Xét lý lịch có còn cần thiết?

Chân Như, phóng viên RFA
2015.09.30
Nữ sinh Bùi Kiều Nhi thi tuyển sinh đại học được 29 điểm Nữ sinh Bùi Kiều Nhi thi tuyển sinh đại học được 29 điểm
Screenshot Nguoilaodong

Tạp chí diễn đàn bạn trẻ, trong tuần này là câu chuyện về đại học và xét lý lịch 3 đời sẽ được các bạn trẻ chia sẻ và bàn luận.

Chân Như: Vừa qua câu chuyện về bạn trẻ tên Bùi Kiều Nhi thi tuyển sinh đại học được 29 điểm vào học viện Chính trị công an nhân dân, nhưng bạn vẫn bị đánh trượt bởi 23 năm trước người cha của bạn bị án treo 9 tháng về tội "chống người thi hành công vụ". Người cha đã mất trước khi bạn sinh ra. Các bạn thấy sao về sự việc này ? Tội của người cha, người con có phải chịu liên đới hay không?

Trường Sơn: Trước tiên, em thấy rất là bình thản trước thông tin em này đã bị từ chối vào trường Chính trị của bộ công an. Đây là chuyện bình thường vì ở Việt Nam điều này vẫn thường xuyên xảy ra. Kinh nghiệm cá nhận của em trước kia khi làm hồ sơ chuẩn bị thi đại học đã được cảnh báo đó là không chọn những trường công an vì họ có những điều luật rất là ngặt nghèo. Trong đó có một điều kiện mà chắc chắn em sẽ không tham dự đó là vì em là người Công Giáo.  Ngoài vấn đề là người Công Giáo ra thì bên công an người ta cũng có những yêu cầu rất là khắt khe, ví dụ như là phải ba đời trong sạch và trong sạch ở đây có nhiều nghĩa ví dụ như là người nhà không có tiền án tiền sự nào,  kế nữa là trong ba đời này không có ai tiếp tay làm việc cho thế lực thù địch và bên công an họ cũng công khai là người ta xét duyệt rất là kỹ càng.  Thế còn việc tội của người cha và người con có phải chịu hay không thì trước tiên mình thấy rằng là người ta đã quy định rồi và khi người ta quyết định là không nhận em lại vào học người ta làm đúng quy định, mình không nói là quy định này nó đúng hay không.   Tiếp nữa là chuyện người cha phạm tội trước khi cả em bé ra đời; Bây giờ người cha cũng đã qua đời rồi mà bây giờ để ảnh hưởng đến việc học hành của người con như vậy thì em thấy rõ ràng cái này có vấn đề rất là lớn; Ngay cả chuyện người cha còn sống đi thì cũng không nên đặt ra cái điều kiện khắt khe như vậy thì vì việc của người cha là của người cha và người con là người con.  Bản thân em này cũng đã viết một bức tâm thư và bày tỏ nguyện vọng rất là lớn lao là muốn được vào ngành công an muốn được phục vụ nhân dân bảo vệ pháp luật. Đối với những trường hợp như thế này thì nên để ý đến  thí sinh hơn là cái chuyện người cha cô bé đó đã làm cái gì.

Đình Hà: Những gì Sơn đã nói rất đúng. Đó là những thực tế mà từ hàng chục năm nay ở Việt Nam vẫn tồn tại như vậy.  Ngành công an họ có những quy định của họ về lý lịch ba đời, nhưng theo em thấy rằng cái lý do đầu tiên họ nói trong giấy thông báo đánh trượt cô bé Bùi Kiều Nhi này này là họ lấy việc em Nhi đã khai báo lý lịch không trung thực. Thật ra đã có nhiều luật sư đã bảo vệ em Nhi rằng là vấn đề lý lịch của em thì không có vấn đề gì cả tại vì bố em ấy đã mất và cũng như rằng là bản án  của bố em ấy đã được chấp hành xong thì có nghĩa là rằng bố em thấy không con một cái gì có thể bị xem là tiền án tiền sự để mà có thể quy kết rằng là em ấy ghi lý lịch sai, nên là em thấy không cần thiết phải ghi những cái chuyện của bố em ấy vào trong cái lý lịch.  Còn vấn đề tội của người cha mà người con phải chịu liên đới bằng hình thức là không được nhận vào ngành là một hình thức, co thể gọi là lạc hậu bởi vì cái trò đó nó chỉ xuất hiện trong xã hội phong kiến. Đó là những điều không còn phù hợp trong cái xã hội văn minh hiện đại

