Quan điểm của giới văn nghệ sĩ về việc rước đuốc Olympic Bắc Kinh ở Sài Gòn

Như vậy là chỉ còn 3 ngày nữa, đuốc Olympic Bắc Kinh sẽ tới Sài Gòn, trùng vào dịp biến cố 30-4-1975. Trong lúc chính quyền tìm mọi cách để bảo đảm thành công cho cuộc rước đuốc, giới văn nghệ sĩ tại Sài Gòn nghĩ gì về hoạt động này?
Thanh Quang, phóng viên đài RFA
2008.04.26
BlogDieuCay310.jpg Blogger Điều Cày từng nhiều lần gặp rắc rối với công an vào thời gian sinh viên thanh niên Việt Nam tổ chức biểu tình phản đối Trung Quốc.
RFA file photo

Phản kháng ngấm ngầm

Trong bối cảnh mà theo lời tuyên bố mạnh mẽ của Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng, nhà cầm quyền sẽ huy động cả hệ thống chính trị để bảo đảm an tòan tuyệt đối cho cuộc rước đuốc này. Nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ cho biết không khí ở Saigòn hiện giờ:

Nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ: Mình có nghe râm ran và mình có nhìn thấy vài sự kiện có thể hiểu rằng có một sự phản kháng ngấm ngầm. Trong cái tình hình rước đuốc thông qua Sài Gòn, mình thấy một số anh em họ đều tỏ vẻ không hài lòng về cái chuyện rước đuốc.

Nói chung cụ thể sự phản kháng của anh em thì nó có, mỗi người mỗi cách. Có nhiều cách khác nhau. Có người họ tỏ thái độ rất cụ thể, có người họ tỏ thái độ rất là khiêm tốn, và họ muốn cho thấy rằng họ tỏ thái độ.

Nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ

Bằng chứng là trước Lãnh Sự Quán Trung Quốc hiện giờ người ta canh gác rất là kỹ. Về cái chuyện rước đuốc sẽ đi qua Nhà Thờ Đức Bà cho nên họ rất là không hài lòng.

Nói chung cụ thể sự phản kháng của anh em thì nó có, mỗi người mỗi cách. Có nhiều cách khác nhau. Có người họ tỏ thái độ rất cụ thể, có người họ tỏ thái độ rất là khiêm tốn, và họ muốn cho thấy rằng họ tỏ thái độ. Mà sự phân hoá nó rất là nhiều.

Theo tình hình mình nghĩ thì thấy có những sự phân hoá mà ở đây cần thấy rằng là ở một cái đất nước của Việt Nam thì mình thấy họ cũng chưa có sự đoàn kết về tinh thần, chứ chưa phải là hành động đâu.

Ở xứ Việt Nam nó còn có cái gì đó nó hơi mơ hồ trong cách suy nghĩ. Có một vài người họ tiên tiến, vài người họ suy nghĩ nhưng không có chớp thời cơ, vài người suy nghĩ rất là sáng suốt về tình hình nhân quyền hay là con người của Việt Nam hiện thời.

Thanh Quang: Như tin tức cho biết thì trong những ngày gần đây, có một số văn nghệ sĩ trong nước bị lâm vào hòan cảnh bi đát vì diễn biến này?

Nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ: Thí dụ trường hợp của Điếu Cày thì ai cũng biết rồi. Trường hợp của Điếu Cày và của vài bạn hữu thì bên công an họ theo dõi rất là sát. Hiện thời thì mình chỉ có thông tin với nhau qua vài anh em thì được biết họ (công an) theo dõi rất kỹ về cái quan hệ giao tế.

Họ không muốn có một cái gì đó xảy ra cho cuộc rước đuốc sắp tới ở Sài Gòn giống như ở bên Anh hay bên Mỹ. Họ không muốn cho ngọn lửa Olympic bị tắt vì một lý do nào đó. Trên các đất nước cộng sản thì họ rất dễ dàng làm việc này thôi.

Đối với trí thức hay là đối với những người phản đối cuộc rước đuốc thì bên này họ (công an) luôn luôn có sự để ý nhất định của họ và khi họ thấy cần phải can thiệp thì họ sẽ can thiệp bằng bạo lực. Nhưng mà thường khi họ ít can thiệp bằng bạo lực lắm, nhưng nếu cần thiết khi họ nói không được thì họ thì họ sẽ bắt đầu bằng bạo lưc.

Cái cấp này thì tôi nghĩ họ không có gì ghê gớm cả vì họ nắm quyền trong tay mà, họ nắm bạo lực trong tay, họ nắm sức mạnh trong tay, cho nên khi họ muốn dùng bạo lực thì tôi nghĩ là không có gì khó hết.

