Làm sao để hoàn thiện xã hội?

Kỳ này, các khách mời của Café Wifi sẽ đề cập đến những giải pháp mà họ cho là có thể giúp sửa chữa những hỏng hóc mang tính hệ thống của xã hội Việt Nam hiện nay.
Khánh An, phóng viên RFA
2011.09.07
000_Hkg4864524-305.jpg Các bạn trẻ Việt Nam trong trang phục áo dài
AFP photo

Sự kém văn hóa

Nhà giáo Phạm Toàn: Có đối thoại thì lúc bấy giờ mới nên nói là tôi có tự do ngôn luận. Phải có đối thoại thì lúc bấy giờ mới nên nói rằng tôi có tự do biểu tình. Khi nào có đối thoại thì lúc bấy giờ mới nói rằng tôi có tự do phản biện. Còn nếu không có thì là cái cãi lại hoặc là của người cãi chây, hoặc là của người không biết gì cả. Vì thế nên phải có giáo dục.

Khánh An: Vâng. Nhân bác Toàn nói đến điều đó, Khánh An cũng lại sực nhớ đến dạo này Việt Nam xảy ra nhiều chuyện quá, thời sự của mình có nhiều vấn đề quá, chẳng hạn như chuyện công an Hà Nội trong những vụ biểu tình như bác Toàn vừa nhắc tới, chắc là ai cũng biết đến chuyện anh Nguyễn Chí Đức bị đạp vào mặt.

Vấn đề ở đây là tại sao Giám đốc công an Hà Nội - cơ quan cao nhất của công an Hà Nội - lại có thể trả lời bằng cách đưa ra một văn bản trên mặt báo hoàn toàn không phải là sự thật, rằng anh Đức này đã không có bị đánh bị đạp mà sau đó chính anh Đức đã lên tiếng rằng ảnh bị đánh, bị đạp như thế. Có nghĩa là tại sao người ta lại có thể làm một việc thiếu trung thực một cách công khai, mà ở đây người ta không phải là một người dân bình thường chỉ nói chuyện ở ngoài chợ hay là thủ thỉ với một người bạn, mà đàng này người ta lại nói ngay trên những phương tiện truyền thông, báo chí trên cả nước như thế.

Họ cũng có bằng đại học, đỗ thạc sĩ, tiến sĩ, nhưng mà vẫn là một hệ thống không có văn hóa, bởi vì họ học để lấy bằng thôi chứ họ không học vì một sự học.

Nhà giáo Phạm Toàn

Điều gì khiến cho họ hết con người này đến con người khác, hết lớp người này đến lớp người khác, cứ tiếp tục làm như thế? Mặc dù Khánh An tin rằng bản thân họ đương nhiên họ nhận thấy là điều đó nó không đúng.

Hoàng: Thì họ được trả lương nên họ mới làm chuyện đó đó chị.

Nhà giáo Phạm Toàn (cười): Tôi cho rằng có 3 nguyên nhân. Những người như ông Nguyễn Đức Nhanh ông nói lung tung như thế là có 3 nguyên nhân. Tôi không nói cái ông ấy mà tôi nói cái hệ thống các ông ấy, thì nó có 3 nguyên nhân: Một là người ta nói sai đi thì người ta có lợi, chắc phải có cái lợi gì đây; điểm thứ hai là người ta nói sai mà người ta không bị trừng phạt, không bị trừng phạt bởi pháp luật đã đành, không trừng phạt bởi dư luận; và cái thứ ba và cái này là cái quan trọng hơn, tôi nghĩ nhiều về cái thứ ba này, là họ ít học quá. Họ cũng có bằng đại học, đỗ thạc sĩ, tiến sĩ, nhưng mà vẫn là một hệ thống không có văn hóa, bởi vì họ học để lấy bằng thôi chứ họ không học vì một sự học.

Cái thứ hai nữa là thế này, văn hóa của một dân tộc là nó phải lên đều, giống như một cái cây mọc lên chứ không phải là những cành cây khô cắm vào trong lọ đâu. Một cái cành cắt từ ngoài đồng cắm vào trong lọ để có một lọ hoa những chỉ mấy hôm là nó tàn đi thôi. Nhưng mà tôi thì tôi nhìn thấy trong lớp những người như anh Nhanh là như thế  này, họ ít học, họ không được học rộng, họ biết qua loa một vài điều thôi.

