Đi biển mồ côi

Hiện nay, khoa học, y tế phát triển vượt bực. Nhưng hàng ngày, vẫn có hàng ngàn phụ nữ tử vong trong thời kỳ mang thai và sinh con.
Phong Thu, thông tín viên RFA
2012.11.02
vietnam_0018-305.jpg Một em bé sơ sinh tại Việt Nam đang được Bác Sĩ thuộc Tổ chức Project Vietnam giúp đỡ.
Photo courtesy of pvnf.org

Đàn ông đi biển có đôi

Đàn bà đi biển mồ côi một mình

Câu hát dân gian của Việt Nam đã có từ ngàn xưa. Nhưng nó vẫn có giá trị cho đến ngày nay. Chức nămg thiên phú của người phụ nữ là làm mẹ. Người mẹ từ khi mang thai cho đến sinh con là một quá trình lao động nặng nhọc, gian khổ, và đầy hy sinh. Hiện nay, khoa học, y tế phát triển vượt bực. Nhưng hàng ngày, vẫn có hàng ngàn phụ nữ tử vong trong thời kỳ mang thai và sinh con.

Mỗi phút có một phụ nữ chết

Theo tạp chí The Guardian online cho biết, mỗi phút trong một ngày, có một người phụ nữ đã chết ở một nơi nào đó trên thế giới do ngăn ngừa các biến chứng trong thời kỳ mang thai hoặc sinh con.

Trong một bản báo cáo gần đây nhất, Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tổng kết, mỗi năm, có 536.000 phụ nữ và trẻ em gái chết do kết quả của biến chứng trong quá trình mang thai, sinh con hoặc sáu tuần sau khi sinh nở. Các ca tử vong 99% đều xảy ra ở các nước nghèo và đang phát triển. Tỷ lệ phụ nữ sinh con tử vong là một trong các chỉ số y tế cho thấy khoảng cách lớn nhất giữa người giàu và người nghèo, giữa các nước và trong các quốc gia khác nhau. Các nước phát triển báo cáo có 9 phụ nữ sinh con tử vong trên 100.000 người. Trong khi đó, có 14 nước đang phát triển có từ 450 đến 1.000/100.000 người. Một nửa trong số tất cả các bà mẹ sinh con tử vong, hoặc nạo phá thai không an toàn xảy ra ở nước Cận Châu Phi (Sub-Saharan Africa), và vùng phía Nam Châu Á (Southern Asia). Hai vùng này chiếm tỉ lệ 85%.


Chúng tôi chết vì không có kiến thức. Chúng tôi chết vì nghèo đói. Chúng tôi chết vì ở đó không có gì cả, không có ai nghe được những câu chuyện của chúng tôi.

Một phụ nữ Sierra Leone

Ở Châu Phi cận Sahara - cứ 16 phụ nữ sinh con hoặc mang thai thì có một người tử vong.Trong khi Sierra Leone 1/21, ở nước Rwanda 1/35. Phụ nữ ở Niger, Liberia và Somalia 1/7. Nguyên nhân hàng đầu người mẹ tử vong do nhiễm trùng, xuất huyết và sinh khó nguy cơ chấn thương của mẹ và cái chết mà xuất phát từ phá thai không an toàn. Đặc biệt xảy ra cho thanh thiếu niên.

Một phụ nữ tại Sierra Leone đã kể những câu chuyện thương tâm cho Tổ Chức thiện nguyện Ammestry International nghe về nguyên nhân những cái chết của những người phụ nữ sinh con:

