Mùa Noel ở Sapa

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2013.12.19
Nhà thờ thị trấn Sapa Nhà thờ thị trấn Sapa
RFA

Nghe bài này

Thị trấn Sapa, Lào Cai là một địa điểm du lịch nằm vắt vẻo trên dãy Hoàng Liên Sơn với sương mù bốn mùa, lạnh lẽo sớm mai và se sắt chiều tà, có thể nói, Sapa là một địa phận mang tất cả mọi đặc trưng của xứ lạnh Tây Bắc. Và mùa Noel ở đây cũng mang tất cả những đặc trưng của một giáo đường lạnh nơi vùng núi lạnh với tiếng chuông nhà thờ ngân nga, thánh thót, đôi khi se lạnh và quạnh quẽ. Với bà con H.Mong, Giáng Sinh năm nay là một mùa Giáng Sinh buồn, rất buồn!

Mùa Noel buồn của đồng bào H.Mong

Nhà thờ Sapa tọa lạc ở trung tâm thị trấn Sapa, gần khu chợ tình trước đây, nhà thờ đứng tựa lưng về phía đỉnh Hàm Rồng, nhìn ra bốn bề núi đồi, xa xa bản làng H.Mong liu phiu khói bếp. Những bản làng sống quen với đời núi rừng, nếp sinh hoạt đơn sơ, mang dáng dấp nguyên thủy với nhiều tục lệ lạc hậu. Từ ngày nhà thờ được xây dựng, bà con H.Mong được hướng dẫn, che chở bởi các vị chăn chiên, cha xứ, đời sống tâm linh và nếp văn hóa xã hội của bà con có thay đổi nhiều.

Đồng thời, nhiều dòng Chúa đã du nhập đến mảnh đất hoang vu này đã giúp cho bà con H.Mong hiểu hơn về ý nghĩa của sinh hoạt tâm linh và nếp sống vệ sinh, mối tương giao giữa người sống và người đã khuất… Từ chỗ trước đây người H.Mong tổ chức ma chay cho người thân bằng cách treo quan tài trong nhà suốt bảy ngày, bên ngoài, phía trước sân, bà con thanh niên nam nữ tụm năm tụm ba ăn uống, nhảy múa suốt đêm, bây giờ, người H.Mong đã biết nhận thức được rằng để xác chết trong nhà lâu ngày sẽ nguy hiểm đến môi trường, và để lâu như vậy làm vọng động linh hồn người đã khuất.

Nhà thờ Sapa tọa lạc ở trung tâm thị trấn Sapa, gần khu chợ tình trước đây...Từ ngày nhà thờ được xây dựng, bà con H.Mong được hướng dẫn, che chở bởi các vị chăn chiên, cha xứ, đời sống tâm linh và nếp văn hóa xã hội của bà con có thay đổi nhiều

Anh Phìn, một người H.Mong ở bản Tả Phìn, cách nhà thờ Sapa chừng 10km đường rừng, cho chúng tôi biết mỗi tuần anh đi lễ một lần vào Chúa Nhật, cũng có tuần anh đi lễ hai ngày hoặc nhiều hơn. Đối với gia đình anh, việc đến với Chúa và đi nhà thờ để hiệp thông với những đồng đạo là do cơ duyên dun rủi, dưới sự dẫn dắt của Thượng Đế. Và anh tin rằng bà con H.Mong đến với Thiên Chúa cũng nhờ vào cơ duyên dun rủi, nhờ vào sự dẫn dắt của đấng bề trên.

Lên rừng kiếm củi bán cho mùa Noel lạnh. RFA
Lên rừng kiếm củi bán cho mùa Noel lạnh. RFA
RFA

Thế nhưng, có những thứ đã dẫn dắt con người nhưng không phải là bề trên, cũng không mang dấu ấn Thượng Đế, sự dẫn dắt này bao giờ cũng mang theo hành vi đập phá, khủng bố, đánh đập, chà đạp lên nhân phẩm và bỏ mặc tiếng kêu than đau đớn của đồng loại. Trong cuộc chà đạp, khủng bố này, những con chiên ngoan của Chúa đã bị kẻ ác hành động không nương tay, thậm chí kẻ ác hí hửng khi đưa đồng loại của mình lùi về thời mông muội, họ cho rằng đó là một chiến thắng.

Anh Phìn tỏ ra buồn rầu khi nhắc đến những đồng đạo ở Hà Giang bị đập phá nhà tang lễ và bị đánh đập không thương tiếc. Anh nói rằng dù sự phá phách này có bàn tay của nhà nước điều hướng, nhưng anh vẫn tin tuyệt đối vào nhà nước. Bởi với anh, nhà nước là một định nghĩa rộng, nhà nước không phải chỉ là một đảng phái nào mà nhà nước là sự hiệp thông của những con người biết yêu thương, sống nhân ái với nhau và sẵn lòng tạo điều kiện tốt nhất để cùng nhau sáng tạo, kiến tạo thế giới. Những gì đi ngược với qui trình này chỉ là nhà nước giả tạo, không xứng đáng là nhà nước của nhân dân.

Nhiều thanh niên Công Giáo H.Mong nói rằng từ nhỏ đến giờ, ước mơ lớn nhất của họ vẫn là nếm thử mùi gà tây trong ngày lễ Noel thử có mùi vị như thế nào ... Nhưng ước mơ ấy vẫn chưa có cơ hội thực hiện được.

