ADB cho VN vay 190 triệu đô la

ADB vừa chấp thuận cho Việt Nam vay 190 triệu đô la để xây dựng trường đại học khoa học và công nghệ tại Hà Nội, với tiêu chuẩn đào tạo cao hầu đáp ứng công tác cải cách và phát triển trình độ kỹ thuật chuyên môn.
Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
2011.05.04
000_Hkg4858050-305.jpg Toàn cảnh Hội nghị thường niên lần thứ 44 của ADB khai mạc vào ngày 3 tháng 5 năm 2011 tại Hà Nội
AFP photo

Ngân khoản mà Việt Nam vay của ADB được kết hợp từ hai nguồn vốn, 170 triệu đô la trích từ nguồn vốn thông thường và 20 triệu đô la từ quỹ phát triển Châu Á, mức lãi suất là trên 2% và thời hạn hoàn trả tối đa là 32 năm.

Chánh phủ Pháp sẽ hỗ trợ cho chương trình phát triển đại học khoa học công nghệ Hà Nội thêm một ngân khoản trị giá 100 triệu Euro, trong vòng 10 năm, chánh phủ Việt Nam góp thêm 23 triệu đô la.

Xây trường là cần thiết

Nhân hội nghị thường niên lần thứ 44 của ADB đang diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia cao cấp về giáo dục nhận định rằng, trình độ khoa học, kỹ thuật sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Mô hình đại học bậc cao được thiết kế nhờ số tiền tài trợ của ADB sẽ tạo điều kiện đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và việc giảng dạy về khoa học sẽ  hiệu quả hơn trong ngành công nghiệp nước nhà.

Theo dự kiến trường đại học khoa học, công nghệ bậc cao đầu tiên của Việt Nam sẽ tiếp nhận và đào tạo trên năm ngàn sinh viên, song song với việc tổ chức chương trình nâng cao kiến thức và năng lực cho các cán bộ cấp cao. Thí điểm này sẽ được ứng dụng cho các đại học khác trên toàn quốc, trong tương lai.

Được biết, đại học khoa học, công nghệ Hà Nội được thành lập theo quyết định của chánh phủ vào cuối năm 2009,  đặt trực thuộc Bộ Giáo dục, Đào tạo, có  trụ sở tại khu công nghệ Hòa Lạc, Hà Nội trên một diện tích 65 hecta. Trường được thiết lập và phát triển với sự hợp tác của Pháp và dự kiến mở cửa vào tháng 9 năm 2015.

Góp ý với RFA về kế hoạch xây dựng mô hình đại học bậc cao ở Hà Nội hầu cải cách công nghệ và phát triển kỹ thuật, giáo sư Hồ Ngọc Đại, Viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục trình bày suy nghĩ của ông:

Bây giờ phải tổ chức lại đại học là đúng, nhưng mà tổ chức lại một trường hay tất cả các trường, đấy là chuyện khác.

GS Hồ Ngọc Đại

“Họ làm về giáo dục, cứ làm đi đã, số tiền dùng như thế nào, làm cái gì, sao cho hợp lý, đó là chuyện cần phải suy nghĩ, chứ đó là việc tôi thấy là nên làm. Cái mô hình đại học như thế là cần thiết vì hiện nay đại học phải đảm bảo về việc hành nghề trong tương lai, nghiên cứu hiện tại, những chuyện ấy là đi liền với sản xuất, với đời sống, cái chiều hướng ấy là đúng.

Bây giờ phải tổ chức lại đại học là đúng, nhưng mà tổ chức lại một trường hay tất cả các trường, đấy là chuyện khác. Đại học là phải có truyền thống, cần phải có cơ sở vững chắc, chứ không phải xem đó là một cây trồng được, cần có nền tảng vững chắc, nên có khả năng làm một trường hoàn toàn mới, để làm thực nghiệm cho công tác này, ai làm, làm thế nào, tôi chưa biết nhưng về đường lối, về tư tưởng thì nên có một trường mẫu mực như thế.”

