“Xu thế dân chủ” của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng

Chân Như, phóng viên RFA
2014.10.29
000_DV1889109.jpg Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Berlin hôm 15 tháng 10 năm 2014.
AFP photo

 

Trong chuyến thăm Đức vừa qua, khi tham gia trả lời phỏng vấn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có phát biểu: “Dân chủ là xu thế không thể đảo ngược”. Trong chương trình diễn đàn bạn trẻ hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về xu hướng dân chủ tại Việt Nam ra sao với sự tham gia của Thúy Nga, Thanh Tùng và Tiến Trung.

Dân chủ là gì

Chân Như: Trước khi chúng ta đi sâu vào lời phát biểu của ông thủ tướng, theo các bạn với ngôn ngữ bình dân, dễ hiểu, thì dân chủ là gì?

Tiến Trung: Theo ngôn ngữ dễ hiểu bình dân và ngắn gọn, dân chủ có nghĩa là dân làm chủ, là chủ nhân của đất nước mình, làm chủ tài sản đất đai của mình. Nếu khoa học thêm một chút thì dân chủ là thể theo chính trị phải đảm bảo  chính quyền là do toàn thể người dân điều hành, là dân chủ trực tiếp, hoặc chính quyền được điều hành bởi những người đại diện cho người dân.  Đối với Trung chỉ có thể chế dân chủ thật sự mới đảm bảo được quyền làm chủ của người dân được thực thi, các quyền tự do của người dân được tôn trọng, bảo vệ, và các chính sách của chính quyền phù hợp với nguyện vọng của đa số dân chúng.

Thúy Nga: Dân chủ, thứ nhất dân phải được làm chủ tải sản ruộng vườn đất đai của mình. Người dân phải được quyền giám sát tiền thuế của mình đóng trong ngân sách của nhà nước. Các quan chức của chính phủ sử dụng sai mục đích, lạm quyền, tham ô, tham nhũng thì người dân có quyền để đuổi người quan chức đó đi.  Đặc biệt, người dân phải được cái quyền tự do phát triển trong vấn đề kinh doanh cũng như là các sáng kiến khoa học của mình phát minh ra phải được quyền thực hiện. Tất nhiên quyền đó không có vi phạm đến quyền tự do con người của người khác.

Thanh Tùng: Như Tiến Trung và Thúy Nga đã phát biểu, ở đây trước hết người dân phải được làm chủ hoàn toàn từ chính trị cho đến xã hội dân sự, người dân phải có được quyền căn bản.  Đối với một nền chính trị mà nói cụ thể là một chính phủ thì chính phủ đó phải là của dân, do dân và phải vì dân. trong một xã hội dân sự, cụ thể là xã hội dân chủ, thì dân chủ trong đó có sự tập hợp của nhiều tổ chức và tất cả đều được quy định trên hiến pháp và pháp luật. Các cách thức hoạt động của chính phủ là tất cả đều nhắm vào quyền lợi của người dân. Và người dân có quyền giám sát và có quyền quyết định trong việc thay đổi hay bầu cử lập lại trật tự.

Chân Như: Ở VN, có một câu khâu hiệu luôn được nhắc đến đó là xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng-dân chủ-văn minh”. Theo các bạn so với tiêu chí của câu khẩu hiệu trên thì thực tế xã hội Việt Nam hiện nay đạt được bao nhiêu phần trăm về mặt dân chủ?

Tiến Trung: Chúng ta có thể nhìn vào 3 trụ cột của một đất nước để biết được mức phát triển của dân chủ như thế nào.  Đó là nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường tự do và xã hội dân sự.  Trụ cột thứ nhất là nhà nước pháp quyền mà nền tảng là hiến pháp dân chủ. Ở Việt Nam, hiện tại, hiến pháp là do đảng cộng sản Việt Nam viết và dân không được quyền phúc quyết hiến pháp. Và hiến pháp đó phải đi ngược lại nguyên tắc của thị trường tự do khi họ khẳng định kinh tế quốc doanh chủ đạo.

