Thấy gì qua các cuộc biểu tình của Thanh niên, Sinh viên tại Hà Nội, Sài Gòn? (phần 2)


2007.12.19

Việt Hùng, phóng viên đài RFA

Trong một buổi phát thanh trước, ông Lê Hồng Hà, một nhà quan sát chính trị về nội tình đảng CSVN, đã đề cập đến những vấn đề liên quan đến tình trạng tranh chấp biên giới lãnh hải nhân sự kiện ngày 9-12 thanh niên sinh viên biểu tình trước Tòa Đại sứ và Tổng lãnh sự Trung Quốc ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Hôm nay Việt Hùng tiếp tục cuộc trao đổi với ông Lê Hồng Hà về đề tài này.

VnStudentProtestChinaTruongSa200.jpg
Sinh viên, Thanh niên Việt Nam biểu tình phản đối Trung Quốc hôm Chủ nhât 9-12 tại Hà Nội. AFP PHOTO.

Chỉ đựơc thảo luận trong Bộ Chính Trị

Việt Hùng: Thưa ông Lê Hồng Hà, hẳn ông còn nhớ trong Hội nghị Trung ương 4 một trong những vấn đề của đảng Cộng sản Việt Nam bàn đến đó là chiến lược biển, như vậy phải chăng các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng nhìn thấy vấn đề ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ là một vấn đề chiến lược trong tương lai?

Ông Lê Hồng Hà: Lâu nay về vấn đề Vịnh Bắc bộ nói chung và quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì trong đảng đều đã có những ý kiến rồi, nhưng cách giải quyết lâu nay ở trong đảng là chỉ cho phép đây là quan điểm của Bộ Chính trị, của Chính phủ Trung ương… chứ còn tất cả những người khác chưa ai được thảo luận, ngay như Quốc Hội và Mặt trận Tổ quốc Trung ương cũng chưa được thảo luận.

Việt Hùng: Ông có nghĩ đó là một việc “há miệng mắc quai” của Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam khi trước đây cá nhân ông Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết thư cho Thủ tướng Chu Ân Lai xác nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa?

Ông Lê Hồng Hà: Điều ấy có một phần đúng. Cách làm việc trong đất nước Việt Nam việc tranh cãi những vấn đề đó chưa mạnh, cho nên tuy trong tâm tư của người ta, người ta đều có suy nghĩ nhưng chưa có cơ hội để tranh cãi lại vấn đề mà tôi thì tôi có khuynh hướng cho rằng ngày mùng 9-12 đặt ra một vấn đề đòi hỏi trong Mặt trận Tổ quốc, trong các đoàn thể, trong Quốc hội, trong Chính phủ và trong báo chí thì chắc là sẽ có một phong trào tranh cãi đòi đặt lại vấn đề.

Hình thái đòi ra sao, diễn biến như thế nào thì tôi chắc vấn đề đó còn phải cần một thời gian, nhưng riêng tôi suy nghĩ vấn đề đó tới đây sẽ là một vấn đề lớn?

Việt Hùng: Nhưng mà nếu không có sự hậu thuẫn trong nội tình đảng thì làm sao những vấn đề này có thể đưa ra bàn tại Quốc hội hay ở một số nơi thông qua Mặt trận Tổ quốc…

Ông Lê Hồng Hà: Việc ấy theo như tôi suy nghĩ những ý kiến này tất nhiên là phải được thông qua những lực lượng tốt trong Mặt trận Tổ quốc Trung ương, những lực lượng tốt trong Trung ương, những lực lượng tốt trong báo chí.

Video cung cấp bởi cô Kim Thu.
Xem video clip này bằng cửa sổ riêng

Người ta sẽ nêu vấn đề này và dựa vào những lực lượng tiến bộ trong giới báo chí, trong Mặt trận Tổ quốc, trong Trung ương đảng, trong Quốc hội mà đưa vấn đề đó ra.

Phản ứng trước tình hình mới?

Việt Hùng: Nhưng bằng kinh nghiệm trong chính trường tại Việt Nam ông nghĩ những ý kiến này sẽ theo chiều hướng nào và phản ứng của Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam như thế nào trước vấn đề và sự kiện đã diễn ra rồi?

