Hạt lúa mà biết nói năng ...

Kế hoạch mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ đông xuân đồng bằng sông Cửu Long khởi sự vào ngày 15/3.
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2012.03.19
nong-dan-1-305.jpg Cánh đồng lúa đang vụ Hè Thu, ảnh minh họa
RFA photo

Tuy nhiên, các thành viên Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) sẽ chỉ mua những loại gạo mà họ có thể xuất khẩu. Câu hỏi đầy bức xúc được đặt ra là ai sẽ tiêu thụ hàng triệu tấn lúa hạt tròn 50404 của nông dân.

Không phải gạo nào cũng trữ

Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi tối 13/3, TS Lê Văn Bảnh, viện trưởng Viện lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long nhận định là, chính phủ hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay và giao Hiệp hội Lương thực VFA mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo theo cơ chế thị trường, nhưng lại không ràng buộc là phải mua những loại gạo nào. Tất nhiên, doanh nghiệp sẽ mua trữ những loại gạo dễ tiêu thụ và cho đến nay chưa có hướng ra cho khoảng hơn 3 triệu tấn lúa 50404 vụ đông xuân đã và đang được nông dân các tỉnh miền tây thu hoạch.

TS Lê Văn Bảnh nói rằng, thay vì theo khuyến cáo chỉ nên làm 15%-20% diện tích lúa chất lượng thấp, nhưng người nông dân vì nhiều lý do khác nhau đã gia tăng trồng lúa 50404 tới khoảng 30% diện tích, tương đương 500.000 ha trên tổng diện tích 1.560.000 ha toàn vụ đông xuân đồng bằng sông Cửu Long. Tuy vậy, TS Lê Văn Bảnh nhận định là đổ hết lỗi cho nông dân về việc lúa ế là không công bằng. Ông nói:

"Có vấn đề mà ai cũng phải công nhận, hiện nay lúa chất lượng cao còn chưa tiêu thụ hết thì làm sao tới lượt gạo chất lượng thấp được. Vụ đông xuân này hơn 10 triệu tấn lúa, lúa hàng hóa 6-7 triệu tấn tương đương 3-4 triệu tấn gạo như vậy lúa gạo chất lượng cao còn rất nhiều, gạo chất lượng thấp ứ đọng khó bán là chuyện đương nhiên không thể đổ lỗi cho người nông dân được.”

Nông dân đồng bằng sông Cửu Long, những người canh tác lúa thơm, lúa chất lượng cao xác nhận những điều TS Lê Văn Bảnh nói. Họ cho biết ngay cả lúa thơm cũng mất giá và vì thế họ phải trữ lại chờ giá. Tuy nhiên chỉ những người làm diện tích vài héc-ta trở lên và có khả năng tài chánh thì mới trữ lúa được.

Có vấn đề mà ai cũng phải công nhận, hiện nay lúa chất lượng cao còn chưa tiêu thụ hết thì làm sao tới lượt gạo chất lượng thấp được.

TS Lê Văn Bảnh

“Làm giống jasmine 85 do An Giang lai tạo, lúa lúc này đứng không chịu lên…thôi mình quyết định để lại cũng khoảng 20-21 tấn…giá đang khoảng 7.000đ/kg, mình tính cỡ hơn 9.000đ/kg mới bán được, tính để lại đến tháng 8 tháng 9 lúc đó lúa cũng hút, không được thì để đến cuối năm luôn. Một phần tôi sấy nhưng đem về tới kho thấy chi phí hơi cao, phần còn lại tôi phơi…mình dựa theo kinh nghiệm chứ không đo độ ẩm, nếu vựa lại lâu phải phơi độ khô như lúa giống.”

Tại sao nông dân đồng bằng sông Cửu Long luôn canh tác vượt qui hoạch loại giống 50404, trong khi năm nào ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo cần giới hạn. TS Lê Văn Bảnh nhận định:

“Hiện nay do áp lực về sâu bệnh rất là nhiều, cho nên bà con làm mọi cách để sao cho thời gian cây lúa đứng trên đồng càng ít càng tốt. Những giống khác thường từ 90 tới hơn 100 ngày trong khi giống 50404 chỉ 85 tới 90 ngày do vậy bà con thích giống này.

Thời gian vừa qua Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long đưa ra một số giống lúa cũng sinh trưởng tương tự như giống lúa 50404, nhưng chất lượng tốt hơn và năng suất không thua kém gì. Nhưng vì nó còn mới, hơn nữa do vụ thu đông năm trước bà con thấy giá bán chênh lệch giữa 50404 và lúa chất lượng cao không nhiều chỉ một vài trăm đồng, nên bà con nông dân vẫn cứ thích làm giống đó và nó mới đột phá như vậy.”

