Bài diễn văn Tổng thống Obama gửi người dân Việt Nam

RFA
2016.05.24
obama-Saigon-622.jpg Người dân Sài Gòn chào đón Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm 24/05/2016.
Courtesy of Tuoitre Online

Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đã hoàn tất ngày thứ nhì của ông ở Việt Nam, với nhiều hoạt động kéo dài từ buổi sáng sớm ở Hà Nội cho đến chiều tối ở Sài Gòn, từ cuộc gặp gỡ với đại diện những tổ chức xã hội dân sự, đọc bài diễn văn gửi nhân dân Việt Nam, cho đến bài nói chuyện trước các doanh nghiệp để thúc đẩy quan hệ thương mại song phương.

Trong bài diễn văn gửi nhân dân Việt Nam đọc trước 2,000 người ngồi chật cứng Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia Hà Nội, Tổng Thống Hoa Kỳ đã thu hút sự chú ý của cử tạo khi ông mở đầu bài phát biểu bằng hai câu “Xin Chào, Xin Chào Việt Nam”, trước khi cho hay sự thân thiện mà người dân Việt dành cho ông đã tạo niềm xúc động đến trái tim của ông và của phái đoàn.

Sau những lời mở đầu duyên dáng đó, Tổng Thống Obama đi thẳng vào vần đề, cho biết ông không phải là vị Tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân đến Việt Nam, nhưng cũng như đa số người dân Việt, ông là vị tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên trưởng thành sau cuộc chiến, và ông cho hay những người trẻ bây giờ chỉ biết đến hòa bình, đến bình thường hóa quan hệ giữa 2 nước, bảo thêm rằng mọi người đều ý thức về quá khứ, ý thức về một lịch sử khó khăn, nhưng tất cả đều hướng về tương lai, hướng tới thịnh vượng, an ninh và ổn định, vì hòa bình bao giờ cũng tốt đẹp hơn chiến tranh.

Tổng Thống Hoa Kỳ cũng khiến cho mọi người xúc động khi ông mời mọi người cùng ông đi theo chiều dài của lịch sử của nước Việt, cho hay ông trân quý “quá khứ lịch sử huy hoàng của Việt Nam”, lịch sử mà ông nói rằng “đã được viết lên những chiếc trống đồng Đông Sơn, Hà Nội đã đứng vững trên dòng sông Hồng hơn một nghìn năm, thế giới đều biết đến lụa và những bức tranh của Việt Nam, và Văn Miếu là bằng chứng kiến thức của Việt Nam”.

Với lịch sử huy hoàng đáng kính trọng đó, nhà lãnh đạo nước Mỹ không quên nói đến chuyện từng có thời kỳ kéo dài nhiều thế kỷ, vận mệnh của người dân Việt Nam lại bị quyết định bởi người khác, đất nước thân yêu của người Việt có lúc không nằm trong tay của người Việt, ý muốn nói đến thời kỳ Việt Nam bị đô hộ bởi người Trung Hoa. Nhưng, ông bảo thêm rằng như những cây tre đứng thẳng ở các ngôi làng, “tinh thần bất khuất của người Việt Nam đã được Lý Thường Kiệt ghi lại: Sông núi nước Nam vua Nam ở - Rành rành đã định tại sách trời”.

Tổng Thống Hoa Kỳ không quên nhắc đến những hình ảnh của chiến tranh và những gì còn sót lại sau cuộc chiến, khi ông  nói và chúng tôi xin trích dẫn nguyên văn như sau: “trong các nghĩa trang liệt sĩ, trên bàn thờ của các gia đình Việt Nam chứa đựng đầy những nỗi đau. Có khoảng 3 triệu người Việt Nam, dân thường và binh sĩ ở cả hai phía, đã mất đi. Trên bức tường tưởng niệm ở đất nước chúng tôi, người ta có thể chạm vào tên của 58, 315 binh sĩ vĩnh viễn không trở về. Hôm nay chúng ta cùng với nhau, người Việt và người Mỹ, cùng nhận thức nỗi đau và mất mát mà chiến tranh đem đến”.

