Khi ngư dân chuyển nghề

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2016.07.23
ngu-dan-dong-hoi-622.jpg Thuyền của ngư dân Đồng Hới
RFA

Biển chết, nhiều ngư dân đánh bắt gần bờ chuyển nghề. Đi một đêm trên đất Đồng Hới, Quảng Bình, có thể bắt gặp rất nhiều người đi hát rong để bán kẹo kéo, những người mẹ bồng con đi ăn xin, những em bé bán kẹo cao su, vé số, những ông chạy xe ôm, những người nhanh chân hơn một chút thì trốn sang Trung Quốc làm thuê… Mỗi người mỗi việc, và công việc nào cũng nghe nằng nặng nỗi buồn và có chút gì đó trống trải, quạnh quẽ, buồn khó tả.

Tìm đường đi làm thuê

Một người tên Thủy, sống ở Nhơn Trạch, Quảng Bình, vừa trở về Việt Nam sau hơn một tháng trốn sang Trung Quốc làm thuê theo sự hướng dẫn của một người quen, chia sẻ: “Giờ cá chết, như chồng tôi đây cũng không có công ăn việc làm nên phải ở nhà. Giờ nhà nước cũng có chương trình đưa sang các nước nhưng mà thường thì người ta đi chui sang Trung Quốc vì không có tiền để đóng (thế thân). Nói chung là làm nhiều việc lắm, trong đó có làm bánh kẹo, làm phụ việc, giúp việc hoặc làm hải sản. Làm rành nghề thì cũng được một tháng sáu đến bảy triệu…”

Nói chung là làm nhiều việc lắm, trong đó có làm bánh kẹo, làm phụ việc, giúp việc hoặc làm hải sản. Làm rành nghề thì cũng được một tháng sáu đến bảy triệu…
-Chị Thủy

Nhưng không phải ai cũng đủ may mắn để trốn sang Trung Quốc mà không bị vướng bẫy buôn người. Chị Thủy cho biết là hầu hết ngư dân khi không còn ra khơi được đều bị bế tắc, đàn ông không ra khơi được thì đi làm phu bốc vác, vào Nam đi đánh cá thuê cho các chủ tàu miền Nam hoặc trốn sang Trung Quốc, sang Lào để làm thuê. Thời gian gần đây, người ta trốn sang Trung Quốc nhiều hơn là Lào. Bởi trên đất Lào đã thừa người lao động Việt Nam, có nhiều người sang đó cả tháng, tốn kém nhiều thứ mà vẫn thất nghiệp, làm thuê quờ quạng đắp đổi qua ngày, trở về quê trắng tay.

Chính vì vậy, lựa chọn trốn sang Trung Quốc để đàn ông thì đi đánh cá thuê, phụ nữ thì làm các công việc phụ trong ngành hải sản, đàn ông kiếm được từ tám triệu đồng đến mười triệu đồng, phụ nữ kiếm được từ bốn triệu đồng đến bảy triệu đồng đang là giải pháp cấp thời của nhiều gia đình ngư dân Quảng Bình sau vụ cá chết.

Cũng theo Thủy, hiện nay, nhà nước đã có chính sách đào tạo ngư dân trong độ tuổi lao động theo tiêu chuẩn nước ngoài yêu cầu, nghĩa là độ tuổi từ 18 đến 35, để đưa sang Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc để làm thuê. Nhưng muốn đi sang các nước này, phải tốn kém một khoản chi phí khá lớn cho dù có nhà nước hỗ trợ. Chính vì vậy, những người trong độ tuổi này không phải ai cũng có đủ điều kiện kinh tế để đi. Chính vì vậy, đi làm thuê ở Lào và Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, còn gọi là lao động chui vẫn là lựa chọn của nhiều ngư dân Quảng Bình.

Thuyền của ngư dân Hà Tĩnh rơi vào cảnh thất nghiệp. Courtesy Zing.
Thuyền của ngư dân Hà Tĩnh rơi vào cảnh thất nghiệp. Courtesy Zing.

Một thanh niên tên Hải, vốn là lao động chính, là ngư dân câu mực ngoài khơi, nhưng do ảnh hưởng gián tiếp của việc chất độc Formosa thải ra biển, hầu hết hải sản đều không thể tiêu thụ, trong đó, nhu cầu tiêu thụ mực hầu như đứng ở mức zero, cuối cùng, anh phải bỏ nghề câu mực để lái taxi thuê, Hải chia sẻ: “Khách hàng trước đây còn đi xa, như mua cua, mực thì mình còn chở đi xa được, chứ giờ khách không đi đâu cả, ở khách sạn là chủ yếu. Đời sống thì giờ chỉ có đồ rừng, không có đồ biển. Ảnh hưởng đến hải sản, biển không có nên mình không chở xa được, chỉ chở đi gần, nên chỉ có 4,900 hoặc 5 ngàn tiền taxi cũng có nhiều…!”

