Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc thăm Nam Ninh, Trung Quốc

RFA
2016.09.11
051_XxjpbeE001312_20160910_TPPFN0A001.jpg Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam và Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ tại Trung tâm hội nghị quốc tế, thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc hôm 10/9/2016.
AFP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam và Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ, đã có một cuộc hội đàm vào chiều ngày hôm qua tại Trung tâm hội nghị quốc tế, thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Đây là cuộc hội đàm mở đầu chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 6 ngày của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tháp tùng ông Phúc có nhiều quan chức cao cấp của chính phủ Việt Nam, trong đó có ông Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao, ông Nguyễn Chí Vịnh thứ trưởng quốc phòng.

Chuyến đi của ông Phúc bắt đầu tại tỉnh Quảng Tây ngay sát biên giới Việt Nam. Tại đây ông Phúc đã cùng ông Trương Cao Lệ, và các quan chức những quốc gia Đông Nam Á, gọi tắt là ASEAN khai mạc Hội chợ Trung Quốc ASEAN tại thành phố Nam Ninh, thủ phủ của tỉnh Quảng Tây.

Thông tin về chuyến đi thăm Trung Quốc không được báo chí Việt Nam loan tải rộng rãi, mà chỉ có những bản tin trên cổng thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam và báo Thanh Niên.

Tuy vậy theo phân tích của tờ Bưu điện Hoa Nam xuất bản tại Hồng Kong thì đây là một chuyến đi quan trọng của Thủ tướng Việt Nam nhằm giải quyết hai vấn đề lớn đó là thâm thủng mậu dịch của Việt Nam đối với Trung Quốc, và làm dịu quan hệ giữa hai quốc gia có cùng chung ý thức hệ cộng sản, nhưng lại có tranh chấp rất căng thẳng về chủ quyền trên biển Đông.

Theo số liệu mà Bưu điện Hoa Nam đưa ra thì tổng giá trị hàng hóa mà Việt Nam nhập cảng từ Trung Quốc hiện nay là 23 tỉ 200 triệu đô la Mỹ một năm, trong khi đó Hà Nội chỉ xuất khẩu được có 9 tỉ 100 triệu đô la sang nước láng giềng phương Bắc.

Tờ báo xuất bản bằng tiếng Anh này dẫn lời ông Carl Thayer, một chuyên gia về Đông nam Á của học việc quốc phòng Hoàng gia Úc,  rằng Việt Nam muốn gây sức ép để Trung Quốc mở cửa thị trường nội địa rộng lớn của mình cho hàng hóa Việt Nam, từ đó sẽ giảm mức thâm thủng mậu dịch của Việt Nam đối với Trung Quốc và xúc tiến các dự án đầu tư của Việt Nam tại Hoa lục, mặc dù, cũng theo lời ông Thayer thì trong ngắn hạn, Việt Nam chưa thể giải quyết được mức thâm thủng mậu dịch quá lớn này.

Được biết là tại Hội chợ Trung Quốc ASEAN, theo bảng tin của chính phủ Hà nội, thì Việt có đến 250 gian hàng của các doanh nghiệp Việt Nam, chỉ đứng hàng thứ hai sau nước chủ nhà Trung Quốc.

Nhưng điều quan trọng hơn trong chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, theo phân tích của các nhà quan sát, là chuyện nối lại lòng tin giữa hai quốc gia sau những căng thẳng trên biển Đông.

Mặc dù đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Phúc tới Trung Quốc kể từ khi Việt Nam có chính phủ mới, nhưng những vấn đề về an ninh và quốc phòng giữa hai nước đã được bàn đến trong chuyến đi thăm Bắc Kinh của Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam, Tướng Ngô Xuân Lịch, cách đây mới hơn một tuần lễ.

Theo một chuyên gia người Việt làm việc tại Trung tâm chiến lược quốc tế ở thủ đô Washington, Hoa Kỳ, thì Bắc Kinh muốn nhân chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam để đo lường thái độ của tân chính phủ Việt Nam đối với Trung Quốc, trong khi đó thì các nhà lãnh đạo ở Hà Nội lại muốn giữ hòa khí sau những căng thẳng xảy ra giữa hai nước trên biển Đông.

Mặt khác theo ông Kurlantzick, làm việc tại tổ chức Hội đồng các quan hệ đối ngoại tại Mỹ thì Bắc Kinh đang e ngại sự xích lại gần nhau giữa Việt Nam và các đối thủ của Trung Quốc trong khu vực châu Á Thái Bình Dương như Nhật Bản và Ấn Độ.

Ví dụ như Ấn Độ vừa cấp một khoản vay trị giá 500 triệu đô la Mỹ cho Việt Nam để mua sắm các thiết bị quân sự.

Ông Carl Thayer thì nói rằng Việt Nam luôn muốn giữ thế cân bằng giữa các cường quốc, và trước chuyến đi thăm Trung Quốc, tân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Nga và Nhật Bản.

Xin được nhắc lại là Trung Quốc tuyên bố chủ quyền của mình trên 90% diện tích biển Đông, và vì thế Bắc Kinh xung đột với vài quốc gia Đông Nam Á về chủ quyền trên vùng biển rất quan trọng về tài nguyên và thương mại này của thế giới.

Trong các xung đột đó, xung đột Trung Quốc Việt Nam là lớn nhất.

Vào năm 1974 Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa ở phía bắc Biển Đông, lúc đấy do lực lượng Việt Nam cộng hòa trấn giữ, sau một trận chiến đẫm máu.

Năm 1988 Trung Quốc đánh chiếm một số bãi đá do quân đội Việt Nam trấn giữ ở quần đảo Trường sa làm nhiều thủy thủ Việt Nam tử nạn.

Năm 2014 Trung Quốc cho một giàn khoan dầu đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gây nên một cuộc khủng hoảng trầm trọng giữa hai nước, trong đó lực lượng tuần duyên Việt Nam và các tàu hải giám Trung Quốc đối đầu nhau nhiều tháng trời. Còn trong các thành phố lớn của Việt Nam, dân chúng đã xuống đường biểu tình, đập phá các cơ sở của người Trung Quốc và Đài Loan, gây ra nhiều thiệt hại.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.