Phan Duy: Em nghĩ thật ra cái chuyện này đúng như là bạn Sơn đã chia sẻ không nên quá khắt khe như vậy, bởi vì mỗi người đều có một quá khứ ngay cả việc cô bé ấy, mình nói giả dụ như cô ấy là người phạm tội trước đó đi nữa, nhưng mà cô ấy đã có ý hối cải và có ý sẽ đóng góp xây dựng cho đất nước thì không việc gì phải cản trở cô ấy.  Chứ đừng nói là đây là trường hợp của cha cô ấy đã xảy ra rất là lâu rồi, thì thấy cũng hơi bất công, vì đâu có nghĩa là cha cô ấy đã từng phạm tội thì sẽ ảnh hưởng đến nhân phẩm cũng như là cái đạo đức để cô ấy không được xét vào trong nghành công an.

Chân Như: Các ngành công an và quân đội luôn đề cao việc xét lý lịch trong tuyển sinh vào các trường của ngành, rồi tuyển dụng, và đến cả chuyện hôn nhân. Theo các bạn, xét trên góc độ quyền con người, sự bình đẳng của mọi người dân trước pháp luật, điều này có thể chấp nhận được hay không?

Đình Hà: Điều này hoàn toàn không hợp lý và xâm phạm đến quyền tự do hôn nhân của con người cũng như nhiều quyền tự do khác.  Ví dụ như quyền về  học tập, như điển hình qua ví dụ của em Bùi Kiều Nhi đây và cũng mới đây trên thời sự cũng có một cái ví dụ khác về một anh chàng khác ở Nghệ An cũng không được vào học trường của công an cũng vì vấn đề lí lịch như vậy; Vấn đề lý lịch nó ảnh hưởng đến hôn nhân ví dụ như là cái người sắp kết hôn với một nhân viên của ngành công an, ngành an ninh, quân đội mà trong một đời lại có ông là địa chủ hoặc ông là người gốc hoa, Công Giáo hay là những người đã từng làm việc với chế độ cũ thì không được kết hôn. Đó là điều hết sức phi lý mà nó lại ảnh hưởng đến cái quyền hôn nhân rất chính đáng của người ta. Nói chung là rất phản dân chủ.

Trường Sơn: Cái vấn đề này thì em có cái góc nhìn từ hai góc độ. Góc độ trước tiên xét về khía cạnh nhân quyền và dân quyền thì tất nhiên là chúng ta đồng ý với nhau rằng là trong một thế giới văn minh mà vẫn còn giữ và áp dụng những cái điều kiện khắt khe và phản tự do như vậy rất là không hợp lý nữa.  Em cho rằng nên bỏ nó đi.  Cái thứ hai nữa em muốn xoáy sâu tại sao bên công an họ vẫn phải giữ cái lệ này.   Cũng như em đã nói từ đầu ngành công an rất là khác biệt so với những ngành cảnh sát của các nước khác,  ngoài nhiệm vụ giữ gìn trật tự an ninh xã hội, bảo vệ kỉ cương của pháp luật, thì công an Việt Nam người ta còn có một cái nhiệm vụ khác mà theo em còn quan trọng hơn tất cả những nhiệm vụ còn lại đó là bảo vệ chế độ, cho nên vì tính chất nó đặc biệt như vậy cho nên em cho rằng đây là lý do tại sao việt nam ngành công an vẫn giữ lệ xét lý lịch cực kỳ khắt khe như vậy, bởi vì họ sợ rằng sẽ nhận được một người nào đó vào ngành mà có tư tưởng họ cho rằng là lệch lạc.  Đây cũng là lý do tại sao tất cả những nhân viên công an ở Việt Nam bị kiểm soát  rất là gắt gao ngay cả chuyện hôn nhân. Khi mà kết hôn thì phải làm đơn xin được kết hôn, sau đó người kết hôn với viên công an ấy cũng bị điều tra lý lịch.  Họ làm mọi chuyện như vậy để làm bảo toàn sự thống nhất đồng nhất về mặt tư tưởng lý lịch cũng như là ý chí chính trị của trong lực lượng công an của họ.  Em cho rằng sống trong đất nước Việt Nam, chúng ta hiểu được vấn đề công an Việt Nam  không giống như cảnh sát nước ngoài và chúng ta sẽ thấy nó dễ hiểu hơn cái chuyện tại sao người ta lại phải làm như thế.  Nhưng xét trên kía cạnh đất nước chúng ta đang trong quá trình phát triển thì xét thấy rằng những việc xét tuyển xét lý lịch như thế này nó không còn phù hợp nữa.

