Số phận những phụ nữ dân tộc thiểu số

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2015.03.14
phu-nu-622.jpg Một người phụ nữ H.Mong lục lọi đống rác kiếm cái để sống.
RFA PHOTO

Ở Việt Nam, ngoài ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8 tháng 3, còn có ngày Phụ Nữ Việt Nam 20 tháng 10, điều này cho thấy người phụ nữ được quan tâm hơn so với những nước không có ngày phụ nữ riêng của quốc gia. Tuy nhiên, đó chỉ là về mặt hình thức cũng như những mục tiêu nào đó trong quản lý xã hội, trên thực tế, người phụ nữ Việt Nam vẫn còn chịu quá nhiều đắng cay, đau khổ và khái niệm nữ quyền hay nhân quyền chỉ là những chiếc bánh vẽ khổng lồ mà con người phải cõng trên lưng suốt cuộc đời.

Nạn gia trưởng và bạo lực gia đình

Một phụ nữ người H.Mong không muốn nêu tên, đang sống tại Hà Giang, chia sẻ: “Chỉ có chim rừng làm bạn với mình thôi, lấy chồng thì phải theo chồng chứ. Lấy chồng thì phải sinh con, phải nghe theo lời chồng. Không có ai làm bạn với mình đâu, không có ai che chở cho mình đâu, chồng bảo gì thì phải làm đó. Có mấy nhành hoa rừng, chồng vui thì chồng tặng, chồng người khác còn đánh đập nữa. Ngày 8 tháng 3 là ngày gì?”

Chỉ có chim rừng làm bạn với mình thôi, lấy chồng thì phải theo chồng chứ. Lấy chồng thì phải sinh con, phải nghe theo lời chồng. Không có ai làm bạn với mình đâu, không có ai che chở cho mình đâu, chồng bảo gì thì phải làm đó.
-Một phụ nữ H.Mong

Theo chị này, những vấn đề mà chúng tôi nêu ra như nữ quyền, bình đẳng nam nữ hay nhân quyền thật sự quá xa lạ với chị. Cuộc sống nghèo khổ về vật chất và với quan niệm xuất giá tòng phu vẫn còn là nếp chung của mọi phụ nữ chứ không riêng gì phụ nữ H.Mong ở Hà Giang như chị.

Với các chị, một khi có chồng thì xem như mọi sự tự do kết thúc, mọi công việc, lựa chọn đều phải có sự đồng ý của chồng. Mặc dù may mắn là một phụ nữ H.Mong, sống trong quan niệm của người H.Mong, người vợ được chồng thương yêu và coi trọng so với một số sắc tộc khác nhưng chị vẫn thấy mình hoàn toàn mất tự do sau khi lập gia đình.

Nhưng với người phụ nữ này, dù sao chị cũng may mắn hơn rất nhiều người phụ nữ có chồng gia trưởng, vũ phu khác. Và cũng theo chị này, rất tiếc là tình trạng “thất phu” ở Việt Nam vẫn là một đặc trưng không thể chấp nhận được đối với những người làm vợ, làm mẹ giống như chị.

Nghĩa là người ta chia ra làm bảy loại chồng gồm: Đạo tặc phu; Đao phủ phu; Nô bộc phu; Sư phụ phu; Gia chủ phu; Huynh trưởng phu và; Bằng hữu phu.

Cách chia bảy loại chồng như vậy nhằm chỉ rõ tính cách đặc trưng của từng ông chồng, ví dụ như loại đạo tặc phu thì lười biếng làm việc, chỉ ưa ăn cắp tiền của vợ để đi uống rượu, chơi bời, nghiện ngập. Đao phủ phu thì có thể đánh vợ bất kì giờ nào khi nổi cơn thịnh nộ và bạo lực. Nô bộc phu thì bất lực, vợ chỉ đâu làm đó, không có chí hướng cũng như kế hoạch cho gia đình. Sư phụ phu thì ưa lên giọng dạy đời, tỉ như “ngày xưa cha mẹ em không dạy em đến nơi đến chốn, em sai cái này, em hỏng cái kia, để đó anh dạy lại để em hoàn thiện…”. Gia chủ phu thì xem vợ như nô lệ hoặc vật sở hữu, bất phước cho cô nào phải loại chồng này, nếu không làm nô lệ thì cũng làm thú nhồi bông bởi loại gia chủ phu thường có nhiều tiền, giàu có.

