Uber và quyền tự do kinh doanh

Chân Như, phóng viên RFA
2014.12.17
043_dpa-pa_1489960024D42F57.jpg Hình ảnh minh họa.
AFP

Tại Sài Gòn và Hà Nội hiện nay đang xuất hiện loại hình dịch vụ taxi mới, dựa trên ứng dụng điện thoại di động có tên là Uber. Tuy nhiên, dịch vụ này đang bị các nhà chức trách Việt Nam bắt ngừng hoạt động bởi chưa có quy định nào điều chỉnh. Trên phương tiện truyền thông và mạng xã hội, đã có nhiều luồng dư luận trái chiều xung quanh vấn đề này. Diễn đàn bạn trẻ kỳ này sẽ cùng theo dõi ý kiến của các bạn trẻ về vấn đề này để biết thêm về quan điểm của người dân trong nước.

Pháp luật không cấm?

Chân Như: Theo các bạn, xét trên khía cạnh quyền tự do kinh doanh, những người lái xe có quyền tham gia mạng lưới dịch vụ Uber và hoạt động tại Việt Nam hay không? Tại sao?

Bảo Trực: Theo em nghĩ là có thôi. Khi Uber đến Việt Nam thì đã nghiên cứu luật pháp rõ rang. Trên danh nghĩa, dịch vụ Uber là dịch vụ đi nhờ xe nhưng khi đến Việt Nam thì đối tác của Uber là những công ty vận tải thực hiện nhiệm vụ vận tải hành khách. Uber chỉ là đơn vị trung gian nên em nghĩ loại hình dịch vụ kinh doanh Uber tại Việt Nam là hợp pháp.

Eric Nguyễn: Bản thân mình là một người chưa bao giờ sử dụng dịch vụ này. Trong khoảng thời gian gần đây khi dịch vụ này nổi lên thì người ta tranh cãi về tính pháp lý của dịch vụ. Mình nghĩ bản thân quyền tự do kinh doanh, tức là người ta có quyền làm những điều pháp luật không cấm. Cho đến bây giờ trong tất cả các nhận xét của các cơ quan chức năng, mình chưa thấy nhận xét nào hay phán quyết nào từ các cấp kết luận Uber vi phạm pháp luật tại Việt Nam. Theo mình nghĩ, họ có quyền làm những điều pháp luật không cấm.

Theo quy định về quyền tự do kinh doanh tại Việt Nam thì công dân được phép làm những gì mà pháp luật cho phép. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam lại chưa có bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về ngành nghề kinh doanh dịch vụ Uber.
-Lê Tân

Lê Tân: Theo quy định về quyền tự do kinh doanh tại Việt Nam thì công dân được phép làm những gì mà pháp luật cho phép. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam lại chưa có bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về ngành nghề kinh doanh dịch vụ Uber trong khi các tài xế taxi loại này vẫn hoạt động thì đó là vi phạm pháp luật.

Chân Như: Hiện nay trên truyền thông trong nước có nêu 1 số rào cản tại Việt Nam đối với dịch vụ taxi Uber, theo các bạn đó là những vấn đề gì? Các vấn đề đó có thể được giải quyết hay không, đặc biệt là về mặt pháp lý?

Lê Tân: Hiện nay truyền thông trong nước có nêu ra một số rào cản đó là những vấn đề: thói quen sử dụng xe máy đi lại trong đô thị. Khi sử dụng Dịch vụ Uber thì người dùng cần có một Smartphone có kết nối với mạng 3G hay WIFI nên viêc sử dụng Uber hiện tại chưa thể phổ biến đến tất cả mọi người. Vì dịch vụ taxi Uber không thông qua bất kỳ một tổng đài nên các giao dịch như khai báo địa điểm, đặt taxi,thanh toán tiền phí hoàn toàn phải thông qua một ứng dụng phần mềm Uber. Cho nên người dùng cần phải có thẻ tín dụng quốc tế chẳng hạn như visa hay master card, trong khi thói quen của đa phần người dân Việt Nam là sử dụng tiền mặt để chi trả. Chưa kể đến nếu việc khi cung cấp mã số tài khoản cho Uber thì vấn đề bảo mật liệu có an toàn?.

