Sinh viên Nguyễn Tiến Nam bị công an bóp cổ, đánh đập vì phản đối Trung Quốc

Sinh viên Nguyễn Tiến Nam, một trong số các thanh niên sinh viên Việt Nam lên tiếng phản đối Trung Quốc nhân dịp đuốc Olympic Bắc Kinh được rước ở Sài Gòn, đã bị công an Việt Nam bắt giữ, đánh đập.
Trà Mi, phóng viên đài RFA
2008.05.01
NguyenTienNam_Hanoi_Police_310.jpg Sinh viên Nguyễn Tiến Nam bị công an khóa tay bóp cổ trước chợ Đồng Xuân Hà Nội hôm 29-4-2008, khi tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc nhân dịp đuốc Olympic Bắc Kinh được đón rước tại Việt Nam.
AFP PHOTO/RADIO NEW HORIZON.
Bấm vào đây để nghe cuộc phỏng vấn này
Download phần âm thanh này

Theo các nguồn tin tại chỗ, ngay sau khi cùng một số người dân ở Thanh Hoá, Thái Bình, Hải Phòng về Hà Nội biểu tình phản đối Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa – Trường Sà cũng như lên án việc hải quân Trung Quốc bắn giết ngư dân Việt Nam trong Biển Đông, sinh viên Nguyễn Tiến Nam đã bị nhiều công an cả sắc phục và thường phục bắt giữ ngay trước chợ Đồng Xuân.

Sau khi bị công an khóa tay, bóp cổ, Nguyễn Tiến Nam bị tách ra khỏi đoàn người biểu tình, và tiếp tục bị công an hành hung, đánh đập... Nói chuyện với đài Á Châu Tự Do ngay sau khi rời khỏi đồn công an, Nguyễn Tiến Nam kể lại những gì đã xảy ra với anh trong ngày đuốc Olympic Bắc Kinh được đón rước tại Việt Nam:

Bị bóp cổ, bị đánh vào yết hầu

Sinh viên Nguyễn Tiến Nam: Ngày hôm qua thứ Ba 29-4-2008, vào khoảng 9 giờ đúng (giờ Việt Nam) tôi có đến trước cửa Chợ Đồng Xuân và cầm một chiếc cờ có 5 vòng còng số 8 và chữ Olympic Bắc Kinh. Tôi hô hào đồng bào chung quanh tập trung lại để biểu tình chống lại sự bành trướng của Trung Quốc về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa, và vấn đề Trung Quốc vô cớ bắn chết ngư dân Việt Nam vào năm 2005.

Tôi bị lực lượng an ninh trấn áp và họ bóp cổ tôi. Họ không dám nhận họ là công an mà họ nói họ là một người bất bình, họ bóp cổ tôi, và tôi có ảnh này. Tôi đã gửi ảnh lên một số trang mạng rồi. Ngón tay cái họ dí vào yết hầu tôi, tôi không thở được.
Sinh viên Nguyễn Tiến Nam

Tôi bị lực lượng an ninh trấn áp và họ bóp cổ tôi. Họ không dám nhận họ là công an mà họ nói họ là một người bất bình, họ bóp cổ tôi, và tôi có ảnh này. Tôi đã gửi ảnh lên một số trang mạng rồi. Ngón tay cái họ dí vào yết hầu tôi, tôi không thở được. Họ trấn áp tôi và nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa.

Trà Mi: Sau đó họ giải anh về đâu và diễn tiến sau đó như thế nào, anh?

Sinh viên Nguyễn Tiến Nam: Họ đưa tôi về văn phòng Ban Quản Lý Chợ Đồng Xuân. Có 8 người bị đưa về đây, đó là nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà giáo Vũ Hùng ở Hà Tây, tôi, chú Vi Đức Hồi ở Lạng Sơn, chị Lê Thị Kim Thu, hai sinh viên nữa là sinh viên Ngô Quỳnh và Nguyễn Văn Nhất ở Bắc Giang, và một em học sinh tên là Sơn ở Hải Phòng.

Đầu tiên là công an tên là Minh làm ở A38 của Bộ Công An đã đánh tôi rất dã man. Trên đường dẫn tôi vào khu vực đấy nó đã nắm tóc tôi để lôi vào Ban Quản Lý chợ, và trong khi vào trong đấy nó đã đánh tôi rất dã man, thậm chí đấm liên tục vào ức tôi, thì nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đã lên tiếng phản đối thì hắn bỏ tôi ở trong đấy và hắn ra ngoài đánh nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa. Hắn đánh đập rất dã man và nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa bị sưng ở một bên mặt.