Ông Lê Hồng Hà: Hiện nay thì chưa thể phán đoán nói cái gì rõ ràng cả, nhưng tôi chắc đây là xu thế không cưỡng nổi đâu cho nên cuộc mít tinh biểu tình ngày mùng 9-12 tôi cho đó là một hành động rất dũng cảm, rất thông minh, rất giỏi…, nhưng mới chỉ ở mức độ đánh chuông thôi chứ chưa phải là đã ra được một tuyên bố hay chương trình hành động cụ thể nào và điều này là trách nhiệm và nhiệm vụ của những anh em ở trong nước sau ngày mùng 9-12?

Mà bài của ông Bùi Minh Quốc chỉ là một trong hàng nghìn, hàng vạn ý kiến đề nghị sau này. Người ta sẽ tác động trong cán bộ lão thành, trong Quốc hội, trong báo chí, trong Mặt trận Tổ quốc…

Việt Hùng: Nhưng mà từ trước đến nay vấn đề biên giới lãnh hải của Việt Nam – Trung Quốc vẫn được coi là “vùng cấm kỵ” đối với người dân tại Việt Nam và bây giờ những thanh niên sinh viên thông qua cuộc biểu tình ngày 9-12 như một về dầu loang, một đốm lửa…

Ông Lê Hồng Hà: Đúng là một vết dầu loang, một đốm lửa, ngay bản thân những sinh viên hiện nay và những sinh viên tổ chức cuộc biểu tình này cũng chưa có điều kiện để tìm hiểu vấn đề biên giới là như thế nào, vấn đề Trường Sa và Hoàng Sa là như thế nào. Hiện nay ở trong đất nước Việt Nam do công tác thông tin, xuất bản hay tư liệu…còn thiếu và còn mù mờ lắm. Ngay cuộc mít tinh ngày mùng 9-12 nhiều thanh niên và người qua lại còn hỏi biểu tình cái gì đấy?

Vấn đề Trường Sa và Hoàng Sa nhiều người cũng chỉ nghe nói đầu đề là vậy chứ cũng chưa hiểu cụ thể là như thế nào mà biểu tình… thế cho nên theo suy nghĩ của tôi việc mùng 9-12 đã thành công và giỏi ở chỗ là đã đánh động dư luận, đánh chuông được.

VnStudentProtestTruongSa200.jpg

Việt Hùng: Trong lần này chính quyền Bắc Kinh đã lập thành phố hành chính cấp huyện Tam Sa để quản lý quần đảo Hoàng Sa, Trung Sa và Trường Sa và sự kiện đó có gây phát hoảng cho chính phủ Việt Nam hay không?

Ông Lê Hồng Hà: Tôi cho rằng những cơ quan có trách nhiệm ở Việt Nam sự kiện Trung Quốc lập cơ quan hành chính huyện Tam Sa, có lẽ những cơ quan này không hiểu được ý nghĩa của vấn đề đó là như thế nào…bởi vì lâu này công tác thông tin, nghiên cứu về vấn đề này hầu như không có, cho nên nhiều ông lãnh đạo ở cấp Trung ương và các cơ quan có trách nhiệm coi thường những thông tin này.

Tôi thấy cái mốc và cái nút của vấn đề là ở chỗ Trung Quốc họ lập huyện Tam Sa, tôi thấy vấn đề là như thế, chứ còn lâu nay ở Việt Nam người ta biết rằng vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa có mâu thuẫn nhưng người ta cho rằng trách nhiệm đó là của Trung ương phải nghiên cứu.

Đáng lẽ ra các ông lãnh đạo quân sự phải nghiên cứu vấn đề này thế nhưng khi ông Minh Triết đến gặp giới quân sự hay ông Nông Đức Mạnh đến họp Quân ủy Trung ương thì những vấn đề này không được đặt ra và cũng chỉ nói chung chung chẳng liên quan gì… rồi Quốc hội họp bàn thì cũng chưa thấy, như anh thấy ông Dương Trung Quốc nói là sẽ nêu vấn đề.