Chân Như: Trong mỗi tờ sơ yếu lý lịch mẫu để người dân sử dụng đều có mục: thành phần gia đình, thành phần bản thân, cha mẹ trước năm 1945 hay 1954 hay 1975 làm gì, ở đâu, ... Theo bạn, những mục này có còn phù hợp trong xã hội hiện nay?

Phan Duy: Em nghĩ nó hoàn toàn không phù hợp trong bất kỳ một xã hội nào, bởi vì nó chỉ là một tờ giấy để chứng minh nguồn gốc của người đó.  Không thể nào áp dụng một quá khứ để mà biến nó thành tương lai được.  Không có một đất nước nào trên thế giới sử dụng những tờ giấy như vậy.  Giống như mẹ em  từng kể một câu chuyện,  mẹ em làm cho công ty nhà nước đến đợt xét tuyển vào đảng thì mẹ cũng đi học đối tượng đảng, cũng thi cử và đạt điểm rất cao nhưng cuối cùng xét tuyển là mẹ bị dạt ra, không được vào trọng đội ngũ sẽ được kết nạp đảng, với một lí do là ngày xưa ông ngoại của em làm cho ngân hàng của chế độ cũ.  Cho nên việc này đã thấy nó đã rất bất công chứ đừng nói cái việc khác.

Đình Hà: Dạ vâng nói chung đối với nhiều người thì nó không còn hợp lý nữa; Bởi những mốc thời gian năm 45, năm 54, hay năm 75 phần lớn những người đó, những người là cha là mẹ đó,  có khi những người đó đã không còn nữa, thì việc duy trì những câu như thế thì nó hoàn toàn không hợp lý. Nói chung, chủ nghĩa lý lịch này nó thật là vớ vẩn, bởi vì là nếu xét trên một xã hội văn minh thì việc ai người nấy làm việc ai người nấy chịu trách nhiệm thì không thể nào liên đới trách nhiệm đến người thứ hai, thứ ba khác được.   Do đó, chuyện bố mẹ chỉ cần biết họ tên tuổi cùng lắm thông tin cá nhân thế là đủ rồi, còn chuyện làm gì đâu cái đó không cần quan tâm bởi vì cái quan tâm nhất là cái người mà kê khai lý lịch ấy là ai, làm gì, ở đâu, như thế nào và người ta như thế nào, đấy là những cái yếu tố để xem xét khi nhận một con người vào làm việc. Em thấy rằng trong xã hội Việt Nam mình, các doanh nghiệp nước ngoài hay các doanh nghiệp tư nhân người ta đã thấy những cái bất hợp lý này. Do vậy, người ta chỉ xem xét những yếu tố cái tớ lý lịch mẫu này như là một dạng để nhìn thấy có cái dấu của chính quyền, chứ còn đối với về mặt nội dung lý lịch thực tế thì họ vẫn yêu cầu là một bản lý lịch tự khai của những người đi xin việc hay xin học làm theo giống như mẫu form CV của nước ngoài. Người ta không phải nhất thiết phải kê khai về bố về mẹ gì cả mà họ chỉ kê khai về bản thân họ.  Do đó tự bản thân trong trong xã hội của mình cũng đã thấy những cái điều bất cập, không hợp lý và đã dần dần loại bỏ nó và chỉ còn coi những tờ xác nhận của chính quyền như kiểu để nhìn thấy con dấu rằng là con người này địa phương này vậy hết.

