Người nông dân miền Trung ăn Tết buồn

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2015.02.21
rau-622.jpg Một chợ rau ở Miền Trung.
RFA

Đối với nông dân miền Trung, từ Phú Yên đến Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, dường như Tết Ất Mùi là một cái Tết rất buồn bởi ngoại trừ giá xăng và giá gas giảm, mọi thứ vẫn tăng vùn vụt kể cả tiền điện sinh hoạt hằng ngày. Trong khi đó, giá nông sản miền Trung như rau hành, cải, hẹ, dưa leo, đậu tây lại có giá thấp lè tè, thấp đến mức không thể tưởng tượng được người nông dân lấy gì để sắm Tết.

Người mua sắm thưa thớt

Bà Nguyên, chủ một cửa hàng tạp hóa ở Nghĩa Hành, Quảng Ngãi chia sẻ: “Năm nay thì giá cả không được gì, rau hành coi như bỏ, làm ra không ai mua, phải đổ cho bò ăn, nhà quê năm nay thất thu, mấy năm trước bán một chục rau hành còn mua được chai nước mắm chứ giờ thì rẻ, bán rẻ mà cũng chẳng ai thèm mua. Giờ thế rồi chịu chứ biết làm gì!”

Năm nay thì giá cả không được gì, rau hành coi như bỏ, làm ra không ai mua, phải đổ cho bò ăn, nhà quê năm nay thất thu, mấy năm trước bán một chục rau hành còn mua được chai nước mắm chứ giờ thì rẻ, bán rẻ mà cũng chẳng ai thèm mua.
-Bà Nguyên

Theo bà Nguyên, số lượng người đến mua mứt, hạt dưa, bánh kẹo Tết ở cửa hàng của bà năm nay giảm đáng kể so với các năm trước. Mọi năm, chừng hai mươi tháng Chạp người ta bắt đầu đổ xô mua sắm. Nhưng năm nay, đã đến những phút tiễn năm cũ mà số lượng hàng tiêu thụ trong cửa hàng của bà chỉ bằng một phần ba năm ngoái. Chỉ có rượu bia là được tiêu thụ nhiều nhất.

Về mảng rượu bia, thường thì nông dân đến mua chai rượu nếp hương về thờ cúng ba ngày Tết, người nào khá giả thì mua chai rượu vang Đà Lạt hoặc chai rượu Thăng Long về thờ cúng, họa hoằng lắm mới có người mua một két bia chai hoặc thùng bia lon hiệu Dung Quất về đãi khách. Đa phần khách mua bia là giới cán bộ, giáo viên mua để xài và mua để biếu sếp. Rượu bia, thuốc lá và bánh kẹo hạng sang được tiêu thụ mạnh nhờ kênh khách hàng này.

Riêng nhóm khách hàng nông dân, có vẻ như năm nay họ không mặn mà với Tết cho mấy cho dù giá xăng, giá gas giảm đáng kể. Nhưng giá thành hai loại này có giảm chăng nữa cũng không mang lại hiệu quả kinh tế đối với người nông dân vì hiện tại, ước tính có hơn 80% nông dân vẫn còn dùng chất đốt tự nhiên như củi tre, củi bìa gỗ, mạt cưa hoặc lò sô đốt bằng dầu lửa. Bếp gas đối với nông dân vẫn còn xa lạ.

Những luống rau tuyệt vọng ở miền Trung. RFA PHOTO.
Những luống rau tuyệt vọng ở miền Trung. RFA PHOTO.

Bên cạnh đó, giá xăng tuy giảm nhưng các loại dịch vụ nông nghiệp từ máy cày máy kéo cho đến máy tuốt lúa vẫn không hề giảm giá. Trong khi đó một gánh rau cải nếu như trước đây có thể bán được từ 50 ngàn đồng đến 70 ngàn đồng thì những ngày giáp Tết này, giá của nó hạ xuống còn 15 ngàn đồng, cao nhất là 20 ngàn đồng. Với giá thành như vậy, người nông dân không đủ tiền để bù lỗ cho mùa vụ chứ đừng nói gì đến chuyện mua sắm cho ba ngày Tết.

Một người tên Trung, làm nghề lái xe bỏ hàng tạp hóa giá sỉ từ Bình Định ra đến Quảng Nam cho biết thêm là không khí mua bán ở khắp các nơi anh đi bỏ mối hàng đều giống nhau, không có gì thay đổi, chỉ có rượu bia, hàng hóa hạng sang được tiêu thụ mạnh bởi kênh khách hàng cán bộ, công chức, giáo viên và các nhà buôn, dịch vụ lớn, nhỏ. Hàng hóa hạng trung và hạng thứ dành bán cho nông dân năm nay tiêu thụ rất yếu, không đáng kể.

