Phụ nữ tại những nước nghèo

Nền kinh tế toàn cầu suy thoái đã khiến tình trạng nghèo đói trên toàn thế giới gia tăng. Những người chịu ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghèo khổ sẽ là phụ nữ và trẻ em.
Phong Thu, thông tín viên RFA
2012.10.09
000_Hkg6763953-305.jpg Hai phụ nữ Campuchia cùng con nhỏ của họ trong một khu nhà ổ chuột tại thủ đô Phnom Penh hôm 04/1/2012
AFP photo

Người mẹ sẽ không đủ sữa để nuôi trẻ sơ sinh, trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng. Và hàng ngày, hàng triệu phụ nữ và trẻ em vẫn là nạn nhân của chiến tranh. Họ phải đối diện với bệnh tật, thiên tai, mất mùa khiến bị mất hết tài sản, nhà cửa và trở thành những người nghèo khổ.

Tỷ lệ nghèo đói tăng

Muốn tìm hiểu về sự nghèo đói của các bà mẹ và trẻ em, chúng ta thử quan sát, so sánh và tìm hiểu thêm các nước trên thế giới. Năm 1995, trong thông báo của Tổ Chức Phát Triển Con Người của Liên Hiệp Quốc có trên 70% phụ nữ và các em gái sống dưới mức $1,25 cent một ngày. Và hơn 17 năm sau, thống kê mới nhất cho biết tỉ lệ phụ nữ sống nghèo khổ không thay đổi mà còn tăng thêm 980 triệu người do kinh tế suy thoái, chiến tranh tại các nước Trung Đông, thiên tai và sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Đặc biệt, những gia đình có phụ nữ làm chủ phần đông nghèo khổ hơn so với nam giới và trẻ em trai.

Hàng triệu phụ nữ sống trong nghèo đói, cuộc sống của họ là những chuỗi ngày nhọc nhằn, buồn khổ vì vật lộn với chén cơm manh áo. Họ bị đối xử bất công, không được đi học, chăm sóc sức khoẻ, sinh con an toàn và có việc làm với thu nhập cao.

Trên tạp chí online “The Global Poverty Project” cho biết “…Một em bé sinh ra trong nghèo đói, nó có thể bị bỏ rơi đến chết, thông qua việc thực hành giết trẻ sơ sinh nữ. Trên thế giới có 32 triệu phụ nữ mất tích. Trong suốt thời thơ ấu, thức ăn dinh dưỡng thích hợp của mình có thể bị bỏ qua và chỉ dành cho bé trai…”.

Tạp chí còn ghi rõ “Phụ nữ làm việc hai phần ba thời gian trên thế giới, sản xuất một nửa số lương thực của thế giới, nhưng kiếm được chỉ có 10% thu nhập của thế giới và ít hơn một phần trăm tài sản của thế giới. Trung bình, phụ nữ kiếm được một nửa lương của đàn ông.”

Tạp chí The Richest People vừa đăng tải trong tháng 9, 2012, Liên Hiệp Quốc đã đánh giá 20 nước nghèo nhất thế giới đã đẩy phụ nữ và trẻ em sống trong cảnh bần hàn hầu như suốt cuộc đời. Các nước nghèo GDP bình quân đầu người tính đến năm 2011 dẫn đầu là 3 nước: Congo, Democratic Republic (Cộng hòa Dân chủ Congo) $348/năm, Liberia $456/năm, có khoảng 85% dân số sống dưới $1/ngày, Zimbabwe  $487/năm. Tuổi thọ thấp nhất thế giới - 34 tuổi đối với nữ và 37 đối với nam.

Ngoài ra còn hai nước đáng chú ý là Niger $771/năm, trên 80% diện tích đất được bao phủ bởi sa mạc khổng lồ Sahara. Niger nghèo trầm trọng thêm bởi bất ổn chính trị cực đoan, dễ bị tổn thương trước những cú sốc ngoại sinh và bất bình đẳng ảnh hưởng đến trẻ em gái, phụ nữ và trẻ em.
Đất nước Guinea-Bissau, GDP đầu người là $1,144/năm, 60% dân số sống dưới mức nghèo khổ. Những tay mafia, buôn bán ma túy có trụ sở tại Mỹ Latinh đã sử dụng Guinea-Bissau,cùng với một số quốc gia láng giềng ở miền Tây Châu Phi, như là một điểm trung chuyển ma túy sang Châu Âu. Chính phủ và quân đội gần như bất lực, không thể ngăn chặn.

