Phụ nữ và Olympics

Chỉ chưa đầy hai tuần trước lễ khai mạc Olympic London 2012, Arap Saudi tuyên bố sẽ gửi 2 nữ vận động viên đến tranh tài tại thế vận hội.
Việt Hà, phóng viên RFA
2012.07.17
045_IS099I1R0-305.jpg Một vận động viên nữ môn bơi lội
AFP photo

Đây là lần đầu tiên Arap Saudi gửi nữ vận động viên đến dự một Olympic. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử hơn 100 năm của thế vận hội, các nước tham gia đều gửi vận động viên nữ. Nhân dịp này, tạp chí phụ nữ xin được gửi tới quý vị những tìm hiểu về sự tham gia của các nữ vận động viên tại các kỳ Olympic.

Lịch sử Olympic

Phụ nữ chơi thể thao có lẽ không phải là điều gì mới mẻ. Những người hâm mộ thể thao, thích theo dõi các kỳ Olympic hẳn cũng đã quen được ngắm nhìn những gương mặt xinh tươi của các nữ vận động viên trong buổi lễ diễu hành hay các cuộc đua tranh. Nhưng có lẽ không có nhiều người biết được để có được những gương mặt nữ tranh tài trong các kỳ Olympic, thế giới đã phải đi qua một chặng đường rất dài.

Lịch sử của Olympic bắt đầu từ những cuộc thi thể thao của người Hy Lạp cổ từ cách đây hàng nghìn năm. Các tài liệu về Olympic cổ đại cho thấy cách duy nhất để người phụ nữ có thể tham gia các cuộc thi ở Olympic là qua các cuộc đua ngựa bởi vì có những phụ nữ là chủ của những con ngựa chiến thắng. Khi đàn ngựa chiến thắng thì người chủ ngựa cũng nhận được lời khen. Nhưng cũng không phải vì thế mà họ được ra mặt trực tiếp tại lễ hội này.

Olympic hiện đại lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1896 ở Athen, Hy lạp cũng không có phụ nữ tham gia. Bá tước Courbertin, cha đẻ của Olympic hiện đại hồi đó cho rằng việc cho phép phụ nữ tham gia  là không thực tế, không thú vị, mất thẩm mỹ và sai lầm.

Olympic 1900 ở Paris đánh dấu một bước tiến quan trọng khi những vận động viên nữ đầu tiên được tham gia đua tài ở các môn tennis, đua thuyền, croquet và golf.
Đến năm 1912, phụ nữ lần đầu tiên được quyền tham gia các cuộc thi bơi lội tại Olympic, tuy nhiên Hoa Kỳ lúc đó đã không cho phép các vận động viên nữ của mình tham gia môn thi này.

Năm 1928, các vận động viên nữ được tham gia các môn điền kinh ngoài trời.

Olympic năm 1984 cho phép phụ nữ được đua tài trong môn bắn súng. Tại Olympic 2000, lần đầu tiên môn thi cử tạ được dành cho các nữ vận động viên.
Tại Olympic London 2012, Ủy ban Olympic quốc tế quyết định đưa quyền anh nữ vào các môn thi đấu của thế vận hội.

Con số các vận động viên nữ tham gia các kỳ Olympic tăng dần theo thời gian do quan niệm về quyền của phụ nữ được cải thiện. Tại Olympic London 1908, chỉ có 1,8%  các vận động viên tham gia đua tài là nữ. Đến Olympic London năm 1948, con số này là 9,5%. Và đến kỳ Olympic 2008 tại Bắc Kinh, đã có đến 42% vận động viên tham gia thế vận hội là nữ giới. Tại Olympic 2012, lần đầu tiên nữ vận động viên của đoàn thể thao Mỹ sẽ vượt số nam vận động viên.

Tuy nhiên cho đến thế vận hội 2008, vẫn còn 3 nước trên thế giới chưa từng gửi nữ vận động viên đến các kỳ thế vận hội. Đó là Qatar, Brunei và Arap Saudi.
Trong nhiều năm, tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế đã thúc giục các quốc gia này phải gửi các nữ vận động viên đến các kỳ Olympic. Dưới sức ép của quốc tế, Qatar và Brunei cam kết sẽ gửi các nữ vận động viên đến dự Olympic 2012 tại London.

