Hoa Kỳ đang chịu tác động của biến đổi khí hậu

Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ
2014.05.11
000_141338089-600.jpg Biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng cao. Ảnh minh họa.
AFP photo

 

Chính phủ Hoa Kỳ vào ngày 6 tháng 5 vừa qua cho công bố Đánh giá Khí hậu Quốc gia-NCA, lần thứ ba trong vòng 14 năm qua về tình trạng biến đổi khí hậu tác động đến nước Mỹ và kêu gọi có những biện pháp phòng chống tích cực.

Thừa nhận

Tiến sĩ John Holdren, trợ lý cố vấn tổng thống Hoa Kỳ về Khoa học - Công Nghệ cho biết phúc trình vừa được công bố là văn kiện tòan diện và có giá trị hành chính nhất từ trước đến nay tại Hoa Kỳ. Văn bản này cho thấy tình trạng biến đổi khí hậu lâu nay tác động đến Hoa Kỳ ra sao và dự báo những tác động sắp đến trong tương lai. Qua đó, những công việc nào có thể tiến hành để giảm bớt tác động  từ phía các viên chức công, các nhà hoạch định chính sách, doanh giới và mỗi cá nhân.

Phúc trình đựơc công khai trên mạng đưa ra mọi chi tiết chưa từng có về mọi vùng địa lý ở Hoa Kỳ, và hầu hết những lĩnh vực kinh doanh trong nền kinh tế bị tác động.
Nội dung của phúc trình xác định tình trạng biến đổi khí hậu không phải là một mối đe dọa từ xa nữa, mà tình trạng đó đã tác động đến người dân Hoa Kỳ. Nhìn chung mùa hè kéo dài hơn, khắc nghiệt hơn với những đợt nóng kéo dài thêm ra. Cháy rừng xảy ra sớm hơn vào mùa xuân, và rồi tiếp diễn trễ hơn nữa đến tận cuối thu. Mưa nặng hơn. Người dân đang phải trải qua những thay đổi với dài ngày hơn, mức độ nặng hơn, bất thường hơn.

Tình trạng khí hậu dẫn đến gián đọan nguồn nước, gây trở ngại cho họat động nông nghiệp ngày càng gia tăng.

Khắp đất nước Mỹ, mỗi vùng lại chịu tác động của biến đổi khí hậu theo từng hình thức khác nhau. Ví dụ như các cộng đồng dân cư tại khu vực đông bắc chịu tác động bởi những đợt nóng, hoặc những đợt mưa mùa xuân nhiều hơn, và lũ lụt ở  những vùng bờ do nước biển dâng và bão tố nhiều lên. Tại khu vực các đồng bằng lớn, tình trạng nhiệt độ gia tăng khiến cho nhu cầu nước và năng lượng tăng lên, tác động đến họat động sản xuất nông nghiệp.

Tại khu vực tây nam, hạn hán và tình trạng ấm nóng gia tăng gây nên cháy rừng, và sự tranh giành nguồn nước hiếm hoi cho con người và cho hệ sinh thái.

Giới khoa học nghiên cứu biến đổi khí hậu khẳng định những hiện tượng như thế phù hợp với những thay đổi đang diển ra trong hệ thống khí hậu toàn cầu. Và chúng tôi với mức độ tự tin hơn biết chắc tình trạng đó do mức độ gia tăng khí carbon dioxide và những lọai khí gây hiệu ứng nhà kính trong bầu khí quyển mà do các họat động của con người thải ra gây nên.

Khi tổng thống Barack Obama phát động kế họach hành động về biến đổi khí hậu hồi tháng 6 năm 2013, ông nói rõ những thông tin trong phúc trình Đánh giá Khí hậu Quốc gia sẽ được sử dụng để thông báo những nỗ lực của các bang trong liên bang cũng như các cấp địa phương trong công tác gia tăng sự chuẩn bị và thích ứng đối với những tác động mà biến đổi khí hậu gây nên mà không còn có thể tránh được nữa.

Tiến sĩ John Holdren kêu gọi hãy truy cập vào trang chủ của Nhà Trắng để tìm hiểu qua phúc trình Đánh Giá Khí hậu Quốc Gia những tác động tại địa phương.
Tin cho biết có hơn 300 chuyên gia tham gia làm việc trong mấy năm qua để cập nhật thông tin liên quan vào phúc trình năm 2009. Phúc trình lần này dày đến 1300 trang.

Cụ thể theo phúc trình được công bố thì nhiệt độ trung bình tại Hoa Kỳ từ năm 1895 đến nay gia tăng chừng 1,5 độ F, tương đương 0,8 độ C. Hơn ¾ mức tăng đó xảy ra từ năm 1980. Thập niên qua là thời điểm nóng kỷ lục tại Hoa Kỳ tính đến lúc này.