Chân Như: Chuyện xét lý lịch không phải chỉ bây giờ mới có, mà nó đã có từ sau năm 1954 tại miền Bắc và cả nước sau 1975. Nhiều người không được học đại học vì lý lịch 3 đời. Các bạn cảm nghĩ thế nào về việc này trong mối liên hệ với vấn đề hòa giải dân tộc, xóa bỏ hận thù sau chiến tranh?

Trường Sơn: Rõ ràng khi người ta nêu ra vấn đề là tôi muốn quan tâm đến cái chuyện tổ tiên ông bà của ông trước năm 45 làm cái trò gì, trước năm 54 làm cái trò gì, là người ta không muốn hòa giải dân tộc rồi, bởi vì người mà muốn hòa giải là cái người người ta sẽ không nhắc đến, nó là quá khứ rồi hãy để nó ngủ yên.  Còn đằng này khơi nó lên hỏi rất là rõ ràng chi tiết, thì một người, người ta bảo tôi muốn hòa giải với anh thế nhưng tôi lại cứ thích nói về những cái gì anh đã làm trước kia, thế thì cái này không phải là hòa giải thực tâm.  Thực ra họ muốn xét lọc, người ta muốn tìm ra trong xã hội này vẫn còn những cái con người nào mà lý lịch ngày xưa mà người ta cho rằng không có được “sạch”. Người ta muốn tiếp tục tìm kiếm như vậy để khi mà người ta lập lên được một cái hồ sơ từng này người rồi thì người ta có được một cái sự quản lý tổng quát.  Chúng ta đang sống ở năm 2015 của thế kỷ 21 rồi mà đến bây giờ chúng ta vẫn quan tâm đến những việc làm từ năm 45, những việc làm từ năm 54; Rõ ràng là chính quyền vẫn cứ ra rả nói rằng chúng tôi mong muốn một sự hòa giải thế nhưng mà khi mà người ta đi học hoặc người ta đi làm việc người ta làm cái hồ sơ sơ yếu lý lịch của người ta và vấn bắt người ta khai ra trước năm 45 như thế nào, trước năm 54 như thế nào; Rõ ràng như vậy là một hình thức hỏi cung rồi chứ không phải là yêu cầu thông tin, để cho nó phù hợp với việc đi làm.

Chuyện người ta đi làm thì tổ tiên ông bà người ta đã làm gì có liên quan đến việc người ta đi làm? Họ cứ nói là hòa giải rồi thì hòa hợp dân tộc những chính những cái hành động của người ta lại nói lên rằng cái việc hoà hợp, hoà giải người ta chỉ nói ngoài miệng thôi chứ không có thực tâm.  Và chúng ta cũng thấy rằng các doanh nghiệp bây giờ khi mà nhận những người đến xin việc, người ta cũng không có đễ ý đến hồ sơ nhiều và em cũng tin rằng cái mục cha mẹ làm gì, người ta chắc chắn cũng không đọc.   Vậy thì chúng ta thấy rằng trong thế giới hiện tại ngày nay người ta không còn quan tâm đến những thông tin ấy nữa có nghĩa rằng nó đã không còn có lý do để tồn tại ở trong cái bộ sơ yếu lý lịch vậy tại sao chúng ta còn để đó? Rõ ràng để đó là cái việc là chúng ta vẫn chưa thực tâm trong việc hòa hợp hòa giải dân tộc

Phan Duy: Em hoàn toàn đồng tình với ý kiến của bạn Sơn, tức là những việc đó em chỉ muốn nhắc lại ý kiến của bạn là những tờ giấy đó, những việc phải khai lý lịch như vậy là việc mà họ muốn chắt lọc họ muốn xem xét lại coi những thành phần nào trước đây ủng hộ, sau này cũng ủng hộ họ; Những thành phần nào có những hoạt động chống đối hay là chưa từng đóng góp gì cho sự phát triển của chính phủ. Từ đó, họ có những đối xử khác nhau, không công bằng trong tương lai đối với từng người như vậy. Do vậy, việc này là hoàn toàn bất công và em nghĩ không phải là không phù hợp mà nó là việc làm sai trái.

Cám ơn phần chia sẻ của Phan Duy, Trường Sơn và Đình Hà dành cho diễn đàn tuần này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.