Nguyễn Ngọc Quang và Phạm Bá Hải giao lưu với các bạn trẻ trong ngoài nước (phần 2)


2006.09.06

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Trước thực trạng chính quyền Việt Nam không chấp nhận đa nguyên-đa đảng, cái giá những người yêu chuộng dân chủ đang phải trả như thế nào? Các nhà dân muốn chủ nhắn nhủ với giới trẻ Việt Nam điều gì? Đó cũng chính là nội dung phần trao đổi tiếp theo giữa hai anh Bá Hải và Ngọc Quang với ba bạn trẻ là Hùng, kỹ sư trong nước, Quang ở Canada, và Huy ở Mỹ.

Chào mừng quý vị và các bạn đang đến với chuyên mục “Diễn đàn bạn trẻ”, nhịp cầu thảo luận-trao đổi ý kiến của thanh niên Việt Nam trên đài Á Châu Tự Do, phát thanh sáng thứ tư hàng tuần.

NguyenNgocQuangTranManhHao2.jpg
Anh Nguyễn Ngọc Quang (bên phải) và nhà thơ Trần Mạnh Hảo trong một cuộc gặp gỡ tại Sài Gòn mới đây. File photo.

Tuần trước, Trà Mi đã gửi đến quý vị phần đầu nội dung buổi giao lưu giữa các bạn thanh niên trong và ngoài nước với Phạm Bá Hải và Nguyễn Ngọc Quang, hai thành viên khối dân chủ 8406 bị cơ quan an ninh thẩm vấn liên tiếp trong thời gian gần đây.

Qua buổi trò chuyện, chúng ta càng hiểu thêm về lòng nhiệt huyết và ý chí tranh đấu dân chủ của các anh, cũng như ý nghĩa hoạt động của khối 8406.

Tuy nhiên, trước thực trạng chính quyền Việt Nam không chấp nhận thể chế đa nguyên-đa đảng, thì cái giá mà các anh, những người yêu chuộng dân chủ, đang phải trả như thế nào? Những khó khăn các anh gặp phải là gì? Các nhà dân muốn chủ nhắn nhủ với giới trẻ Việt Nam điều gì?

Đó cũng chính là nội dung phần trao đổi tiếp theo giữa hai anh Bá Hải và Ngọc Quang với ba bạn trẻ là Hùng, kỹ sư trong nước, Quang, du học sinh ở Canada, và Huy, chuyên viên về công nghệ thông tin, định cư tại Mỹ.

Trà Mi: Hiện giờ tình trạng của hai anh Bá Hải và Ngọc Quang như thế nào? Các anh có gặp thêm những khó khăn nào từ phía chính quyền hay không?

Phạm Bá Hải: Hôm 28/8 vừa qua, công an đến khám xét công ty anh tôi, gây khó khăn. Vài ngày sau, một nhân viên an ninh đã điện cho anh tôi hỏi rằng có biết việc tôi làm hay không. Từ đó, họ bắt đầu khủng bố tinh thần anh trai tôi.

Ngày hôm nay, tới lựơt ba tôi nhận đựơc giấy mời của công an phừơng với lý do là lên làm việc về vấn đề hộ khẩu. Lý do này đối với tất cả anh em dân chủ đã từng đựơc mời làm việc với công an thì quá quen thuộc.

Ba tôi nay đã 75 tuổi. Chính quyền Việt Nam sao họ không làm việc với tôi? Tôi có gì thì họ cứ việc mời tôi, sao lại mời ba tôi? Tôi cực lực phản đối. Những việc làm chính quyền đang áp dụng cư xử đối với gia đình tôi là không thể chấp nhận đựơc.

Tôi xin nói thêm rằng tôi hoàn toàn không chùng chân và tinh thần tôi hiện giờ vẫn rất cao. Tôi không bao giờ có thể từ bỏ tinh thần đấu tranh mà mình đang theo đuổi để dành lại quyền tự do, dân chủ cho ngừơi dân Việt Nam.

Trà Mi: Xin đựơc đặt câu hỏi này với anh Quang. Từ bấy đến nay, anh có gặp thêm những khó khăn nào khác đối với gia đình và những sinh hoạt đời sống của anh hay không?

Nguyễn Ngọc Quang: Không phải từ lúc công an kêu tôi lên thẩm vấn đâu mà từ trứơc đó nữa kìa. Vì họ đánh hơi và họ biết nên đã cài bẫy nhiều lắm. Hiện giờ công việc tôi phải bỏ, không làm đựơc gì cả bởi đi đâu cũng bị theo dõi gắt gao.

Trà Mi: Thế tình trạng gia đình anh ra sao?

Nguyễn Ngọc Quang: Gia đình tôi hiện cũng phải sống nhờ tiền do thân hữu giúp đỡ thôi chứ không thể làm gì được cả. Một số anh em trong nhóm thấy hoàn cảnh như vậy nên họ hỗ trợ cho để sống, chứ tôi không thể làm ăn gì đựơc nữa cả.