Rào cản pháp lý, hiện tại dịch vụ Taxi Uber hoạt động tại Sài Gòn hay Hà Nội vẫn chưa chính quyền tại đây cấp phép. Loại hình gọi taxi trên uber được xem là hình thức Kinh doanh vận tải hành khách. Trong khi các “tài xế” Uber kinh doanh vận tải bằng xe ôto mà không đăng ký kinh doanh và không có giấy phép kinh doanh là trái pháp luật. Phần lớn các xe hoạt động theo kiểu taxi uber đều là xe cá nhận,không có bảng hiệu hay logo, cũng như không có trụ sở hay tổng đài. Nếu trong quá trình vận chuyển xảy ra tranh chấp hành khách và tài xế về tiền cước, mất mát tư trang, hành lý hay tai nạn giao thông… thì khách hàng sẽ khó bảo vệ quyền lợi cho mình và cũng khó cho cơ quan chức năng giải quyết, bảo vệ quyền lợi cho hành khách.

Bảo Trực: Theo em rào cản của Uber giống như bạn Tân nói là những rào cản mang tính chất truyền thống của mọi hãng taxi. Chẳng hạn như yêu cầu phải có hình ảnh báo hiệu là xe taxi, có đồng hồ để báo cước, và phải có hệ thống quản lý theo kiểu truyền thống. Tuy nhiên, những vấn đề này đã được Uber và các công ty đối tác giải quyết theo đúng pháp luật hiện hành ở Việt Nam: họ đã đăng ký dịch vụ vận tải hành khách và mua đầy đủ bảo hiểm cho chủ xe và người trong xe.

Còn vấn đề rào cản pháp lý về việc trốn thuế thì gần đây báo giới trong nước đã đưa tin giám đốc của Uber tại khu vực Châu Á đã nói Uber không hề trốn thuế. Còn việc gần đây báo giới đưa tin một vài tài xế taxi Uber đã bị xử phạt vì không có thể xuất trình giấy phép vận tải hành khách. Tuy vậy, ngay ngày hôm sau em đã đi thử Uber và hỏi việc đó như thế nào thì tài xế cho biết họ đã được công ty cung cấp giấy phép theo đúng pháp luật. Em nghĩ việc Uber đến Việt Nam đã chuẩn bị rõ ràng về pháp lý về tìm hiểu luật pháp rõ ràng.

Eric Nguyễn: Là một người tiêu dùng thì tất nhiên những dịch vụ nào có giá cả phải chăng và chất lượng tốt so với những dịch vụ hiện có thì chắc chắn mình sẽ ưu tiên lựa chọn hơn. Mình nghĩ nếu xét loại Uber vào loại hình kinh doanh taxi thì chưa đúng tại vì Uber không phải là công ty cung cấp dịch vụ vận tải bằng taxi mà là công ty công nghệ-hiểu nôm na nó như là một công cụ để kết nối giữa người tiêu dùng đối với người cung cấp dịch vụ. Vì thế, khi các cơ quan chức năng sử dụng những quy định liên quan cho dịch vụ Uber thì mình thấy không ổn, tại vì bản chất hoàn toàn khác nhau. Đó là mặt pháp lý mà mình nghĩ chưa có sự nhất quán giữa các cơ quan chức năng trong việc đánh giá loại hình dịch vụ mới của Uber đang áp dụng.

Mình cũng hoàn toàn đồng ý ở Việt Nam có thói quen sử dụng tiền mặt là thói quen phổ biến. Và Uber thì không sử dụng tiền mặt để thanh toán, cho nên đó cũng là một rào cản. Tuy nhiên, theo đà phát triển của công nghệ, mình nghĩ trong tương lai nếu những điều kiện cần để phát triển dịch vụ Uber hay các loại hình dịch vụ như nền tảng về công nghệ, về smart phone, về mức độ sử dụng thẻ tín dụng của người dân Việt Nam ngày càng nâng cao, thì mình nghĩ đây không phải là rào cản lớn. Hiện các cơ quan chức năng vẫn đang lấn cấn giữa chuyện nên xử lý cách nhìn của cơ quan chức năng đối với loại hình dịch vụ mới này. Mình trông chờ trong tương lai sẽ có thái độ nhất quán hơn và nếu như nền tảng pháp luật chưa có về loại hình này vì nó quá mới, thì phải xây dựng những quy định pháp luật để cho loại hình này vì nó vừa đem lại lợi ích cho khách hàng và dễ quản lý về mặt quản lý nhà nước.