Sẽ nêu thôi chứ trước mắt vấn đề Tam Sa như thế nào thì thực ra các nhà nghiên cứu chưa nhận thấy vấn đề thành lập huyện Tam Sa là một chiến dịch rất lớn của Trung Quốc nhằm xâm lấn lãnh thổ Việt Nam. Theo như tôi suy nghĩ về vấn đề này nhận thức hiện nay ở trong nước về vấn đề đỏ không rõ!

Hậu quả của chính sáh cai trị phi dân chủ

Việt Hùng: Nhưng có thể nói đây là hệ thống của những việc làm khuất tất trong thời gian ông Lê Khả Phiên còn là Tổng Bí thư thì người ta cũng đã nói nhiều đến việc cắt đất nhượng biển cho Trung Quốc?

Ông Lê Hồng Hà: Đấy là nhược điểm trong cách làm việc không công khai, không dân chủ, không theo luật pháo, không tôn trọng dân… của các cơ quan có trách nhiệm trong đất nước này. Ông Lê Khả Phiêu ký cái đó đâu đã bàn, nghiên cứu thông qua cụ thể tại Quốc Hội gì đâu.

Chính vì thế mà tài liệu nghiên cứu của ông Lê Trọng Nghĩa, Trưởng ban Biên giới nghiên cứu vấn đề biên giới và đề nghị xuất bản cuốn Hồi ký của người ta thì hiện nay đã được xuất bản đâu?

Đây là nhược điểm rất lớn của lãnh đạo đối với vấn đề quan trọng của đất nước, của quốc gia. Đáng lẽ phải tổ chức nghiên cứu một cách cẩn thận, kỹ càng thì Việt Nam thiếu cái đó. Chính do thiếu cái đó nên khi ngỡ ngàng ra thì đổ lỗi cho là cái đó là Quốc Hội đã thông qua rồi, đã thông qua Bộ Chính trị rồi…, nhưng thực ra những cơ quan này đã có nghiên cứu gì kỹ đâu?

Việt Hùng: Một số dư luận cho rằng việc cắt đất nhượng biển dưới thời ông Lê Khả Phiêu thì Bộ Chính trị và ông Lê Khả Phiêu phải chịu trách nhiệm trước việc đó, tuy nhiên bang giao Việt Nam – Trung Quốc được nối lại vào năm 1991, người ta còn nhớ vào thời điểm trước đó ông Lê Đức Anh và ông Đỗ Mười từng bí mật sang Trung Quốc để gặp ông Đặng Tiểu Bình ở Thành Đô thì những vấn đề Biên giới lãnh hải cũng đã tiềm ẩn từ thời gian đó. Bằng kinh nghiệm chính trường của ông, ông ghi nhận những chuyện đó trong nội tình đảng như thế nào?

Ông Lê Hồng Hà: Theo những thông tin của tôi thì hồi ông Lê Đức Anh và Đỗ Mười sang Thành Đô để mà làm những việc dẫn đến bình thường hóa quan hệ giữa hai nước thì không có đặt vấn đề về biên giới lãnh hải cụ thể lắm và trong nhận thức của Việt Nam lúc đó có những nhận thức không được hay lắm mà có ý nhượng bộ Trung Quốc nhiều hơn…, nói thí dụ như là nhượng bộ trong vấn đề Campuchia chẳng hạn.

Những vấn đề đó trong bản Hồi ký của ông Trần Quang Cơ (nguyên Thứ trưởng Ngoại giao) đã bộc lộ một cách khá rõ. Đấy, trong những vấn đề đấy rõ ràng là ông Lê Khả Phiêu và Trần Đức Lương phải chịu trách nhiệm về Hiệp định Biên giới trên bộ.

Với cái nhìn của tôi sự kiện ngày mùng 9-12 đã mở ra một thời kỳ mới của cuộc đấu tranh. Trong thời kỳ mới này sẽ có những biện pháp hữu hiệu hơn…

Việt Hùng: Thay mặt quí thính giả của đài cám ơn ông Lê Hồng Hà.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.