Kampuchia và Australia ký kết thỏa thuận về quy chế nhập cư

RFA-26-03-2015

Kampuchia và Australia vào ngày hôm qua ký kết thỏa thuận thứ hai về hợp tác nhập cư với cam kết cùng nhau tham gia giải quyết mối nguy an ninh ngày càng gia tăng về tệ nạn buôn người đi tìm qui chế tỵ nạn.

Thỏa thuận thứ hai giữa Kampuchia và Australia như vừa nêu được ký kết chỉ ít tháng sau khi hai phía đồng ý với nhau cho chuyển đến Xứ Chùa Tháp những người tỵ nạn mà phía Australia bắt giữ được.

Bộ trưởng Nhập cư Australia, Peter Dutton, trong thông cáo được đưa ra khi đón chào phó thủ tướng Sar Kheng của Kampuchia đến thăm Canberra, nêu rõ thỏa thuận mới ký kết giữa Kampuchia và Australia về hợp tác nhập cư là biểu hiện của quyết tâm mới của hai nước trong việc hợp tác cùng chống lại mối nguy an ninh ngày càng tăng do tội phạm xuyên quốc gia và hoạt động di cư bất hợp pháp gây ra.

Trong dịp này phía Kampuchia lên tiếng bảo vệ biện pháp trục xuất 36 người Thượng Tây Nguyên Việt Nam về nước vào tháng qua, sau khi họ trốn sang Xứ Chùa Tháp để lánh nạn tình trạng bị bắt bớ tại quê nhà.

Australia lâu nay bị chỉ trích ngay cả từ phía Liên Hiệp Quốc về việc ký kết chuyển sang Kampuchia những người tỵ nạn mà Australia bắt được. Kampuchia là một quốc gia được cho nghèo nhất trong khối các nước thuộc ASEAN.

Cũng tin liên quan người Thượng Tây Nguyên chạy sang Kampuchia để tìm qui chế tỵ nạn, vào đầu tuần này, tờ Phnom Penh Post loan tin Cao ủy Tỵ Nạn Liên hiệp quốc đã gặp đại diện Việt Nam và Kampuchia để thảo luận giải pháp cho vấn đề này.

Theo Phnom Penh Post thì phát ngôn nhân khu vực của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên hiệp quốc nói rằng cuộc họp nhằm mục đích tìm ra giải pháp mà theo bà này là phù hợp với chuẩn mực quốc tế và khả dĩ được các bên chấp nhận’.

Xin được nhắc lại từ tháng 10 năm ngoái hằng chục người Thượng Tây Nguyên đã trốn chạy sang tỉnh Ratanakiri của Kampuchia. Họ nói ở quê nhà bị đàn áp vì lý do tôn giáo.

Một nhóm 13 người được đưa về Phnom Penh và được cấp cấp qui chế tỵ nạn, 10 người khác đang chờ qui chế tỵ nạn tại Phnom Penh, hơn chục người khác được nói vẫn còn trốn trong rừng tỉnh Ratanakiri và hơn 30 người bị trả lại về Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.