Tư duy quản lý ở VN còn lúng túng?

Chân Như: Về phía Bộ Giao thông – Vận tải, dường như trong cấp lãnh đạo của bộ có sự bất nhất giữa Bộ trưởng và Thứ trưởng. khi thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng Uber hoạt động “trái pháp luật”, “không có tính pháp lý” ngược lại, Bộ trưởng Thăng lại cho rằng “Thể chế chính sách phải thật đơn giản, bỏ ngay tư tưởng không quản được thì cấm" và phải nghiên cứu chính sách để cho Uber có thể được phép hoạt động. Với tư cách là người dân, bạn đồng ý với phát biểu của ai? Các bạn có nhận định gì về tư duy quản lý nhà nước hiện nay của các bộ ngành thông qua trường hợp Uber?

Thanh tra giao thông phạt taxi Uber tại Hà Nội ngày 3/12/2014. Photo courtesy of TTO.
Thanh tra giao thông phạt taxi Uber tại Hà Nội ngày 3/12/2014. Photo courtesy of TTO.

Bảo Trực: Em đồng ý với cách phát biểu của ngài Bộ trưởng Đinh La Thăng tư duy quản lý ở Việt Nam còn lúng túng khi tiếp cận những mới mẻ; Nhưng em nghĩ bây giờ là thời kỳ hội nhập nên việc những công ty sử dụng công nghệ mới đến Việt Nam là một lợi thế cho người dân. Em cũng mong các bộ ngành sẽ xây dựng một hành lang pháp lý chặt chẽ để những công ty như Uber có thể kinh doanh và phát triển tại Việt Nam.

Lê Tân: Em cũng đồng ý với ý kiến của bạn Bảo Trực. Tuy nhiên em thấy cả hai nhận định của Thứ trưởng Hồng Trường và Bộ trưởng Đinh La Thăng, tuy là trái ngược nhưng đó là những vấn đề cấp thiết cần bàn luận và tìm phương cách giải quyết sao cho hợp tình hợp lý để đưa dịch vụ Uber có thể hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Eric Nguyễn: Rõ ràng quan điểm “cái gì không quản được thì cấm” nó là một tư duy lỗi thời và đã được áp dụng rất lâu tại Việt Nam. Cái gì có lợi cho người tiêu dung và tất nhiên pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn cuộc sống vì vậy mình nghĩ hiện tại dịch vụ Uber cho phổ biến tại Việt Nam nhưng biết đâu trong tương lai dịch vụ này lại là dịch vụ đầy tiềm năng. Nên cần sớm có những phương pháp quy định pháp luật để quản lý sao cho quyền lợi của người tiêu dùng được đảm bảo.

Chân Như: Với giá thành rẻ và những tiện ích mà Uber mang lại, các bạn có nghĩ rằng loại hình dịch vụ taxi này sẽ thành công và hoạt động lâu dài được tại Việt Nam hay không? Và một vấn đề không nhỏ nữa đó là liệu có còn hãng taxi nào của Việt nam tồn tại được sau khi Uber chính thức được công nhận-gợi nhớ lại hình ảnh của Tribeco thưở nào khi Coca Cola vào Việt Nam?

Tất nhiên đối với dịch vụ Uber hiện tại gặp phải sự phản ứng của các hãng taxi truyền thống là tại vì có khả năng đe dọa tới thị trường trong tương lai của họ, tại vì dịch vụ Uber giá thành cạnh tranh hơn.
-Eric Nguyễn

Eric Nguyễn: Tất nhiên đối với dịch vụ Uber hiện tại gặp phải sự phản ứng của các hãng taxi truyền thống là tại vì có khả năng đe dọa tới thị trường trong tương lai của họ, tại vì dịch vụ Uber giá thành cạnh tranh hơn. Và nếu như tương lai người tiêu dùng ở Việt Nam có thói quen không sử dụng tiền mặt trong giao dịch thì rõ ràng dịch vụ taxi truyền thống sẽ ngày càng trở nên không cạnh tranh bằng.

