Những hòn vọng phu

Có lẽ hiếm có nơi đâu, chiến tranh ròng rã đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người và để lại hàng triệu người phụ nữ mất chồng mất con như ở Việt Nam.
Việt Hà, phóng viên RFA
2012.09.11
_MG_0278-305.jpg Những người vợ ngư dân cảng cá Kỳ Hà, Quảng Nam lựa cá sau chuyến đi biển của chồng
RFA photo

Giờ đây khi thời bình đã đến, vẫn còn rất nhiều phụ nữ tiếp tục bị mất chồng, mất con, nhưng không phải do chiến tranh, mà do gió bão và lòng người. Đó là câu chuyện của những người vợ, người mẹ của các ngư dân Quảng Ngãi.

Chiều chiều ra bến ngó mong, ngóng ai lại ngóng đợi người Hoàng Sa.

Chiều chiều ra ngóng biển xa, ngóng người đi lính Hoàng Sa chưa về.

Đối với nhiều người dân quảng ngãi, câu hò chờ người về từ Hoàng Sa này đã trở thành quen thuộc từ nhiều đời nay. Nó như lời tâm sự da diết, khắc khoải của những người phụ nữ nơi đây, những người có chồng, con đi đánh bắt cá ngoài biển, nhiều người trong số họ đã không bao giờ trở lại.

Những ngư dân không trở về

Chị Ngô Thị Việt, 47 tuổi, vợ của anh Lê Minh Tân, thuyền trưởng tàu QNg 661 92 thuộc huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi tâm sự:

Lúc đó không may cho anh. Chuyến đó anh đi là trước tết, anh quyết tâm đi trước tết. Chị không biết sao mà chồng chị ra đi mà không có ngày trở lại, ra đi mãi mãi luôn. Chị nghĩ chắc có lẽ Trung Quốc bắt anh rồi thủ tiêu luôn, hoặc bắt nhốt. Chị cứ trông miết mà tới giờ không về.

Anh Tân lúc đó 49 tuổi, đã ra khơi cùng với 5 thuyền viên khác vào ngày 17 tháng 11 âm lịch năm 2010, chỉ vài tuần trước tết. Người dân ở đây thường tính ngày tháng theo âm lịch thay vì dương lịch vì họ tin vào ngày đẹp để ra khơi. Đây cũng là chuyến ra khơi bình thường như bao nhiêu chuyến khác mà anh Tân đã thực hiện suốt hàng chục năm ròng bám biển, đảo, nhưng kết cục lại không như mong muốn.

10 ngày sau khi ra khơi, chị Việt vẫn nhận được điện thoại của chồng gọi về báo tin. Đó đã là thông lệ mà anh vẫn giữ mỗi khi ra khơi. Anh luôn gọi điện về cho gia đình trong vòng 7 đến 10 ngày một lần. Sau khoảng 3 đến 4 tuần đánh bắt hải sản ngoài quần đảo Hoàng Sa, anh sẽ trở về trong sự mong chờ của vợ và con. Thế nhưng lần này lại khác. Sau lần điện thoại đầu tiên, anh Tân đã không bao giờ gọi điện lại. Chị Việt và ba người con vẫn chờ anh nhưng không bao giờ nhận được tin. Báo đài cũng không có bất cứ thông tin nào về gió bão, hay về các vụ đâm tàu, chìm tàu ngoài khơi vào lúc đó. Anh Tân cùng với 5 thuyền viên khác và con tàu đã mất tích hoàn toàn.

Chị không biết sao mà chồng chị ra đi mà không có ngày trở lại, ra đi mãi mãi luôn. Chị nghĩ chắc có lẽ Trung Quốc bắt anh rồi thủ tiêu luôn, hoặc bắt nhốt.
Chị Ngô Thị Việt

Không có tin tức gì trong vòng nhiều tuần lễ, chị Việt vẫn chờ. Chị chờ cho đến ngày 9 tháng giêng âm lịch năm 2011 mới quyết định làm mộ gió cho anh Chị nói:

Cứ đúng luật lệ đảo Lý Sơn, nếu lâu quá thì mình triệu hồn về. Lúc đó thì 2 tháng thì chị thấy lâu quá, vô lý sao không về. Lúc đó con chị đang học, chúng sắp thi. Mình làm vậy để ít nhất nó thấy cái mộ của ba nó để nó ra mộ tâm sự với ba, để nó làm tròn trách nhiệm với ba. Mồ mả xong xuôi để nó an tâm học. Chị làm để an ủi nó, dù không có xác ba nhưng có mồ ba. Nên 2 tháng chị làm lễ triệu hồn cho anh.

