Trung Thu sớm ở miền Trung

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2014.08.13
Trung thu luôn là niềm háo hức của trẻ nhỏ Trung thu luôn là niềm háo hức của trẻ nhỏ
RFA

Khác với mọi năm, dường như năm nay, Tết Trung Thu ở miền Trung về sớm hơn, các hãng bánh Trung Thu đã có mặt ở đây từ những ngày đầu tháng Bảy âm lịch, đây cũng là chuyện khá lạ ở miền Trung mưa chang và nắng cháy, kinh tế chưa bao giờ được xếp vào vùng đất thịnh vượng nhưng lại có cái Tết thiếu nhi sớm hơn mọi nơi.

Như vậy có phải do kinh tế miền Trung phát triển và nhu cầu hưởng thụ cao hay là vì một lý do nào khác? Có lẽ chính những câu chuyện của người bán bánh Trung Thu và những em thiếu nhi sẽ nói lên đầy đủ hơn.

Sợ thiên tai nên bán bánh Trung Thu sớm

Một người bán hàng cho hãng bánh Kinh Đô, yêu cầu giấu tên, chia sẻ: “Hiện giờ bánh xuất hiện sau ngày Vu Lan rồi người ta chuẩn bị trung thu tại vì bao giờ người ta cũng mua trước hết. Một cái bánh gần hai trăm ngàn họ mua làm quà, đi biếu chứ không bao giờ họ ăn đâu. Họ ăn không bao gờ họ mua bánh đó đâu, họ mua làm quà cho con nhỏ trong nhà, hoặc biếu sếp là chủ yếu.”

Theo người này, sở dĩ năm nay mọi hãng bánh Trung Thu xuất phát sớm hơn so với mọi năm vì họ đã rút được kinh nghiệm từ mọi năm trước. Miền Trung thường có thiên tai, lụt lội vào những ngày đầu tháng Tám âm lịch, chính vì thế, nếu xuất phát trễ, mọi hãng bánh có thể bị thua lỗ đậm ở miền Trung. Hơn nữa, với các tỉnh ở miền Trung, chủng loại bánh Trung Thu thuộc hàng thứ cấp, hàng chất lượng cao với giá thành đắt đỏ không thể bán được ở miền Trung.

Và hơn hết là lượng tiêu thụ ở miền Trung rất thấp nhưng lại vượt trội về vấn đề cho, tặng, biếu. Nghĩa là đa phần các phần bánh Trung Thu đều được bán cho các nhân viên ở các cơ quan nhà nước mang biếu sếp. Mà với các nhân viên muốn lấy lòng cấp trên thì việc biểu diễn ra càng sớm càng tạo được ấn tượng với sếp. Chính vì thế mà đa phần bánh bán được ở thị trường miền Trung đều chốt hàng vào độ mồng Mười tháng Tám âm lịch. Những ngày chính thức Trung Thu, rất hiếm chuyện cha mẹ chở con đi mua bánh vì với điều kiện thu nhập ở nơi này, ít gia đình nào đủ khả năng chở con đi mua bánh Trung Thu mặc dù ai cũng muốn con mình có một Trung Thu ấm áp, vui vẻ. Nhưng túi tiền của người bình dân không cho phép họ nghĩ đến điều này!

Chở trống đi bán mùa Trung Thu. RFA
Chở trống đi bán mùa Trung Thu. RFA

Và điểm đáng quan tâm nhiều nhất ở bánh Trung Thu trên thị trường miền Trung là nguyên liệu không thuộc dạng đặc biệt, khả năng kéo dài hạn sử dụng rất hạn chế, chính vì vậy, nếu không tiêu thụ sớm, e rằng vào dịp Trung Thu, thời tiết thất thường ở nơi này sẽ làm cho chất lượng bánh bị kém. Chính vì thế, thay vì sản xuất bánh, ém hàng, thăm dò thị trường, sau đó đóng gói và tung sản phẩm thì năm nay, riêng thị trường miền Trung, các hãng bánh Trung Thu đều chọn phương án vừa đóng gói vừa tung sản phẩm, bán càng sớm càng tốt và bằng mọi giá không để lượng bánh tồn kho quá nhiều như mọi năm.

