Chợ quê mùa thiên tai và bão giá

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2013.11.11
Chợ  quê vắng vẻ, không có người mua... Chợ quê vắng vẻ, không có người mua...
RFA

Nghe bài này

Sau nhiều cơn bão, miền Trung xơ xác, cây cối, vườn tược chỉ còn trơ trọi gốc và gốc, rau cải hành ngò bay theo gió bão, để lại nỗi buồn cho người nông dân. Và với người nông dân nghèo Quảng Nam, mảnh vuờn rau xanh luôn là người bạn thân thiết cho họ niềm vui ra chợ có cái để bán, có chút tiền để mua thức ăn trong những ngày Đông vãn mùa.

Thế nhưng bão của thiên tai và bão giá đã lấy đi mất niềm vui này, thay vào đó là những ngày tháng ảm đạm, khó khăn. Phiên chợ quê giống như một chiếc nhiệt kế có độ chính xác cao theo dõi đời sống của người nông dân.

Quĩ đất eo hẹp, bữa ăn thiếu thốn.

Một người nông dân trồng rau Trà Quế, Hội An,tên Nguyệt,  buồn phiền nói với chúng tôi rằng tuy nhà chị cách cảng thị không xa, cách chợ đầu mối hải sản cũng không xa, nhưng hơn một tháng nay, gia đình chị luôn thấy thèm các thức ăn đồ biển,chị chỉ mong sao vườn rau lên trở lại xanh tốt, có để hái mang ra chợ bán có tiền để mua sắm. Nhưng thời tiết cứ liên tục mưa to gió lớn, cây rau chưa kịp lên xanh đã phải đổ gục vì thời tiết.

Chị Nguyệt nói thêm rằng không riêng gì chị, dường như sau bão, nông dân rơi vào cảnh thiếu tiền đi chợ, thiếu ăn, thiếu dinh dưỡng khắp nơi. Bởi với người nông dân, vườn rau nhỏ sau nhà hay vườn rau lớn ngoài đồng, đó là niềm hy vọng, là sự sống và là phương tiện duy nhất để cải thiện bữa ăn hằng ngày. Trong tình trạng mưa bão triền miên, giá cả tăng vọt, đời sống người nông dân trở nên eo hẹp, khó khăn và co cụm trong cái nghèo cố hữu.

Cả ngày không bán được cá vì nhu cầu giảm. RFA
Cả ngày không bán được cá vì nhu cầu giảm. RFA
RFA

Với người nông dân, vườn rau nhỏ sau nhà hay vườn rau lớn ngoài đồng, đó là niềm hy vọng, là sự sống và là phương tiện duy nhất để cải thiện bữa ăn hằng ngày. Trong tình trạng mưa bão triền miên, giá cả tăng vọt, đời sống người nông dân trở nên eo hẹp, khó khăn và co cụm trong cái nghèo cố hữu

Hiện tại, chuyện đất canh tác đối với người trồng rau đã trở nên khó khăn, hiếm hoi hơn so với trước đây. Người nông dân khác tên Khánh, chuyên trồng rau ở vườn rau Quảng Huế, bên cạnh chân cầu Quảng Huế, Đại Lộc, Quảng Nam than thở rằng đất trồng rau trước đây rất dễ thuê, chỉ cần bỏ ra một năm chừng vài trăm ngàn đồng đã thuê được một sào đất, tức là 500m2 đất để trồng rau, trồng đậu hoặc trồng đu đủ.Thế nhưng bây giờ, muốn thuê một sào đất bưng biền, phải bỏ ra từ hai đến ba triệu đồng, phải đấu giá để cạnh tranh thuê, bởi quĩ đất càng ngày càng eo hẹp vì nhà nước đã bán cho các công trình, bán cho dân xây cất và bán cho các nhà đầu tư.
Quĩ đất eo hẹp, giá thuê đất tăng cao cũng một phần làm cho người nông dân khó khăn hơn. Trong khi đó, giá mọi thứ đều tăng, từ hạt giống cho đến phân tro, thuốc trừ sâu, tiền điện để chạy nước tưới tiêu, tiền các dịch vụ máy cày, máy xới đều tăng theo giá xăng…

Dường như người nông dân chỉ còn hy vọng làm để lấp ngày công dư thừa chứ kiếm lãi chẳng là bao. Nếu như trước đây, một sào đu đủ mang lại cho anh mỗi năm ít nhất cũng năm triệu đồng tiền lãi thì bây giờ, có ăn nhín uống nhịn chăng nữa cũng chỉ kiếm được ba triệu đồng lãi là cao lắm rồi.

Qui luật thị trường mà, con lớn nuốt con bé, nhà buôn nuốt nhà nông là chuyện bình thường, chẳng có chi để buồn, anh chỉ thấy lo. Nỗi lo lớn nhất của anh là rồi đây, với đà này, người nông dân như anh sẽ khó mà bứt thoát khỏi cái khổ, cái nghèo

Anh Hường, nông dân

Vật giá thi nhau leo thang

Một người nông dân khác tên Hường, cũng ở Đại Lộc, Quảng Nam, than thở với chúng tôi rằng anh rất bất bình chuyện nhà máy cán tôn nâng giá sau bão, mà không riêng gì nhà máy này nâng giá, dường như mọi thứ từ dây kẽm, đinh đóng tường, cát sạn gì cũng lên giá sau bão. Một nhà máy cán tôn đã hết sạch tôn trong vòng một tuần sau bão, mà theo anh biết thì số lượng tôn này dự trữ bán cho cả một năm trời, với đà tiêu thụ như vũ bão, giá nâng lên cao vùn vụt như vậy, doanh thu của nhà máy này cao ngất ngưỡng, nó thách thức đời sống khổ cực, ăn mắm mút dòi của người nông dân.

