BT Bùi Quang Vinh: Nền tảng sản xuất của VN càng ngày càng mất đi

RFA
2015.10.22

“Nền tảng sản xuất của đất nước càng ngày càng mất đi” là nội dung chính mà bộ trưởng Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư Bùi Quang Vinh trình bày tại buổi thảo luận sáng nay về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và kế hoạch ngân sách nhà nước.

Ba điểm rất đáng lo được ông Bùi Quang Vinh nêu ra là sự yếu kém của khối doanh nghiệp trong nước, yếu kém trong lãnh vực nông nghiệp và vấn đề trong việc sử dụng ngân sách.

Về doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, ông bộ trưởng Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư cho rằng muốn tự lực kinh tế thì doanh nghiệp của đất nước phải phát triển, có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp FDI và đủ sức tiếp thu công nghệ nước ngoài.

Nêu thí dụ về Trung Quốc là nước có nền tảng công nghệ mạnh, ông Bùi Quang Vinh cho rằng Việt Nam không đủ khả năng tiếp nhận công nghê cao còn Trung Quốc thì ăn cắp công nghệ rất giỏi, có thể mua cả chiếc máy bay Boeing về rồi tháo ra là có thể bắt chước làm ra một chiếc Boeing khác.

Chính vì thế ông khẳng định một nền kinh tế không có lực lượng doanh nghiệp mạnh thì không bao giờ có thể tự chủ.

Vẫn theo lời ông, doanh nghiệp Việt Nam yếu, qui mô nhỏ, làm dịch vụ thì nhiều nhưng căn bản sản xuất chính thì rất ít. Mặt khác, ông nói tuy là đất nước nông nghiệp nhưng Việt Nam có nền nông nghiệp rất thô sơ, nhiều mặt hàng tuy sản phẩm và sản lượng đứng đầu thế giới nhưng giá trị gia tăng rất thấp.

Việt Nam phải nhập ngô và đỗ tương từ các nước là do thị trường điều tiết, giá cả hai mặt hàng này cao gấp 3 lần ở Mỹ, công lao động và phương tiện máy móc thấp nên không có sức cạnh tranh.

Về mặt ngân sách, ông Bùi Quang Vinh cho rằng nguồn lực tài chính của Việt Nam rất khó khăn khi bước qua năm 2016. Ông nói báo cáo từ Bộ Tài Chính cho thấy ngân sách 2016 tăng 60.700 tỷ đồng nhưng điều ông trăn trở là sự tăng ngân sách như vậy chỉ là tăng nghiệp vụ trong lúc nhu cầu chi rất lớn.

Với những vị dụ và những con số chứng minh, bộ trưởng Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư Bùi Quang Vinh vẽ ra một bức tranh không mấy sáng sủa cho doanh nghiệp vốn yếu kém cũng như lãnh vực sản xuất đang mất dần lợi điểm hầu góp phần vào sự phát triển kinh tế của đất nước trong tương lai.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.