Rộn ràng mùa cưới tháng Chạp

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2014.01.10
000_Hkg8081805-622.jpg Hai bạn trẻ đang chụp hình cưới trên đường phố Hà Nội.
AFP

 

Tháng Chạp, mùa giáp Tết cũng là mùa cưới rộn ràng. Các cô dâu, chú rể đắt nhau đi thuê áo cưới, sắm sính lễ và gửi thiệp mời khắp lối. Các dịch vụ bao trọn gói cho đám cưới, phục vụ nhạc cưới, cho vay nặng lãi mùa cưới cũng nhộn nhịp không kém. Và vấn đề cưới chạy chỗ, hay nói cách khác là cưới có đầu tư để kiếm chút tiền lãi giắt lưng làm vốn sau này làm ăn của các cô dâu, chú rể nghèo đôi khi đẩy họ vào tình huống dở khóc dở cười.

Dịch vụ và dịch vụ

Sở dĩ nói rằng nhiều cô dâu, chú rể phải dở khóc dở cười vì mùa cưới là có lý do của nó. Theo như ông Quốc Việt, chủ một nhà hàng tiệc cưới ở quận Tân Bình, Sài Gòn thì hiện nay, những đám cưới truyền thống đã hoàn toàn cáo chung, không lưu lại dấu vết nào và thay vào đó là những tiệc cưới dịch vụ vừa có tính hoành tráng lại vừa tiện ích nhiều bề.

Ông Quốc Việt nói: “Còn cái đám cưới hiện tại thì biết rồi, quá nhạt nhẽo phải không. Thì người ta gửi thiệp rồi đến ngày, mời 5h – 6h chờ đến 8h mới được ăn, nói qua loa vài ba câu rồi lên hát hò, rồi nhậu dzô, dzô 1,2, 3. Rồi chụp ảnh với cô dâu chú rể rồi về. Sài Gòn giờ nó cưới kinh doanh nhiều chứ bộ, mời nhiều thì lời, đơn giản mình đi đám cưới đã mất ít nhất năm trăm ngàn đồng, một bàn ít nhất là năm triệu. Mà cưới kinh doanh chủ yếu là con quá bộ, người bình thường thì họ không cưới kinh doanh, người đang có chức có quyền mới cưới kinh doanh. Vì lúc này những đàn em mới đi càng đông, càng nhiều tiền, nó đi để nó đền ơn hoặc là để tìm vị trí, đó là những người đang có chức có quyền, có sức ảnh hưởng đến sự phân bổ vị trí này vị trí nó trong các cơ quan. Cưới kinh doanh chủ yếu là con cán bộ, nói chung là vậy chứ dân thường không cưới kinh doanh đâu!”

Cũng theo ông Quốc Việt, thời buổi bây giờ, rất khó để tổ chức một đám cưới theo kiểu truyền thống. Mà nói là truyền thống cho nó sang chứ thực ra ở Việt Nam, khó có thứ gì gọi là truyền thống được. Nhưng dẫu sao, những đám cưới do hai bên gia đình cô dâu và chú rể tự tổ chức, không tính đến chuyện thiệt hơn, lời lỗ, cưới với động cơ báo hỷ cùng bà con, họ hàng và bạn bè được gọi là đám cưới truyền thống.

Thường thì trong những đám cưới truyền thống, người nhà của cô dâu và chú rể phải chuẩn bị cả tháng trời từ việc mời mọc bà con họ hàng, đi mượn bàn ghế hàng xóm, thuê thợ về nấu, thuê bát, đĩa… cho đến che lều trại bằng vải dù, làm cổng hôn trường bằng lá dừa, trang trí các lồng đèn tự làm và những búi tơ bằng kim tuyến cũng tự làm nốt. Một đám cưới truyền thống thường tốn rất nhiều công sức, thời gian và đặc biệt là không có thùng quà hình trái tim để trước cổng hôn trường như đám cưới hiện đại.

Khách mời sẽ được đón tiếp nồng hậu, nếu ai có quà tặng thì mang quà lên đặt trên một chiếc bàn đặt giữa sân khấu, sau đó vào bàn ngồi dự lễ cưới, ăn uống tự nhiên, chúc tụng nồng nhiệt. Những ai không mang quà thì đợi cô dâu và chú rể đi chào bàn thì nhét khẽ chiếc phong bì hoặc trao một câu chúc nồng ấm là coi như mọi thủ tục đã xong. Trẻ nít xúm xít quanh hôn trường để coi cô dâu chú rể, thi thoảng người lớn cho chúng vài chiếc kẹo, vài cuốn ram. Chúng nhận lấy và ăn ngon lành, cảm giác hồn nhiên, con nít tràn trề.

Hai bạn trẻ đang chụp hình cưới trên đường phố Hà Nội, ảnh chụp năm 2013. AFP PHOTO.
Hai bạn trẻ đang chụp hình cưới trên đường phố Hà Nội, ảnh chụp năm 2013. AFP PHOTO.

