Nghề nấu dầu tràm xứ Huế

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2016.01.23
622 Các tiệm bán dầu trên quốc lộ 1 A, đoạn qua huyện Phú Lộc, Huế.
AFP

Cuối năm, trời se lạnh, mưa nhì nhằng làm cho vài ngày hửng nắng của tháng chạp trở nên xa ngái, đâu đó, không khí mùa Đông ảm đạm phủ xuống mặt đất. Cái ảm đạm càng trở nên thê thiết khi băng xe trên quốc lộ 1 A, đoạn qua huyện Phú Lộc, Huế. Mùi dầu tràm và khói lá từ các lò dầu tràm hai bên đường đôi khi làm ấm lên đôi chút nhưng cũng cái ấm trong chốc lát đó lại làm cho cái lạnh càng thêm thấm vào thịt da, nhất là khi nghe những người nấu dầu tràm kể về đời sống và nỗi thao thức với nghề của họ.

Những cái Tết ấm hương tràm

O Lộc (tức cô Lộc), sống ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ: “Khó lắm, nấu một lít dầu là tốn cả tấn lá tràm lận. Lá thiên nhiên, trên rừng, trên núi và trong các trũng đất. Mình phải mua lá, rồi tự hái lá nữa mới đủ nấu và kiếm lãi được. Mỗi ngày hai vợ chồng kiếm cũng được ba trăm ngàn đồng. Ngày nào người ta mua nhiều thì được năm bảy trăm ngàn hoặc một triệu đồng. Nhưng những ngày khác thì lại không có khách. Nói chung là chia trung bình thì mỗi ngày kiếm được một trăm rưỡi ngàn đồng..”

Khó lắm, nấu một lít dầu là tốn cả tấn lá tràm lận. Lá thiên nhiên, trên rừng, trên núi và trong các trũng đất. Mình phải mua lá, rồi tự hái lá nữa mới đủ nấu và kiếm lãi được.
-O Lộc

Cũng theo o Lộc, nghề nấu dầu tràm ở huyện Phú Lộc có từ rất lâu đời, từ thời vua chúa để lại. Thuở bấy giờ, dầu tràm là thứ dược liệu xức ngoài da duy nhất mà người Việt có được để tiến vua trong những dịp đầu mùa Đông, khi cái lạnh đến. Và vị tổ của nghề dầu tràm không phải là người Đàng Trong và nghề của họ lúc đó là nghề nấu dầu sả. Nhưng họ theo chúa Nguyễn Hoàng trôi dạt vào Thuận Hóa và sau nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu cây cỏ ở đây, họ phát hiện cây tràm có hàm lượng dầu rất cao, tính năng thần dược. Nghề nấu dầu tràm bắt đầu từ đây.

O Lộc giải thích thêm rằng khi nói về tổ nghề mà không xưng bằng Ông hay Bà là có lý do riêng. Bởi những vị tổ của nghề nấu dầu tràm là một nhóm thợ nấu dầu sả phía Bắc. Lúc đó, dầu sả là thứ dược liệu xức ngoài da và dùng như nước hoa bây giờ của giới quí tộc phong kiến. Sau này, khi vào miền Trung, họ không muốn nấu dầu sả nữa vì muốn tìm ra một loại dầu mang đặc trưng của Đàng Trong, họ đã nghiên cứu, nấu ra dầu tràm. Và nếu nấu một cách nghiêm túc, không gian dối thì có thể nói dầu tràm là loại dược liệu xức ngoài da tốt số một. Hiếm có loại dầu nào khá hơn.

Chính vì tính năng thần dược của dầu tràm mà người ta dùng nó cho các sản phụ, trẻ sơ sinh như một thứ biệt dược dành cho người có làn da non nớt, mẫn cảm. Và với người lớn, đàn ông, dầu tràm là một thứ biệt dược có thể làm giảm mọi cơn đau, từ trặc cơ cho đến đau bụng, thậm chí dầu tràm có thể đánh tan những khối hạch lâu năm, thành u thành cục dưới da.

O Lộc khẳng định lại thêm là dâu tràm có công dụng rất mạnh nhưng lại không làm tổn thương da em bé hay da mẫn cảm. Nhưng đó là dầu trạm thật. Hiện tại, dầu tràm giả chiếm trên 90% thị trường. Bởi dầu tràm thật vô cùng hiếm. Muốn có một mẻ dầu tràm, đầu tiên phải hái cho được lá tràm núi. Lá tràm núi rất dài, lá nhỏ bằng một phần ba, một phần tư lá tràm hoa vàng người ta thường trồng lấy gỗ và cây tràm này chỉ mọc trên các đỉnh núi ở dãy Bạch Mã, dường như không có ở nơi khác.

Lá tràm để nấu dầu tràm.
Lá tràm để nấu dầu tràm.

Chính vì sự quí hiếm của cây tràm núi, tràm dầu này mà chỉ có xứ Huế mới có được loại dầu tràm với tính năng chữa trị thần diệu của nó. Và mỗi lít dầu tràm chính hiệu, theo o Lộc, nếu tính luôn công đi hái lá, nấu dầu thì có thể lên đến hàng chục triệu đồng. Bởi mỗi ký lá tràm tươi mua của người đi rừng đã lên đến một trăm rưỡi ngàn đồng. Chính vì nó quá hiếm nên người nấu dầu tự đi hái lá và bỏ công làm lãi.