Chúa cứu những đứa con H.Mong tội nghiệp

Khác với mùa Noel ở đồng bằng và các thành phố lớn, nếu như Noel đồng bằng, các bạn trẻ cùng nhau đi lễ nhà thờ, hành hương về thánh địa, ăn món gà nướng hoặc Noel ở các thành phố lớn, các bạn trẻ lại nghĩ đến chuyện tìm đến những vùng quê hẻo lánh để giúp đỡ người nghèo, giúp những em bé đồng bào thiểu số có thêm áo ấm, quà bánh và sách vở… thì ở núi rừng Tây Bắc lạnh lẽo, miếng ăn, cái mặc và sách vở để học luôn là ước mơ, là nỗi thèm thuồng của những bé thơ.

Những người H Mong đi ăn xin, đi lượm rác trong thị trấn Sapa. RFA
Những người H Mong đi ăn xin, đi lượm rác trong thị trấn Sapa. RFA
RFA

Nhiều thanh niên Công Giáo H.Mong nói rằng từ nhỏ đến giờ, ước mơ lớn nhất của họ vẫn là nếm thử mùi gà tây trong ngày lễ Noel thử có mùi vị như thế nào mà nghe đài, báo hay nhắc về nó. Nhưng ước mơ ấy vẫn chưa có cơ hội thực hiện được.

Em phải tranh thủ đi bán thật nhiều túi xách thổ cẩm và đi lấy củi trên rừng để về bán kiếm tiền gửi mẹ mua cho em một chiếc mũ thóp Noel màu đỏ chói. Đó là ước mơ đã suốt ba năm nay

Bé Vàng Hà Lèng

Bé Vàng Hà Lèng, con gái anh Phìn, cho chúng tôi biết thêm là suốt mấy ngày nay, để chuẩn bị cho mùa Giáng Sinh, em phải tranh thủ đi bán thật nhiều túi xách thổ cẩm và đi lấy củi trên rừng để về bán kiếm tiền gửi mẹ mua cho em một chiếc mũ thóp Noel màu đỏ chói. Đó là ước mơ đã suốt ba năm nay nhưng em chưa bao giờ có được vì nhà em nghèo quá.

Vàng Hà Lèng kể: “Bán được có hai cái thôi, có hôm bán không được, hôm nào nhiều nhất thì được bốn cái thôi, mỗi cái hai mươi nghìn thôi!”

Bà Lin Nghìn, một con chiên khác, sống ở bản Tả Van, thường đi lễ nhà thờ vào Chúa Nhật mỗi tuần, nói với chúng tôi rằng Noel năm nay quá buồn, buồn vì sự hiệp thông dưới ý Chúa ở đây không còn lựa chọn nào khác là cầu nguyện cho những đồng đạo ở Hà Giang được tai qua nạn khỏi, được sớm bình phục dưới vòng tay nhân từ chở che của ngài. Buồn vì Noel năm nay, những đồng đạo Tây Bắc đang buồn, nước Chúa đã bị xâm phạm. Và buồn vì đời sống ở Tả Van còn nghèo quá, mùa Noel năm nay, bà phải cõng cháu đi ăn xin để lây lất qua ngày.

Đến ngày Chúa Hài Đồng sinh ra, bà sẽ đến cạnh máng cỏ để xin ngài ban cho bà và đồng bào H.Mong của bà một ân sủng, để mọi người đỡ phải vất vả và bà có cái ăn, cái mặc, có ruộng để canh tác

Bà Nghìn

Bà Lin Nghìn kể: “Nhà không có một tí cháo, một tí gì để ăn, bà là không có lúa, không có ruộng làm, làm cực lắm. Không có gì để ăn. Bác cũng đi bán hàng. Bác cũng đi làm cho người Kinh, một Kinh, hai Kinh, nó đưa tiền cho mình mua gạo về nhà ăn. Cháu này nè (chỉ đứa cháu đang cõng trên lưng), nó không có mế (mẹ), cực lắm! Không có một tí cháo lỏng, mới đẻ ba ngày là mẹ nó mất. Suốt ngày cõng đi bộ vậy lạnh lắm...!”

Tuy rằng buồn vì đang sống trong một xứ sở nghèo khổ, người bóc lột người, đồng bào, đồng tộc H.Mong của bà bị người ta biến thành những con vật cảnh phụ vụ du lịch và mọi hoạt động về tâm linh của bà con luôn bị giám sát, quản lý, bóp nghẹt. Nhưng dẫu sao, bà Nghìn cũng tin rằng Chúa sẽ nghe tiếng kêu đau của đồng bào H.Mong, Chúa sẽ ban phát tình thương và cứu đồng bào H.Mong thoát khỏi bàn tay quỉ dữ, Chúa sẽ mang đến niềm vui trọn vẹn cho một kiếp người như bà.

Bà Nghìn nói rằng, đến ngày Chúa Hài Đồng sinh ra, bà sẽ đến cạnh máng cỏ để xin ngài ban cho bà và đồng bào H.Mong của bà một ân sủng, để mọi người đỡ phải vất vả và bà có cái ăn, cái mặc, có ruộng để canh tác, bà khỏi phải cõng đứa cháu đi ăn xin trong giá rét như thế này nữa. Nói xong, bà Nghìn ngước mắt nhìn lên cao, nơi mây xanh và mây trắng tụ đỉnh núi.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.