Những bất cập của trường ngoài công lập tại Việt Nam

Với chủ trương xã hội hóa giáo dục, trong khoảng hơn 10 năm qua, tại Việt Nam đã xuất hiện nhiều trường đại học và cao đẳng ngoài công lập.
Việt Hà, phóng viên RFA
2010.08.20
ĐH dân lập Đông Đô, Hà Nội. ĐH dân lập Đông Đô, Hà Nội.
Photo courtesy of doanhnhansg.vn

Những trường này phần nào đã đáp ứng được nhu cầu được học lên cao của thanh niên Việt Nam vốn được coi là nguồn nhân lực cần thiết cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thời gian qua cũng cho thấy nhiều điểm bất cập trong việc thành lập và hoạt động của các trường đại học và cao đẳng ngoài công lập tại Việt Nam.

Thiếu học sinh?

Chỉ 3 ngày sau khi Bộ giáo dục và đào tạo công bố điểm sàn tuyển sinh vào các trường đại học và cao đẳng năm nay, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam đã có công văn gửi bộ trưởng bộ Giáo dục đề nghị bỏ điểm sàn và một số các khuyến nghị khác về cải cách hành chính để tạo điều kiện hoạt động thuận lợi cho các trường ngoài công lập. Đây không phải là lần đầu tiên hiệp hội có ý kiến về vấn đề này cho thấy những bất cập và khó khăn trong quản lý hoạt động của các trường đại học và cao đẳng ngoài công lập tại Việt Nam.

Trường chuẩn bị cho 500 học sinh mà chỉ tuyển được có 200 học sinh thôi thì làm thế nào mà dạy, mà đủ cung cấp trang trải tất cả.

Ô. Võ Thế Lực

Theo ông Võ Thế Lực, tổng thư ký hiệp hội các trường đại học và cao đẳng, mặc dù góp ý về điểm sàn từ hiệp hội cũng như các chuyên gia giáo dục đã có từ lâu, nhưng Bộ giáo dục Việt Nam vẫn chưa có quyết định thay đổi đối với chính sách này. Năm nay, hiệp hội lại tiếp tục yêu cầu cùng một vấn đề do lo ngại các trường ngoài công lập sẽ không có đủ học sinh nếu phải tuân thủ đúng điểm sàn.

Võ Thế Lực: Bộ vừa rồi khi tính điểm sàn thì các ông tính cái số học sinh cần lấy là bao nhiêu đấy, rồi số học sinh đạt điểm gì đấy được trừ hệ số gì đấy, để cho nó đề phòng. Nhưng việc này chắc chắn là không trừ hết, vì những học sinh trên điểm sàn sẽ không vào trường tư thục, bởi vì thứ nhất các trường tư thục chủ yếu là ở miền Nam, học sinh phía bắc vào được tư thục thì không vào được vì cha mẹ không có tiền để chuyển vào miền Nam học. Cái thứ hai nữa là một số trường đại học trước đây bộ cho tuyển sinh hệ B, tức là hệ phải trả tiền là hai. Hai cái số này chắc chắn bộ không dự trù là bao nhiêu cả, cho nên cái số mà đạt điểm sàn đó vẫn chưa đủ cho nên có khả năng là một số trường sẽ không tuyển đủ học sinh.

Giảng đường ĐH Nguyễn Trãi trên tầng 10 của tòa nhà Ngân Hàng Agribank chi nhánh Bắc Hà Nội. Photo courtesy of DanTri.
Giảng đường ĐH Nguyễn Trãi trên tầng 10 của tòa nhà Ngân Hàng Agribank chi nhánh Bắc Hà Nội. Photo courtesy of DanTri.
Theo ông Võ Thế Lực thì cũng chính bởi quy chế điểm sàn đã gây ra một thực tế là những học sinh giỏi thì vào trường công, còn các học sinh đạt điểm sàn, tức học lực trung bình hoặc yếu hơn, mới vào trường tư. Và mặc dù vậy, năm nào cũng vậy đa số các trường ngoài công lập tại Việt Nam cũng gặp khó khăn về tuyển sinh. Năm ngoái đã có trường thiếu đến 50% sinh viên.

Chính quy chế điểm sàn này của bộ giáo dục khiến các trường gặp khó khăn về tài chính. Ông Lực giải thích thêm:

Võ Thế Lực: Tài chính các trường là do học sinh đóng góp mà học sinh đóng góp thì họ mới sống được. Toàn bộ chi phí các trường đều do học sinh đóng chứ không có nguồn thu nào khác. Trường chuẩn bị cho 500 học sinh mà chỉ tuyển được có 200 học sinh thôi thì làm thế nào mà dạy, mà đủ cung cấp trang trải tất cả. Ví dụ họ có cho 2.000 học sinh mà chỉ tuyển có 500 thì khủng hoảng và thô lỗ ngay.