“Tôi nghĩ đất nước Sierra Leone đang đối diện với nhiều vấn đề rất khó khăn nên phụ nữ sinh con tử vong cũng xảy ra thường xuyên và có nhiều trường hợp rất khác nhau. Bệnh viện thiếu thốn, không có thuốc men, thiếu y tá và bác sĩ. Dù có y tá hay bác sĩ nhưng họ không được huấn luyện tốt. Trạm xá, bệnh viện rất xa. Không có xe cộ di chuyển, không có xe cấp cứu. Họ phải đi bộ 2, 3 miles mới đến nơi. Bác sĩ có gia đình nhưng có khi làm việc hai ba tháng không có lương để nuôi gia đình. Phụ nữ không hiểu rằng mình phải bảo vệ sức khoẻ, có một nơi tử tế để cư trú và có nguồn nước sạch để sinh hoạt. Tôi nhận ra rằng: Chúng tôi chết vì không có kiến thức. Chúng tôi chết vì nghèo đói. Chúng tôi chết vì ở đó không có gì cả, không có ai nghe được những câu chuyện của chúng tôi.”

Cần quan tâm giáo dục

Những em bé sơ sinh tại Việt Nam đang được Tổ chức Project Vietnam giúp đỡ. Photo courtesy of pvnf.org
Những em bé sơ sinh tại Việt Nam đang được Tổ chức Project Vietnam giúp đỡ. Photo courtesy of pvnf.org
Theo thống kê của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), Indonesia có số phụ nữ sinh con và phá thai tử vong cao nhất Đông Nam Á. Có 1,000 bà mẹ sinh con thì có hơn 3 người tử vong (3.7%). Tổng số phụ nữ tử vong do sinh con năm 2011 là 2, 3 triệu người.

Singapore, tỉ lệ phụ nữ tử vong khi sinh con chiếm tỉ lệ thấp nhất Đông Nam Châu Á. 10/100.000. (0.1%)

Ở Việt Nam, mấy tháng gần đây, sản phụ tử vong tăng cao. Có khi mẹ và con chết cùng một lúc khiến mọi người lo lắng.

Theo báo Người Lao Động đăng tải vào 9 tháng 5 năm 2012 vừa qua, Hội Đồng Khoa Học Sở Y Tế Sài Gòn cho biết tỉ lệ tử vong sản khoa tại Việt Nam cao gấp 5 lần các nước đang phát triển, có khoảng 75/100.000 (.75%).

Nhưng theo tài liệu của Wikipidea, đăng tải trong mục“Sức khỏe phụ nữ và "sức khỏe sinh sản" cho biết tại Việt Nam, tỉ lệ người mẹ tử vong vẫn còn ở mức cao 29,9/1.000, đặc biệt ở miền Trung, cao nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc. Tỷ lệ nạo phá thai ở Việt Nam cao nhất thế giới. Nguyên nhân là do tình hình quan hệ tình dục ở lứa tuổi vị thành niên, trước và ngoài hôn nhân của vị thành niên và thanh niên ngày càng nghiêm trọng, không chỉ phổ biến ở các thành phố lớn, các khu đô thị mà xuất hiện ngày càng nhiều ở các vùng nông thôn.

Bác sĩ Quỳnh Kiều, đang làm việc tại quận Cam từ năm 1979, đồng thời cũng đang giảng dạy tại University of California Irvine với chức vụ Phó Giáo Sư Nhi khoa. Bà là sáng lập viên và Chủ tịch cho Project Vietnam, một chương trình trợ giúp y tế quốc tế của AAP. Project Vietnam gửi những phái đoàn y tế về thôn quê để phẫu thuật mắt và tái tạo cũng như khám bệnh tại các vùng xâu vùng xa. Project Vietnam đào tạo cho giới y tế VN và đã xây dựng những dự án mẫu rất thành công về sức khỏe trẻ em, đào tạo huấn luyện cho gần 5,000 nhân viên y tế. Trong ba năm gần đây, Project Việt Nam đã bắt đầu xây dựng một chương trình chăm sóc sức khoẻ cho những người mẹ. Bác sĩ Quỳnh Kiều cho biết những hoạt động của Project Việt Nam như sau:


Mỗi một ngày là có thể khoảng từ 5 đến 7 phụ nữ ở Việt Nam tử vong vì các lý do trong các thời kỳ sinh sản điều đó thật là đau lòng.

