Ông Vi Đức Hồi bị biệt giam vì phản đối cách đối xử

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2013.08.14
Ông Vi Đức Hồi được giải Hellman/Hammett năm 2009 của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch Ông Vi Đức Hồi được giải Hellman/Hammett năm 2009 của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch
RFA files

Sáng ngày 14 tháng 8 năm 2013, bà Hoàng Thị Tươi, như lịch thăm nuôi chồng thường lệ đã đến trại giam Nam Hà để thăm chồng là tù nhân lương tâm Vi Đức Hồi. Tại đây bà được biết ông Hồi bị kỷ luật và biệt giam 6 tháng vì ông đã phản kháng công an trại giam đánh gãy chân anh Lê Văn Sơn là một trong số 14 thanh niên Công Giáo đang bị giam tại trại Nam Hà.

Bà Hoàng Thị Tươi kể lại cho chúng tôi biết như sau:

Theo như anh ấy nói lý do họ kỷ luật anh ấy là vì anh ấy phản đối việc anh Lê Văn Sơn bị đánh cách đây gần một tháng. Việc thứ hai là anh ấy làm đơn gửi chủ tịch nước rằng trại giam đã lắp đặt máy phá sóng điện thoại trong buồng giam rất ảnh hưởng đến sức khỏe của anh em tù nhân, làm cho rất nhìêu anh em bị đau đầu. Một việc nữa là họ gắn camera 24/24 để theo dõi tất cả đời tư của anh em trong trại như vậy là không hợp lý. Vì phản đối những việc như vậy nên họ kỷ luật anh ấy. Họ biệt giam anh ấy và kỷ luật 6 tháng bây giờ đã được 1 tháng

Khi chúng tôi thắc mắc tù nhân trong tại giam có được phép sử dụng điện thoại hay không mà bị đặt máy phá sóng bà Tươi cho biết:

Vâng, tuyệt đối không đựơc sử dụng điện thoại nhưng họ vẫn gắn máy phá sóng trong đó vì vậy mới ảnh huởng đến sức khỏe các tù nhân nên anh ấy mới có ý kiến.

Ông Vi Đức Hồi gia nhập Đảng Cộng sản năm 1980 và từng là Giám đốc trường Đảng huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn. Ông Hồi đã viết nhiều bài báo chống tham nhũng và bất công xã hội, đòi hỏi tự do dân chủ cho Việt Nam cũng như cảnh báo việc mất nước vào tay Trung Quốc. Ông là thành viên của Khối 8406 và đã nhiều lần bị đưa ra "đấu tố" ở địa phương, kể cả bà Hoàng Thị Tươi là vợ của ông cũng bị khai trừ khỏi đảng vì không chịu lên án chồng.

Ông được trao giải Hellman/Hammett năm 2009 của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch vì các đóng góp trong việc "thúc đẩy tự do ngôn luận".

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.