Theo dự báo thì trong vài thập niên nữa, nhiệt độ tại Hoa Kỳ sẽ tăng lên thêm 2 độ F nữa. Tại khu vực bắc Mỹ, như ở Alaska, nhiệt độ gia tăng nhanh hơn. Nhưng nếu như các lọai khí gây hiệu ứng nhà kính như carbon dioxide và methane tiếp tục gia tăng ở mức nhanh chóng thì nhiệt độ có thể vựợt 10 độ F vào cuối thế kỷ này.

Theo khoa học gia Don Wuebbles, thuộc Đại học Illinois và là một tác giả chính của phúc trình thì tình trang thay đổi khí hậu ở Hoa Kỳ diễn ra ở mức  độ gấp 10 lần so với những đổi thay tự nhiên.

Các chuyên gia đều đồng ý với nhau là vào khỏang giữa thế kỷ 21 này và thời gian tiếp theo đó, thì những tác động bất lợi sẽ xảy đến với hầu hết các lọai mùa màng nông nghiệp và gia súc chăn nuôi.

Phúc trình Đánh giá Khí Hậu Quốc gia vừa nói được giám sát và chuẩn thuận do một ủy ban gồm đông đảo đại diện của các ngành khác nhau trong xã hội Mỹ. Đơn cử trong ủy ban có đại diện hai tập đòan dầu mỏ lớn của Mỹ.

Hành động

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi tòan thế giới cần phải hành động mạnh hơn nữa nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu hôm 04/5/2014 tại Abu Dhabi. AFP photo
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi tòan thế giới cần phải hành động mạnh hơn nữa nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu hôm 04/5/2014 tại Abu Dhabi. AFP photo
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi tòan thế giới cần phải hành động mạnh hơn nữa nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu hôm 04/5/2014 tại Abu Dhabi. AFP photo

Ngay khi Nhà Trắng cho công bố phúc trình về tác động của biến đổi khí hậu tại Hoa Kỳ như thế, truyền thông nước Mỹ đã thông tin rộng rãi về những điểm chính của phúc trình đó và nhấn mạnh đến hành động cần được thực hiện để giảm thiểu những tác động bất lợi đã được chứng minh. Theo đánh giá thì phúc trình lần này có lời lẽ khẩn thiết nhất với những hình ảnh, biểu đồ chứng minh rõ ràng.

Nhà Trắng ra thông cáo kêu gọi hành động nhanh, theo đó thì những bằng chứng được đưa ra trong phúc trình nhấn mạnh đến nhu cầu cấp thiết phải có hành động để đối phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ người dân và các cộng đồng dân cư Hoa Kỳ hiện nay cũng như xây dựng một tương lai bền vững cho con cháu mai sau.

Một công tác được cố vấn John Podesta của tổng thống Barack Obama nêu ra là các địa phương phải thảo luận về thực tế thay đổi do biến đổi khí hậu gây ra tại khu vực của họ và từ đó đề ra kế họach cụ thể.

Ngay trong tuần công bố phúc trình Quốc Gia Đánh Giá Khí hậu, một hội nghị được tiến hành tập trung vào chiến thuật xây dựng xanh. Sau đó, tổng thống Barack Obama cho công bố sáng kiến mới về điện mặt trời.

Bản thân tổng thống Barack Obama từng đưa ra cam kết, trong nhiệm kỳ hai này của ông trong cương vị người đứng đầu nứơc Mỹ khởi động lại nỗ lực trong công tác đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, trong đó có biện pháp sử dụng quyền hạn hành pháp không thông qua Quốc Hội. Tổng thống Hoa Kỳ đã giới thiệu  qui định mới về phát thải của các lọai xe tải hạng nặng và thiết lập những trung tâm giúp doanh giới trong lĩnh vực đối phó với tác động bất lợi của biến đổi khí hậu gây hại cho họat động sản xuất.

Chính quyền của tổng thống Barack Obama cũng sẽ sớm có quyết định về số phận của tuyến đường ống dẫn dầu Keystone XL, theo kế họach được xây dựng để đưa dầu mỏ từ Canada xuống đến Vịnh Mexico.

Giới chuyên gia môi trường cho rằng tuyến đường ống dẫn dầu mỏ đó sẽ góp phần vào tình trạng biến đổi khí hậu của Trái Đất. Lý do vì làm như thế không giúp giảm việc lệ thuộc vào năng lượng hóa thạch là dầu mỏ.

Vào tháng sáu tới đây, tổng thống Hoa Kỳ cũng sẽ công bố giai đọan tiếp theo đầy tham vọng của ông về họat động đối phó với biến đổi khí hậu. Theo đó sẽ là đề nghị cắt giảm phát thải từ những nhà máy điện thế hệ hiện thời. Đây là nguồn phát thải khí carbon lớn nhất tại Mỹ bấy lâu nay.

Người phụ trách viết diễn văn chính cho tổng thống Barack Obama, ông Jon Favreau, nhắc lại rằng đích thân ông Obama yêu cầu đưa vấn đề biến đổi khí hậu vào trong bài diễn văn tuyên thệ nhậm chức nhiệm ký hai của ông hồi năm 2012.  Điều này khiến cho ngay cả những ngưòi thân cận với tổng thống Barack Obama rất ngạc nhiên.