Vào tháng 6, Arap Saudi cũng tuyên bố sẽ xem xét việc cho phép các nữ vận động viên đến dự Olympic London. Một động thái được những người quan tâm cho là một bước tiến quan trọng. Tuy nhiên vào khoảng đầu tháng 7, báo chí nước này cho biết không có nữ vận động viên nào của Arab Saudi hội đủ điều kiện tham gia kỳ Olympic sắp tới. Sau khi tin này được loan, ngay lập tức Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế đã  lên tiếng quan ngại. Bà Minky Worden, Giám đốc sáng kiến toàn cầu của tổ chức này nhận xét:

"Điều này hết sức vô lý. Có phụ nữ Arab Saudi hội đủ điều kiện tham gia Olympic nhưng nước này không cho phép phụ nữ chơi thể thao. Đó là lý do vì sao chính phủ nước này thông báo là không có vận động viên nữ nào hội đủ điều kiện tranh tài tại Olympic. Câu hỏi đặt ra là làm sao phụ nữ có thể hội đủ điều kiện khi họ bị ngăn cản chơi thể thao?"

Không có phụ nữ Arab Saudi

Ba vận động viên nữ Hoa Kỳ sẽ tham dự Olympic 2012. AFP photo
Ba vận động viên nữ Hoa Kỳ sẽ tham dự Olympic 2012. AFP photo
Ba vận động viên nữ Hoa Kỳ sẽ tham dự Olympic 2012. AFP photo
Theo người đại diện HRW thì việc Arap Saudi không cho phép phụ nữ chơi thể thao là vi phạm nghiêm trọng các quyền cơ bản của con người.

"Arap Saudi là nước duy nhất trên thế giới không cho phụ nữ chơi thể thao. Đây là mối quan ngại về nhân quyền, về quyền tự do căn bản của con người."

Những người thuộc phe bảo thủ tại Arap Saudi cho rằng việc cho phép phụ nữ chơi thể thao hay tranh tài tại Olympic là không cần thiết. Phát biểu trên kênh truyền hình Al Eqtisadiah của Arab Saudi thời gian gần đây, ông Abd al-‘ Aziz Al al-Shaikh, một giới chức tôn giáo cấp cao của nước này nói rằng ‘phụ nữ chỉ nên là những bà vợ ở nhà. Họ không cần phải tham gia thể thao’.

Trong khi đó, một số giới chức hồi giáo khác của Saudi thì lo sợ việc cho phép những người phụ nữ chơi thể thao sẽ khiến họ trút bỏ những trang phục kín đáo của đạo Hồi và hòa nhập không cần thiết với nam giới, thậm chí việc chơi thể thao có thể khiến họ mất trinh.

Arap Saudi là nước duy nhất trên thế giới không cho phụ nữ chơi thể thao. Đây là mối quan ngại về nhân quyền, về quyền tự do căn bản của con người.
Đại diện HRW

Để gây sức ép khiến Arap Saudi phải gửi các nữ vận động viên đến Olympic 2012, HRW thậm chí còn kêu gọi Ủy ban Olympic quốc tế cấm vận nước này như đã từng làm với các quốc gia khác trên thế giới trước kia vì những phân biệt đối xử, nếu Arap Saudi vẫn kiên quyết ngăn cản các nữ vận động viên đến Olympic.

Trong khi đó, Ủy ban Olympic Quốc tế tiếp tục đàm phán với Saudi và cuối cùng, vào ngày 12 tháng 7 vừa qua, nước này tuyên bố sẽ gửi hai nữ vận động viên đến tranh tài tại Olympic. Quyết định mới này của Saudi đã được quốc tế đánh giá cao. Ông  Jacque Rogge, chủ tịch IOC ca ngợi đây là một bước đi đột phá.

Cô Sarah Attar, 17 tuổi, một trong  hai nữ vận động viên duy nhất của Saudi nói lên cảm nghĩ của mình trong bản tuyên bố của ủy ban Olympic quốc tế  (IOC) về quyết định này rằng đây là một vinh dự lớn đối với cô. Cô hy vọng việc tham gia thi tài tại Olympic lần này của cô sẽ tạo ra những bước tiến dài cho những phụ nữ để họ có thể tham gia nhiều hơn nữa vào thể thao.

Như vậy là sau hơn 100 năm, cuối cùng Olympic 2012 cũng đã có cơ hội làm nên lịch sử khi lần đầu tiên tất cả các quốc gia đều gửi các nữ vận động viên đến tranh tài. Mặc dù số lượng các vận động viên nữ trong một số đoàn còn ít ỏi so với các nam động viên nhưng dẫu sao đó cũng là một khởi đầu quan trọng đánh dấu những thay đổi tích cực cho bình đẳng giới trong thể thao.

Mọi thư từ đóng góp ý kiến cho chương trình, xin quý vị gửi về www.facebook/VietHaRFA hoặc email về địa chỉ vietha@rfa.org

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.