Thất nghiệp cao

Một phụ nữ cùng các con đang di chuyển trên một chuyến xe lửa ở Ấn Độ. AFP photo
Một phụ nữ cùng các con đang di chuyển trên một chuyến xe lửa ở Ấn Độ. AFP photo
Một phụ nữ cùng các con đang di chuyển trên một chuyến xe lửa ở Ấn Độ. AFP photo
Hoa Kỳ cũng đang rơi vào tình trạng kinh tế suy thoái, Theo Cục Điều Tra Dân Số năm 2011, tỷ lệ nghèo đói của quốc gia đã tăng 15,1% tức khoảng 46 triệu người Mỹ, sống dưới mức nghèo khổ so với năm 2010. Nó đã ảnh hưởng trực tiếp đến các bà mẹ và trẻ em. Bà Nguyên Bạch, cố vấn trong lãnh vực Hướng Nghiệp, Phục Hồi tại tiểu bang Washington State cho biết:

"Mình làm việc trong lãnh vực cố vấn Hướng Nghiệp và Phục Hồi tại tiểu bang Washington State. Khi mình làm việc trong lãnh vực này vài năm vừa qua thì thị trường địa ốc tuột giá thê thảm. Nó làm ảnh hưởng dây chuyền đến tình hình kinh tế trong nhiều lãnh vực, song song với tình trạng thất nghiệp gia tăng. Thành ra, nhiều gia đình lâm vào tình trạng kiệt quệ.

Khi mình làm trong lãnh vực hướng nghiệp thì mình cũng cố vấn mọi người kiếm việc làm và nếu người ta không có việc làm thì mình giúp cho người ta học những nghề nghiệp gì đó hợp thời để người ta dễ kiếm việc làm. Nhưng thực sự ra thì công việc cũng không có nhiều, nên cho dù người ta có học xong ra, người ta ra cũng không có tìm được việc làm. Nhiều khi mình gặp rất tình cảnh rất đáng thương. Những hoàn cảnh khó khăn đó sẽ nhân lên nhiều hơn đối với các phụ nữ đơn thân nuôi con một mình. Tình trạng thất nghiệp kéo theo nhiều thảm cảnh trong đời sống.

Những hoàn cảnh khó khăn đó sẽ nhân lên nhiều hơn đối với các phụ nữ đơn thân nuôi con một mình. Tình trạng thất nghiệp kéo theo nhiều thảm cảnh trong đời sống.
Bà Nguyên Bạch

Mới đây, trong cộng đồng người Việt nơi mình ở, có hai vụ tự tử thật là thương tâm. Người mẹ tự thiêu chết, bỏ lại người con mười lăm tuổi vì chị không tìm được việc làm, bị chồng ruồng rẫy rồi quẫn trí tìm cái chết rất thảm thương. Rồi một phụ nữ khác cũng nhảy cầu tự tử cũng vì không tìm được việc làm rồi không đủ lợi tức để trang trải tiền nhà."

Theo Wikipedia, Bắc Hàn là đất nước nghèo đói cùng cực khiến số người chết đói hàng năm rất cao. Sau cái chết của Kim Chính Nhật (Kim Jong-il) trong tháng 12 năm 2011, khoảng 20.000 người đã bị bỏ đói cho đến chết ở phía nam tỉnh Hwanghae. Ngày 1/10/2012, tạp chí Huff Post World đăng tải báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho biết rằng hàng triệu bà mẹ thiếu ăn và trẻ em Bắc Triều Tiên không nhận được thực phẩm, không được chăm sóc y tế cần thiết để phát triển về thể chất hoặc tinh thần, nên còi cọc và suy dinh dưỡng nặng.

Khu vực châu Á

Phụ nữ bán hàng trên vỉa hè thành phố Hà Nội hôm 03/10/2012. RFA photo
Phụ nữ bán hàng trên vỉa hè thành phố Hà Nội hôm 03/10/2012. RFA photo
Phụ nữ bán hàng trên vỉa hè thành phố Hà Nội hôm 03/10/2012. RFA photo
Hai mươi năm đổi mới và mở cửa theo mô hình kinh tế thị trường XHCN, Việt Nam chưa thoát ra khỏi nghèo đói. Giá-lương-tiền vẫn còn là một dấu hỏi lớn đầy bất trắc trong phương thức điều hành kinh tế của những người cầm quyền tại Việt Nam. Giá cả các mặt hàng tăng vọt, lương công nhân viên chức không đủ sống, đời sống đại đa số quần chúng bấp bênh.

Chị Nguyễn Thị Nhung, chủ tiệm vàng, nữ trang trên 20 năm tại Sài Gòn cho biết việc kinh doanh của chị cũng gặp rất nhiều khó khăn:

“Thời khủng hoảng kinh tế, tiền Việt Nam mất giá, giá cả leo thang. Bây giờ người ta chạy ăn còn không đủ nữa thì tiền đâu sắm vàng. Buôn bán cũng bị ảnh hưởng theo.