Điều này cho thấy người nông dân không có một cái Tết ấm áp như mọi năm mặc dù năm 2014, hay là năm Giáp Ngọ, thiên tai không nhiều nhưng mọi đột biến kinh tế của đất nước đã giáng họa xuống đầu người nông dân vốn dĩ quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, không có tội lỗi gì với nền kinh tế quốc gia.

Trung Quốc đã giết chết cái Tết của nông dân

Một nông dân tên Trần Bài, ở huyện Châu Ổ, Quảng Ngãi, chia sẻ thêm: “Rất rẻ, mọi thứ như xà lách cũng rất rẻ, nói chung là giá cả năm nay rất rẻ. Mình ở nhà quê thì trông vào rau cải nhưng giờ bán rẻ quá thì coi như cái Tết chẳng có gì. Rẻ bán không trôi. So với năm ngoái thì thị trường rau cải năm nay rất rẻ. Nói chung là mình ở quê, nông dân mà bán rau không có tiền thì ít lương thực (Tết) hơn…”

Theo ông Bài, sở dĩ năm nay người nông dân thất thu, không có tiền để ăn Tết là vì Trung Quốc, hàng hóa Trung Quốc đã lấn sân vào thị trường Tết miền Trung quá nặng nề. Nếu như trước đây, người nông dân luôn yên tâm với nông sản của mình bởi những thứ khác miền Trung không trồng được hoặc trồng yếu như cà rốt, khoai tây, bắp cải, su lơ… thì có nguồn hàng từ Đà Lạt, Lâm Đồng đưa ra để cân đối, mọi thứ vẫn luôn ổn định bấy lâu nay.

Rất rẻ, mọi thứ như xà lách cũng rất rẻ, nói chung là giá cả năm nay rất rẻ. Mình ở nhà quê thì trông vào rau cải nhưng giờ bán rẻ quá thì coi như cái Tết chẳng có gì.
-Trần Bài

Nhưng hiện tại, thị trường nông sản miền Trung đã hoàn toàn đảo lộn bởi nông sản Trung Quốc ồ ạt tấn công, từ củ cà rốt, củ khoai tây, củ dền đỏ cho đến cái bắp su, bắp cải, bó rau thơm, ký cải ngọt, ký trái cây… Nói chung là mọi thứ nông sản miền Trung đều bị lép vế bởi màu sắc bắt mắt, giá thành rẻ như bèo của nông sản Trung Quốc.

Và đáng sợ nhất là vì lợi nhuận, nhà buôn người Việt ở miền Trung nhắm mắt mua hàng Trung Quốc về tích trữ, kể cả việc tích trữ bánh kẹo, hàng Tết Trung Quốc. Điều này vô hình trung làm cho mọi thứ hàng hóa tích trữ mùa Tết của người nông dân trở nên thừa mứa trên thị trường, cơ hội tiêu thụ không có.

Và không có gì đáng sợ, đáng buồn hơn việc suốt mấy tháng ròng mùa mưa chờ đợi tháng mười một khô ráo để vỡ đất, gieo mùa, rồi lại chăm bón, nâng niu hy vọng mùa Tết đến sẽ mang những cây rau, trái dưa, trái đậu tây ra chợ, và niềm vui cầm đếm những đồng tiền chắt chiu từ mùa vụ sẽ mang về thức quà Tết đầy thi vị, ấm áp… Thế nhưng với tình hình hiện tại, giấc mơ giản dị của người nông dân cứ như đang xây lâu đài trên cát.

Ông Trần Bài bày tỏ nỗi phẫn uất của mình cũng như nhiều nông dân khác rằng tất cả đều do sự quản lý vô trách nhiệm của nhà nước. Vì sao cán bộ nhà nước lại ăn Tết với rượu bia thừa mứa, thức ăn ê hề ứ hự, trong khi đó, người nông dân lại đói khổ trong mùa Tết? Tại sao những người ăn lương nhà nước vốn dĩ là đầy tớ của nhân dân lại quá vô trách nhiệm đối với các ông chủ nông dân chiếm hơn 80% lực lượng lao động, để hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam lũng đoạn thị trường thì khác nào cõng rắn cắn gà nhà? Và đến bao giờ người nông dân được ăn một cái Tết bình yên?

Những câu hỏi bức xúc của người nông dân tên Trần Bài không còn là câu hỏi mang tính chất cá nhân, đơn lẻ nữa, mà nó đã thành câu hỏi chung của đại bộ phận nhân dân thấp cổ bé miệng trong xã hội.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.