Rõ ràng về nguyên tắc và thị trường thì tất nhiên dịch vụ gì phải chăng gía rẻ hơn thì sẽ chiếm được ưu thế. Mình nghĩ dịch vụ taxi trong nước cũng phải thay đổi quan điểm để làm sao cạnh tranh được với dịch vụ mới này.

Bảo Trực: Em nghĩ hiện nay việc Uber đến Việt Nam còn đang phát triển như đã có mặt ở nhiều quốc gia khác. Còn việc cạnh tranh với các hãng taxi để như anh nói giống như ngày Tribeco phá sản vì Coca Cola và Pepsi đến Việt Nam em thấy so sánh đó hơi khập khiễng bởi vì Uber có những lợi thế riêng mà các hãng taxi khác không có. Tuy nhiên, Uber cũng có điểm bất lợi là hiện đại quá; Phần lớn người dân Việt Nam vẫn còn quá bỡ ngỡ với Uber từ cách sử dụng App trên smartphone, cho đến việc sử dụng thẻ thanh toán. Còn đối với taxi truyền thống chỉ đơn giản gọi điện lên tổng đài. Mỗi hãng có lợi thế riêng và có những đối tượng khách riêng. Còn về vấn đề Tribeco khi mà Coca Cola vào Việt Nam lại nằm ở khía cạnh khác. Thời điểm đó Việt Nam mới bắt đầu thời kỳ hội nhập và Tribeco trong nước không có nhiều kinh nghiệm và tài chính để đối phó với những tập đoàn lớn như Coca Cola và Pepsi. Nhưng thời điểm này lại khác, Việt Nam đã phát triển một thời gian và đủ kinh nghiệm để học hỏi và phát triển theo các tập đoàn nước ngoài. Điều đó có lợi cho người dân như em.

Lê Tân: Uber là dịch vụ taxi hoàn toàn mới tại Việt Nam với điểm đáng chú ý là giá thành rẻ, kèm theo những dịch vụ tiện ích khác. Nếu trong tương lai Uber tuân thủ theo hành lang pháp lý mà nhà nước quy định thì dịch vụ taxi Uber vẫn có thể sẽ thành công và hoạt động một cách lâu dài tại Việt Nam.

Cũng giống như ý kiến của hai bạn trên thì khi dịch vụ taxi Uber được hoạt động hợp pháp ở Việt Nam thì sẽ tạo ra sự cạnh tranh giữa taxi Uber và taxi truyền thống. Điều đó sẽ mang lại dịch vụ tốt hơn cho người sử dụng và cũng là sức ép lớn đối với taxi truyền thống đang hoạt động tại Việt Nam.

Theo em thì taxi truyền thống tại Việt Nam vẫn có một số lợi thế nhất định so với dịch vụ taxi Uber. Về tình hình hiện nay với rào cản pháp lý, Uber cũng khó có thể cạnh tranh lại với các dịch vụ taxi truyền thống. Tuy nhiên tuỳ theo nhu cầu hay thị hiếu của cá nhân, việc tồn tại và cạnh tranh song song giữa taxi truyền thống như Vinasun, Mai Linh với dịch vụ Uber khiến cho dịch vụ taxi tại Việt Nam đa dạng hơn, đáp ứng được nhu cầu, đem lại nhiều lợi ích cho người dùng tại Việt Nam về sau này.

Chân Như: Xin cám ơn các bạn Lê Tân, Bảo Trực và Eric Nguyễn đã dành thời gian đến với diễn đàn tuần này.

Chân Như cũng hy vọng các bạn trẻ đang nghe chương trình cũng sẽ tham gia vào hội luận để hầu nêu lên chính kiến của mình, đó là quyền bày tỏ mà mỗi con người trên trái đất này đều phải có. Các bạn có thể gởi email về cho Chân Như qua hoangc@rfa.org hay theo dõi Chân Như qua facebook tạifacebook.com/Channhu.rfa

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.