Thực tế cuộc sống dân làng chài

RFA
2017.03.15
langchai62000.jpg Ngư dân vá lưới.
RFA photo

 

Thảm họa môi trường do Formosa gây nên đến nay gần trọn một năm; thế nhưng nhiều ngư dân ở các làng chài trong khu vực bị tác động vẫn chưa thể có được cuộc sống ổn định.

Bà Nguyệt sinh sống tại làng chài Bình An, Thừa Thiên Huế hơn 60 năm, cuộc sống lam lũ khổ cực khi phải gánh vác gia đình 4 người, người chồng thì đau ốm ko lao động được, con cái đứa thì mù, đứa thì bỏ xứ đi lập nghiệp, gánh nặng gia đình đè lên vai bà:

“Chồng thì đau, con thì mù, đang dắt đi làm đâ. Đi kéo (lưới) đây, đi kéo ở lung nhưng lại không có gì. Đi kéo như thế họ có thì mình có, họ không có mình cũng không có gì.”

Hai vợ chồng chủ thuyền nơi từng thuê bà Nguyệt cùng đi đánh bắt trước đây cho biết:

“Từ khi thải nước chết đến giờ là dân kéo làm ăn thế nào. Cá chết coi như thất thu, không có việc làm.

Nói chung là có ảnh hưởng Formosa. Làm thì không thất nghiệp nhưng không thu nhập được.

Formosa mới đền bù đợt 1, còn đợt 2 hẹn tháng 1, tháng 2, qua tháng 3 vẫn chưa đền bù cho dân.”

Những tác động đến môi trường biển của việc xả thải từ công ty Formosa tưởng chừng đã hết, nhưng gần đây, trên bờ biển dọc các tỉnh miền Trung lại xuất hiện những vệt nước đỏ.

“Vừa rồi nước đỏ lên, nó (cá) sợ quá không biết có về nữa không.

Một tuần nay rồi nước đỏ có về, nên thu nhập con cá bán không có lãi, bán không được nữa.”

Làng chài.
Làng chài.
RFA photo

Kế mưu sinh của những người dân biển bị ảnh hưởng nặng nề, từ chủ thuyền cho tới những người làm thuê và kéo theo những hệ lụy khác.

“Bán cá chủ thu vô được 100 thì mỗi người 20, mà giờ chủ không có bạn không có luôn. Đi ngày hôm nay là chủ đói bạn đói.”

“Cô cũng không biết công việc gì để làm, cô cũng muốn chứ. Đi công nhân thì nơi nhà bán gạo họ chê già không nhận, họ sợ không có sức lao động.”

Người dân ở đây cho hay, những người đàn ông đã bỏ làng đi tìm việc nơi khác:

“Mấy anh mấy chú thất nghiệp quá thì đi làm ăn, còn ở nhà đàn bà phụ nữ kéo cái này thôi.”

Chỉ còn những người phụ nữ phải gánh vác gia đình, con cái nên ở lại bám biển.

Cách đó 40km, tại đầm Cầu Hai, xã Lộc Tì, cô Nguyễn Thị Hoa cùng chồng làm nghề chài lưới đã hơn 40 năm nay, vợ chồng làm việc quần quật quanh năm suốt tháng nhưng cũng vì ốm đau bệnh tật nên không thể để dành được đồng nào, tất cả mọi sự trong nhà dựa vào nguồn thu nhập từ đầm cá:

“Hai vợ chồng già rồi, chồng thì 65 tuổi rồi, còn tôi 60 tuổi. Giờ ông yếu rồi, ông nuôi tôi từ ngày ấy đến giờ rồi. Yếu rồi, đau lên đau xuống mãi hoài không làm gì được hết.

Làm mùa này để tiết kiệm mùa mưa có tiền để mua gạo mua cơm, mua muối mắm ăn qua ngày.”

Đây là một trong số ít những trường hợp mà chúng tôi ghi nhận được, những người phụ nữ và gia đình họ gắn liền với nghề chài lưới từ bao đời. Cuộc sống lam lũ vất vả, thời tiết thì khắc nghiệt, nhưng lại gặp phải cơn hoạn nạn khiến tương lai của họ càng mù mịt hơn, họ chỉ còn trông đợi vào sự trợ giúp từ những khoản tiền bồi thường để trang trải cuộc sống qua ngày. Họ cố nhẫn nhịn mà bám biển, vì đây là nhà.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.