Chuyện quà Tết cấp trên

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2014.02.03
Một cơ quan nhà nước có không khí vắng vẻ nhưng quà cáp khá chộn rộn.jpg Một cơ quan nhà nước có không khí vắng vẻ nhưng quà cáp khá chộn rộn.
RFA

Nghe bài này

Ngày hết Tết tới, không khí chuyển từ chộn rộn sang hối hả, gấp gáp, người nông dân gấp gáp hoàn tất công việc đồng án để đón Tết, người công nhân vội vã làm nốt phần việc còn lại để lĩnh tiền ăn Tết, nhà nhà hối hả, người người hối hả… Nhưng có lẽ, hối hả và gấp gáp nhất vẫn là công chức nhà nước, đặc biệt là công chức ngành an ninh và y tế. Vấn đề quà cáp cho cấp trên trở thành cuộc chạy đua của cấp dưới, chạy đua với thời gian.

Các hàng sếp và chuẩn quà

Bà Tuyền, là mẹ kế của một nhân viên an ninh sân bay tại Sài Gòn, than thở với chúng tôi một cách rất tự hào rằng cuộc đời làm vợ bé, không sinh thêm đứa con nào của bà trở nên hết sức ý nghĩa khi bà đưa được hai đứa con riêng của chồng vào trường an ninh và sau đó xin cho đứa lớn làm an ninh sân bay, đứa nhỏ làm an ninh cửa khẩu, thu nhập của chúng tuy chưa lớn lắm nhưng cũng thuộc vào loại vip trong giới làm thuê nhà nước và cơ hội làm giàu của chúng rất cao.

Bà Tuyền khoe thêm là 24 tháng Chạp âm lịch năm nay, riêng chuyện đi quà cáp cho các sếp của hai đứa con cũng đã lên đến ngót nghét một trăm triệu đồng. Mỗi đứa năm mươi triệu là vẫn còn ít so với những nhà khác. Nhưng dẫu sao bà vẫn tự hào với con cái và chồng rằng mình đã thực hiện trọn vẹn sứ mệnh làm mẹ kế của mình nếu không muốn nói bà là một mẹ kế vĩ đại.

24 tháng Chạp âm lịch năm nay, riêng chuyện đi quà cáp cho các sếp của hai đứa con cũng đã lên đến ngót nghét một trăm triệu đồng. Mỗi đứa năm mươitriệu là vẫn còn ít so với những nhà khác.

Bà Tuyền

Việc đi Tết cho các sếp, theo bà Tuyền thì nó được chia thành năm hạng: Sếp khủng; Sếp bự; Sếp to; Sếp trung; và Sếp rệp. Ở năm hạng này, hạng sếp khủng thuộc về cấp trung ương, cấp bộ, rất khó có cơ hội để đến gặp họ và đương nhiên, nếu gặp được họ để quà cáp thì tốn kém vô cùng lớn nhưng may mắn cũng vô cùng lớn nếu sếp khủng chiếu cố ở năm sau. Thường thì đi Tết sếp khủng phải là tiền tỉ hoặc trăm ngàn đô la. Hoặc là nhân viên nữ có nhan sắc nghiêng trời đổ nước mang cái “giá ngàn vàng” đem dâng hiến sếp một cách kín đáo nhân dịp xuân về, Tết đến cũng là một cơ hội tốt nếu sếp thấy vui.

Dân nghèo còng lưng đóng thuế trên mọi thứ. RFA
Dân nghèo còng lưng đóng thuế trên mọi thứ. RFA
RFA

Ở hàng sếp bự, chỉ các quan chức cấp tỉnh và cấp cục, dưới bộ, việc nhận quà Tết của họ không có mức giá quá cao như các sếp khủng, thường thì ở hàng trăm triệu đồng đổ xuống. Một chai rượu ngoại hảo hạng, một phong bì ngót nghét trăm triệu đồng, một nhan sắc độc đáo kèm theo chân dài và cái liếc mắt đưa tình kín sau thùng bia hay một chậu bonsai giá khủng, một thỏi vàng đúc hình thần tài hoặc in chân dung của sếp lên đó… thường là những món quà Tết mà các sếp hạng bự rất ưa bụng. Có thể biến thành cơ hội cho năm sau nếu vận hên gõ cửa.

Một chai rượu ngoại hảo hạng, một phong bì ngót nghét trăm triệu đồng, một nhan sắc...chân dài và cái liếc mắt đưa tình kín...một thỏi vàng đúc hình thần tài hoặc in chân dung của sếp lên đó…thường là những món quà Tết mà các sếp hạng bự rất ưa

Ở hàng sếp to, chỉ các quan chức đầu ngành cấp tỉnh, các giám đốc sở, quà tặng thường dao động từ mười đến hai mươi triệu đồng. Rượu Chivas 18 loại hàng xách tay, một ký chả heo, chả nai hoặc chả chó (tuyệt đối không được tặng chả bò vì các sếp hạng này rất sợ năm sau tiếp tục phải bò, chuyện bò vốn là chuyện làm các sếp tự ái và mặc cảm triền miên!), món quà có kèm theo phong bì hoặc một chậu quất, chậu mai gì đó có giá trị tầm chục triệu đồng hoặc nhân viên nữ nhan sắc vừa vừa nhưng chân phải dài, liếc mắt đưa tình phải khéo là làm cho các sếp ưa cái bụng. Năm sau tiền đồ tốt đẹp hơn.