Theo ngôn ngữ dễ hiểu bình dân và ngắn gọn, dân chủ có nghĩa là dân làm chủ, là chủ nhân của đất nước mình, làm chủ tài sản đất đai của mình.
- Tiến Trung

Tuy nhiên,  nguồn lực kinh tế quốc gia lại bị phân bổ một cách méo mó, lệch lạc, kém hiệu quả. Trụ cột thứ ba là xã hội dân sự. Vấn đề đơn giản nhất là quyền lập hội tại Việt Nam vẫn chưa có. Do vậy nhìn vào 3 trụ cột thì Việt nam vẫn chưa có.  Ngoài ra, còn có 3 điểm nhỏ hơn để chúng ta nhìn vào để biết mức phát triển dân chủ đó là ở Việt Nam hiện tại chưa có báo chí tư nhân; Toà án thì do đảng cộng sản khống chế; Và quá trình bầu cử chỉ do đảng cộng sản kinh loát. Khi nhìn vào 3 trụ cột lớn và 3 điểm nhỏ, tôi không thể khẳng định bao nhiêu phần trăm nhưng tất cả những điều nêu trên đều khẳng định Việt Nam chưa có dân chủ.

Thanh Tùng: Theo tôi thời gian qua cho đến hiện tại, những khẩu hiệu (dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng – dân chủ-văn minh) hoàn toàn sáo rỗng.  Điều này thể hiện qua những điểm sau:  Thứ nhất họ nói dân giàu, nhưng thực tế sau ngày thống nhất đất nước người dân Việt Nam chẳng những không được giàu lên mà ngược lại nghèo đi rất nhiều.  Còn nói về nước mạnh ở đây cho thấy Việt Nam hoàn toàn không có sự mạnh mẽ gì thể hiện trong các bảng xếp hạng các quốc gia trên thế giới.  Việt Nam thường nằm ở những thứ hạng áp chót.  Ngoài ra, việc phát triển các ngành công nghiệp hầu hết Việt Nam rất yếu kém. Văn minh ở Việt Nam, một xã hội phải nói rằng đang rất lộn xộn và bát nháo; Người dân họ chưa thể hiện được  nếp sống văn minh, môi trường môi sinh không được bảo vệ.  Một xã hội như vậy thì dường như chúng ta chưa thể nói gì đến vấn đề Việt Nam có được một “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh”

Thúy Nga: Đạt bao nhiêu phần trăm thì không chắc nhưng chắc chắn rất ít.  Câu khẩu hiệu ở Việt Nam thực chất chỉ là câu ngoài môi để mị dân. Nó chỉ là vũ khí để cho nhóm quan chức và nhóm lợi ích của chính phủ để họ tham ô, tham nhũng bóc lột tiền thuế của dân cũng giống như cướp đất, cướp nhà của dân.  Tình trạng dân oan đi khiếu kiện triền miên vì bị cướp đất cướp nhà và chính quyền thì các cấp không giải quyết thì người dân làm sao có thể giàu được.

Việt Nam cần làm gì

Chân Như: Ông NTD phát biểu cho rằng: “Dân chủ là xu thế không thể đảo ngược, và là đòi hỏi khách quan của xã hội loài người, VN không phải ngoại lệ, không đứng ngoài xu thế này”.  Đúng như lời ông Dũng, xu thế dân chủ hóa ở Việt Nam gần đây khá khởi sắc.  Tuy nhiên các phong trào dân chủ vẫn còn bị trấn áp, đe dọa, khủng bố từ phía chính quyền. vì sao?

Thanh Tùng: Ông Nguyễn Tấn Dũng thường đi ra “nước ngoài” và có những lời phát biểu khá mỹ miều. Theo bản thân tôi, về mặt ngoại giao, ông buộc phải phát biểu như thế để xây dựng hình ảnh bộ mặt các quan chức Việt Nam khi đi ra ngoài. Và lại một lần nữa cho thấy những phát biểu của ông Dũng hoàn toàn không có một trọng lượng nào. Cụ thể là  không hề đi đôi với hành động nào của chính phủ.  Tôi được biết hồi hội nghị Shangri la ở Philippines, khi Trung Quốc đưa dàn khoan vào thì ông Nguyễn Tấn Dũng cũng có những phát biểu rất mỹ miều. Theo tôi,  họ làm như vậy để  lấy lòng dân và để lấy lòng đối với đối tác mà khi đi ra họ có quan hệ ngoại giao ở nước ngoài thôi. Trên thực tế, khi về trong nước thì những hành động mình trông đợi lại không xảy ra.

