Đà Nẵng và những lương y đúng nghĩa

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2014.08.20
benh-vien-dn-305.jpg Các nhân viên y tế trong ca trực tại một bệnh viện ở Đà Nẵng.
RFA

 

Nói về Đà Nẵng, người ta nghĩ đến một thành phố mà ở đó, độ hiền hòa cũng như thân thiện của con người đã đạt đến ngưỡng khó mà tìm đâu ra trên dải đất hình chữ S này. Người ta có thể nói về một thành phố có giá chung cư rẻ nhất Việt Nam và đặc biệt, đây là một thành phố có bệnh viện thân thiện hàng đầu. Đương nhiên vẫn có nhiều vấn đề đáng xem lại ở Đà Nẵng, nhưng cũng không thể phủ nhận một thành phố có quá nhiều bệnh viện tốt, bác sĩ tốt, y tá tốt và ứng xử của các y bác sĩ trong các bệnh viện Đà Nẵng thì không thể chê vào đâu được.

Giảm thiểu nạn hối lộ và đút lót

Một bệnh nhân tên Hý, vừa xuất viện ở bệnh viện C Đà Nẵng chia sẻ: “Bệnh viện C phục vụ tốt, ân cần, nói chung là bác sĩ, y tá đều tốt. Thái độ phong cách phục vụ đều tốt, ăn nói nhã nhặn, hộ lý, tá đều thế!”

Theo ông Hý, trước đây, bệnh viện C Đà Nẵng vốn là một bệnh viện của Đức, sau 30 tháng Tư năm 1975, bệnh viện này chuyển thành viện an dưỡng của các cán bộ Cộng sản, và cho đến nay, sau quá trình dài hoạt động cũng như sau nhiều lần thay đổi ban giám đốc, bệnh viện C chính thức phục vụ tất cả mọi người, không ngoại trừ bất kì đối tượng nào.

Bệnh viện C phục vụ tốt, ân cần, nói chung là bác sĩ, y tá đều tốt. Thái độ phong cách phục vụ đều tốt, ăn nói nhã nhặn, hộ lý, tá đều thế!
-Ông Hý

Đương nhiên là những cán bộ vẫn được phục vụ ở đây theo tiêu chuẩn bảo hiểm y tế, những người lao động không có bảo hiểm y tế vẫn được điều trị và chữa bệnh ở bệnh viện theo tiêu chuẩn viện phí.

Nếu như những năm trước đây, ở bất kì bệnh viện nào, bệnh nhân cũng có thể phàn nàn về vấn đề giường nằm chật chội, viện phí cao ngất và thái độ chăm sóc bệnh nhân của nhân viên y tế quá tàn nhẫn thì hiện tại, sau nhiều lần thay đổi nhân sự, điều mà bệnh viện C Đà Nẵng đạt được là thiện cảm cũng như lòng biết ơn của bệnh nhân và gia đình họ. Đặc biệt, thứ văn hóa phong bì đã hoàn toàn mất dấu ở bệnh viện này.

Nói văn hóa phong bì hoàn toàn mất dấu không có nghĩa là không ai trao và nhận phong bì với nhau mà vấn đề trao tặng phong bì theo cách đền ơn đáp nghĩa vì người nhà an lành trở về vẫn diễn ra một cách dễ chịu, thuận trao vừa nhận. Chuyện trao phong bì không còn tính chất áp đặt theo kiểu bệnh nhân vừa nhập viện thì người nhà phải lo đi mua một xấp phong bì, cân nhắc người này bao nhiêu, bỏ ở túi nào, người kia bao nhiêu, bỏ ở túi nào để gặp bác sĩ, y tá. Hiện tại, chuyện này đã hoàn toàn không diễn ra nữa. Bất kì bác sĩ hay y tá, hộ lý nào nhận phong bì của gia đình bệnh nhân đều có thể bị đuổi việc ngay tức khắc.

Một nhân viên y tế hỏi thăm người nhà bệnh nhân tại một bệnh viện ở Đà Nẵng. RFA PHOTO.
Một nhân viên y tế hỏi thăm người nhà bệnh nhân tại một bệnh viện ở Đà Nẵng. RFA PHOTO.

Và mọi nơi đều gắn camera quan sát để phòng những chuyện mờ ám.

