Giới trẻ Việt Nam với Tết Tây

Chân Như, phóng viên RFA
2014.12.31
000_Hkg10132397-622.jpg Chuẩn bị đón năm mới 2015 tại Hà Nội hôm 31/12/2014.
AFP

Thế giới đang náo nức, đếm ngược kim đồng hồ để chào đón năm mới 2015. Hầu hết tại khắp nơi trên thế giới và ngay cả VN, với truyền thống tết Ta từ bao đời nhưng nay giới trẻ lại có khuynh hướng chào đón Tết Tây hơn bao giờ hết. Vì sao? và liệu đã đến lúc chúng ta bỏ tết ta ăn theo Tết Tây? Đó là chủ đề cho diễn đàn bạn trẻ cho tuần cuối cùng của năm 2014 này.

Không có nhiều ý nghĩa đặc biệt lắm

Chân Như: Trước hết xin chúc mừng năm mới đến với các bạn, câu đầu tiên là trong những năm vừa qua và ngay cả năm nay thì vào đêm giao thừa của Tết Tây thì các bạn thường làm gì? Có đi xem bắn pháo hoa không hay cùng bạn bè ngồi lại đón giao thừa?

Eric Nguyễn: Cá nhân mình, Tết Tây không mấy đặc biệt. Ở Việt Nam, mọi người được nghỉ nên thường có những chuyến đi xa hoặc lập kế hoạch ăn uống nhưng sau một ngày nghỉ thì mọi người sẽ phải trở về làm việc. Mình chọn hình thức là đi uống nước hoặc ăn với bạn bè ở đâu đó gần thôi. Mình không thích những chỗ quá đông người hay nhộn nhịp nên thường không đi xem pháo bông nhưng được biết là bạn bè mình đi xem cũng rất đông.

Katy Trần: Ngày Tết Tây thường đối với mình chỉ là ngày nghỉ đặc biệt một tí xíu thôi chứ không có gì là quá quan trọng. Do Tết Tây thời gian nghỉ không nhiều thành ra mình không có về quê mình ở lại Sài Gòn đi xem bắn pháo hoa. Sau khi coi xong mình thường đi uống nước rồi hẹn hò lên kế hoạch để ngày mai đi chơi.

Em cũng đồng tình với ý kiến của hai bạn. Tết Tây đối với em thì cũng không có nhiều ý nghĩa đặc biệt lắm. Đa số tụi em sẽ tụ tập bạn bè lại nhà của một bạn nào đó rồi ăn uống ở chơi tới ngày hôm sau.
-Lê Trí

Lê Trí: Em cũng đồng tình với ý kiến của hai bạn. Tết Tây đối với em thì cũng không có nhiều ý nghĩa đặc biệt lắm. Đa số tụi em sẽ tụ tập bạn bè lại nhà của một bạn nào đó rồi ăn uống ở chơi tới ngày hôm sau. Tới ngày Tết Tây thì tụi em sẽ dùng ngày đó để dưỡng sức, sáng ngày mùng 2 thì vẫn đi làm bình thường.

Chân Như: Những năm vừa qua thì đã có nhiều bàn luận cũng khá sôi nổi về việc nên hay không bỏ tết ta ăn theo Tết Tây. Tức là gộp lại thành 1, nhận xét của các bạn, và vì sao?

Eric Nguyễn: Lần đầu tiên mình nghe về đề xuất ăn Tết Tây giáo sư Võ Tòng Xuân đề nghị vào năm 2005. Mình nghĩ quan điểm này quá là mới và do mới nên vấp phải nhiều những luồng dư luận phản đối. Riêng cá nhân mình, tất nhiên là đối với người Việt thì Tết Ta là một ngày Lễ truyền thống lâu đời rồi, cho nên nội việc chuyển đổi trong thời gian ngắn nó là cả vấn đề mà mình nghĩ không có nhiều người ủng hộ quan điểm đó. Thật ra quan điểm của giáo sư Võ Tòng Xuân nêu ra cũng có cái lý tức là ông ta nêu ra những mặt hạn chế về công ăn việc làm, về năng xuất lao động về khoản thời gian kinh doanh sẽ bị đình đốn trong những ngày người Việt ở Việt Nam hưởng Tết Ta. Do vậy, ý kiến đó cũng có điều hay nhưng cần phải xem lại một số quan điểm và xem cần khắc phục những hệ lụy của việc mình vui chơi trong ngày Tết cổ truyền chứ bản thân Tết Ta hay Tết Tây không có lỗi gì cả.