Hàng sếp trung chỉ các sếp trưởng phòng ở các cơ quan tỉnh và các chủ tịch, phó chủ tịch huyện, hàng này hiếm khi có quà trên 5 triệu đồng và số lượng quà cũng ít hơn so với những hàng trên. Thường thì nhân viên mang tặng ký chả, thùng bia, chai rượu ngoại hạng vừa, một phong bì vài ba triệu đồng, kèm một chậu hoa cúc hoặc hoa li… Với các sếp này, vậy là vừa đủ làm sếp vui.

Tùy nhân viên cấp nào. Ví dụ cấp thấp thì đi ít, đi vài bánh trái linh tinh, cấp cao thì đi rượu, cao nữa thì đi gì ai mà biết. Ở đâu mà chẳng vậy, xưa giờ rồi, mấy ngày lễ, tết hay trung thu gì đó, cứ đi xem như là trả ơn cho sếp vậy, biết điều là bình thường mà.

Một người yêu cầu giấu tên

Ở hàng sếp rệp, chỉ các bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch xã, các trưởng ban cấp huyện và một số trưởng ban cấp tỉnh nhưng không phải ngành an ninh. Có lẽ đây là hàng sếp buồn nhất và cam chịu nhiều nhất trong giới làm thuê cho nhà nước. Món quà Tết tặng các sếp dao động từ ba trăm ngàn đồng đến bảy trăm ngàn đồng, hiếm hoi lắm mới có món quà giá trị bạc triệu đến tay các sếp này. Vì nhân viên cấp dưới của các sếp này đều lĩnh lương ở hàng vài ba triệu đồng là cao lắm rồi lấy đâu ra nhiều mà quà với cáp!

Cuộc chạy đua vĩ đại

Một người yêu cầu giấu tên, có con là nhân viên an ninh cửa khẩu phía Bắc, nói: “Tùy nhân viên cấp nào. Ví dụ cấp thấp thì đi ít, đi vài bánh trái linh tinh, cấp cao thì đi rượu, cao nữa thì đi gì ai mà biết. Ở đâu mà chẳng vậy, xưa giờ rồi, mấy ngày lễ, tết hay trung thu gì đó, cứ đi xem như là trả ơn cho sếp vậy, biết điều là bình thường mà. Giờ giống như là bản sắc của người Việt rồi. Giống như là có một dự án gì đó, hay thầu gì đó, người ta tranh thủ dịp này để lấy lòng. Nhưng ở ngành nào ở Việt Nam giờ cũng vậy hết, bình thường, giờ không đi mới lạ, chứ đi có gì đâu mà lạ. Số tiền và giá trị của nó, đôi khi mình đâu có tưởng tượng được…”

Một ý thức về quà Tết, nó giống như thứ không thể thiếu được khi làm việc, nó còn giá trị hơn cả bằng cấp nâng cao chuẩn trình độ. Bởi vì bằng cấp thạc sĩ, tiến sĩ gì chăng nữa nhưng nếu ngang tính, không có tiền đút lót thì tấm bằng đó cũng chỉ là tấm giấy lộn

Cũng theo bà này, cả nước đang nổi lên một phong trào chạy đua quà Tết cho các sếp. Mặc dù Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ra chỉ thị cấm tiêu xài phung phí trong việc biếu xén quà cáp lễ Tết nhằm đảm bảo quĩ tiền của nhân dân từ năm ngoái. Nhưng khi ông Thủ tướng cấm như thế, vô hình trung lại tạo ra một lối cách mạng trong việc biếu Tết, thay vì nhân danh cơ quan, người ta nhân danh cá nhân để biếu xén và biếu quà có giá trị gấp bội lần trước đây. Một cuộc chơi mới bắt đầu.

Cuộc chơi này có tên “chạy đua năm mới”, hễ cứ Tết về, các sếp tha hồ nhận quà để ra giêng giao cho người thân mang đi bán bớt một cách kín đáo. Trong khi đó, nhân viên cấp dưới tự trang bị cho mình một tâm thế, một ý thức về quà Tết, nó giống như thứ không thể thiếu được khi làm việc, nó còn giá trị hơn cả bằng cấp nâng cao chuẩn trình độ. Bởi vì bằng cấp thạc sĩ, tiến sĩ gì chăng nữa nhưng nếu ngang tính, không có tiền đút lót thì tấm bằng đó cũng chỉ là tấm giấy lộn khi làm việc với các sếp. Ngược lại, biết điều, biết biếu quà đúng lúc và làm cho sếp thấy vui, cơ hội thăng tiến sẽ nhảy vọt.

Nhưng rất tiếc, mọi thứ, khi đã thành phong trào, thì cơ hội ảo cũng tràn lan chảy theo kiểu vỡ đập, vì cơ hội thật thì rất hiếm hoi, mà ai cũng tranh nhau nên mỗi cuộc chạy đua lấy lòng sếp luôn tạo ra một màng sương cơ hội ảo mà ở đó, các thuộc cấp chạy đôn chạy đáo, chạy vay chạy mượn, chạy thốc chạy tháo để kiếm tiền quà cáp cho sếp. Để rồi, năm sau tiêu cực hơn năm trước nhằm gở vốn. Mọi việc vẫn đâu vào đấy, chỉ có ngân quĩ là bị tùng xẻo một cách không thương tiếc bằng nhiều cách!

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.