Nhưng mà vấn đề ở chỗ họ muốn sự phản kháng đó ở trong chừng mực nào. Ví dụ như cụ thể mà ảnh hưởng tới Đại Sứ Quán hay Lãnh Sự Quán thì chắc chắn là họ không cho rồi. Như trường hợp Hoàng Sa và Trường Sa thì anh biết rồi.

LeTrungThanh\LeTrungThanh_200.jpg
Sinh viên Việt Nam biểu tình phản đối Trung Quốc.
Photo by Hiền Vy/RFA.
Chính quyền sẽ ra tay trấn áp?

Khi được hỏi về lời tuyên bố của Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội hôm 20 tháng Tư vừa rồi là VN sẽ bảo đảm an tòan tuyệt đối lễ rước đuốc Olympic Bắc Kinh, nhà thơ nhận xét:

Nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ: Tại vì tình hình rước đuốc thì tất cả lúc ngọn đuốc đi qua bất cứ nước nào thì an ninh luôn luôn đặt lên hàng đầu, thì tôi nghĩ ngọn đuốc họ phải bảo vệ như bảo vệ thể diện quốc gia thì họ phải bảo vệ thôi.

Dù thể hiện ở chế độ độc tài hay chế độ tư bản hay như thế nào thì họ đều thể hiện, nhưng mà chỉ khác ở thái độ chống đối, thái độ phản kháng.

Tức là bên tư bản, bên phía các nước tự do thì họ phản kháng một cách rất là thoái mái, còn bên này thì sự phản kháng gần giống như là sự phản kháng của một que diêm le lói trong bóng tối thôi, nó rất là cô đơn và nó rất là lạc lỏng.

So với những ngày gần đây, sắp tới Ngày 30 Tháng Tư thì họ có những cuộc trình diễn rất là phong độ. Nói chung là một khi đám đông mà họ thắng thế, đám đông đó, một khi đám đông mà họ đã tung lên thì nếu ai điều khiển đám đông thì người đó thắng.

Tôi nghĩ những người cộng sản họ thừa sức để họ làm chuyện này, nhứt là họ lại đang nắm quyền nữa.

Thanh Quang: Theo nhà thơ thì liệu chính quyền có sử dụng tới vũ lực, một khi bất ổn diễn ra, hay không?

Nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ: Không. Tôi nghĩ ở Việt Nam này họ không cần dùng đâu. Chắc chắn! Tại vì cái sự đoàn kết và tinh thần ở đất nước này trong giới thí thức thì mong manh lắm.

Mong manh ở đây không có nghĩa là họ thiếu dũng cảm, thiếu lòng can đảm, mà mong manh bởi vì đây là tất cả những người đó có những việc họ phải làm, họ dính tới "cơm gạo áo tiền", họ dính tới đủ thứ hết.

Mà cái xã hội này họ chia rẽ nhau bằng cái túi gạo, túi tiền, rất là nhanh, về công việc rất là nhanh, về cái danh vọng của họ rất là nhanh. Cho nên sự đoàn kết của họ hầu như không có.

Tôi cho là họ không có. Nên tôi nghĩ nhà nước họ chức không dùng bạo lực đâu. Họ có thủ sẵn bạo lực thì có. Họ chuẩn bị bạo lực thì có. Nhưng chắc chắn là họ chuẩn bị thôi chứ họ không cần phải xài tới.

Tôi nghĩ là xác đáng thôi tại vì trong một cái thế giới mà chúng tôi là những người sống trong cái chế độ này, sống trong những ngày nóng nực này, sắp tới 30 Tháng 4 này, tôi hiểu là một khi họ dã hoàn thành cái sứ mệnh của họ, họ bảo vệ cái chế độ của họ, bảo vệ cái công việc 30 năm của họ, tôi nghĩ 31 năm của họ, thì họ không từ bất cứ một cái gì để họ bảo vệ, nhưng họ biêt chắc rằng họ cũng sẵn sàng dùng bạo lực.

Tôi cũng muốn bổ sung thêm là ở trong một cái đất nước nó vẫn còn bị chi phối, thậm chí cái sự buồn thảm nó cũng bị chi phối chứ đừng nói chi niềm vui. Và trong những cái vụ việc giống như ngọn đuốc Olympic thì tôi cho rằng cái chuyện đó không lớn đối với đất nước đâu.

Chuyện lớn nhất của đất nước này là cái chuyện nỗi buồn của dân tộc này chớ không phải là ngọn đuốc. Anh biết dân tộc này rồi! Họ muốn những điều cụ thể hơn. Còn cái chuyện ngọn đuốc Olympic hay là giải bóng đá gì thì họ rất là coi trọng.