Katy Trần: Theo mình thấy Tết Ta là nét đặc trưng Á Đông nói chung, của người Việt nói riêng. Nếu từ bỏ Tết Ta đồng nghĩa với việc từ bỏ tất cả những nền văn hoá từ 4 ngàn năm nay. Nhưng việc gộp chung Tết Tây với Tết Ta lại không phải không có cái lý của nó, bởi vì các bạn có thể thấy khi người nước ngoài sang Việt Nam sinh sống và làm việc thì họ bị conflic giữa văn hoá của Việt Nam và phương Tây. Ví dụ ở Tây họ nghỉ ngày Christmas nhiều hơn trong khi Tết Ta thì Việt Nam nghỉ đến 2 tuần. Trong khi 2 tuần đó họ không biết làm gì thành ra nó giảm năng xuất kinh tế của đất nước. Nhưng để tiến hành việc gộp chung Tết Tây với Tết Ta em nghĩ rất là khó để làm chuyện đó bởi vì văn hoá truyền thống tết Ta nó đã ăn sâu vô máu của người Việt không thể nói bỏ là có thể bỏ được.

Chuẩn bị sân khấu đón năm mới 2015 tại Hà Nội hôm 31/12/2014. AFP PHOTO.
Chuẩn bị sân khấu đón năm mới 2015 tại Hà Nội hôm 31/12/2014. AFP PHOTO.

Lê Trí: Theo em Tết Ta là một nét đặc trưng từ ngàn đời của Việt Nam rồi cho nên em không đồng tình với việc chúng ta sẽ gộp Tết Tây và Tết Ta để nghỉ chung một kỳ nghỉ. Đối với Tết Ta là thời điểm để mọi người cùng tụ hội về gia đình kể cho nhau nghe những công việc đã qua và chúc sức khoẻ với nhau, gặp gỡ nhau cùng nhau vui chơi và cùng nhau thể hiện không khí gia đình thật là ấm cúng qua một năm đã học tập và làm việc thật là mệt mỏi. Đặc biệt Tết Ta là ngày mà rất có ý nghĩa đối với những bạn ở xa quê hương ví dụ sinh viên đi học xa nhà hoặc những người phải đi làm ăn xa, thì cảm xúc khi được trở về nhà làm cho con người ta cảm thấy sẽ cố gắng hơn trong những năm sau để có được một cái tết ấm cúng và xum vầy hơn. Thật ra chuyện ảnh hưởng đến quá trình hoạt động kinh tế trong quá trình nghỉ tết ta thì em nghĩ chúng ta cũng có thể khắc phục được. Nhiều nước ở Châu Á giống như Thái Lan hoặc là các nước khác họ cũng có những ngày Lễ dân tộc giống như Tết Songkran ở Thái Lan họ cũng nghỉ và biết biến cái tết đó thành một thời điểm để du lịch và thu hút được rất nhiều lượng khách du lịch đến. Thì mình hoàn toàn có thể tạo nên một thời điểm thu hút khách du lịch để thu hút thêm một nguồn thu lớn cho đất nước vào thời điểm đó. Cho nên thay vì có những ý kiến là chúng ta nên bỏ Tết Ta thì tại sao mình không phát triển nó thành một cái đặc trưng mới lạ để hấp dẫn du khách thế giới?

Có nên bắn pháo hoa?

Chân Như: Trong dịp Tết Tây chính quyền có cho bắn pháo hoa, tổ chức ca nhạc. Và được biết sẽ chi khoảng 1,5 triệu mỹ kim cho hoạt động này. Các bạn có thấy đó là một sự lãng phí không vì bên cạnh Tết Tây chúng ta còn có những chi phí khác cho Tết Ta?

Eric Nguyễn: Xét về mặt quan điểm chuyện bắn pháo hoa để mua vui thật ra theo quan điểm của mình là đốt tiền, nên mình không ủng hộ. Tình hình kinh tế và thu nhập trung bình của người Việt Nam còn khá thấp và Việt Nam đang phải đối mặt với những vấn nạn. Khoản tiền đó nếu như không dùng vào việc bắn pháo hoa thì có thể sẽ được giải quyết một phần nào. Đồng thời, nên có những hình thức tiết kiệm hơn dựa vào tình hình hiện nay.