Phá rào

Cũng chính bởi quy định này mà đã có trường phá rào, thực hiện tự tuyển sinh và bị coi là vi phạm luật. Đó chính là trường hợp của trường đại học tư thục Phan Châu Trinh ở Quảng Nam.

Nhưng vấn đề điểm sàn chỉ là một phần nhỏ trong rất nhiều vấn đề khác đang trói buộc sự phát triển của các trường đại học cao đẳng ngoài công lập. Nhà văn Nguyên Ngọc, chủ tịch hội đông quản trị trường đại học Phan Châu Trinh bức xúc khi nói về quy định thành lập trường như sau:

Các nhà khoa học có tâm huyết mà không có tiền đóng đủ tiền theo yêu cầu của những trường nào đó thì người ta không thể tham gia vào việc thành lập trường. Cái đó là cái rất sai.

Nhà văn Nguyên Ngọc

Nguyên Ngọc: Tôi nói ví dụ có quy định thế này người sáng lập trường đại học phải là người bỏ tiền vốn với một cái vốn mà trong điều lệ ghi là tương ứng với yêu cầu của trường đó. Vì vậy cho nên những nhà khoa học, văn hóa hay giáo dục người ta có thể phối hợp với các doanh nghiệp có lực có tâm huyết thì lẽ ra có thể cùng thế mà làm. Nhưng nếu các nhà khoa học, văn hóa người ta có tâm huyết mà không có tiền đóng đủ tiền theo yêu cầu của những trường nào đó thì người ta không thể tham gia vào việc thành lập các trường đại học. Cái đó là cái rất sai.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng chủ trương xã hội hóa giáo dục của Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu được học của người dân là hợp lý. Tuy nhiên, lại có những lo ngại cho rằng quy định của nhà nước liên quan đến hội đồng quản trị của các trường có thể đưa đến tình trạng buôn bán giáo dục theo như lời của nhà văn Nguyên Ngọc.

Nguyên Ngọc: Trường đại học tư thì theo quy định của nhà nước có hội đồng quản trị. Hội đồng quản trị phải là những người đóng tiền và người nào đóng nhiều nhất thì người đó sẽ chi phối đại học đó. Vì vậy cho nên chính cái chủ trương mà nó thể hiện trong điều lệ của chính phủ ban hành khuyến khích việc kinh doanh đại học tư để làm giàu. Thậm chí người ta coi là làm được trường như thế thì siêu lợi nhuận. Cái đó nó gây trở ngại rất lớn cho các trường tư và làm cho các trường đi theo hướng buôn bán giáo dục.

Sinh viên đang đóng học phí tại Trường đại học Hồng Bàng. Photo courtesy of vietnamcentrepoint.edu.vn
Sinh viên đang đóng học phí tại Trường đại học Hồng Bàng. Photo courtesy of vietnamcentrepoint.edu.vn
Những khó khăn mà các trường ngoài công lập đang phải đương đầu không chỉ dừng ở đây. Theo nhà văn Nguyên Ngọc, những quy định về chương trình khung mà Bộ bắt buộc các trường phải theo cũng khiến các trường gây khó khăn không chỉ cho các trường mà cho cả các sinh viên. Đó là các môn học về chính trị chưa được cải tiến và môn giáo dục quốc phòng vốn chiếm quá nhiều thời gian học của sinh viên.

Bên cạnh đó là vấn đề về quỹ đất cho các trường ngoài công lập. Mặc dù nhà nước có chủ trương sẽ tăng dần các trường ngoài công lập với mục tiêu 40% số sinh viên thuộc về các trường ngoài công lập vào năm 2020, nhưng với những khó khăn về cơ sở vật chất như hiện nay, rất khó để có thể đạt được mục tiêu đề ra.Ông Võ Thế Lực cho biết:

Võ Thế Lực: Ngay các trường hiện nay có trường không có đất để làm nhà. Vì ví dụ các trường ở nông thôn xa thì đất rộng nhưng không thể để xây trường được, còn ở các thành phố thì chật hẹp do đó các trường ngoài công lập đang gặp khó khăn rất nhiều về diện tích, đất đai xây dựng.

Đó là chưa kể đến những thiếu sót trong các quy định về pháp luật của Việt Nam liên quan đến việc thành lập trường đại học ngoài công lập gây ra nhiều tranh cãi trên báo chí và diễn đàn gần đây, với những chỉ trích cho rằng Việt Nam đã quá dễ dãi trong thời gian vừa qua trong vấn đề thành lập trường ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy đại học.

Mới đây, Quốc hội Việt Nam đã thông qua nghị quyết về việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học. Ông Võ Thế Lực, đại diện hiệp hội các trường ngoài công lập cho rằng ít nhất đó cũng là một bước tiến tích cực để có thể hy vọng vào một giai đoạn phát triển mới mạnh mẽ của giáo dục đại học Việt Nam, nhất là đối với các trường ngoài công lập.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.