Ông Nguyễn Tấn Dũng thường đi ra “nước ngoài” và có những lời phát biểu khá mỹ miều. Theo bản thân tôi, về mặt ngoại giao, ông buộc phải phát biểu như thế để xây dựng hình ảnh bộ mặt các quan chức Việt Nam.
- Thanh Tùng

Tiến Trung: Trước hết chúng ta khẳng định dân chủ là cơ bản, là nền tảng và là nguyên tắc tổ chức của xã hội ngày nay. Do vậy khi dùng từ xu thế như ông Nguyễn Tấn Dũng nói sẽ khiến cho các lãnh đạo đảng cộng sản có cớ để câu giờ, là chỉ thể hiện dân chủ trong tương lai.

Ở Việt Nam, các lãnh đạo đảng mới chỉ nói rất nhiều về dân chủ,về nhà nước pháp quyền, và tôn trọng nhân quyền chứ chưa hề có hành động cụ thể gì, nên tôi rất đồng ý với anh Tùng.  Chúng ta cũng thấy từ đầu thế kỷ 20 đến đầu thế kỷ 21 bây giờ, các quốc gia theo thể thức dân chủ thì ngày càng nhiều và chiếm đa số so với quốc gia bị lãnh đạo áp đặt thể chế độc tài toàn trị.  Còn phong trào dân chủ Việt Nam thì vẫn bị đàn áp, theo tôi, vì những người lãnh đạo của đảng cộng sản họ vẫn sợ mất cái đặc quyền đặc lợi cho phe nhóm của mình.

Vừa rồi, chính ông Nguyễn Phú Trọng có nói rằng “đây là vấn đề lợi ích cấu kết mắc ngoặc với nhau, lợi ích nhóm.  Ông mất chân giò bà thò chai rượu, những quan hệ lằng nhằng với nhau”.  Chính ông tổng bí thư của đảng cộng sản đã nói rõ thực trạng giữa các lãnh đạo là như vậy, vấn đề lợi ích, cho nên tôi nghĩ đảng cộng sản thì vẫn nói chứ chưa làm được.

Từ trái qua: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội hôm 20/10/2014. AFP photo
Từ trái qua: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội hôm 20/10/2014. AFP photo
Từ trái qua: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội hôm 20/10/2014. AFP photo

Thúy Nga: Như tôi cũng nói ở trên, chế độ cộng sản toàn trị thì họ cũng chỉ dùng khẩu hiệu, lời lẽ đầu môi để hoãn binh lừa dối nhu cầu thực sự của người dân thôi. Thực tế, ông ta vẫn chỉ đạo các công an với an ninh thường phục (thực chất là côn đồ) để áp bức các tổ chức xã hội dân sự đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền trong thời gian vừa rồi và hiện tại vẫn thế.

Như các bạn thấy, vấn đề dân chủ ở Việt Nam thời gian này cũng khá hơn những thời gian trước, nó liên quan đến vấn đề dân chủ của toàn cầu thôi chứ không riêng gì ở Việt Nam. Đặc biệt là nhờ internet mà người dân đã hiểu được quyền căn bản và quyền con người của mình; Và những cái tốt của xã hội dân chủ, cái xấu của xã hội chủ nghĩa mà chính quyền Việt Nam vẫn đang tuyên truyền mị dân.

Chính vì thế mà nhiều người đã dám đứng lên để đấu tranh phản đối việc làm sai và đấu tranh cho dân chủ nhân quyền.  Nếu thực sự ông Dũng phát biểu câu đấy thì tại sao ông ta lại ra lệnh cho công an côn đồ đàn áp và khống chế không cho người dân được biểu tình phản đối Trung Quốc xâm chiếm biển đảo như chuyện giàn khoan HD 981; Hoặc là mới đây rất nhiều người dân đem bản kiến nghị đến yêu cầu quốc hội để bạch hóa hội nghị thành đô thì quốc hội không nhận. Điều đó cho thấy lời ông Dũng phát biểu bên Đức với thực tế mà họ hành xử ở Việt Nam hoàn toàn khác nhau.

Chân Như: Để có một nền dân chủ thật sự, VN cần có những thay đổi gì?