Theo ý kiến của mình thì việc bắn pháo hoa trong dịp Tết Tây nó tạo một luồng không khí mới cho cả người dân thành phố, đánh dấu một sự đổi mới bước sang năm mới của mọi người giúp cho tinh thần của người dân họ cảm thấy phấn chấn hơn, vui hơn.
-Katy Trần

Katy Trần: Mình không đồng tình với ý kiến của Eric. Theo ý kiến của mình thì việc bắn pháo hoa trong dịp Tết Tây nó tạo một luồng không khí mới cho cả người dân thành phố, đánh dấu một sự đổi mới bước sang năm mới của mọi người giúp cho tinh thần của người dân họ cảm thấy phấn chấn hơn, vui hơn. Nói như vậy không phải chi thật nhiều tiền cho khoản đó, mình có thể share cái chi phí đó ra ở các tỉnh khác để mọi người trên khắp nước đều có thể thưởng thức những chuỗi bắn pháo hoa. Theo ý kiến mình là như vậy.

Lê Trí: Em đồng ý với ý kiến của bạn Katy. Thật ra theo thông tin mà em biết được thì số tiền 1,5 triệu đô la là tiền vận động từ các doanh nghiệp, thì khi tổ chức bắn pháo hoa họ cũng sẽ được vài lợi về quảng cáo và em nghĩ cũng sẽ không tốn nhiều chi phí. Thứ hai do TP.HCM và Hà Nội là những thành phố du lịch lớn ở Việt Nam cho nên lượng du khách nước ngoài họ đón Tết Tây rất là đông. Vì vậy chúng ta tổ chức bắn pháo hoa cũng một phần giúp họ cho họ cảm giác vẫn như đang ở nhà. Nên chuyện chi 1,5 triệu đô để bắn pháo hoa vào dịp năm mới Tết Tây thì cũng không lãng phí mà thứ hai nữa là nó tạo cho người dân có được một không khí hứng khởi. Ví dụ Tết đến mình phải trang hoàng nhà cửa cho đẹp đẽ thì ở đây năm mới đến đất nước cũng phải có một cái gì đó đổi mới và phải có một cái gì đó đánh dấu tạo nên một sự mới mẻ. Tại vì quan niệm về bắn pháo hoa đối với phương đông mình đối với một ngày năm mới bắn pháo giống như xua đuổi những xui rủi của năm cũ đi và đón những cái may mắn của năm mới về. Theo em thấy là một năm làm việc cật lực rồi thì chi 1,5 triệu đô để bắn pháo hoa vào dịp đó cũng không lãng phí gì nhiều.

Chân Như: Ước nguyện của các bạn cho Việt Nam trong năm 2015?

Lê Trí: Ước nguyện của em cho Việt Nam trong năm 2015 là kinh tế khấm khá hơn, đời sống người dân bớt lao đao đi vì khủng hoảng kinh tế, thị trường nhà đất có thể ấm lên để tạo thêm động lực một cú hít mới cho kinh tế phát triển. Lúc đó người dân sẽ phấn khởi và Việt Nam sẽ sớm bước ra khỏi được cái bẫy thu nhập trung bình mà hiện giờ chúng ta đang mắc phải.

Eric Nguyễn: Mình nghĩ ở Việt Nam hiện nay đang đối mặt với rất nhiều vấn đề từ giáo dục cho tới tình hình kinh tế vân vân. Mình nghĩ phải có một ai hay một nhóm người nào đó họ có thể làm một điều gì đó làm cho những vấn đề đó được giải quyết và đời sống ngày càng tốt đẹp hơn. Mình chỉ mong là thế.

Katy Trần: Ước nguyện của Eric cũng giống như ước nguyện của mình trong năm 2015. Mình có thêm chút xíu là sẽ có nhiều người mạnh dạn đứng ra cải cách đất nước để giúp đất nước thoát khỏi cơn khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Xin cám ơn phần chia sẻ vừa rồi của 3 bạn Lê Trí, Eric Nguyễn và Katy Trần, ước mong cho các bạn có được một năm mới như những gì các bạn vừa chia sẻ, và Chân Như cũng cầu chúc cho quý khán thính giả có một năm mới thật an khanh thịnh vượng. Mến chào và hẹn gặp lại.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.