Việt Nam kêu gọi các nước có tranh chấp trên biển Đông tự kềm chế

RFA
2016.09.25
000_GG3IL.jpg Một phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, Hoa Kỳ. Ảnh minh họa.
AFP

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh kêu gọi các nước có tranh chấp trên biển Đông tự kềm chế và giải quyết những bất đồng bằng biện pháp hòa bình.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Việt Nam đưa ra lời kêu gọi này tại phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên hiệp quốc tại New York, Hoa Kỳ vào chiều ngày hôm qua, thứ bảy 24 tháng chín.

Bên cạnh đó, ông Phạm Bình Minh còn nói rằng các bên có liên quan đến tranh chấp biển Đông phải tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về luật biển, cũng như tôn trọng những qui trình pháp lý và ngoại giao.

Liên quan đến các vấn đề pháp lý ở biển Đông mà ông Phạm Bình Minh đề cập, vào ngày 12 tháng Bảy vừa qua tòa trọng tài thường trực quốc tế có trụ sở ở Hà Lan ra phán quyết có lợi cho Philippines trong một vụ kiện của nước này chống Trung Quốc về tranh chấp biển Đông.

Theo đó tòa trọng tài quốc tế không công nhận cái mà Bắc Kinh gọi là chủ quyền lịch sử của họ bao trùm trên 90% diện tích biển Đông.

Trung Quốc luôn luôn cho rằng tòa án này không có giá trị pháp lý đối với các tranh chấp chủ quyền trên biển Đông. Trong khi đó, các quốc gia khác trong đó có Việt Nam tuyên bố rằng mình ủng hộ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế.

Hiện có tất cả 6 quốc gia tranh chấp chủ quyền các hòn đảo nhỏ trên biển Đông là Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei, và Đài Loan.

Các hòn đảo này tập trung ở hai quần đảo là Hoàng Sa và Trường Sa. Hoàng sa hiện do quân đội Trung Quốc kiểm soát sau cuộc hải chiến chống quân đội miền Nam Việt Nam vào năm 1974. Tại đây cũng có một hòn đảo do Đài Loan chiếm đóng.

Tại quần đảo Trường Sa, đa số các hòn đảo do Việt Nam kiểm soát, Đài Loan chiếm đóng hòn đảo lớn nhất, trong khi đó Trung Quốc lại có nhiều cơ sở quân sự và 3 đường đáp máy bay trên các đảo nhỏ và bãi cạn mà họ chiếm đóng sau khi dùng vũ lực đẩy quân đội Việt Nam ra khỏi những đảo này làm hàng chục binh sĩ Việt Nam tử nạn vào năm 1988.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.