Chợ quê vắng lặng sau cơn bão. RFA
Chợ quê vắng lặng sau cơn bão. RFA
RFA

Anh Hường nói rằng đây là chuyện trà dư tửu hậu, anh kể chúng tôi nghe cho vui thôi, chứ qui luật thị trường mà, con lớn nuốt con bé, nhà buôn nuốt nhà nông là chuyện bình thường, chẳng có chi để buồn, anh chỉ thấy lo. Nỗi lo lớn nhất của anh là rồi đây, với đà này, người nông dân như anh sẽ khó mà bứt thoát khỏi cái khổ, cái nghèo bởi mọi thứ nông sản đều rớt giá, ê chề, không có lãi, trong khi đó mọi thứ hàng hóa khác đều tăng giá. Hay nói cách khác là vật giá leo thang như gió, đời sống nông dân chầm chậm như cánh đồng rạ chiều hiu hắt mấy đám khói lam và rơm khô.

Chị Nguyên, nông dân ở xã Đại Cường, Đại Lộc, sau mưa bão, vườn rau của chị tả tơi, không có tiền đi chợ, chị đi buôn ve chai, mỗi ngày kiếm được từ ba chục ngàn đồng đến sáu chục ngàn đồng, số tiền này đối với chị rất lớn, nó đủ giúp chị xoay xoay xở mua thức ăn cho mỗi ngày và mua những lương thực cần thiết dự trữ cho những ngày mưa to gió lớn.

Bão xong, cau ngã, tôn bay, may mà còn dính lại ít chưa bị dỡ hết, nhưng mà hồi hồm mất gà hết trơn, sắt B40 rào rồi nhưng nó vô nó bắt, 8 con gà trống mất hết trơn. Bão thì không mất nhưng mà đi bán thế này, tối về ngủ nó tông cửa nó vô

Một người nông dân

Chị Nguyên nói rằng với chị, như vậy là tốt lắm rồi, dù sao mỗi ngày chị cũng có được ba chục ngàn đồng để đi chợ, mua một ít cá vụn, một chút rau củ và một ít dưa muối, nước mắm, gạo đã có sẵn trong nhà, không lo đói nhưng chỉ lo con cái thiếu chất, không đủ sức để học hành. Số tiền còn lại chị bỏ ống, hằng tháng gởi vào Sài Gòn cho đứa con lớn ăn học, chị có ba đứa con, đứa đầu học năm thứ nhì đại học bách khoa Sài Gòn, đứa thứ nhì học lớp mười hai và đứa út học lớp bảy. Mọi chi tiêu trong gia đình dựa vào đôi vai anh chị cùng bốn sào ruộng lúa, hai sào rau xanh. Anh chị thuê tất cả bốn sào, ruộng nhà nước cấp cho anh chị được hai sào. Xoay xở cách gì cũng thiếu trước hụt sau…

Đi khắp các chợ ở Quảng Nam nói riêng và các chợ ở miền Trung như Quảng Ngãi, Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, Quảng Bình… Nơi nào chúng tôi cũng bắt gặp những buổi họp chợ ảm đạm với vài bó rau xanh teo tóp của người già còng lưng mang ra bán, vài mụt măng liu phiu, buồn bã, vài bắp chuối èo ọp… Hình ảnh bắt gặp nhiều nhất thường là những thứ ít liên quan đến bữa ăn thường nhật như áo quần chống lạnh, mũ len, xoong, nồi, chảo, thớt… Đương nhiên, những thứ hàng hóa này cũng chẳng đắt đỏ gì, nếu không muốn nói là ế ẩm.

Một người nông dân đi bán rau xanh ngoài chợ Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam, lắc đầu chia sẻ với chúng tôi rằng bà đi bán cau cố gắng vớt vát vài đồng để cải thiện bữa ăn, sau bão, vườn cau nhà bà gãy gần hết. Trái nằm la liệt khắp vườn nhưng nhà buôn không thèm mua vì giá cau quá thấp, cả một trăm ký cau non người ta trả cho bà chưa tới ba chục ngàn đồng, bà hái một ít mang ra chợ bán lẻ cho đỡ buồn mà thôi.

Bà nói: “Bão xong, cau ngã, tôn bay, may mà còn dính lại ít chưa bị dỡ hết, nhưng mà hồi hồm mất gà hết trơn, sắt B40 rào rồi nhưng nó vô nó bắt, 8 con gà trống mất hết trơn. Bão thì không mất nhưng mà đi bán thế này, tối về ngủ nó tông cửa nó vô.”
Những khu chợ miền Trung bây giờ không còn cảnh xụp xệ, xiêu vẹo như những năm trước, bởi nó được nhà nước đầu tư xây dựng khá tốn kém. Nhưng những phiên chợ lại vắng vẻ và ảm đạm, mất đi không khí buổi chợ quê với những thanh âm vừa rất kẻ chợ lại vừa rất gần gũi với đời sống người nông dân. Những thanh âm chợ quê một thuở gợi nhắc sự bình yên và niềm tin, sự hồn nhiên của con người.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.