Tôi rất sợ sự ít học có lúc sẽ là tai họa, bởi vì tôi biết có những đề bạt vì có những bằng cấp, tôi biết nhiều lắm, tôi biết nhiều người lắm, họ không hiểu gì cả, đầu óc đặc, thế mà họ vẫn được thăng quan tiến chức vì lý do gì không ai biết cả. Thí dụ như hôm rồi xem cuốn băng bà đại biểu quốc hội lên nói năng cười hơ hớ thật xấu hổ, mà không biết tại sao nhân vật của một vụ án, vụ án tai tiếng, mà bây giờ lại nhảy vào được quốc hội, không hiểu tại sao lại được bầu vào quốc hội. Thế cho nên là cái mâu thuẫn, cái khủng hoảng của đất nước ta bây giờ là khủng hoảng của sự kém văn hóa.

Pháp luật không nghiêm minh

Hoàng: Trong cái tình trạng chung, trong 3 nguyên nhân mà bác Phạm Toàn nêu ra thì hai nguyên nhân đầu thuộc về quản lý - sự độc lập của nền tư pháp, cái thứ ba là cái ít học thì cái đó vẫn còn dài dài. Nhưng mà ít ra một xã hội mà sự nói láo cần phải bị trừng trị, họ phải bị trừng trị chứ đừng nói gì đến chuyện mất quyền lợi. Bây giờ tại sao sự nói láo lại không bị trừng trị?

dsc00586-250.jpg
Cảnh sát giữ trật tự trong ngày diễn ra phiên xử TS Cù Huy Hà Vũ, ảnh minh họa. AFP
Cảnh sát giữ trật tự trong ngày diễn ra phiên xử TS Cù Huy Hà Vũ, ảnh minh họa. AFP
Bởi vì tư pháp của mình cũng được nhà nước trả lương, được thể chế này trả lương rồi. Nếu bác Toàn nhìn phiên tòa xử TS. Cù Huy Hà Vũ vừa rồi thì thấy nguyên hàng thẩm phán họ đâu có phản biện gì đâu. Luật sư cãi thì cứ cãi, còn thẩm phán cứ đọc như đọc thuộc lòng thôi. Thành thử ra trong một thể chế mà tư pháp họ không có tí quyền gì trong tay ngoài cái quyền nghe lời thôi, thì nó là như thế.
Bây giờ cái đáng ngại hơn nữa là cái hệ thống pháp luật không nghiêm minh nữa, pháp luật có quá nhiều ngoại lệ.

Khánh An: Thế nhưng mà với những điều đang xảy ra như thế, mình có thấy ở đâu đó, nếu Khánh An nhớ không lầm thì hình như là bác Nguyễn Văn An có nói hay sao đấy, đó là cái "lỗi hệ thống". Mình có thể nhìn thấy rõ ràng guồng máy nó bị trục trặc ở quá nhiều chỗ và vấn đề là một nhóm vận hành guồng máy là một nhóm thiểu số, thế nhưng tại sao nguyên cái xã hội vẫn cứ phải chạy theo cái guồng máy đang bị lỗi như thế? Cái guồng máy đang chạy sai như thế mà cả xã hội cứ theo như thế?

Nhà giáo Phạm Toàn: Văn hóa! Văn hóa, thông tin, sự ngu dân! Ngay cái việc như bác Nguyễn Văn An bác đề nghị nhưng người ta có thèm trả lời bác ấy đâu! Đấy là văn hóa đấy. Người ta có thèm trả lời ông An đâu. Ông An muốn nói gì thì nói, người ta đâu có thèm đối thoại với ông ấy, không thèm nói anh đúng hay anh sai. Cứ nhắm mắt mặc kệ, tất cả các lời người ta bỏ ngoài tai. Người ta không biết đối thoại. Không biết đối thoại cũng vì một là vì thể chế cho phép họ không đối thoại mà không bị trừng phạt; thứ hai nữa là không đối thoại thì nó cũng có quyền lợi; cái thứ ba là nó cũng hiểu rằng văn hóa của nó cũng chỉ đến trình độ cho nó biết rằng "nó cóc cần", nó không cần đối thoại. Cái văn hóa của nó là thứ văn hóa ấy.

Khánh An: Từ nãy tới giờ mình nói đến rất là nhiều những nguyên nhân, những điều làm cho cái hệ thống nó bị lỗi, bị trục trặc, thế thì bây giờ, như lúc đầu bác Toàn cũng đã nói mình không phải chỉ đưa ra để nói theo kiểu "xả xú páp" - nói cho nó đã miệng, nhưng mà mình sẽ phải coi lại vấn đề là làm thế nào để có giải pháp cho nó. Làm thế nào để mình có một guồng máy ít nhất phải hoạt động đúng, chưa cần phải hoạt động một cách hiệu quả. Thế thì những giải pháp nào sẽ là giải pháp có thể giải quyết tận gốc - giống như bác Toàn nói - là một cái cây nó phải lớn lên chứ không phỉ mình chỉ chặt cái cành để đem ra cắm vào lọ mà thôi, thế thì đâu là những giải pháp?