Thật rất lạ kỳ! Những cái gì thuộc thế giới thì họ rất là coi trọng. Nhưng mà họ đang nhắm vào những cái gì họ đang có. Tôi ví dụ như chuyện bình thường của dân đất nước này như đất đai, nhà cửa hay gì đó thì không ai chú ý cả, cho nên người dân bên này họ rất buồn vì không ai chú ý đến vấn đề cụ thể của họ.

Chú ý đến những vấn đề lớn nhứt thì họ rất là vô tâm. Trong những chuyện nhỏ mà không ai chú ý tới họ thì buộc họ chú ý tới cái lớn thì họ cũng phải làm thôi. Nói chung, nói theo kiểu Lenin đó thì một tia lửa nhỏ thôi cũng gây ra đám cháy thôi.

Nhưng ở đây tôi thấy một cái nghịch lý là hình như ai cũng muốn làm chuyện lớn cả mà không hề chú ý tới chuyện nho nhỏ trong đời sống. Không ai chú ý đến ngịch lý.

Tôi nghĩ ở bên Mỹ mà ai đụng tới nồi cơm của ai hay của tầng lớp nào đó thì chắc chắn có chuyện rất là lớn. Nhưng ở đây thì cái chuyện rất là khác biệt đến độ. Cho nên tôi chỉ nói khái niệm bị chi phối đến độ bi kịch. Cái thân phận con người bị chi phối rất là bi kịch. 

Thái độ bài Trung Quốc ở Việt Nam

Thanh Quang: Vừa rồi là nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ. Thưa qúy vị, chúng tôi nhân tiện cũng tìm hiểu cảm nghĩ của nhà văn Nguyễn Viện ở Saigòn. Ông mô tả về tình cảnh của một số văn nghệ sĩ ở đó hiện giờ như sau:

Nhà văn Nguyễn Viện: Thật ra thì đối với một số người thì cũng được quan tâm và được công an mời làm việc, nhưng riêng bản thân tôi thì việc này không có vấn đề gì.

Việc Trung Quốc cho phổ biến bản đồ Thế Vận Hội có những chi tiết như là mô tả Hoàng Sa - Trưòng Sa như là một phần lãnh thổ của Trung Quốc, thì tất cả người Việt Nam yêu nước phải bức xúc thôi.

Nhà văn Nguyễn Viện

Thanh Quang: Về lời tuyên bố mạnh mẽ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa rồi, nhà văn Nguyễn Viện nhận xét:

Nhà văn Nguyễn Viện: Theo tôi về mặt ngoại giao thì ông Thủ Tướng có quyền làm như vậy, nhưng mà về mặt nhân dân thì tôi nghĩ là nhân dân cũng có quyền biểu lộ chính kiến của mình. Tôi nghĩ đấy là vấn đề chính kiến, vấn đề quan điểm của mỗi người, thì tôi nghĩ là người ta cần tôn trọng nhau ở chỗ đó.

Thanh Quang: Nhân đây, nhà văn Nguyễn Viện cho biết giới văn nghệ sĩ nghĩ như thế nào về lời kêu gọi gần đây trên blog, hay trên Internet nói chung, về thái độ bài Trung Quốc ở Việt Nam.

Nhà văn Nguyễn Viện : Tôi nghĩ rằng trong việc rước đuốc Olympic qua TP.HCM và đồng thời cũng có những dư luận chung quanh việc Trung Quốc cho phổ biến bản đồ Thế Vận Hội có những chi tiết như là mô tả Hoàng Sa - Trưòng Sa như là một phần lãnh thổ của Trung Quốc, thì tôi nghĩ rằng điều đó làm cho tất cả người Việt Nam yêu nước phải bức xúc thôi.

Thanh Quang: Như vậy, liệu điều mà nhà văn vừa trình bày với việc giới cầm quyền VN, bằng mọi giá, giữ cho cuộc rước đuốc suông sẻ có gì mâu thuẩn hay không ? Nhà văn Nguyễn Viện nhận xét:

Nhà văn Nguyễn Viện: Chắc chắn có sự mâu thuẫn nào đó nhất định giữa những người phản đối việc rước đuốc như là một cái thái độ phản đối đi từ trong lãnh thổ của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, nhưng về mặt nào đó thì khi cính quyền cho tổ chức rước đuốc thì chính quyền có thể đặt vấn đề về thể thao ra ngoài cái vấn đề về chính trị.

Nhưng mà tôi thì tôi nghĩ rằng không có một vấn đề gì là không liên quan đến chính trị cả. Về mặt nhân dân thì tôi nghĩ rằng người ta vẫn cần phải tỏ cái thái độ, cái quan điểm của mình một cách hoà bình.

 

(Quý vị vưa nghe nhận xét của nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ và nhà văn Nguyễn Viện ở Sài Gòn, trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị lễ rước đuốc Thế Vận Bắc Kinh, trùng vào dịp kỷ niệm biến cố 30 Tháng Tư 75).

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.