BS Quỳnh Kiều

Project Việt Nam đã bắt đầu từ năm 1996. Qua 17 năm nay, đã đem 3.000 tình nguyện viên về làm việc tại Việt Nam. Ngoài ra, tôi chưa kể là những bác sĩ, y tế và những tình nguyện viên ở Việt Nam cũng bắt tay với chúng tôi để thực hiện những dịch vụ cho dân chúng nghèo khó, chúng tôi đã phục vụ cho 32 tỉnh toàn quốc, nếu kể thì cũng hơi nhiều.”

Những vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh, không có phương tiện giao thông và ít ai quan tâm tới. Những nơi này dân chúng sống nghèo khổ, trạm xá bệnh viện gần như không có dụng cụ thuốc men. Y tá, bác sĩ rất thiếu thốn và hầu như trình độ tay nghề còn non kém. Tổ chức Project Việt Nam chủ yếu là chăm sóc cho trẻ em nhiều hơn phụ nữ. Nhưng ba năm nay, chương trình của bà cũng bắt đầu chú trọng và quan tâm đến sức khoẻ của người mẹ. Bà Quỳnh Kiều đã có nhận xét như sau:

Mỗi một ngày là có thể khoảng từ 5 đến 7 phụ nữ ở Việt Nam tử vong vì các lý do trong các thời kỳ sinh sản điều đó thật là đau lòng. Do đó, chúng tôi cũng cố gắng làm sao để mà nâng cao chất lượng chăm sóc bà mẹ và trẻ em. Nhưng mà, chúng tôi chuyên khoa nhi nhiều hơn nên thành ra bởi vậy công việc về sản của chúng tôi có chương trình giúp cho các bác sĩ hiểu biết thêm về vấn đề siêu âm, những vấn đề tiền sản, siêu âm trong lúc mang thai mà bên Mỹ họ làm rất thường xuyên. Bên Việt Nam máy siêu âm cũng rất phổ thông, nhưng các BS sử dụng máy siêu âm chỉ xem cân nặng bao nhiêu, bé trai hay gái. Họ không đi bước nữa để xem một số vấn đề gây trở ngại cho trẻ sơ sinh hay cản trở cho người mẹ.

Riêng vấn đề tử vong trong lúc sinh hay xảy ra cho những người phụ nữ mà họ không đến bệnh viện được, sinh tại nhà hoặc sinh ở trạm xá. Ví dụ như những vùng có dân tộc thiểu số, tỉ lệ tử vong gấp 10 lần hơn những vùng khác. Ở những vùng sâu, vùng xa, chúng tôi đến mới thấy họ chẳng có cái gì cả. Ngay cả những dụng cụ căn bản cũng chẳng có.”

Thiếu bệnh viện

Những em bé sơ sinh tại Việt Nam đang được các Bác Sĩ thuộc Tổ chức Project Vietnam giúp đỡ. Photo courtesy of pvnf.org
Những em bé sơ sinh tại Việt Nam đang được các Bác Sĩ thuộc Tổ chức Project Vietnam giúp đỡ. Photo courtesy of pvnf.org
Không phải chỉ có vùng sâu xa, rừng núi là thiếu bác sĩ chuyên môn. Ngay cả ở Quảng Ngãi, hay những thành phố khác, bệnh viện nào cũng thiếu bác sĩ trầm trọng. Một bác sĩ ở Bệnh Viện Đa Khoa Huyện Quảng Ngãi thường phải khám đa khoa trên 100 bệnh nhân, máy móc cũ kỹ, dụng cụ chuyên môn thiếu thốn, nên hiệu quả chẩn đoán điều trị có đôi khi không chuẩn xác và chăm sóc cho bệnh nhân chưa thật sự chu đáo. Người dân ở Quảng Ngãi thường muốn trị bệnh phải chạy về Đà Nẵng, Huế và Sài Gòn để khám và điều trị.