Người dân đảo Lý Sơn có phong tục làm mộ gió để chôn những hình nhân đất sét thay thế cho thân xác của người thật. Nhiều ngư dân đã bỏ mạng ngoài khơi xa, và người thân của họ không thể nào có được xác để đem chôn. Những người vợ, người mẹ của những người đã mất tích ngoài khơi, thuê thầy cúng nặn hình người bắt đất sét và làm lễ gọi hồn nhập vào hình nhân rồi xây mộ. Họ gọi là mộ gió.

Sự ra đi của anh Tân đã để lại nỗi đau tưởng như không thể vượt qua với chị Tân và các con. Chị đã ngã quỵ và tưởng chừng như không thể đứng dậy được. Ròng rã nhiều tháng trời chị nằm lay lắt, phải nhập viện cấp cứu. Tiền bạc trong nhà đội nón ra đi cùng với anh và con tàu. Đây không phải là lần đầu tiên chị mất tàu và tài sản, bởi trước đó anh Tân đã từng bị phía Trung Quốc bắt đến 3 lần tại Hoàng Sa, trong đó một lần bị mất tàu và tòan bộ tài sản. Đến lần cuối anh ra đi, chị ước tính gia đình chị còn nợ ngân hàng, bà con đến cả 400 triệu đồng mà không có cách nào trả nổi. Đau đớn, tuyệt vọng, nhưng rồi chị cũng gắng đứng dậy đi làm để nuôi con:

Lúc đó chị hết tiền. Sau đó có người cho chị mượn thêm 5,10 triệu thì chị đi làm thuê, đi rửa bát, người ta bảo đâu làm đó. Làm luôn ngày luôn đêm để nuôi con. Con chị đứa nào cũng học giỏi có hiếu nên chị không thể quỵ ngã được. Chị quỵ ngã 5, 6 tháng liền nhưng bây giờ phải cố gắng vươn lên để nuôi con. Nếu chị không đứng vững thì con chị sẽ đau lòng không vươn lên được nên chị cố gắng. Bất cứ việc gì chị cũng làm, vừa làm vừa khóc, nước mắt rơi chị vẫn làm, suốt ngày suốt đêm. Chị đi miết, không có ngày nào ngưng…

Không dám trú bão, vì sao?

Tàu đánh cá của ngư dân cảng cá Kỳ Hà, Quảng Nam. RFA photo
Tàu đánh cá của ngư dân cảng cá Kỳ Hà, Quảng Nam. RFA photo
Tàu đánh cá của ngư dân cảng cá Kỳ Hà, Quảng Nam. RFA photo
Bám biển, bám đảo, những ngư dân nơi đây cũng phải gánh chịu những trận bão biển khủng khiếp. Rất nhiều người trong số họ đã ra đi vì không chống chọi nổi với những cơn bão như vậy, để lại sau lưng họ vợ con bơ vơ. Đó là hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Hào, 56 tuổi, ở Bình Châu, Quảng Ngãi. Chồng và người con trai thứ ba của chị đã ra đi vì cơn bão số 1 vào tháng 4 năm 2008:

Chồng và con chị đi ghe vào mùng 6 tháng 3 năm 2008 rồi bị cơn bão số 1 thì ghe chìm mất tích luôn.

Chiếc tàu chở theo 10 thuyền viên bao gồm cả chồng và con chị Hào ra đi được 6 ngày thì cơn bão đến. Bão đến bất ngờ, hoàn toàn không vào mùa bão nên không ai tính đến. Gió bão giật cấp 13, 14. Những ngư dân trên con tàu tìm cách tránh bão tại một hòn đảo nhỏ, nhưng sóng lớn và gió mạnh đã đánh chìm ghe của họ. 10 người chống đỡ với bão, 9 người mất chỉ có một người may mắn được cứu thoát. Sau này được người trở về kể lại, chị Hào biết những ngư dân đã muốn được trú ẩn tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng sa nhưng không thể. Chị kể:

Hồi đó có đảo Phú Lâm, nhưng anh em  ra đó một lần năm 2006 bị bắt nhốt khoảng 20 ngày, lấy hết tài sản rồi phạt 135 triệu rồi cho về nên đợt năm 2008 không dám vô núp sợ nó bắt lấy đồ. Không dám vì sợ nó bắt, phạt thì không có tiền. Cuối cùng núp ở đảo Bom Bay ở giữa trời không có gì che.

