Đà Nẵng nhìn từ bên kia sông

RFA
2017.04.02
620.jpg Bờ sông Hàn, Đà Nẵng.
RFA photo

 

Đà Nẵng trong những năm gần đây được đánh giá là thành phố có nhiều thay đổi nhất tại Việt Nam.

Từ những tòa cao ốc ...

Lãnh đạo thành phố có một số phát biểu tự hào về công cuộc phát triển của thành phố biển miền trung này. Tuy nhiên còn nhiều khu vực ngay trong thành phố, dân địa phương phải sống trong cảnh bần hàn.

Đà Nẵng 10 năm trở lại đây có sự thay đổi rõ rệt khi một số tòa cao ốc đồ sộ mọc lên và phố xá tấp nập kẻ bán người mua. Khách du lịch từ nhiều nơi đổ về, cuộc sống của người dân phố thị nhờ thế cũng khấm khá hơn xưa.

Bác Hải sống tại quận 3, thành phố Đà Nẵng và đã gắn bó với nghề chài lưới ven sông Hàn đã hơn 50 năm nay, chứng kiến sự thay đổi của ĐN và cho biết:

“Mỗi năm nó mỗi khác, nhìn nó đẹp hơn. Thành phố phát triển văn minh, cây xanh sạch đẹp, mình nhìn thấy cũng đã con mắt. Về phương tiện làm ăn thì tàu bè ra vào sắp xếp hợp lý, mình làm nghề cũng thong thả hơn.”

...đến những xóm thật nghèo

Một người dân nghèo với nghề cào nghêu.
Một người dân nghèo với nghề cào nghêu.
RFA photo

Tuy nhiên đối với người đàn ông này thì dẫu ‘đôi bờ không cách xa” nhau là mấy, hiện có sự chênh lệch rất lớn:

“Bên kia là dân thành phố, bên ni dưới biển làm cá, bên nớ Thành phố Đà Nẵng làm và ăn chơi nhiều. Bên ni chăm dưới nước, làm biển dưới nước, ăn chơi ít lắm. Chiều chiều, có hồi đi thả lưới dưới sông, hai vợ chồng ngó cái nhà, ao ước qua, có tiền chứ không tiền làm chi tới được.”

Ông Hải cho biết cuộc sống thực tế của những người dân làm những nghề cào nghêu, giăng lưới trên sông như gia đình ông:

“Thiếu, dư không dư,cứ làm quanh năm suốt tháng, không có dư. Như tháng này là thu nhập không được 100 ngàn một ngày, có ngày chỉ được 50 ngàn hay 70 ngàn. Có khi đậu ở nhà cả tuần lễ luôn. Bão, sóng đập vô bể thuyền.”

Xuôi theo sông Hàn đến cửa vịnh Đà Nẵng, nằm dưới chân cầu Thuận Phước là một làng chài nuôi nghêu. Khác với những hình ảnh thường thấy trên TV về thành phố Đà nẵng, Ở đây, người dân vẫn sống trong những ngôi nhà lụp xụp làm từ gỗ tạp, mái lợp lá dừa, có nhà vẫn không đủ tiền làm vách.

Bà Trần Thị Hoa năm nay đã 71 tuổi, sống tạm trong ngôi nhà tranh xiêu vẹo với người chồng bệnh tật. Tuy tuổi già sức yếu, nhưng cụ vẫn phải bươn chải để lo miếng ăn hằng ngày và lo thuốc men cho người chồng. Bà kể về gia cảnh và lý do phải lưu lạc ra tận làng này:

“Trước hai vợ chồng còn khỏe thì nuôi cá, làm nghêu, mà nước thải bên nớ qua cá chết quá. Cái rồi hắn lỗ, sau bán nhà trả nợ cho nhà nước hết 100 triệu, rồi cho con. Ông thì đau 6 năm nay. Đêm, một giờ dậy đi lượm chai bao, 3 giờ xuống sông mò nghêu mò ốc.”

Căn nhà mà hai ông bà đang trú ngụ chỉ đủ sức che mưa che nắng, mỗi khi mùa bão lũ ập đến, bà và người chồng phải tạm lánh đi nơi khác để tránh vì căn nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào:

“Hồi trước nước dâng lên, bão, hư, sụp nhà, làm hoài rứa. Phải sửa lại để ở.”

Bà Hoa, ông Hải là những người dân địa phương gắn bó gần suốt cuộc đời với thành phố biển Đà Nẵng. Nay thành phố đang trong quá trình thay đổi nhưng họ lại thấy dường như bị gạt ra ngoài và tương lai thật bấp bênh.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.