Những người thân tín của tổng thống Barack Obama cho biết trong những cuộc gặp gần đây giữa ông này với nguyên thủ của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines, ông đều dành ra nhiều thời gian để nói đến vấn đề biến đổi khí hậu. Tổng thống Barack Obama bày tỏ quan ngại về việc Nhật Bản và Hàn Quốc tài trợ cho những dự án nhà máy nhiệt điện chạy bằng than ở những quốc gia đang phát triển.

Hôm 12/8/2013, khoảng 200 nhà hoạt động biểu tình bên ngoài Bộ Ngoại giao Mỹ nhằm áp lực lên Tổng thống Obama giữ lời hứa của mình để chống lại biến đổi khí hậu. AFP photo
Hôm 12/8/2013, khoảng 200 nhà hoạt động biểu tình bên ngoài Bộ Ngoại giao Mỹ nhằm áp lực lên Tổng thống Obama giữ lời hứa của mình để chống lại biến đổi khí hậu. AFP photo
Hôm 12/8/2013, khoảng 200 nhà hoạt động biểu tình bên ngoài Bộ Ngoại giao Mỹ nhằm áp lực lên Tổng thống Obama giữ lời hứa của mình để chống lại biến đổi khí hậu. AFP photo

Trong ngày công bố phúc trình Đánh giá Khí hậu Quốc gia lần này, tổng thống Barack Obama không đọc bài diễn văn tại Vườn Hồng của Nhà Trắng như thông lệ, mà trong ngày ông dành thời gian trả lời các cuộc phỏng vấn của các phóng viên thời tiết của các đài quốc gia cũng như địa phương.

Mục tiêu nhằm liên hệ một vấn đề tòan cầu và của liên bang Hoa Kỳ là Trái Đất ấm nóng lên do khí thải carbon từ xe cộ và các nhà máy, nhất là nhà máy nhiệt điện với các biện pháp giảm thiểu cụ thể phải đuợc các cá nhân trong mọi lĩnh vực thực hiện.

Vào ngày chủ nhật 4 tháng 5 vừa qua, tổng thư ký Liên hiệp Quốc, ông Ban Ki-moon lặp lại kêu gọi tòan thế giới cần phải hành động mạnh hơn nữa trong công tác đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Kêu gọi của ông tổng thư ký Liên Hiệp Quốc được đưa ra tại cuộc họp với các quốc gia thành viên tham dự cuộc họp tổ chức ở thành phố Abu Dhabi, thủ đô Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Ông Ban Ki-moon đề nghị các quốc gia tham dự công bố những cam kết và hành động mạnh mẽ giúp đưa đến những chuyển đổi cần thiết.

Người đứng đầu Liên Hiệp Quốc nhắc lại rằng nếu không có hành động khẩn cấp thì tất cả mọi kế họach tăng tiến thịnh vượng và an tòan của thế giới đều trở nên vô hiệu.
Phúc trình Đánh giá Khí hậu Quốc Gia mà Nhà Trắng công bố hồi ngày 6 tháng 5 vừa qua được xem như là một báo cáo cấp nhà nước tương đuơng với phúc trình của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến Đổi khí hậu- IPCC.

Dưới thời của tổng thống Goerge W. Bush không có một phúc trình tương tự đuợc đưa ra.

Việt Nam

Việt Nam đuợc cảnh báo là một quốc gia nằm trong nhóm bị tác động nhiều nhất bởi tình trạng biến đổi khí hậu gây nên. Trước những cảnh báo của quốc tế, chính quyền Việt Nam có những động thái phòng chống ra sao?

Chuyên gia biến đổi khí hậu Trần Việt Liễn, hiện đang làm công tác cố vấn cho Bộ Tài Nguyên- Môi trường trong lĩnh vực này cho biết:

Dù lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam có xu hướng tăng lên vì đó là tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế; thế nhưng tốc độ có thể giảm đi. Còn các nội dung giảm phát thải Việt Nam triển khai cũng khá tích cực. Có thể trong những tháng tới sẽ tích cực hơn. Tôi nghĩ trong thời điểm này Việt Nam có thuận lợi hơn vì có sự ủng hộ của quốc tế tương đối lớn. Điều đó cũng có thể giúp cho Việt Nam tăng cường thay đổi các chính sách của mình. Về vấn đề năng lượng thì gần đây Việt Nam có những giải pháp mà tôi cho là tích cực: như phát triển các năng lượng tái tạo, chương trình tiết kiệm năng lượng, và hạn chế những thiết bị phát thải ra lượng khí gây hiệu ứng nhà kính lớn như cải tạo công nghệ điện lạnh.

Các chương trình thích ứng của Việt Nam tương đối tốt, và việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nguời dân cũng tốt; tuy nhiên đây là vấn đề lâu dài.
Người Việt Nam từ lâu đã có câu ‘Nước đến chân mới nhảy’ để nhắc nhở đừng để tình hình xảy ra trước khi quá muộn.

Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.