Bây giờ cái đáng ngại hơn nữa là cái hệ thống pháp luật không nghiêm minh nữa, pháp luật có quá nhiều ngoại lệ.

Bạn Hoàng từ Pháp

Hoàng: Hoàng nghĩ đến 3 cái, thứ nhất là nền tư pháp phải được độc lập để cho những tiếng nói khác biệt nhau có thể cùng chung sống với nhau được. Cái thứ hai, ít nhất phải có được những quyền căn bản như tự do ngôn luận, tự do phát biểu, tự do tư tưởng...  Cái thứ ba là nền giáo dục không được phép phục vụ cho một thể chế chính trị nào hết. Nền giáo dục đẻ ra con người.

Chế độ này chế độ kia rồi cũng sẽ qua đi, chế độ nào rồi cũng trở thành chế độ cũ, nhưng mà con người phải là sản phẩm của dân tộc đó. Giáo dục là giáo dục cho con người, giáo dục cái văn hóa cho con người. Trong một thời gian dài rõ ràng nền giáo dục của mình phục vụ cho một thể chế chính trị, ví dụ ai cũng thấy môn học bắt buộc ở trường đại học là môn triết học mà môn triết học đó chỉ được học có một loại thôi, chỉ được học triết học của Mác-Lê thôi, rồi những môn như môn Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Với những môn đó thì rõ ràng nền giáo dục của mình từ bậc mầm non cho đến bậc đại học đều phục vụ cho một thể chế chính trị. Giả sử đến một lúc nào đó thể chế chính trị bị thay đổi thì con người ra sao? Họ bơ vơ. Thực ra, ngay bây giờ họ đã bơ vơ rồi, bởi vì thế giới không phải chỉ có vậy.

Xã hội chưa thực sự đổi mới

Thục Vy: Để đưa ra cách giải quyết toàn diện cho vấn đề đó thì giống như bạn Hoàng mới vừa nói là tư pháp độc lập, nền giáo dục không phục vụ cho đảng phái nào, em nghĩ là điều đó đúng, thế nhưng làm sao để chúng ta có tư pháp độc lập ạ? Bây giờ những người cầm quyền người ta có tự nguyện xây dựng một nền tư pháp độc lập không? Vấn đề đó đã bao nhiêu năm nay rồi vẫn không được giải quyết. Riêng cái việc tòa án được độc lập thì vẫn đang bàn cãi, vẫn đang bị lý do này lý do kia mà vẫn bị trì hoãn, thế thì làm sao cả cái ngành tư pháp được độc lập với chính quyền, với đảng cộng sản?

khai-giang-250.jpg
Học sinh trường THPT Việt Đức, Hà Nội trong ngày khai giảng năm học mới 05/9/2011. RFA photo
Học sinh trường THPT Việt Đức, Hà Nội trong ngày khai giảng năm học mới 05/9/2011. RFA photo
Em nghĩ khi mà một chính đảng duy nhất cầm quyền trên cả nước thì không thể làm sao cho tư pháp độc lập được, tại vì chỉ khi nào hai đảng hoặc hai ba đảng gì đó đối chọi với nhau, rồi có một cuộc bầu cử tự do, có tam quyền phân lập, rồi tòa án thì tư pháp phải độc lập.

Chứ bây giờ chỉ có một đảng thôi thì cần gì tư pháp độc lập. Mấy ông tư pháp cũng không cần độc lập, tại vì mấy ổng độc lập để làm cái gì?
Ở bên Mỹ, bên Anh, trên tất cả các nước dân chủ người ta độc lập vì người ta không cần phải theo một chính đảng nào cả, người ta làm việc với lương tâm và lương tri của người ta, người ta phục vụ nhân dân, người ta có thể sống được, người ta có thể khẳng định mình được.

Thế nhưng ở trong xã hội này thì không được vì chỉ có một đảng thôi, người ta chỉ cần phục vụ cho đảng thì người ta sẽ sống được. Cho nên riêng ông tư pháp ông ta cũng không muốn độc lập, mà những người lãnh đạo cao nhất cũng không muốn tư pháp được độc lập.

Hoàng: Theo Hoàng thấy nó cũng có một quá trình để độc lập đó chứ, bởi vì mình không tồn tại một mình trên thế giới này. Mình sống trong một cộng đồng, cộng đồng ASEAN, hoặc là mình đi vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, chính vì tôi muốn chơi với người khác thì tôi phải chấp nhận luật chơi tối thiểu.