Hồi đó có đảo Phú Lâm, nhưng anh em  ra đó một lần năm 2006 bị bắt nhốt khoảng 20 ngày, lấy hết tài sản rồi phạt 135 triệu rồi cho về nên đợt năm 2008 không dám vô núp sợ nó bắt lấy đồ.
Chị Nguyễn Thị Hào

Đến giờ chị Hào vẫn nghĩ mà thấy cái chết của chồng và con mình thật oan ức. Giá mà phía Trung Quốc không bắt chồng con chị trước kia, giá mà họ cho những ngư dân vô tội tránh bão thì đâu đến nỗi vợ mất chồng, con mất cha…

Chồng con ra đi để lại cho chị Hào gánh nợ gần 200 triệu đồng mà chị không biết làm cách nào để trả, bởi chị chỉ có thể đi làm thuê làm mướn những công việc trên bờ với thu nhập chưa đến 100 ngàn đồng một ngày. Một khoản thu nhập vừa đủ ăn chứ không có dư thừa để trả bất cứ một khoản nợ nào.

Đáng khâm phục

Andre Hồ Cương Quyết tác giả bộ phim "Hoàng Sa – Nỗi đau mất mát". AFP photo
Andre Hồ Cương Quyết tác giả bộ phim "Hoàng Sa – Nỗi đau mất mát". AFP photo
Andre Hồ Cương Quyết tác giả bộ phim "Hoàng Sa – Nỗi đau mất mát". AFP photo
Hoàn cảnh của những người như chị Việt, chị Hào và nhiều góa phụ khác tại Quảng Ngãi đã làm cho nhiều người xúc động. Câu chuyện của họ vì thế đã được đưa lên trong một bộ phim tài liệu có tựa ‘Hoàng Sa, nỗi đau mất mát’ của tác giả Hồ Cương Quyết. Ông Hồ Cương Quyết đã không giấu nổi những khâm phục của mình đối với những người phụ nữ này:

Họ không chờ ai giúp đỡ, không năn nỉ ai giúp đỡ, quyết định làm việc để có tiền nuôi con hàng ngày. Anh thấy họ thật dũng cảm, rất đáng kính phục, đúng là phụ nữ anh hùng. Những người đi biển đã anh hùng nhưng những người phụ nữ ở nhà như vậy phải chịu đựng như vậy cũng là anh hùng.

Không những thế, những người phụ nữ này cũng không muốn đi bước nữa. Họ ở vậy thờ chồng nuôi con. Để làm bộ phim của mình, tác giả Hồ Cương Quyết đã phỏng vấn rất nhiều những phụ nữ góa chồng tại Quảng ngãi, những người còn rất trẻ và họ đều có chung quyết định như vậy.

Anh thấy những phụ nữ này, anh hỏi chuyện họ, anh nói tôi là người nước ngoài nhưng quốc tịch Việt Nam và muốn hiểu về họ. Anh hỏi là chồng các bạn một số còn rất trẻ, 40, 35 tuổi thì làm sao các bạn có thể chịu đựng một mình nuôi con như vậy? làm sao để đối phó với vấn đề hàng ngày là ăn ở của gia đình con cái, tại sao không lấy chồng? Họ trả lời là sẽ không lấy chồng nữa, sẽ không có một người đàn ông nữa. Mình chung thủy với chồng của mình và dành suốt đời của mình cho con.

Với chị Việt mặc dù đã làm mộ gió cho chồng, nhưng trong thâm tâm, chị vẫn muốn tin có một ngày nào đó chồng mình sẽ trở về. Chị Việt tâm sự:

Chị mơ ước có ngày nào đó anh trở về với mẹ con chị. Chị không bao giờ nghĩ là anh chết. Chị nghĩ Trung Quốc bắt nhốt anh. Mẹ con chị ai cũng vậy, cũng mơ ước có ngày anh về. Chị cứ ngó ra đường, cứ thấy tiếng còi tiếng động là chị tưởng tượng chồng chị về. Mẹ con chị lúc nào cũng nhìn ra chỗ tàu an đậu, trông đợi hoài. Bé Thanh cứ nói mai mốt ba về. Mình vẫn làm mộ gió cho ba nó nhưng không nghĩ anh mất.

Họ không chờ ai giúp đỡ, không năn nỉ ai giúp đỡ, quyết định làm việc để có tiền nuôi con hàng ngày. Anh thấy họ thật dũng cảm, rất đáng kính phục, đúng là phụ nữ anh hùng.
Ông Hồ Cương Quyết

Đó cũng là tâm sự của chị Hào. Chị cũng muốn tin chồng và con chị đã được cứu thoát ở một đảo xa xôi nào đó, và có một ngày nào đó họ sẽ trở về. Chị vẫn ra mộ gió thắp hương cho anh và con. Mỗi lần ra mộ chị lại khóc và khấn cho họ bình an trở về, dù đã gần 5 năm trôi qua kể từ khi anh và con mất tích trên biển.

Mọi thư từ đóng góp ý kiến cho chương trình, xin quý vị gửi về địa chỉ www.facebook.com/vietharfa hoặc email về địa chỉ vietha@rfa.org

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.