Hanoi_police_arrest_protestors_200.jpg
Lực lượng công an, an ninh Hà Nội chận bắt những người tham gia biểu tình chống Trung Quốc nhân dịp đuốc Olympic Bắc Kinh rước qua Việt Nam. Photo courtesy of trangdenonline.
Và sau khi nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa bị đánh dã man như thế thì nhà giáo Vũ Hùng quay ra lên tiếng phản đối, bảo rằng "Anh ấy già rồi sao các anh nỡ thế. Anh Nghĩa đáng tuổi chú, tuổi anh các anh mà các anh làm những trò như thế à?".

Thế là hắn quay trở lại đánh tiếp nhà giáo Vũ Hùng. Và những tên công an ở quanh đấy giả vờ can kiểu rất bố láo, đó là miệng thì can nhưng lại giữ tay giữ chân chúng tôi không cho phản ứng để cho tên Minh đánh tôi là một, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa là hai, nhà giáo Vũ Hùng là ba, khi chúng tôi lên tiếng phản đối không được đánh chúng tôi. Và sau đó họ đưa chúng tôi lên xe ô tô áp tải về Công An Phường Đồng Xuân để làm việc với các công an thuộc Bộ Công An Việt Nam.

Trà Mi: Thưa, buổi làm việc đó kéo dài trong bao lâu và anh đã bị giữ thời gian bao lâu trước khi anh được thả về ạ?

Sinh viên Nguyễn Tiến Nam: Tôi bị giứ từ 9 giờ 10 phút buổi sáng ngày 29 tháng 4 và đến 11 giờ đêm (23 giờ ở Việt Nam) sau khi bị họ thẩm vấn rất gắt gao và họ dùng những lời lẽ chửi bới vô văn hoá, lăng mạ, lăng nhục chúng tôi, thì đến 11 giờ chúng đưa chúng tôi đi ra xe ô tô của công an các tỉnh.

Tôi thì bị công an tỉnh Yên Báy đưa về tỉnh Yên Báy. Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa thì về Hải Phòng. Anh Vũ Hùng về Hà Tây. Mọi người nữa thì mỗi người về một tỉnh.

Nêu gương người TQ để đe dọa thanh niên VN

Trà Mi: Trong suôt mười mấy tiếng giam giữ anh như vậy thì những nội dung làm việc như thế nào. Họ đặt ra những vấn đề gì?

Sinh viên Nguyễn Tiến Nam: Họ bắt chúng tôi khai là ai đứng ra tổ chức cuộc biểu tình. Ai là người cầm đầu. Ai giúp đỡ chúng tôi tài chính. Chúng tôi có trả lời họ là không ai cầm đầu chúng tôi. Chúng tôi đi tự nguyện theo tư cách cá nhân. Tôi cảm thấy bức xúc với nhà cầm quyền Bắc Kinh và do lòng yêu nước của chúng tôi.

Họ đe doạ chúng tôi. Họ bảo là "Chúng mày mà viết không thành thật thì chúng tao sẽ có biện pháp mạnh với chúng mày. Chúng mày thấy người Trung Quốc đánh tội phạm như thế nào chưa?"
Sinh viên Nguyễn Tiến Nam

Và sau đó họ bắt chúng tôi phải khai ra này nọ và nhận một số vấn đề mà chúng tôi không làm. Họ đe doạ chúng tôi. Họ bảo là "Chúng mày mà viết không thành thật thì chúng tao sẽ có biện pháp mạnh với chúng mày. Chúng mày thấy người Trung Quốc đánh tội phạm như thế nào chưa?"

Đấy, họ bảo có thấy người Trung Quốc đánh tội phạm như thế nào chưa thì chắc là họ đã nghĩ đến những vụ đàn áp của bọn bành trướng Bắc Kinh đã đàn áp các nhà dân chủ bên đấy rất dã man mà chúng sẽ áp dụng với chúng tôi. Tôi chưa biết là biện pháp như thế nào.

Trà Mi: Và khi mà họ quyết định trả anh về nhà thì họ có đưa ra những yêu cầu, những điều kiện như thế nào không, thưa anh?

Sinh viên Nguyễn Tiến Nam: Có ạ. Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa hiện tại bây giờ đang bị công an thành phố Hải Phòng thẩm vấn rất gắt gao. Chú Vi Đức Hồi, nhà giáo Vũ Hùng và tất cả anh em, còn riêng tôi hôm qua thì tôi bị đánh vào ức, tôi nôn oẹ rất nhiều, nôn hết thức ăn ra.

Đến buổi chiều tối tôi nôn ra một chút máu bầm. Tôi đau và tôi không thể tiếp tục, về Yên Báy tôi không thể tiếp tục trả lời thẩm vấn của chúng nó được. Tôi bảo có công an tỉnh và thành phố bây giờ thì tôi cũng không thể nào trả lời được nữa. Bây giờ tôi rất mệt và đau. Thế là chúng sợ tôi có vấn đề gì nên chúng trả tôi về gia đình và hẹn ngày mai ngày kia sẽ đưa tôi ra công an tỉnh Yên Báy để làm việc.