Nếu bạn để ý thì từ khi mà mình mở cửa thì cái quyền con người hay đất nước cũng khá dần dần rồi đó. Chính vì cái áp lực tôi muốn chơi với người ta thì tôi phải vậy thôi. Nếu nhìn như vậy thì cũng không đến nỗi phải bi quan hoàn toàn. Ở đây, nền tư pháp không độc lập một cách bác ái, mà ở trong tư thế nếu không thay đổi thì chết.

Thế nhưng mà sự thay đổi của họ chỉ là cầm chừng, chắp vá để mà đối phó với sức ép của quốc tế, chứ người ta không thực tâm đổi mới. Người ta không có những đổi mới, những cải cách toàn diện.

Bạn Thục Vy ở SG

Thục Vy: Nhưng mà tôi lại nghĩ thế này, có rất nhiều người, nhiều học giả Phương Tây đã hy vọng như thế này bạn Hoàng ạ, họ đã hy vọng là khi mà hai nước cộng sản là Trung Quốc và Việt Nam mở cửa, có một nền kinh tế thị trường, hội nhập với thế giới, với nền kinh tế toàn cầu, với xu hướng toàn cầu hóa, như vậy người ta sẽ đổi mới, sẽ cởi mở, sẽ dân chủ hóa. Thế nhưng mà sự thay đổi của họ chỉ là cầm chừng, chắp vá để mà đối phó với sức ép của quốc tế, chứ người ta không thực tâm đổi mới. Người ta không có những đổi mới, những cải cách toàn diện bạn ạ.

Sau bao nhiêu năm Trung Quốc đã phát triển, dù sự phát triển của người ta như là bong bóng chẳng hạn, ấy vậy mà dù có phát triển kinh tế bao nhiêu, có hội nhập kinh tế bao nhiêu thì Trung Quốc vẫn đang là một nước độc tài, tham tàn và độc ác nhất thế giới này.

Theo tôi nghĩ thì phải có một giải pháp toàn diện, không phải chính từ những người cộng sản mà phải là chính từ chúng ta, chính từ người dân, xã hội dân sự phải mạnh lên thì mới mong thay đổi được.

Nhà giáo Phạm Toàn (cười)

Khánh An: Bác Toàn cười sau khi nghe tranh luận giữa hai bên.

Nhà giáo Phạm Toàn:
Tôi nghe các bạn tôi thích ở chỗ như thế này: một là các bạn rất là trong sáng, các bạn muốn cái gì các bạn nói hết ra. Có nhiều người bây giờ một là không biết mình muốn gì, hai là không dám nói. Thế tôi cho cái đó là hay. Cái thứ hai tôi thấy thế này là các bạn thích một cái đích nhưng các bạn không thích một con đường đi đến đích…

Khánh An: Quý vị vừa nghe các bạn trẻ đưa ra giải pháp để xây dựng một xã hội trung thực, thế còn ý kiến của một nhà giáo dục như nhà giáo Phạm Toàn thì thế nào?  Liệu các bạn trẻ khi đưa ra những giải pháp trên có đặt nhiều hy vọng vào thực tế để thực hiện nó hay không?

Mời quý vị tiếp tục theo dõi trong phần cuối của cuộc thảo luận ở chương trình Cafe Wifi kỳ sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
08/09/2011 10:21

Ngày tàn của bạo quyền Đảng CS cũng sẽ: 1ngày vinh quang cho cả dân tộc VN thóat ách thống trị bởi 1nhóm bè lũ độc tài,làm tai sai cho người TQ. Tôi xin làm viên gạch lót đường cho những người bạn trẻ dành lại đất nước & chuẩn bị cho hậu cách mạng tự do,dân chủ,dân quyền cho VN. Những bạn trẻ ai có tầm, có tâm với đất nước mình: mỗi công dân VN điều có trách nhiệm bảo vệ& lãnh đạo đất nước mình trở nên phát triển & phồn vinh hơn.

Anonymous
08/09/2011 03:30

Bản chất của người cộng sản là khuynh hướng thù ghét luật pháp, áp đặt buộc mọi người phải làm theo ý họ muốn, đạp đổ mọi rào cản, khuôn phép pháp luật, bất chấp mọi thủ đoạn, đê hèn, và độc hiểm với mọi người. Đây là nguyên nhân xã hội rối loạn làm sụp đổ mọi chế độ cộng sản.

Anonymous
11/09/2011 01:14

Điều 4 Hiến pháp còn,sẽ còn nhiều khó khăn cho tiến trình hoàn thiện xã hội ở Việt Nam.