Hội nghị 6 nước khu vực sông Mekong nhóm họp ở Hải Nam

RFA
2016.03.23
000_8M53O-622 Ruộng lúa gần một con kênh khô hạn ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, Việt Nam. Ảnh minh họa chụp trước đây.
AFP

Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong-Lan Thương, gọi tắt là MLC, lần thứ nhất được khai mạc vào hôm nay, ngày 23 tháng 3, tại Tam Á, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.

Mục đích được cho biết nhằm tạo cơ hội cho lãnh đạo các quốc gia thuộc khu vực sông Mekong cùng trao đổi về định hướng hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của tiểu vùng.

Đại diện phái đoàn Việt Nam, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị rằng Việt Nam ủng hộ Hợp tác Mekong-Lan Thương theo nguyên tắc đồng thuận, bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.

Trong bài phát biểu, ông Phạm Bình Minh nhắc đến bối cảnh tiểu vùng Mekong đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó ông nhấn mạnh thách thức về suy thoái môi trường, nguồn nước và biến đổi khí hậu. Ông kêu gọi hợp tác nguồn nước là trọng tâm.

Đồng thời, ông Phạm Bình Minh còn nói lời cảm ơn cũng như đánh giá cao về sự hợp tác của Trung Quốc tăng cường xả nước ở thượng nguồn để hỗ trợ cho các nước hạ nguồn sông Mekong khắc phục tình hình hạn hán nghiêm trọng đang diễn ra gây tổn hại đến hệ sinh thái và đời sống của hàng triệu người dân.

Ông Phạm Bình Minh lên tiếng Việt Nam đồng ý phối hợp cũng như đóng góp tài chính và nhân lực với Trung Quốc trong việc xây dựng dự án chung thành lập Trung tâm hợp tác nguồn nước Mekong-Lan Thương nhằm nâng cao khả năng quản lý bền vững tài nguyên nước sông Mekong.

6 quốc gia tiểu vùng Mekong tham dự Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ nhất gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.