Châu Á thiếu các phụ nữ làm lãnh đạo

Một báo cáo mới đây của công ty Mckinsey có trụ sở tại Mỹ cho thấy tại một số nước ở châu Á, tỷ lệ phụ nữ làm lãnh đạo ở các công ty rất thấp, thậm chí thấp hơn nhiều so với tỷ lệ này ở các nước phát triển tại châu Âu và Mỹ.
Việt Hà, phóng viên RFA
2012.07.24
044_B56645404-305.jpg Ảnh minh họa một phụ nữ đang trình bày một dự án trong công ty
AFP photo

Điều gì đã cản trở phụ nữ châu Á đạt được những vị trí cao hơn trong sự nghiệp của họ? việc thiếu phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo tại công ty gây khó khăn thế nào đến sự thành công của các doanh nghiệp?

Ít phụ nữ lãnh đạo

Bản báo cáo có tên gọi tạm dịch là phụ nữ quan trọng của công ty McKinsey cho thấy một bức tranh không mấy lạc quan về sự đóng góp của nữ giới trong các vị trí lãnh đạo của các công ty ở châu Á, khi tỷ lệ nữ giới trong hàng ngũ lãnh đạo của các công ty được điều tra chỉ chiếm từ 6 đến 8%. Tỷ lệ này ở các nước phát triển ở châu Âu và Mỹ là từ 10 đến 20%.

Báo cáo lần này của Mckinsey tập trung vào 10 thị trường ở châu Á bao gồm Úc, Hồng Kông, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Nam Hàn và Nhật Bản. Những người tham gia điều tra là khoảng 1500 lãnh đạo của hơn 700 công ty lớn tại các thị trường này.

Theo báo cáo của McKinsey, Singapore là nước có tỷ lệ nữ trong đội ngũ lãnh đạo của các công ty cao nhất ở mức 15%, tiếp theo đó là Úc, Hồng Kông, Trung Quốc. Trong khi đó Nhật bản và Nam Hàn là những thị trường có tỷ lệ nữ làm lãnh đạo công ty rất thấp ở mức dưới 3%.

Theo ông Dominic Barton, Giám đốc điều hành của McKinsey, việc thiếu vắng phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo của các công ty có tác động xấu đến sự thành công của doanh nghiệp.

"Từ quan điểm cạnh tranh thu hút người tài, nếu chúng ta không tìm được cách để tạo điều kiện cho phụ nữ thành công trong công ty thì công ty cũng không thể thành công."

Nhìn vào bức tranh lớn hơn là GDP của cả nước, việc phụ nữ tham gia vào mọi cấp độ của thị trường lao động giúp làm tăng trưởng nền kinh tế. Ông Dominic Barton lấy ví dụ từ nước Mỹ:

"Ở Mỹ, 25% GDP mà chúng ta có được bây giờ của quá trình xây dựng trong suốt 40 năm qua là đến từ sự đóng góp của phụ nữ trong đội ngũ lao động."

Mckinsey dự đoán việc tăng tỷ lệ nữ trong đội ngũ lao động của Malaysia sẽ giúp nước này thu hẹp được khoảng cách với Singapore và Nam Hàn về kinh tế từ 6 tỷ RM đến 9 tỷ RM.

Gánh nặng kép

Một phụ nữ trong vai trò điều hành công ty, ảnh minh họa.  AFP photo
Một phụ nữ trong vai trò điều hành công ty, ảnh minh họa. AFP photo
Một phụ nữ trong vai trò điều hành công ty, ảnh minh họa. AFP photo
Có nhiều nguyên nhân làm hạn chế sự tham gia của phụ nữ vào hàng ngũ lãnh đạo của các công ty ở châu Á. Cô Jin Wang, đồng tác giả bản báo của McKinsey cho biết:

"Có những rào cản về văn hóa, cái mà chúng tôi gọi là gánh nặng kép của phụ nữ. Phụ nữ phải cân đối giữa việc công ty và việc nhà mà thường thì trách nhiệm việc nhà được coi là chủ yếu. Đó là rào cản chính đối với các phụ nữ ở châu Á, và nó cũng là rào cản chung cho phụ nữ ở các nước phát triển".

Có cùng ý kiến với cô Jin Wang, chị Thanh, chủ một doanh nghiệp tư nhân ở Sài Gòn cho biết:

"Trong xã hội Việt Nam mình bây giờ phụ nữ vẫn phải là người chính lo việc nhà, lo con cái. Mình thường nói phụ nữ làm quản lý một doanh nghiệp thì phải làm gấp đôi người đàn ông. Nếu đi ra đường, thì họ vẫn phải làm việc giống như một người đàn ông thực sự làm kinh tế. Khi về nhà thì vẫn phải đảm đương vai trò phụ nữ."

Là chủ một doanh nghiệp tư nhân nhỏ, chị Thanh thường xuyên phải bận rộn tiếp khách để đàm phán, ký hợp đồng. Công việc bận rộn khiến chị nhiều khi về nhà muộn và không có nhiều thời gian để chăm sóc cho 2 con nhỏ. Chị luôn cảm thấy áy náy mỗi khi bận việc cơ quan về muộn.

Tâm lý cho rằng đã làm lãnh đạo là phải sẵn sàng làm việc ở mọi nơi, mọi lúc là một rào cản khác khiến phụ nữ không thể tham gia nhiều hơn vào các vị trí lãnh đạo cao cấp của các công ty. Có đến 29% số người được hỏi có suy nghĩ này. Cô Jin Wang cho biết:

"Lãnh đạo các công ty ở châu Á có suy nghĩ là đã làm lãnh đạo thì phải làm việc ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào cần thiết. Đó là chỉ dấu cho thấy sự cống hiến và cam kết của bạn cho công ty. Điều này đang gấy khó khăn cho phụ nữ, những người đang phải chịu gánh nặng kép."