Báo Gia Đình.net.vn online vừa đăng một bài viết nói về hiện tượng các bệnh viện sản phụ tăng quá tải. Theo các bác sĩ, vì mấy tháng gần đây có nhiều phụ nữ sinh con tử vong nên gia đình muốn về các thành phố lớn để cho an toàn. PGS.TS Vũ Bá Quyết, Phó Giám đốc Bệnh Viện Phụ sản Trung ương cho hay: “Với tâm lý chuộng sinh con năm Thìn, số ca khám bệnh, sinh tại bệnh viện năm nay tăng khoảng 30%. Ngay tại phòng khám, ngày thường các năm trước chỉ 60-70 ca, bây giờ là 140-150 ca/ngày. Giường bệnh tăng 100%, hầu như đều phải nằm đôi, nằm ba”.

Tại BV Trung Ương Huế, Thạc Sĩ Bạch Cẩm An, Trưởng Khoa Phụ Sản, cho biết thêm: “Mỗi ngày khoa có khoảng 50 ca sinh, tăng 30% so với các năm trước.”

Không chỉ có vậy, số lượng ca sinh bằng phương pháp mổ tăng hơn so với các năm trước. Ngoài các ca chỉ định mổ chuyên môn, thì theo các bác sĩ, một phần là do thai phụ và người nhà yêu cầu được sinh mổ. Tại khoa Sản BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, 25-30% số sinh mổ là do người nhà yêu cầu. BS Trần Ngọc Hà cho biết, tại BV Phụ sản Trung ương, hay khoa Phụ sản - BV Trung ương Huế, số ca sinh mổ cũng chiếm 40%.

BS Quỳnh Kiều cũng cho biết thêm:


Những vùng có dân tộc thiểu số, tỉ lệ tử vong gấp 10 lần hơn những vùng khác. Ở những vùng sâu, vùng xa, chúng tôi đến mới thấy họ chẳng có cái gì cả.

BS Quỳnh Kiều

“Ở các bệnh viện tỉnh, trung tâm tỉ lệ mổ đẻ rất cao. Ở bên Hoa Kỳ như bệnh viện của tôi hiện nay, tỉ lệ mổ đẻ  khoảng 35%, nếu lúc nào mà nhích lên cao hơn một chút thì đặt vấn đề ngay lập tức. Nó có một Uỷ Ban Chuyên Môn để xem xét chất lượng thì xem lại tại làm sao mà lại mổ nhiều như vậy. Tại vì mỗi lần mổ như vậy thì nó nảy sinh ra một số nguy cơ đối với cho cả mẹ và con. Nhưng ở Việt Nam thì không hiểu vì lý do nào mà vẫn có khuynh hướng là họ sợ theo dõi có nguy cơ bệnh nhân thành ra nên họ mổ sớm hơn. Họ không chờ. Hai nữa là có một số trường hợp, bệnh nhân họ có nhu cầu mê tín dị đoan. Họ muốn sinh giờ nào, lúc nào. Về cương vị một bác sĩ nhi chăm sóc cho trẻ sơ sinh. Tôi thấy có một số những em bé sinh non, sinh oan. Đúng ra chưa đúng thời gian của cháu mà bị lôi ra để cho phù hợp với tử vi nào đó, thành ra nó xảy ra bao nhiêu nguy cơ cho cả mẹ lẫn con.”

Trong ngày 11/7 vừa qua, Bà Mandeep K.O’Brien, Trưởng đại diện Quỹ Dân Số Liên hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng: “Việc tiếp cận phổ cập các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản có thể phòng chống được hầu hết các trường hợp tử vong mẹ và trẻ sơ sinh. Để đạt được điều này, cần phải tăng cường hệ thống y tế để cải thiện dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; đầu tư vào đội ngũ cán bộ y tế... Những biện pháp này, nếu được thực hiện toàn diện ở Việt Nam, sẽ không chỉ cứu sống rất nhiều người, mà còn cải thiện được hiệu quả kinh tế và xã hội cho đất nước.”

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.