Giúp nông dân cách nào?

nong-dan-3-250.jpg
Nông dân sớm gieo sạ lúa. RFA photo
Nông dân sớm gieo sạ lúa. RFA photo
Quả thật đa số hộ nông dân làm diện tích nhỏ dưới 1 ha thì muốn thời gian làm một vụ lúa càng nhanh càng tốt. Hơn nữa nước lũ năm 2011 rút chậm đe dọa xuống giống trễ vụ nên nhiều bà con còn dùng luôn lúa thịt 50404, tức lúa thu hoạch còn để lại để xuống giống cho kịp thời vụ. Một nông dân Cần Thơ phát biểu:

“Làm giống 50404 vì nó trúng và dễ làm, phân thuốc dễ chứ lúa thơm sâu bò dữ lắm. Địa phương cũng khuyến cáo làm giống lúa thơm cho dễ xuất khẩu tuy tôi không làm nhưng cũng có một số người sạ giống lúa thơm.”

Trở lại kế hoạch mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ đông xuân đồng bằng sông Cửu Long, Hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA cho biết khoảng 80-90 doanh nghiệp sẽ tham gia chương trình với lãi suất vay vốn 0%  do Nhà nước hỗ trợ và có thể trữ gạo kéo dài 3 tháng. Trước nhiều ý kiến về hiệu quả mua tạm trữ, VFA loan báo thời gian thực hiện tạm trữ sẽ nhanh hơn, có thể trong vòng 15 ngày kể từ 15/3. Năm nay cũng là lần đầu tiên đồng vốn ưu đãi của chính phủ giao cho VFA sẽ được các cơ quan chuyên môn của Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn giám sát, thông qua hóa đơn nhập kho và hợp đồng tín dụng với ngân hàng. Ngoài ra doanh nghiệp cũng phải bảo đảm đầu ra như xuất khẩu và kinh doanh nội địa.

Nông dân đồng bằng sông Cửu Long từng trải nghiệm nhiều năm VFA mua tạm trữ bức xúc phát biểu:

“Nói mua tạm trữ, thực chất chẳng ích lợi gì cho nông dân. Chính phủ bỏ tiền hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp mua gạo tạm trữ, nhưng thực tế khi thu hoạch rộ lượng lúa rất nhiều thì không có thương lái ghe mua nào lại dại mà trả giá cao.

Nếu muốn giúp đỡ nông dân, tại sao chính phủ không bỏ tiền ra để doanh nghiệp mua giá cao cho nông dân thay vì 5.000đ/kg mua 6.000đ hay 7.000đ/kg cách làm như bên Thái Lan họ trực tiếp hỗ trợ nông dân, còn Chính phủ cho doanh nghiệp vay vốn không lãi suất hoặc lãi suất thấp thì họ vẫn cứ ép giá người nông dân như thường, đằng nào nông dân cũng chết…”   

Chính phủ bỏ tiền hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp mua gạo tạm trữ, nhưng thực tế khi thu hoạch rộ lượng lúa rất nhiều thì không có thương lái ghe mua nào lại dại mà trả giá cao.

Nông dân ĐBSCL

Ngay từ quí IV năm 2011, VFA và ngành lúa gạo đã biết trước xuất khẩu gạo 2012 đầy khó khăn vì bị gạo giá rẻ của Ấn Độ, Pakistan, Miến Điện cạnh tranh. Tuy vậy người ta không thấy VFA và các cơ quan chuyên trách của chính phủ đề ra giải pháp nào cụ thể để đối phó. Trong các hội nghị gần đây cả VFA lẫn Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT vẫn dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam 2012 là từ 6,5 triệu tới 7 triệu tấn. Đây là chỉ tiêu bình thường và nó không thể hiện tình trạng thị trường ứ đọng rớt giá, cũng như việc chính phủ phải hỗ trợ lãi suất 0% trong vòng ba tháng để VFA mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo.

Nếu ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục trồng trọt nói với báo chí là loại gạo tạm trữ sẽ là loại mà doanh nghiệp có khả năng tiêu thụ hiệu quả nhất, thì điều này có nghĩa hơn ba triệu tấn lúa hạt tròn 50404 chưa có lối thoát, dù bao nhiêu năm qua giống lúa 50404 đã được trồng để sản xuất ra loại gạo 25% tấm, một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.


Video: Việt Nam Tuần Qua 17-03-2012

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
14/10/2012 09:29

HAT LUA MA BIET NOI NANG......THI DANG CONG SAN HAM RANG CHANG CON