Nhưng cái thời ấy đã qua, bây giờ người ta tính đến chuyện lời lỗ nhiều hơn là báo hỷ. Hơn nữa, thời kinh tế thị trường, mọi việc quay cuồng, không có ai đủ thời gian để nghĩ đến một đám cưới truyền thống đậm chất dân dã, mộc mạc mà khó quên như ngày xưa nữa. Thay vì chuẩn bị mọi việc, cô dâu và chú rể chỉ lo đúng hai việc, đó là soạn ra một danh sách bạn khả thi để khi gửi thiệp mời, chắc chắn họ đến dự tiệc cưới, sau đó tìm đến dịch vụ tiệc cưới để thương lượng giá cả.

Thường thì dịch vụ tiệc cưới sẽ bao cân từ A đến Z cho đám cưới, từ bó hoa của cô dâu cho đến mâm lễ nhà trai mang đến nhà gái, rồi không gian của buổi tiệc, sân khấu văn nghệ, nhạc công, người dẫn chương trình, số khẩu phần ăn, số bàn ghế, ly chén đũa… cho đến quản lý thùng đựng tiền và tổng kết tiệc, tính tiền lỗ lãi, đều có dịch vụ tiệc cưới đảm nhận. Cô dâu và chú rể chỉ đặt món tiền cọc nhỏ, mọi phần còn lại do dịch vụ tính toán giùm.

Ông Việt kết luận, những trường hợp nêu trên là của các đám cưới con nhà nghèo, chứ đám cưới con nhà khá giả hoặc quan chức giàu có thì mọi chuyện lại khác, họ chủ động từ A đến Z, dịch vụ tiệc cưới chỉ đóng vai trò phục vụ theo chỉ dẫn của họ. Nhưng nếu như đám cưới nhà giàu không lo đến chuyện lời lỗ, cũng không bận tâm đến vấn đề tốn kém tài chính thì với đám cưới nhà nghèo lại khác.

Xong ngày cưới, bắt đầu ngày trả nợ

Hùng, chú rể vừa cưới vợ, hiện đang sống tại khu nhà trọ dành cho công nhân ở Tân Bình, Sài Gòn, than thở với chúng tôi rằng sau đám cưới, vợ chồng anh cảm thấy quá ngột ngạt, chỉ muốn trốn khỏi mặt đất nhưng trốn cũng không xong vì khoản tiền nợ hai chục triệu đồng vẫn còn treo lơ lửng trên đầu hai người.

Đôi vợ chồng trẻ cho biết trước khi cưới nhau chỉ dành dụm được bốn chỉ vàng, đủ để in thiệp và mua những lễ vật cho đám cưới. Nhà cô dâu và chú rể cách nhau đến hai trăm cây số, tiền thuê xe khá tốn kém. Hai người định đăng ký kết hôn rồi tổ chức một đám cưới đơn sơ, mời bạn bè, họ hàng đến tham dự để gọi là hợp thức hóa sự chung sống lâu nay của họ. Thế nhưng hai họ nhà trai và nhà gái thì lại yêu cầu phải cưới hỏi thật linh đình.

Tính đi tính lại, Hùng đi vay nóng hai mươi triệu đồng để thuê xe, đặt cọc nhà hàng và mua một số thứ cần thiết. Không may cho đôi vợ chồng này, bởi vì thầy bói coi chọn ngày cưới là một ngày rất tốt nên có nhiều đám cưới diễn ra cùng lần. Khách khứa đến dự tiệc không bao nhiêu, thừa cả chục bàn ăn. Sau đám cưới, số tiền trong thùng quà tặng vừa đúng bằng số tiền họ phải trả cho dịch vụ tiệc cưới. Như vậy là không dư được đồng nào, hai vợ chồng trẻ lâm nợ.

Vì đây là số tiền vay nóng nên nó nhanh chóng đẻ lãi, tiền lương hằng tháng của hai người rồi đây phải ăn nhín uống nhịn để trả. Tiền vay gốc vẫn cứ nằm trơ trơ ra đấy mà không tài nào xoay xở để thoát nó. Nhiều lần hai vợ chồng định bán mấy chỉ vàng cưới để trả nợ nhưng vàng liên tục rớt giá, hơn nữa nhẫn cưới không thể bán nên tính đi tính lại nếu có bán cũng không đủ trả.

Cuối cùng, đôi vợ chồng trẻ này đưa ra quyết định là chưa sinh con, bao giờ trả xong nợ rồi mới tính chuyện con cái. Ngoài việc làm công nhân xí nghiệp, Hùng phải thức đêm chạy xe ôm để kiếm thêm thu nhập. Tuy mới cưới nhau nhưng cảm giác trống vắng, mệt mỏi vì nợ nần thường xuyên kéo đến với đôi vợ chồng trẻ này.

Và cũng theo chú rể tên Hùng cho biết, hiện nay, tình trạng cho vay nặng lãi, chấp nhận vay nóng để đám cưới đang là trào lưu của giới lao động nghèo, nhất là vào dịp cuối năm như thế này. Nhưng, cho đến bây giờ, Hùng vẫn không hiểu được vì sao người ta lại phải cứ cưới nhau linh đình để rồi nợ nần thê thảm như vợ chồng anh.

Không riêng gì cặp vợ chồng Hùng bị tình trạng nợ nần vây bủa sau đám cưới, phần đông người lao động nghèo Việt Nam thường rơi vào nợ nần chồng chất sau lần đám cưới tưởng là hiện đại nhưng trên thực chất là đổ nợ và gặp nhiều nguy cơ sau ngày cưới.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.