Hiện tại, công việc lái taxi tại thành phố Đồng Hới, Quảng Bình có thể được xem là công việc của người lượm ba rơi theo như lời nhân xét của Hải. Bởi năm 2016 là năm du lịch Quảng Bình, thế mạnh ngành du lịch của tỉnh này phụ thuộc rất lớn vào bờ biển và quần thể các động Phong Nha, Thiên Đường cũng như ,một số động mới phát hiện. Tuy nhiên du lịch biển vẫn có sức hấp dẫn mạnh nhất đối với du khách.

Một tương lai mờ mịt

Khi bờ biển bị nhiễm độc, lượng khách du lịch đến thành phố Đồng Hới giảm hẳn, kéo theo các dịch vụ du lịch cũng tổn thất nặng nề. Chỉ riêng vấn đề thu nhập của người lái taxi, Hải cho biết là chưa bao giờ anh phải nhận tiền cước phí 4,900 đồng cho nửa cây số đầu tiên nhiều như bây giờ. Nghĩa là khách đi taxi ra biển để chơi, ra được một đoạn thấy quán xá đìu hiu, lại quay xe trở vào đường chính và xuống xe, trả cho anh 5000 đồng vì anh không có 100 đồng để thối cho khách. Chuyện này hầu như người lái taxi nào cũng có thể gặp trong ngày. Và 4,900 đồng thì chỉ có thể mua được một ổ bánh mì hoặc một gói mì ăn liền chứ không mua được gì khác.

Theo thông tin của ngành du lịch tỉnh Quảng Bình, mới đây nhất, sở văn hóa, thể thao và du lịch Quảng Bình đã ra thông báo giảm 30% phí vé tham quan tại động Phong Nha, động Tiên Sơn và động Thiên Đường cho du khách có lưu trú tại Quảng Bình; các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh đồng loạt đăng ký giảm giá từ 20 - 40% so với giá niêm yết. Du lịch Quảng Bình cũng đưa vào khai thác mới các tuyến điểm du lịch hấp dẫn như tuyến du lịch Khám phá hang Va - hang Nước Nứt, những trải nghiệm khác biệt; điểm du lịch Chùa Hoằng Phúc; tuyến du lịch khám phá động Thiên Đường 7,000m.

Không có việc gì để làm, chứ ở nhà lấy gì mà ăn. Họ vào đến tận miền Nam, Vũng Tàu để làm ăn, vào biển Ninh Chữ để làm thuê, có gì làm thuê được thì làm.
-Chị Lan

Trong tháng 7 này, Quảng Bình đã tổ chức nhiều hoạt động phục vụ khách du lịch như Festival Bia quốc tế Quảng Bình; Giải đua bơi Quốc tế với sự tham gia của Lào và Thái Lan; diễu hành thuyền buồm trên sông Nhật Lệ và biển Nhật Lệ. Sở này cũng vừa thực hiện một buổi giới thiệu quảng bá và xúc tiến du lịch Quảng Bình tại thành phố Đà Nẵng vào tháng 6 vừa rồi với hy vọng lượng khách du lịch đến tỉnh này có thể tăng lên.

Chị Lan, bán hàng rong trong khu vực nhà ga xe lửa Đồng Hới, chia sẻ: “Nói chung thì không có việc gì để làm, chứ ở nhà lấy gì mà ăn. Họ vào đến tận miền Nam, Vũng Tàu để làm ăn, vào biển Ninh Chữ để làm thuê, có gì làm thuê được thì làm. Nói chung đói hơn kì trước, từ hồi cá chết chừ thì đàn bà không có gì để làm. Nhờ đàn ông đi làm, đàn bà phụ gì được thì phụ. Họ hỗ trợ ít gạo, cho được ba trăm ngàn đồng, nhưng cho có thôi chứ làm sao đủ, đời sống thiếu lắm!”

Chị Lan cho biết thêm là hầu hết người làm nghề đánh bắt gần bờ đều phải bỏ nhà đi làm thuê, bởi ở lại quê nhà, khó có thể làm gì để kiếm được 3 triệu đồng mỗi tháng.

Như chị, đi bán hàng rong suốt hai tháng nay chẳng dư được đồng nào, hầu hết là đắp đổi qua ngày. Dường như với người đánh bắt, một khi được gắn với biển cũng giống như con cá được sống với nước sạch. Ngược lại, khi bỏ lưới lên bờ, chẳng khác nào con cá phải sống trong môi trường nước đầy độc tố, đụng đâu cũng thấy ngột ngạt và chẳng biết đâu mà lần.

Nói cho cùng, với những ngư dân Quảng Bình nói riêng và miền Trung nói chung, một khi biển chết, dường như một tương lai chết dần chết mòn cũng đang đến với họ. Và sự chết này đang lan dần sang nhiều nhóm ngành nghề khác.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.