Với lại bây giờ, vàng cũng lên giá quá nên người ta mua sắm cũng chỉ một phần. Chủ yếu là người ta mua vàng 24, mà bây giờ vàng 24 nó cũng không cho bán.

Nhà nước kiểm soát hết vàng miếng. Ai mà muốn mở tiệm vàng bán thì phải có số vốn nhiều lắm, kiểu là mình phải có 2,3 chỗ kinh doanh, chi nhánh thì nó mới cho bán vàng. Bây giờ ai hiện tại bán 24 cũng đổi sang nữ trang hết, mà nữ trang bây giờ cũng đâu có ai mua sắm để đeo nữa. Mọi lần bán được lắm, bữa nay 2, 3 ngày mới có mở hàng.”

Những người phụ nữ lo toan trong cuộc sống gia đình, tay hòm, chìa khoá, đi chợ lo từng chén cơm manh áo hàng ngày cho chồng con, mới cảm thấy ngao ngán, buồn lo vì số tiền thu nhập ngày càng nhỏ lại. Họ cảm thấy bất an khi lương không đủ sống, thiếu trước hụt sau trong cơn sốt của bão giá. Bà Trần Thị Ngọc Trang nói về giá cả thực phẩm như sau:

“Chợ búa cũng lên, rau cải gì cũng lên hết. Đậu que, đậu rồng 25 ngàn một ký (1.50 USD), cá thì nhiều giá lắm, gà vịt thì giá là 100 ngàn là 5 đô, gạo mấy chục ngàn một ký, khoảng chừng 2 đô. Đồ ăn mắc lắm. Tính ra thì cả nhà ăn uống nầy nọ khoảng 100 ngàn (5 đô)một ngày. Còn công nhân thì làm tăng ca, làm lâu thì một tháng khoảng 3 triệu mấy thì chạy khoảng 150 đô. Mới vô thì được 70 đô. Xăng bây giờ thì 25 ngàn một lít, khoảng 1 đô 2. Mấy đứa công nhân đi xe đạp không hà. Mấy đứa từ Bắc, miền Tây cũng sống tạm lây lất qua ngày.”

Theo nghiên cứu và thống kê của Brookings, một tổ chức có uy tín của Hoa Kỳ có trụ sở tại Wahington D.C. vào đầu tháng 9 năm 2012 cho biết, tỉ lệ dân nghèo tại Việt Nam cao gần nhất khu vực Châu Á, với thu nhập thấp dưới 2 đôla/ngày, chiếm khoảng hơn 16 triệu người trong năm 2011. Tỉ lệ thuế là 10% cao nhất Á Châu.

Thời khủng hoảng kinh tế, tiền Việt Nam mất giá, giá cả leo thang. Bây giờ người ta chạy ăn còn không đủ nữa thì tiền đâu sắm vàng. Buôn bán cũng bị ảnh hưởng theo.
Chị Nhung, chủ tiệm vàng tại Sài Gòn

Trung Quốc với mức thu nhập thấp ở mức 2 đôla/ngày, chiếm 17% dân số. Tỉ lệ thất nghiệp tuy chưa có con số chính thức nhưng theo thống kê của Sở Lao Động Thương Binh Xã Hội, năm 2011, cả nước có hơn 1 triệu người thất nghiệp, chiếm 49,8%, nữ chiếm 57,7%. Ở nông thôn, phụ nữ phần đông không có việc làm, phải lên thành thị làm osin và có đến 8,2% không được chủ trả lương.

Phụ nữ nghèo ở nông thôn, không được đi học và hướng nghiệp cho nên họ không có chuyên môn, nghề nghiệp để tìm một việc làm ổn định. Họ phải bỏ làng xóm đi về thành thị tìm việc làm và đời sống của họ rất vất vả. Nhiều người còn bị dụ dỗ bán ra nước ngoài làm gái mãi dâm và suốt đời sống trong cảnh tối tăm.

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến cho tình cảnh nghèo đói của phụ nữ và trẻ em tăng cao trong hơn 1 thập niên trước.

Phụ nữ có ảnh hưởng rất quan trọng về sự phát triển của kinh tế, chính trị, xã hội. Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) cho rằng chú ý nhiều vào phụ nữ và trẻ em gái là phương pháp hiệu quả nhất để chống lại đói nghèo toàn cầu và chủ nghĩa cực đoan. Đó là lý do tại sao viện trợ nước ngoài ngày càng hướng đến phụ nữ.

Thế giới đang thức tỉnh. Bởi họ nhận ra một sự thật rằng nếu giảm được sự nghèo đói của phụ nữ và trẻ em gái thì sẽ giảm được nghèo đói cho toàn xã hội.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.