Đấu tranh và tù tội!

Thông tín viên Việt Nam
2017.02.11
Par3002035_1.jpg Nhà hoạt động dân chủ Trần Huỳnh Duy Thức, 43 tuổi, tại Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ngày 20 tháng 1 năm 2010. Anh bị kết án 16 năm tù.
AFP photo

Thống kê của tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch cho thấy hiện có hơn 110 người đang bị giam tù ở Việt Nam chỉ vì công khai lên tiếng đòi hỏi quyền con người và quyền lợi chính đáng cho bản thân, gia đình họ cũng như những người khác. Những người còn trong nhà tù hay sau khi mãn án đều khẳng định họ không làm gì sai; chuyện bị cáo buộc và bỏ tù của nhà cầm quyền không hề làm họ nản lòng, nhụt chí.

Kiên định

Sẽ có hai tù nhân lương tâm trong số hơn 110 người được thống kê sẽ mãn án trong vài ba ngày tới. Một trong hai người là bà Bùi thị Minh Hằng. Bà này được biết đến với hoạt động tích cực tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn với Việt Nam, cũng như phổ biến về quyền con người.

Bà bị bắt cùng một nhóm hơn 20 người khác với cáo buộc gây rối trật tự công cộng khi đang trên đường đến thăm một thân hữu là cựu tù chính trị Nguyễn Bắc Truyển ở Đồng Tháp.

Chị Hằng có nói với tôi rằng khi chị ra khỏi tù thì chị vẫn là chị Minh Hằng ngày xưa chứ không có thay đổi.
- Nguyễn Bắc Truyển

Tuy nhiên cuối cùng chỉ có 3 người bị bắt giam và đưa ra tòa gồm bà Bùi Hằng bị kết án 3 năm tù, cô Nguyễn thị Thúy Quỳnh 2 năm và ông Nguyễn Văn Minh 2 năm rưỡi tù giam.

Cựu tù nhân Nguyễn Bắc Truyển, người hiểu rõ vụ việc và từng được tiếp điện thoại của bà Bùi thị Minh Hằng từ nhà tù gọi về gia đình cho biết sự kiên định trong đấu tranh của bà này:

“Tôi thấy rằng tin thần của chị Hằng vẫn rất mạnh mẽ. Chị Hằng có nói với tôi rằng khi chị ra khỏi tù thì chị vẫn là chị Minh Hằng ngày xưa chứ không có thay đổi.”

Tù tội rèn ý chí

Cô Nguyễn Thúy Quỳnh thuộc thế hệ 8X, tuổi đời còn rất trẻ nhưng phải ngồi tù hai năm, thừa nhận trong những ngày tháng cùng ở trong tù với bà Bùi Thị Minh Hằng đã học được một số điều từ người phụ nữ lớn tuổi đó:

“Quỳnh học hỏi được ở chị là sự dám đương đầu. Khi ở trong tình thế đó, tất cả người đấu tranh trong nước đều phải biết vững một điều: việc mình làm là không hề sai, không hề có tội, mà đó là một việc làm yêu nước, yêu dân tộc.”

Cựu tù nhân lương tâm Đỗ thị Minh Hạnh tham gia phong trào Chúng tôi Muốn Biết ngày 31 tháng 8 năm 2014.
Cựu tù nhân lương tâm Đỗ thị Minh Hạnh tham gia phong trào Chúng tôi Muốn Biết ngày 31 tháng 8 năm 2014.

Cô Đỗ Thị Minh Hạnh, một cựu tù nhân cùng vụ án với anh Đoàn Huy Chương bị kết án 7 năm tù và mãn hạn vào đầu tuần tới, cho biết giá trị của thời gian bị nhà cầm quyền giam tù:

“Bạo hành không phải là vấn đề khiến người ta sợ hãi, mà bạo lực, bạo hành khiến cho con người ta trở nên lì hơn, chai cứng hơn, và mạnh mẽ hơn. Tôi cho rằng cuộc đời của tôi may mắn khi được vào tù để tôi biết được những gì đang diễn ra ở trong nhà tù, và cho tôi hiểu được giá trị của cuộc sống, cho tôi khả năng để tôi ứng phó với những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Nói chung ở đấy là nơi có thể luyện được một tinh thần thép.”

Bản thân cô Nguyễn Thúy Quỳnh khẳng định sau khi ra tù cô trở nên chững chạc hơn và đường lối tranh đấu nay cũng được điều chỉnh cho hiệu quả hơn:

“Ngọn lửa nhiệt huyết trong tâm tưởng của Quỳnh lại càng mạnh mẽ hơn. Nhưng việc làm của Quỳnh giờ sẽ không theo chiều hướng như trước nữa mà chú trọng vào kết quả công việc hơn. Ở đây chúng tôi không tuyên truyền chống phá, cũng không lật đổ chế độ. Tại vì các anh có quân sự, có vũ khí, còn chúng tôi là những người “tay không tấc sắt”. Chúng tôi chỉ có trong tay cây viết và trái tim nhiệt huyết thôi. Chúng tôi nói lên sự thật để các anh thay đổi, để đất nước thay đổi, không đi lùi lại với văn minh của thế giới thôi.”

Tất cả người đấu tranh trong nước đều phải biết vững một điều: việc mình làm là không hề sai, không hề có tội, mà đó là một việc làm yêu nước, yêu dân tộc.
- Cô Nguyễn Thúy Quỳnh

Cũng như trường hợp tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức bị tuyên án đến 16 năm và có sự can thiệp của quốc tế để ông được ra khỏi nhà tù nhưng với điều kiện mà nhà cầm quyền Hà Nội đặt ra là phải đi sống lưu vong ở nước ngoài; bà Bùi Hằng cũng kiên quyết từ chối điều kiện đó.

Một tù nhân chính trị khác từng bị tù và sau khi mãn án tiếp tục hoạt động mạnh mẽ hơn nữa cổ xúy cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam là luật sư Nguyễn Văn Đài ở Hà Nội. Ông bị bắt lại vào tháng 12 năm 2015; gần nhất là hôm ngày 19 tháng giêng vừa qua, cựu tù nhân Nguyễn Văn Oai ở Nghệ An lại bị bắt khi đang đi trên đường.

Vợ người bị bắt, cô Nguyễn thị Châu, dù rất đau buồn vì cuộc sống vợ chồng chưa được bao lâu và cô đang mang thai con đầu lòng hai tháng, tỏ rõ sự thông hiểu với trường hợp chồng bị bắt đi đồng thời bày tỏ sự can trường, sẵn sàng chấp nhận thử thách, trở nên mạnh mẽ để là chỗ dựa tinh thần cho người chồng đang phải chịu tù đày lần thứ hai.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.