Căng thẳng Biển Đông gây bất đồng nội bộ ASEAN?

RFA-09-05-2014
Miến Điện chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh ASEAN thứ 24 vào ngày 10 tháng 5, 2014 Miến Điện chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh ASEAN thứ 24 vào ngày 10 tháng 5, 2014
AFP

Tình hình căng thẳng hiện giờ ở biển Đông đe dọa gây chia rẽ giữa các nước ASEAN tại hội nghị thượng đỉnh ở Miến Điện vào cuối tuần này, tạo nên thách thức đáng kể cho nước chủ nhà trong việc ứng phó với mối quan ngại trong khu vực ngày càng tăng trước hành động của TQ.

Sự bất đồng trong khối ASEAN hiện đã lộ diện khi các nhà ngọai giao Philippines lưu ý rằng một số nước thành viên ASEAN chống lại mọi công bố riêng về căng thẳng Việt-Trung mới nhất ở biển Đông, hoặc không đồng ý đề cập tới vấn đề này trong bản công bố chung.

VN cho biết sẽ cương quyết yêu cầu phải có cuộc thảo luận về cuộc tranh chấp này với phía TQ.

Phát ngôn viên Bộ Ngọai giao VN Lê Hải Bình nói rằng việc TQ đặt giàn khoan dầu ở lãnh hải VN là hành động nguy hiểm, nhạy cảm và đe dọa đến hòa bình, ổn định, an ninh và an tòan hàng hải ở Biển Đông.

Vẫn theo phát ngôn nhân này, những hội nghị thượng đỉnh ASEAN trước đó luôn thảo luận về vấn đề Biển Đông. Do đó, VN cũng phải đoan chắc rằng vấn đề sẽ được thảo luận tại thượng đỉnh ở Miến Điện.

Chuyên gia về an ninh Ian Storey tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nói rằng thượng định sắp diễn ra ở thủ đô Naypyidaw của Miến sẽ là một hình thức thử thách nữa về sự đoàn kết của ASEAN.

Theo chuyên gia này thì những nước như VN, Philippines, Singapore và Indonesia muốn bản công bố chung của thượng đỉnh ASEAN có đề cập tới diễn biến mới nhất về giàn khoan TQ trong vùng đặc quyền kinh tế VN, trong khi những thành viên còn lại của ASEAN thận trọng hơn, xem đó chỉ là vấn đề song phương giữa VN và TQ.

Một viên chức VN ẩn danh nói rằng thượng đỉnh ASEAN tại Miến Điện lần này khó có thể gặp thất bại như tại Campuchia hồi năm 2012 vì nước chủ nhà Miến Điện đã tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng kinh tế, chính trị của TQ trong những năm gần đây.

Học giả Miến Điện về chính trị, Maung Zarni, nhận xét rằng Miến Điện, dù độc lập hơn Campuchia, có thể tránh làm phật lòng Bắc Kinh bằng cách thúc giục sớm có tiến bộ trong việc đúc kết quy tắc hành xử ở Biển Đông.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.