Tăng trưởng nhanh - lạm phát cao

Mặt khác qua các phiên họp của hội đồng thống đốc ngân hàng thuộc ADB thì Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực Châu Á, trong hai thập niên qua, với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trung bình trên 7%.

000_Hkg4858047-200.jpg
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng Phúc phát biểu tại Hội nghị thường niên lần thứ 44 của ADB tại Hà Nội hôm 03/05/2011. AFP
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng Phúc phát biểu tại Hội nghị thường niên lần thứ 44 của ADB tại Hà Nội hôm 03/05/2011. AFP
Từ năm 1990 đến 2010, tỷ lệ xóa đói giảm nghèo cũng thu hoạch được nhiều thành quả đáng kể. Hiện giờ, Việt Nam là một quốc gia có mức thu nhập trung bình và đang cố phấn đấu để trở thành một quốc gia công nghiệp vào năm 2020.

Những thành tích mà Việt Nam đạt được trong vòng hai mươi năm qua trong các lãnh vực kinh tế, xã hội có xứng đáng với nhận định của ADB hay không, giáo sư Ngô Trí Long, một cựu quan chức tài chánh cao cấp của Việt Nam, nay là chuyên gia kinh tế độc lập nhận định:

“Nói chung trong hai thập kỷ qua, phải nói là tốc độ tăng trưởng của Việt Nam, so với các nước trong khu vực Châu Á cũng như trên thế giới được xem là cao, nhưng bên cạnh đó cũng có những mặt phải cần lưu ý. Nói chung tăng trưởng cao là do vốn đầu tư vào lớn, chứ chưa tính đến hiệu quả của nó, đó còn là vấn đề đang còn cần phải bàn.

Hiện nay so với hậu quả của đầu tư, thì còn rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới, dẫn đến rất nhiều hệ lụy, ví dụ như làm cho lạm phát gia tăng, hay làm cho thâm hụt ngân sách, tương đối lớn, gây ra những cái bất ổn của nền kinh tế hiện nay, mà Việt Nam đang phải hoàn thiện và cải thiện nữa, trong thực chất thì nhà nước cũng đã nhận thấy vấn đề này rồi.

Nói chung trong hai thập kỷ qua, phải nói là tốc độ tăng trưởng của Việt Nam, so với các nước trong khu vực Châu Á cũng như trên thế giới được xem là cao, nhưng bên cạnh đó cũng có những mặt phải cần lưu ý.

GS Ngô Trí Long

Nói chung thì ngoài những thành quả kinh tế nổi bật, tỷ lệ xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam cũng giảm rất nhanh, nhưng Việt Nam cũng cần phải lưu ý là so với các nước trong khu vực thì lạm phát rất cao, nếu không kiềm chế được lạm phát thì chỉ tiêu xóa đói giảm nghèo lại mất dần ý nghĩa, đấy là vấn đề hết sức quan trọng hiện nay.”

Mặc dù Hà Nội giảm được tỷ lệ đói nghèo, tuy nhiên theo các chuyên gia quốc tế thì hiện giờ vẫn còn có hàng triệu người Việt chỉ sinh hoạt với số tiền tương đương với một đô la, mỗi ngày, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, bên cạnh đó cũng còn có hàng triệu người khác chưa tiếp cận được với những tiện nghi và dịch vụ tối thiểu trong cuộc sống, như được cung cấp nước sạch, được sử dụng điện mà không bị cúp thường xuyên và liên tục.

Trong hoàn cảnh như vậy thì việc xử dụng đồng tiền vay từ ADB để bỏ vào những dự án to lớn là một vấn đề cần phải chú ý. Chú ý vì lâu nay rất nhiều dự án đầu voi đuôi chuột đang là vần đề mà dư luận quan tâm theo dõi nhưng vẫn chưa có câu trả lời hợp lý.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.