Điều mà chính quyền cộng sản đang làm mà tôi thấy phải dùng từ “bỉ ổi” là họ khủng bố tôi không đựơc họ quay sang khủng bố vợ tôi, nhưng họ đã nhầm. Họ kêu vợ tôi lên hỏi rằng cô ấy có biết công việc tôi đang làm không. Bà xã tôi bảo biết. Họ hỏi vợ tôi thấy như thế nào. Vợ tôi bảo rằng biết việc tôi làm cảm thấy rất buồn. Họ liền chộp ngay lấy, và bảo rằng “Đúng rồi chị phải buồn mới phải vì đó là việc làm phi pháp, lật đổ chính quyền”. Vợ tôi mới nói rằng: “Không tôi không buồn vì chuyện đó, mà tôi buồn là vì anh ấy làm trễ quá. Lẽ ra anh ấy phải làm việc này sớm hơn kia, anh ấy phải biết đau khổ vì dân tộc sớm hơn nữa kia.”

PhamBaHaiPhamNgocDuong200.jpg

Từ đó, họ biết ý chí của vợ chồng tôi là một . Vì vậy, họ có khuynh hứơng là về khủng bố mẹ tôi ở quê. Mẹ tôi năm nay 71 tuổi rồi, thế nhưng họ đã cảnh báo tôi điều đó.

Trà Mi: Trước những áp lực như vậy, anh có nghĩ là đến một lúc nào đó chịu không nổi nữa thì có thể anh sẽ “bình tâm suy nghĩ lại” chăng?

Nguyễn Ngọc Quang: Không bao giờ. Xin trả lời là không bao giờ. Công việc tôi làm , tôi đựơc sự ủng hộ cực kỳ mạnh mẽ từ vợ tôi. Đó là một niềm động viên rất lớn cho tôi. Vợ tôi và tôi đều sẵn sàng chấp nhận hy sinh tất cả vì chúng tôi đã xác định là con dân nứơc Việt phải có trách nhiệm với dân tộc của mình.

Trà Mi: Xin hỏi các bạn có câu hỏi nào muốn đặt ra với hai anh Bá Hải và Ngọc Quang không?

Huy Texas: Em có một lời muốn nhắn gửi với tất cả các bạn trẻ dù trong hay ngoài nứơc hãy nên truyền nhau câu chuyện của các anh cho nhiều ngừơi được biết để mọi ngừơi hiểu hơn về mục đích của khối 8406 là đấu tranh dân chủ cho Việt Nam, và rằng đảng cộng sản đang gây khó khăn cho những thành viên trong khối như các anh.

Em cũng hy vọng là gia đình các anh hiểu các anh nhiều hơn, hiểu rằng họ có một người chồng, người con, và ngừơi cha đầy can đảm và nghị lực như các anh. Em xin nói với các bạn trẻ rằng thà chết vinh hơn sống nhục. Thế hệ trẻ hãy nên quyết tâm cầm tay nhau hứơng tới dân chủ cho Việt Nam . Đó là những lời tự đáy lòng của em.

Trà Mi: Xin cảm ơn bạn Huy. Hùng có ý kiến gì không?

Hùng từ Sài Gòn: Theo dõi tình hình trong nước vào lúc này, em nghĩ Việt Nam đang bị áp lực của quốc tế về vấn đề WTO nên chính quyền chưa mạnh tay với các nhà dân chủ đấy thôi . Thế nhưng, sau khi Hà Nội đạt đựơc mục đích gia nhập vào sân chơi quốc tế rồi, hai anh có nghĩ là chính quyền sẽ phớt lờ những áp lực đó và quay lại làm mạnh tay hơn đối với khối 8406 hay không? Theo các anh, chuyện Việt Nam đựơc vào WTO có giúp cho pháp luật trong nứơc tốt hơn để bảo vệ cho khuynh hứơng dân chủ trong xã hội Việt Nam hay không?

Phạm Bá Hải: Chúng ta thừa biết Việt Nam đang hội nhập vào dòng chảy kinh tế thế giới. Tiến trình toàn cầu hoá liên quan đến cả lĩnh vực trao đổi văn hoá và thông tin. Nó sẽ giúp gia cố tiến trình dân chủ của Việt Nam.

Trà Mi: Trở lại với câu hỏi Hùng đặt ra. Anh có nghĩ là sau khi vào đựơc WTO, chính quyền Việt Nam sẽ gia tăng đàn áp các nhà hoạt động dân chủ như các anh hay không?

Phạm Bá Hải: Câu hỏi này tôi có thể lấy ví dụ của Trung Quốc để trả lời. Trung Quốc trứơc khi vào WTO cũng hứa hẹn đủ điều nhưng khi vào đựơc rồi, họ cũng đâu nới lỏng các quyền tự do căn bản cho người dân đâu? Cơ cấu chính trị của Việt Nam học hỏi Trung Quốc rất nhiều thì tránh sao khỏi điều này? Mình đã chấp nhận con đường đấu tranh gian khổ thì phải bất chấp tất cả những khó khăn và gian nguy thôi.