Chỉ có hai loại chồng gồm huynh trưởng phu và bằng hữu phu là có thể mang lại sự dễ chịu cho người vợ. Nếu như huynh trưởng phu luôn xem vợ là người em, luôn giúp đỡ, chia sẻ nhưng lại không chấp nhận vợ nói nhiều và nói năng không cẩn thận thì bằng hữu phu xem vợ là bạn, sẵn sàng chia sẻ mọi vấn đề từ khó khăn cho đến niềm vui của vợ. Rất tiếc là hai loại chồng này quá hiếm trong xã hội Việt Nam.

Và cách chia bảy loại chồng mà người phụ nữ H.Mong vừa đưa ra khiến chúng tôi hết sức bất ngờ về quan niệm xã hội của người phụ nữ dân tộc thiểu số sống trên vùng núi Tây Bắc này. Chị còn chia sẻ thêm là giá như đừng có cách chia này và người ta sống chan hòa, vợ chồng hiểu nhau, thông cảm và đồng đẳng thì mọi chuyện đã tốt hơn rất nhiều. Nhưng hiện tại, xã hội Việt Nam tuy sống trong thế kỉ 21 nhưng vẫn còn rất nặng các qui chuẩn phong kiến, từ hệ thống nhà nước cho đến hệ thống xã hội, làng xã. Chính vì vậy mà người phụ nữ thiệt thòi trăm bề, có thêm cả chục ngày 20 tháng 10 nữa thì người phụ nữ càng thêm mất công rửa chén sau khi các ông chồng nhậu mừng ngày phụ nữ.

Những việc làm bình thường bị đẩy lên thành anh hùng hoặc lập dị

Một phụ nữ H.Mong khác tên Huyền, đang sống ở Hà Giang, chia sẻ thêm:“Không có ngày 8 tháng 3 đâu chú ơi, nản lắm, phụ nữ ở đây khổ lắm!”

Không có ngày 8 tháng 3 đâu chú ơi, nản lắm, phụ nữ ở đây khổ lắm!
-Chị Huyền

Theo chị Huyền, hiện tại, xã hội Việt Nam vẫn chưa quen với những gì rất đỗi bình thường đối với người phụ nữ và hầu hết những phụ nữ có ý thức tự do hoặc có cá tính một chút đều bị xem là lập dị hoặc không bình thường.

Chị Huyền lấy ví dụ những phụ nữ như Nguyễn Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Vi, Lê Thị Công Nhân, Tạ Phong Tần, Bùi Thị Minh Hằng… Tất cả những người dấn thân cho công cuộc đấu tranh đòi quyền làm người cho Việt Nam đều bị xem là phản động, là anh hùng hoặc lập dị.

Theo chị Huyền, xem những phụ nữ này là phản động chỉ chứng tỏ một vấn đề duy nhất là Việt Nam không có tự do nên bất cứ ai đòi quyền tự do đều bị xếp vào phản động. Xem họ là anh hùng cũng chứng tỏ là Việt Nam không hề có tự do nên bất cứ ai đấu tranh cho tự do đều có thể đối diện với rủi ro, nguy hiểm, đều được xếp vào diện gan lì, anh hùng.

Trong khi đó, việc làm của họ rất đỗi bình thường nếu xét trên góc độ bản năng của người mẹ, bản năng của người sinh nở và sáng tạo sự sống tương lai. Xem họ lập dị chỉ chứng tỏ xã hội không những thiếu tự do mà còn đang ở giai đoạn mông muội và thiển cận, không thể nhìn ra thế giới.

Và không dừng lại ở đó, có rất nhiều phụ nữ bị chà đạp, bị đánh đập giữa ban ngày ban mặt bởi họ đã dám đứng lên đòi quyền tự do của con người và đấu tranh cho điều đó. Và những ai đã đánh họ? Đó là những kẻ mệnh danh là bậc trượng phu, họ cũng có gia đình, con cái và họ cũng làm chồng, làm cha của những phụ nữ khác trong tương lai.

Chị Huyền lắc đầu buồn bã nói rằng ở Việt Nam, khái niệm các hội, đoàn có liên quan đến quyền của người phụ nữ đều là những khái niệm không đáng tin cậy, bởi nó ra đời không phải để phục vụ cái mục tiêu mà nó nêu ra. Sự tồn tại, hiện hữu của các tổ chức, hội, đoàn này chỉ phục vụ cho Đảng. Tất cả những gỉ trái với ý Đảng đều là không bình thường, thậm chí phản động đối với họ. Chính vì vậy, những người phụ nữ đấu tranh cho quyền làm người đều bị xếp vào diện phản động và chưa bao giờ thôi bị chà đạp.

Ngày Quốc tế phụ nữ, tiếng khèn miền Tây Bắc vang lên ỉ ôi nghe như chất chứa trăm điệu buồn của thân phận phụ nữ Việt, đàn bà Việt và dân Việt.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.