Vấn đề cho, nhận ở các bệnh viện Đà nẵng nói chung và bệnh viện C nói riêng chỉ dừng ở vài chai nước ngọt, ký trái cây hoặc ly cà phê uống khuya. Có thể nói đây cũng là một điểm rất đặc biệt của ngành y tế thành phố biển này. Như lời của một cán bộ y tế yêu cầu giấu tên: “Chủ trương là học 12 điều y đức rồi thực hiện thôi. Nói chung là người miền Trung mình cũng thật thà hơn những nơi khác, thì thấy người nhà bệnh nhân họ hay khen mà mình cũng không biết nữa! Bản thân của mình thì mình cố gắng làm được gì cho bệnh nhân thì làm không đặt vấn đề chi phí đi trước. Nói thế chứ cũng không khó, người đi trước họ thế nên đàn em đi sau cũng vậy…!”

Ấm áp tình người

Một người nhà bệnh nhân tên Minh, ở Quảng Ngãi, chia sẻ, nếu xét tuyến chuyển bệnh như trước đây thì bà của ông sẽ được chuyển ra bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, và bệnh viện C sẽ không nhận hoặc tốn rất nhiều thủ tục phiền phức khi nhận người vào bệnh viện. Nhưng hiện tại, ông đưa thẳng người nhà đến phòng cấp cứu bệnh viện C Đà Nẵng và sau đó làm thủ tục nhập viện. Bà của ông năm nay tuổi đã ngoài 90, sức khỏe rất kém, lại bị gãy xương đùi nên mọi việc chăm sóc hết sức khó khăn. Sau một tuần điều trị ở đây, ông Minh không tốn bất kì đồng nào bỏ phong bì cho bác sĩ hay y tá, bà của ông được xuất viện.

Về nhà được mấy ngày, bà của ông Minh bị sặc thuốc, hôn mê sâu, lại phải cấp cứu và đưa ra bệnh viện C Đà Nẵng lần hai. Lần này, người bà rất yếu và thở máy suốt gần hai tháng ở phòng hồi sức tích cực chống độc. Điều làm ông Minh ngạc nhiên nhất là trong suốt quá trình hai tháng dài chăm sóc bà, ông từng nhiều lần gửi phong bì các bác sĩ cũng như y tá ở khoa này nhưng đều bị từ chối, thậm chí còn bị nhắc nhỡ.

Bản thân của mình thì mình cố gắng làm được gì cho bệnh nhân thì làm không đặt vấn đề chi phí đi trước. Nói thế chứ cũng không khó, người đi trước họ thế nên đàn em đi sau cũng vậy.
-Một nhân viên y tế

Nhiều lúc ông mời họ uống cà phê để gửi phong bì nhưng họ chỉ uống cà phê lấy tình chứ không nhận phong bì.

Và lần nào ra thăm bà hoặc chăm bà, ông Minh đều cảm nhận là bà của mình được các nhân viên y tế chăm sóc quá tốt, sạch sẽ, tươm tất. Thậm chí trong buổi họp người nhà bệnh nhân với khoa, bác sĩ Sanh, trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc còn nhắc nhỡ người nhà bệnh nhân rằng ở khoa này đã có các điều dưỡng chăm sóc 100% bệnh nhân, người nhà hãy để số điện thoại và nên ở phòng chờ để nghỉ ngơi, dưỡng sức, phòng khi có việc gì cần thiết thì bác sĩ gọi, đừng quá lo lắng để xãy ra tình trạng người bệnh vừa lành thì người chăm lại đổ bệnh…

Nói đến đây, ông Minh cảm động đưa ra kết luận là ông chưa thấy bác sĩ, y tá ở đâu lại đối xử tốt, ấm áp với bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân giống như bệnh viện C Đà Nẵng. Như trường hợp bà của ông, tuổi đã ngoài 90, vấn đề bảo hiểm sẽ có nhiều điều tế nhị khó nói, đặc biệt là thời gian chạy chữa quá lâu, quá tốn kém. Nhưng các bác sĩ, y tá ở đây chưa bao giờ ngưng động viên ông và gia đình cố gắng chạy chữa cho bà, vì sự sống là đáng quí hơn bất kì điều gì, họ khuyên ông và gia đình hãy cùng với họ chụm tay lại để che cho những giọt cuối trong ngọn nến sinh mệnh của bà ông được cháy trọn vẹn, đừng để gió độc lùa vào.

Và cái lời khuyên đừng để gió độc lùa vào, theo ông Minh, cũng là lời khuyên chung của ngành y tế hãy để cho ngọn lửa yêu thương của mình được cháy trọn vẹn nơi trái tim người thầy thuốc, đừng bao giờ để những trận gió độc làm tắt mất ánh sáng yêu thương này. Giữa miền Trung mưa chang và nắng cháy này, đã có một môi trường y tế tử tế như thế, một đội ngũ bác sĩ giàu tình người như thế. Đương nhiên là phần đông họ trẻ trung, được đào tạo ở nước ngoài và ít có ai là đối tượng đảng. Ông Minh tin chắc một điều như thế!

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.