Khi nói đến điều này, ông Obama đưa ra thí dụ của 2 người lính được xem là tiêu biểu cho nước Mỹ và Việt Nam là Thượng Nghị Sĩ John McCain và Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, những người đã đồng ý quên quá khứ chiến tranh để mở một trang sử thân tình mới, nhắc lại việc Thượng Nghị Sĩ John McCain đã gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nói rằng “hai nước chúng ta không nên là kẻ thù, nên làm bạn”, giúp nhân dân hai nước cơ hội đến gần với nhau, như câu hát của Văn Cao: “Từ nay người biết quê người. Từ nay người biết thương người”.

Ông nói rằng với vai trò của người đang lãnh đạo nước Mỹ, ông muốn tiếp tục những sự tiến bộ này của quan hệ hai nước và với quan hệ đối tác toàn diện, nhấn mạnh mục tiêu của ông trong chuyến viếng thăm Việt Nam là 2 nước cùng nhau xây dựng nền tảng ngày càng vững chắc hơn cho quan hệ hai nước trong nhiều thập kỷ tới vì ngày hôm nay, hai nước đã trở thành bạn bè, đối tác của nhau.

Theo Tổng Thống Hoa Kỳ, quan hệ đối tác giữa Mỹ với Việt Nam dựa trên những điều căn bản: Việt Nam là một nước có chủ quyền độc lập và không có quốc gia nào khác có thể áp đặt lên ý chí của người dân Việt Nam. Độc lập, chủ quyền ấy, ông nói tiếp “do người dân Việt Nam quyết định”.

Liên quan đến Biển Đông, Tổng Thống Hoa Kỳ nhắc lại mặc dù nước Mỹ không phải là một bên tranh chấp, nhưng Washington khẳng định và đề cao quyền tự do hàng hải và hàng không; tự do thương mại không bị ngăn trở; giải quyết các tranh chấp thông qua pháp lý và luật pháp quốc tế. Vì vậy, Hoa Kỳ sẽ đưa tàu và máy bay di chuyển ở bất kỳ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, và ủng hộ quyền của các nước khác hành động như vậy.

Tổng Thống Obama cũng nhắc lại hôm qua, ông đã tuyên bố Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh hoàn toàn cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, không chỉ để thể hiện Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ toàn diện với Việt Nam, mà còn nhằm mục đích đảm bảo Việt Nam có thể có vũ khí cần thiết để đảm bảo an ninh, đồng thời Hoa Kỳ sẽ tiếp tục chương trình huấn luyện cho tuần duyên Việt Nam để tăng cường khả năng bảo vệ an ninh lãnh hải.

Ông còn nói thêm là tất cả các tranh chấp đều phải giải quyết bằng đường lối ôn hòa, nước lớn không được phép ức hiếp nước nhỏ.

Về điểm này, tờ Hoàn Cầu Thời Báo ở Bắc Kinh viết rằng Hoa Kỳ đang dùng Việt Nam để khuấy động Biển Đông.

Bài diễn văn gửi nhân dân Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ cũng nhắc đến nhân quyền, điều được ông gọi là một trong những điểm quan trọng trong việc xây dựng quan hệ giữa 2 nước, thẳng thắn nhìn nhận “vẫn còn những khác biệt cần phải giải quyết”.

Theo lời Tổng Thống Obama, không một quốc gia nào hoàn hảo, ngay chính nước Mỹ cũng đang nỗ lực để đi đến hoàn hảo bằng cách chấp nhận, lắng nghe những lời phê bình của người dân, vì những lời phê phán đó giúp dất nước tiến bộ hơn về mọi mặt.

Vì thế, Tổng Thống Obama nói thêm rằng Hoa Kỳ không bao giờ áp đặt với Việt Nam, nhưng ông nhấn mạnh ở điểm những giá trị căn bản, quyền căn bản của con người phải được thể hiện, đặc biệt những quyền căn bản, giá trị căn bản đó được nêu trong hiến pháp của Việt Nam, như người dân có quyền tự do ngôn luận, quyền tự do bày tỏ tư tưởng hay quyền được lập hội, nhấn mạnh ở điểm quốc gia sẽ tiến bộ hơn khi nhân quyền được tôn trọng.