Thường thì một lít dầu tràm núi thứ thiệt có giá dao động từ một triệu hai trăm ngàn đồng đến một triệu bốn trăm ngàn đồng nếu như chủ lò tự đi rừng hái lá về nấu. Và dầu tràm thật rất dễ nhận biết vì nó trong suốt không màu, có mùi thơm hơi hắc khi thoa lên da nhưng vài phút sau thì không còn hắc mà chỉ nghe thoang thoảng một làn hương rất nhẹ. Đặc biệt, nếu bị đau cơ hay kiến cắn, muỗi đốt, là dầu thật, thoa vào chừng ba phút sau thì vết cắn tự tan, không thấy dấu, cơn đau tự chấm dứt.

Nhưng cũng theo o Lộc, hiện tại, loại dầu tràm thật vô cùng hiếm. Điều này làm cho đời sống của người nấu dầu tràm trở nên khó khăn, đảo lộn mọi thứ.

Lộng giả thành chân

Chị Thanh, một kĩ sư nông lâm chuyên nghiên cứu về cây tràm và cũng là đại lý dầu tràm bỏ mối cho cả nước, chia sẻ: “Người sẽ pha hóa chất bằng dầu thông đó… Dầu thông nó độc lắm, tràm giờ hiếm lắm mua không ra. Nếu dầu tràm đặc thì nó có màu xanh trong. Hiện tại bây giờ dầu giả quá nhiều”.

Chị Thanh cho biết thêm là hiện nay rất khó để tìm ra một chai dầu tràm thật. Bởi hầu hết dầu tràm đều được nấu bằng lá của cây keo lá tràm, tức tràm hoa vàng, một loại cây người ta trồng để phù xanh đất trống đồi trọc và lấy gỗ sản xuất giấy. Riêng cây tràm, rất hiếm để hái lá bởi nó chỉ còn trên các ngọn núi cao trên dãy núi Bạch Mã và mọc rải rác ở một số đồi cát gần phá Tam Giang nhưng nó lại mọc chen, giấu mình trong các bụi rậm, khó mà tìm thấy.

Trong thời gian ba năm trở lại đây, loại dầu tràm có màu vàng đục như nước trà xuất hiện khắp thành phố Huế và đến thời điểm hiện tại, có hơn ba trăm lò nấu dầu tràm xuất hiện khắp tỉnh Thừa Thiên Huế. Và những chai dầu tràm mà theo chị Thanh là nó có nguồn gốc từ nước lã pha hương tràm được chuyển từ Lào sang cửa khẩu Lao Bảo do những người Trung Quốc sản xuất đã tràn lan trên đất Huế.

Chị Thanh nói rằng giờ đụng thứ gì vẫn thấy bóng dáng Trung Quốc, nhiều khi chị không muốn nghĩ tới nhưng hễ sáng ra, mở mắt, mang dầu lên bến xe để chuyển đến các đại lý thì chị cảm thấy buồn rầu một cách lạ lùng khi nhìn những chai nước pha hương tràm vàng vọt nằm vắt vẻo trên các kệ dầu của người Huế. Điều này luôn cho chị một cảm giác bất an, khó tả.

Hiện tại, dầu tràm nhà chị Thanh có hai loại, một loại nấu từ tràm hoa vàng có giá bán sáu trăm ngàn đồng một lít, dầu tràm núi bán với giá hai triệu đồng một lít. Nhưng điều đáng ngại nhất là loại dầu giả do Trung Quốc sản xuất được hét với giá năm trăm ngàn đồng một lít và nếu khách trả chác thì họ có thể bán với giá một trăm ngàn đồng một lít mà vẫn có lãi.

Loại dầu giả này không những không có tác dụng chống gió độc, giảm cơn đau và sát trùng như dầu thật mà còn gây nguy hiểm nếu như sản phụ dùng dầu này sẽ dẫn đến đau lưng kinh niên vì hàm lượng độc tố của nó thấm qua da. Rất tiếc là hiện nay nó đã tràn lan trên thị trường.

Mức độ tràn lan của dầu tràm giả mạnh đến độ người ta tin dầu thật phải có màu vàng đục và phải có mùi thơm như dầu giả. Và người nấu dầu tràm nếu không bán loại dầu giả này thì không tài nào trụ nổi bởi không phải ai cũng sẵn sàng bỏ tiền ra mua dầu tràm với giá tiền triệu trong khi đó có một loại dầu rất thơm mà chỉ mua với giá hai chục ngàn đồng trên một chai loại đựng rượu Wall street.

Năm hết Tết tới, cái lạnh se se của xứ Huế pha với mùi khói lá tràm và mùi dầu trong câu chuyện thăng trầm của nghề dầu tràm cũng như mối nguy đang tiềm ẩn trong chai dầu tràm giả… Càng làm cho buổi chiều cuối năm trở nên thê thiết, chơi vơi!

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.