Chính vì lượng bánh tồn kho quá nhiều ở những năm trước vì lý do thời tiết, đặc biệt là Trung Thu năm 2010, các hãng bánh lỗ trắng tay ở miền Trung bởi mưa lớn và lũ lụt không kịp trở tay đã làm một lượng lớn bánh trong các kho hàng bị hỏng nặng. Mà với các loại thực phẩm, một khi đã ngấm nước, mốc meo nổi lên thì việc tìm chỗ để tiêu hủy nó là cả một vấn đề khó khăn và đau đầu. Nói về kinh nghiệm thị trường, có lẽ đó là một Tết Trung Thu ảm đạm nhất ở miền Trung mà theo các hãng bánh dự đoán, khả năng Trung Thu năm nay, miền Trung sẽ mưa gió bão bùng và không ngoại trừ lụt lội.

Người bán bánh này nói rằng mỗi hãng bánh uy tín đều có một người chuyên tư vấn và dự đoán thời tiết, họ sẽ căn cứ theo dự đoán của người này để lập kết hoạch, lên phương án tiếp cận và khai thác thị trường. Năm nay, thị trường miền Trung được khai thác sớm để đề phòng lũ lụt, thời tiết bất thường.

Cạnh tranh mặt bằng khốc liệt

Ông Một, nhân viên thị trường của một hãng bánh khá nổi tiếng tại Việt Nam nói về thị trường miền Trung: “Trung thu năm nay ế, bày ra có ai mua đâu! Chắc là xã hội cũng không quan tâm nhiều, người ta không chú ý nhiều đến nó nữa, người ta cũng thờ ơ lắm! Nó đến rồi nó qua đi, người ta không chú ý nhiều. Năm nay số lượng quầy bán cũng ít hơn mọi năm.”

Theo ông Một, vấn đề mặt bằng ở các tỉnh miền Trung mới nghe có vẻ đơn giản nhưng trên thực tế, giữa các hãng bánh luôn có cuộc cạnh tranh ngấm ngầm với nhau về điểm bày bán. Ngoài yếu tố uy tín thương hiệu, yếu tố mặt bằng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng luôn là yếu tố quyết định thắng thua trong cạnh tranh tại miền Trung.

Bánh trung thu được bày bán sớm ở miền Trung. RFA
Bánh trung thu được bày bán sớm ở miền Trung. RFA

Giải thích thêm về mặt bằng nghĩa bóng và nghĩa đen, ông Một nói rằng mặt bằng nghĩa đen là những điểm thuận lợi cho việc mua bán, những vị trí trung tâm, còn mặt bằng nghĩa bóng là mặt bằng trong vấn đề giao tiếp, chung chi và phong bì những nơi cần bỏ. Ví dụ như một người giỏi làm thị trường thì phải biết nghiên cứu và nắm rõ các ngóc ngách, các thành phần nhân sự trong bất kì cơ quan nhà nước nào nằm trên thị trường của mình. Những cơ quan này sẽ là thị phần béo bở nếu người làm thị trường biết lót tay cho các sếp cơ quan, chắc chắn rằng khi các nhân viên thuộc cấp đi mua bánh biếu tặng cấp trên, ông hay bà ta sẽ nhắc nhỡ nhân viên đến mua ở nơi đã lót tay cho ông hay bà sếp này.

Và có một đặc điểm nữa khá tế nhị là đa phần các phần bánh Trung Thu của các sếp đều được mang ra bán giá rẻ lại cho các cửa hàng bánh vì họ dùng không hết và tặng cho người thân cũng có chừng, không thể giải quyết hết số bánh biếu tặng kia, mà để lâu thì hết hạn sử dụng.

Nắm được tâm lý và thói quen này nên đa phần các công ty sản xuất bánh Trung Thu đều đưa sản phẩm về miền Trung sớm và có hạn, để còn phải giải quyết số bánh mua đi bán lại từ các sếp. Chuyện chiếc bánh Trung Thu một khi đã qua tay các sếp nghe ra khá buồn.

Nhưng dẫu sao, với trẻ con, Trung Thu vẫn luôn là khoảng thời gian đẹp và thánh thiện, như lời của bé Hưởng: “Thích đi coi múa lân, thích coi mấy đứa nhỏ hơn chơi lồng đèn, chơi vui lắm! Nhưng bánh trung thu thì ít ăn vì bây giờ bánh chi chi ấy, không ghiền! Cũng có nhưng bánh giờ họ bán chỗ ngon chỗ dở nên em không ham ăn nữa. Bánh nhiều tiền thì dễ gì ăn được, em ít ăn, mẹ ít mua lắm, mẹ cứ định mua rồi thôi, mẹ bảo thôi ăn gì mấy thứ đó…!”

Mùa Trung Thu sớm ở miền Trung nghe ra có lắm nỗi niềm, không phải bởi kinh tế thịnh vượng mà bởi vì nhiều vấn đề trắc ẩn của người lớn trong dịp tết thiếu nhi này!

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.