Trà Mi: Tức là anh sẽ còn tiếp tục làm việc với công an ở khu vực Yên Báy?

Sinh viên Nguyễn Tiến Nam : Vâng. Vâng. Tôi đã có lời cảnh báo là sẽ phải làm việc, tiếp tục làm việc.

Lòng yêu nước của người VN bị sỉ nhục

Trà Mi: Thưa anh, trong hoàn cảnh ở Việt Nam cái biểu tình chưa được chấp nhận, như vậy anh cũng biết rất là khó khăn, mà tại sao anh vẫn quyết tâm là phải đi ra biểu tình để biểu lộ thái độ của mình?

Sinh viên Nguyễn Tiến Nam: Bố tôi cũng là một người thương binh kháng chiến đánh với Trung Quốc năm 1979 và đã mất 81% sức khoẻ với Trung Quốc trong trận chiến năm 1979. Và vấn đề nữa là vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa mà chúng dám tuyên bố với công luận thế giới là Hoàng Sa và Trường Sa là của chúng.

Chúng sỉ nhục lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam. Chúng ngang nhiên bắn giết ngư dân Việt Nam vào năm 2005. Và hôm qua tôi cũng có dịp tiếp xúc và nói chuyện với các đồng bào người Thanh Hoá. Tôi rất xúc động và đã khóc vì thảm cảnh người thì mẹ mất con, anh mất em, vợ mất chồng, con mất cha và phải lây lất sống qua ngày.

Trà Mi: Tức là xuất phát từ cái sự căm phẫn trước hành động lấn lướt của Trung Quốc mà anh quyết tâm là phải có những hành động cụ thể để biểu lộ thái độ của mình, bất chấp những sự nguy hiểm?

Sinh viên Nguyễn Tiến Nam: Vâng. Vâng. Trước khi tôi tham gia cuộc biểu tình này thì tôi đã xác định sẵn là dù tôi có bị bắt hay bị đàn áp, bị đánh đập dã man đến mức độ nào, cho dù có phải đổ máu thì chúng tôi vẫn quyết tâm biểu tình, lên tiếng tố cáo nhà cầm quyền bác Kinh - Trung Quốc về sự bành trướng của họ.

Trà Mi: Có những người nói là có nhiều cách để biểu lộ cái thái độ của mình, không nhất thiết phải biểu tình -là cái việc mà Việt Nam không mấy hoan nghinh đó- thì vì sao anh không thể hiện thái độ của mình bằng những hành động khác mà lại đi biểu tình?

Sinh viên Nguyễn Tiến Nam : Hiện tại ở Việt Nam họ dùng những biện pháp rất xấu xa, đó là dùng bức tường lửa để che chắn các luồng thông tin từ nước ngoài về trong vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa và vấn đề ngư dân Việt Nam bị bắn chết. Chúng tôi cũng đã từng dùng thư ngỏ lên tiếng trước công luận quốc tế và các thứ, nhưng mà người dân không thể được biết về những vấn đề đó.

Người dân không được tiếp xúc với các luồng thông tin mà 600 tờ báo Việt Nam thì không một tờ báo nào dám nói lên vấn đề đó nên chúng tôi phải lên tiếng để cho nhân dân biết và nhân dân hiểu ra được là quân bành trướng Bắc Kinh đã làm gì đất và đảo của chúng ta.

Hiện tại tôi phải đi mượn máy điện thoại để trả lời quý vị đó, chứ tôi không còn phương tiện gì để liên lạc đâu ạ, để mọi người ở quốc tế lên tiếng dùm chúng tôi. Tôi chưa biết ngày mai đi thẫm vấn thì còn sẽ thế nào, nhưng hiện tại họ sử dụng những biện pháp xấu xa để đàn áp anh em dân chủ chúng tôi. Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đang bị thẩm vấn gắt gao và họ đã bắt thêm 2 người nữa ở Hải Phòng rồi đó.

Trà Mi: Hai người đó là ai, anh có được biết không ạ?

Sinh viên Nguyễn Tiến Nam : Một là chị Phương và một người con trai tên là Hưng nữa ở Hải Phòng. Hai người đây ở Hải Phòng lên Hà Nội để định tham gia biểu tình nhưng họ chưa tham gia, nhưng công an thành phố Hải Phòng đã xuống tận nhà hai người này và mời hai người này lên để thẩm vấn ở trên công an thành phố Hải Phòng.

Trà Mi: Cảm ơn anh Nguyễn Tiến Nam rất nhiều đã dành thời gian cho cuộc nói chuyện hôm nay.


Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.