Tổng Thống Hoa Kỳ nhắc lại Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam đã trích tuyên ngôn độc lập của Mỹ, nói rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, tạo hóa cho họ các quyền không thể xâm phạm trong đó có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc. Ông Obama giải thích thêm, và chúng tôi cũng xin trích dẫn nguyên văn lời ông Obama như sau: “Khi có quyền tự do bày tỏ ý kiến, tự do ngôn luận, và khi mọi người có thể chia sẻ  ý tưởng qua internet và mạng xã hội mà không gặp một cấm đoán nào thì điều đó sẽ thúc đẩy sự sáng tạo mà mọi nền kinh tế đều cần để phát triển. Chính như vậy mới có những ý tưởng mới. Chính như vậy mà Facebook đã bắt đầu. Những công ty lớn của chúng tôi đã ra đời như thế, bởi vì một ai đó đã có một ý tưởng mới mẻ. Ý tưởng này rất khác biệt. Và họ đã có thể chia sẻ những ý tưởng đó với nhau”.

Ông nói tiếp: “Khi có tự do báo chí, khi các nhà báo và bloggers có thể đưa ra ánh sang những nỗi bất công, những sự lạm quyền, điều đó bắt các giới chức có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm, và điều đó làm cho công chúng tin rằng chúng ta đang có một chế độ tốt”.

Tổng thống Hoa Kỳ nói thêm: “Khi mọi người có thể ra ứng cử, và vận động tranh cử một cách tự do, khi mà cử tri có thể lựa chọn người lãnh đạo của mình trong những cuộc bầu cử công bằng, thì điều đó làm cho đất nước ổn định, bởi vì dân chúng biết rằng tiếng nói của họ được lắng nghe, và những thay đổi hòa bình có thể xảy ra. Và xã hội sẽ giang rộng vòng tay đón những người mới”.

Ông cũng bảo: “khi có tự do tín ngưỡng, điều đó không chỉ giúp con người có điều kiệu biểu đạt tình yêu của họ đối với tôn giáo, mà còn cho các nhóm thuộc những tôn giáo khác nhau phục vụ cộng đồng bằng các hoạt động giáo dục, giúp đỡ bệnh viện, những người nghèo, và những người dễ bị tổn thương của xã hội. Và khi người dân có quyền tự do tụ tập thì họ được tự do thành lập các tổ chức xã hội dân sự. Điều đó sẽ giúp chính quyền giải quyết các thách thức mà đôi khi họ không thể một mình làm được. Vì thế nhân quyền không làm tổn hại sự ổn định mà giúp nền tảng xã hội ổn định hơn, và tiến bộ hơn”.

Ông bảo thêm “Nói cho cùng, nhân quyền đã thôi thúc mọi người khắp nơi trên thế giới, kể cả Việt Nam, vùng lên lật đổ chế độ thuộc địa. Và tôi tin rằng tôn trọng nhân quyền là cách diễn đạt đầy đủ nhất ý nghĩa của độc lập, kể cả ở nơi đây, ở một quốc gia hãnh diện tuyên bố rằng chính quyền của mình là chính quyền của dân, do dân và vì dân”.

Bài diễn văn dài nửa giờ đồng hồ Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama gửi người dân Việt Nam kết thúc với lời nhắn gửi của ông là chính người Việt quyết định tương lai cho người Việt, nước Mỹ luôn luôn là đối tác và cũng là người bạn tốt của Việt Nam, gọi đó là điều cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói đến khi viết bản nhạc mang tên “Nối Vòng Tay Lớn”.

Ông Obama bảo thêm rằng mai sau, khi người dân Hoa Kỳ và Việt Nam cùng nhau học hỏi, cùng phối hợp sáng tạo chung, ông hy vọng mọi người nhớ đến khoảnh khắc ông đứng ở Việt Nam để đưa ra cái nhìn hy vọng cho tương lai của cả 2 nước, như đại thi hào Nguyễn Du đã nói: "Rằng trăm năm cũng từ đây. Của tin gọi một chút này làm ghi”.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.