Gánh nặng gia đình, sinh con đẻ cái cũng khiến người phụ nữ bị mất đi một số thời gian làm việc cho công ty, mất đi cơ hội để có thể leo dần lên nấc thang sự nghiệp. Báo cáo của McKinsey cho thấy 30% số doanh nghiệp được hỏi cho biết phần đông những phụ nữ làm lãnh đạo thường phải bỏ việc tự nguyện để lo cho gia đình. Tại các nước như Ấn Độ, Nam Hàn và Nhật bản, có đến gần 50% số người được hỏi cho biết như vậy. Điều này cho thấy cái nhìn về văn hóa truyền thống của phụ nữ và nam giới là điều đã ngăn cản sự phát triển của phụ nữ. Trong khi đó tại các nước như Úc, Trung Quốc, Singapore, và Hồng kông, nghĩa vụ gia đình ít ảnh hưởng đến quyết định đi làm của người phụ nữ  hơn so với ở các nước khác.

Bản thân chị Thanh cho biết chị cũng đã từng phải hy sinh việc công ty cho gia đình trước kia. Chị nói:

"Xưa mình làm công ty khác cũng vậy, khi mình có con thì mình phải chấp nhận thụt lùi hơn so với những người phụ nữ khác."

Tâm lý chấp nhận này của người phụ nữ cũng thể hiện trong bản báo cáo của McKinsey khi có đến 22% số người được hỏi cho rằng phụ nữ thường có ít tham vọng hơn nam giới.

Bình đẳng giới

Đồng nghiệp. Ảnh minh họa. AFP photo
Đồng nghiệp. Ảnh minh họa. AFP photo
Đồng nghiệp. Ảnh minh họa. AFP photo
Trong khi bản thân người phụ nữ tự nhận thức gánh nặng gia đình và chịu chấp nhận hy sinh việc công ty cho việc gia đình, bản thân nhiều công ty cũng không mặn nồng lắm với việc cất nhắc phụ nữ lên các vị trí lãnh đạo. Có đến 70% lãnh đạo công ty được hỏi trong báo cáo của McKinsey cho biết việc bình đẳng giới trong hàng ngũ lãnh đạo của công ty không phải là ưu tiên chiến lược của công ty. Chỉ có khoảng 40% nói rằng họ hy vọng công ty sẽ có những nỗ lực để cải thiện tình hình trong vòng 5 năm tới.

Là chủ một doanh nghiệp, chị Thanh cho biết mặc dù chị hiểu những khó khăn của người phụ nữ đi làm, nhưng khi cất nhắc các vị trí lãnh đạo chị thường ưu tiên nam giới hơn. Chị nói:

"Đối với mình thì mình thấy là nếu nhân viên có năng lực thật sự thì mình sẽ cất nhắc lên thôi, không tính đến chuyện nam hay nữ. Nhưng mà nói không xem xét nhiều thì khôgn có nghĩa là không có xem xét chút nào. Để mà mình nâng một nhân viên nào đó lên mình phải xét những thứ xung quanh của người ta không, con người ta bao nhiêu tuổi, có thời gian không, có bị ràng buộc chuyện gia đình không. Còn khi mình cất nhắc nhân viên nam thì mình ít phải xem xét các vấn đề đó. Đứng ở góc độ người lãnh đạo công ty thì mình cũng phải suy xét sao cho nó tiện nhất cho công ty, vì lợi ích của công ty là chính."

Trong xã hội Việt Nam mình bây giờ phụ nữ vẫn phải là người chính lo việc nhà, lo con cái. Mình thường nói phụ nữ làm quản lý một doanh nghiệp thì phải làm gấp đôi người đàn ông.
Chị Thanh, chủ DN ở SG

Một nguyên nhân khác cản trở sự thăng tiến của phụ nữ trong các công ty tại nhiều nước chau Á là tỷ lệ nữ tham gia thị trường lao động. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với các nước phương Tây vốn ở mức 60 đến 70%. Tại Ấn Độ, trong 3 phụ nữ, chỉ có một người có một việc làm chính thức, trong khi hàng triệu người phụ nữ làm các công việc không chính thức khác như làm ruộng hoặc làm cho các doanh nghiệp gia đình nhỏ.

Điều này nảy sinh một vấn đề khác, đó là rào cản về giáo dục. Đây cũng chính là một khó khăn cho phụ nữ. Tại Ấn độ, năm học 2009 đến 2010, chỉ có 10 đến 15% sinh viên vào các trường quản lý danh tiếng là phụ nữ.

Báo cáo của Mckinsey cho thấy có một số công ty ở châu Á đã tuyển dụng rất nhiều phụ nữ vào làm việc cho mình và cất nhắc lên các vị trí lãnh đạo. Điển hình là công ty mỹ phẩm Shiseido của Nhật bản, hay công ty Cisco của Mỹ. Điều này cho thấy việc tuyển được những phụ nữ có đủ trình độ vào làm việc không phải là quá khó. Vấn đề nằm ở chỗ làm sao để giữ được họ làm việc cho công ty. Điều này còn phụ thuộc vào chính sách của từng công ty, và cao hơn cả là chính sách khuyến khích phụ nữ của từng quốc gia.

Mọi thư từ đóng góp ý kiến cho chương trình, xin quý vị gửi về www.facebook.com/vietharfa hoặc email về địa chỉ vietha@rfa.org

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.