hôn nhân sinh con là Mỹ La Tinh, Nam Phi, Thụy Điển. Nơi có tỉ lệ trẻ em sống với cha hoặc mẹ độc thân cao nhất là Châu Phi, Châu Âu, Bắc Mỹ và Châu Đại Dương. Nam Phi đạt tỉ lệ cao nhất so với các vùng. Các nước Á Châu và Trung Đông tỉ lệ ly dị thấp hơn và con cái được cha mẹ nuôi dưỡng.

... và cả trẻ em

Ảnh minh họa. AFP photo
Ảnh minh họa. AFP photo
Ảnh minh họa. AFP photo
Tại Việt Nam, chưa có con số thống kê đầy đủ về những bà mẹ độc thân nuôi con. Nhưng nếu chúng ta quan sát “4 xóm không chồng” trên đồi chè vùng cao huyện Hiên, hiện nay là huyện Đông Giang, Tây Giang, Quảng Nam mới thấy được nỗi cô đơn vô tận và sự chịu đựng, tủi hổ của người mẹ không chồng mà lại có con. Những người mẹ độc thân tại Việt Nam chịu rất nhiều áp lực. Chính phủ cũng không có một chính sách nào để hỗ trợ nên họ không chỉ khổ về vật chất mà còn khổ về cả tinh thần. Những đứa trẻ sinh ra lớn lên luôn bị bạn bè chế giễu và xa lánh. Chúng bị tổn thương tâm lý và luôn hỏi mẹ rằng “Cha con là ai hở mẹ?” Đó là sự mất mát của trẻ em không có gì có thể bù đắp được.

Tại xã Tân Minh, một xã nghèo, có khoảng 3.687 gia đình, nhưng trong đó đã có hơn 200 phụ nữ nuôi con mà không có chồng. Những người phụ nữ độc thân tại đây đều nghèo khổ, ít học, gia cảnh khó khăn và luôn tự ti, mặc cảm. Họ gần như chịu đựng tất cả sự bất hạnh và không thể tìm được hạnh phúc cho cuộc đời mình.

Hiện nay, sự kỳ thị của xã hội đối với các bà mẹ độc thân đã giảm đi. Nhưng họ vẫn luôn cảm thấy tủi thân, cô đơn. Khi Việt Nam đã mở cửa nhìn ra thế giới bên ngoài, người phụ nữ Việt Nam cũng mạnh dạn hơn, tự tin hơn và có việc làm ổn định. Nhiều người học thức, xinh đẹp nhưng họ chấp nhận không chồng mà có con.

Trao đổi với chị Lê Thị Hoa, giáo viên dạy học tại trường phổ thông cấp 2 Nguyễn Hoà Bình, Sài Gòn. Chị cho biết:

Ông chồng em có nhiều thay đổi và bắt đầu có nhiều tính toán và sau đó thì lăng nhăng bên ngoài. Khi em biết được ổng có người đàn bà khác bên ngoài thì em phát hiện em đã có thai 3 tháng. Em có nói chuyện với chồng em nhưng chồng em không còn sáng suốt và không còn có tình cảm với mình nữa, anh đã bị người đàn bà bên ngoài mê hoặc. Cho nên đã bỏ luôn đứa con không thèm quan tâm với đứa con rồi dứt khoát chia tay với em để theo người đàn bà đó. Em đành phải chịu như vậy.

Cho đến khi đứa bé chào đời, cũng không có tới thăm hỏi con mình và tới bây giờ đã 11 năm, đứa con đã 11 tuổi, người chồng cũng không bao giờ thăm viếng đứa con của mình.

Chị Lê Thị Hoa, Sài Gòn

Cuối cùng thì chia tay, em sống một mình trong thời gian mang bầu rất cay đắng và người chồng không hề hỏi han quan tâm. Cho đến khi đứa bé chào đời, cũng không có tới thăm hỏi con mình và tới bây giờ đã 11 năm, đứa con đã 11 tuổi, người chồng cũng không bao giờ thăm viếng đứa con của mình.

Ngày nay, tại Việt Nam, phụ nữ có học và có công ăn việc làm vững vàng. Họ nhìn thấy những người có chồng bất hạnh. Đàn ông Việt còn chịu ảnh hưởng tư tưởng phong kiến, bề trên, gia trưởng, bạo hành vợ dẫn đến ly hôn gia tăng.

Các chuyên gia tâm lý đã có kết luận chung cho việc làm mẹ đơn thân ngày càng gia tăng ở hầu hết các nước, mà nguyên nhân chính là cuộc sống hôn nhân và gia đình có quá nhiều rủi ro. Nhiều người không còn tin rằng hôn nhân sẽ mang lại cho họ hạnh phúc. Họ đã mất lòng tin vào người bạn đời của mình.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.