Thúy Nga: Theo tôi thứ nhất phải có đa nguyên đa đảng để đảng nọ giám sát đảng kia như vậy quan chức chính quyền mới giảm bớt được những lạm quyền và tham ô tham nhũng. Cái thứ hai  là người dân phải được quyền tự do ứng cử và bầu cử để chọn ra người có tài, có tâm cho đất nước và lo cho dân.  Và thứ ba là ngành tư pháp và lập pháp và hành pháp phải hoạt động thực sự  độc lập.  Ngành báo chí cũng vậy; Ngành báo chí của Việt Nam bây giờ đang tuyên truyền, nhưng thật sự ngành báo chí và truyền thông cần phải được thực sự độc lập và đưa tin đúng sự thật và đa chiều.

Chế độ cộng sản toàn trị thì họ cũng chỉ dùng khẩu hiệu, lời lẽ đầu môi để hoãn binh lừa dối nhu cầu thực sự của người dân thôi.
- Thúy Nga

Cái quan trọng nữa quyền tự do phát biểu, tư tưởng của mình không bị bất cứ áp bức gì bên phía chính quyền. Điều cần phải được thực hiện ngay tức thời đó là chính quyền phải trả tự do cho tất cả những tù nhân lương tâm, những người đang bị chính quyền bách hại chỉ vì họ dám lên tiếng và hành động để đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền. Tuy nhiên, hiện nay tất cả những điều trên đều chưa có và tất cả đều đang bị nằm dưới sự kìm kẹp của đảng cộng sản.

Tiến Trung: Đối với quan điểm của tôi thì chỉ khi nào Việt Nam có một hiến pháp dân chủ thì lúc đó nền dân chủ mới bắt đầu.  Khi  nào Việt Nam chưa có hiến pháp dân chủ thì ngày đó Việt Nam vẫn còn chưa có dân chủ. Hiện tại, Việt Nam rõ ràng chưa có hiếp pháp dân chủ tại vì theo tôi, khi mà có hiến pháp dân chủ thì đó chính là cơ sở điều hành xã hội.  Từ hiến pháp dân chủ đó sẽ đề ra việc đảm bảo quyền tự do của người dân như thế nào, cơ chế tam quyền phân lập ra sao. Như chị Thúy Nga đã nói, tôi mong là phải đấu tranh cho  toàn dân được  bầu ra quốc hội của mình. Từ đó, quốc hội sẽ dự thảo hiến pháp mới toàn dân thông qua.

Thanh Tùng: Những điểm căn bản, Thúy Nga và Tiến Trung đã nêu ra gần hết rồi. Tất nhiên, mình thấy những yếu tố đó cũng phải dựa trên vấn đề là  sự chủ động thay đổi từ bản chất của chế độ.  Điều đầu tiên họ phải có một hiến pháp thật sự dân chủ.  Khi mà một đảng cầm quyền đang độc quyền về mọi phương diện, thì đối với chúng ta, đặc biệt là những bạn trẻ và những nhân sĩ trí thức phải đồng lòng cùng nhau chúng ta đòi hỏi phải có được một nền giáo dục độc lập tiên tiến, chứ không thể như bao năm qua.

Còn với các nghiệp đoàn thì cũng đòi hỏi có được công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân. Truyền thông báo chí cũng vậy phải có các nghiệp đoàn và tổ chức để làm sao đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.  Để có những điều cơ bản như vậy,Việt Nam cần có những thay đổi gì? Trong điều kiện hiện tại, chúng ta đang bị kìm kẹp chặt chẽ bởi thế lực cầm quyền. Chúng ta cần tìm đủ mọi cách để  vượt ra được cái sự kìm kẹp đó, và cùng nhau xây dựng một xã hội mà ở đó có được sự công bằng, dân chủ.

Xin cám ơn Thúy Nga, Thanh Tùng và Tiến Trung đã đến với chương trình.

Chân Như cũng hy vọng các bạn trẻ cũng sẽ tham gia vào hội luận để hầu nêu lên chính kiến của mình, đó là quyền bày tỏ mà mỗi con người trên trái đất này đều phải có.

Các bạn có thể gởi email về cho Chân Như qua hoangc@rfa.org hay theo dõi Chân Như qua facebook tại facebook.com/Channhu.rfa

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.