Trà Mi: Thế còn ý thứ hai của Hùng đặt ra, anh Quang có câu trả lời hay không?

8406Democracy200.jpg
Các thành viên và ủng hộ của Khối 8406 trong cuộc gặp hôm 27-7-2006 tại Sài Gòn. Hàng trên: Anh Lê Trí Tuệ, Anh Phạm Bá Hải, Anh Trương Quốc Huy, Anh Trần Thiên Lộc, Anh Nguyễn Ngọc Quang, Ls Nguyễn văn Đài, Ks Bạch Ngọc Dương. Hàng dưới: Chị Phương Thy, Gs Nguyễn Chính Kết, Ms Nguyễn Hồng Quang, Ks Đỗ Nam Hải, Cô Quỳnh Trâm, Anh Trần Quốc Hiền, Ms Phạm Ngọc Thạch. Hình của nhóm 8406. >> Xem hình lớn hơn

Nguyễn Ngọc Quang: WTO là một ứơc muốn của người dân Việt Nam. Chính những thành viên trong khối 8406 cũng mong muốn Việt Nam gia nhập vào WTO , nhưng không hy vọng rằng sau khi vào đựơc rồi Việt Nam sẽ chấm dứt đàn áp phong trào dân chủ nữa vì bài học còn đang nằm sờ sờ ra đấy.

Trà Mi: Nhưng có thể hy vọng hệ thống luật pháp Việt Nam sẽ minh bạch, rõ ràng hơn chăng?

Nguyễn Ngọc Quang: Có thể có sự cải tiến nho nhỏ nào đó thôi, vì đối với một chế độ độc đảng, mà đặc biệt là độc tài như hiện nay thì chẳng qua là “bình mới rượu cũ” thôi, bản chất nó cũng vậy thôi. Hiểu rõ bản chất đó, cho nên chúng ta vẫn tiếp tục đấu tranh. Có một điều thuận lợi vào lúc này đó là lòng dân.

Rất nhiều người đã nhìn rõ bản chất của đảng cộng sản rồi. Bởi vậy không cớ gì chúng ta chùng bứơc trong việc đấu tranh đòi lại những quyền sống căn bản nhất bị cộng sản tứơc đoạt và chà đạp. Chúng ta phải giữ vững niềm tin và hy vọng chính nghĩa sẽ thắng phi nghĩa.

Quang từ Canda: Xin hỏi đừơng lối đấu tranh ôn hoà sẽ là đường lối duy nhất có hiệu quả trong việc dành lại quyền tự do dân chủ cho Việt Nam hay không?

Phạm Bá Hải: Chúng ta thấy khủng bố, bạo động, bạo lực, hay nội chiến nhiều nơi mà Việt Nam chúng ta trải qua những chuyện đó quá nhiều rồi. Mấy mươi năm Việt Nam chiến tranh, đau thương lắm. Khó có ai chấp nhận bạo động.

Cho nên tinh thần và nội dung của 8406 trong phương pháp đấu tranh là bất bạo động. Đó là hợp với lòng dân và nhân bản, nghĩa là cũng thương yêu những người trong đảng cộng sản như đồng bào và từ từ cảm hoá họ.

Quang từ Canada: Hai anh có lời khuyên nào cho những ngừơi trẻ chúng em trong việc đấu tranh cho nền tự do dân chủ của Việt Nam?

Phạm Bá Hải: Chúng ta phải trả sự sợ hãi về lại cho công an Việt Nam và chính quyền Việt Nam. Vì sự sợ hãi đó không xuất phát từ bản thân mình mà do chính quyền áp đặt lên từng người dân.

Cho nên khi chúng ta có những ý kiến khác biệt với ý kiến của chính phủ hay báo đài của chính quyền thì họ lập tức có những hành động khống chế, đàn áp, khủng bố khiến ngừơi dân sợ hãi. Xin mời anh Ngọc Quang nói thêm về vấn đề này.

Nguyễn Ngọc Quang: Vì sao chúng ta không dám công khai làm dân chủ? Vì chúng ta sợ, nhưng chúng ta đã lầm một điều. Sự sợ hãi đó là do chúng ta lỡ tay cầm nhầm “quà” của đảng cộng sản Việt Nam. Đảng cộng sản đã áp dụng những chính sách hết sức hà khắc để cai trị dân tộc Việt Nam bằng còng lý, lao lý, khiến người dân sợ hãi.

Chúng ta nhận ra được điều đó thì hãy trả ngay nỗi sợ đó về nguyên quán của nó, tức trả lại cho Đảng cộng sản. Họ là những ngừơi phi nghĩa, họ phải sợ. Chúng ta là những ngừơi chính nghĩa, không nên sợ. Trước nhất tôi khuyên các bạn trẻ, nhất là các bạn trong quốc nội hãy nhận ra rõ nỗi sợ đó không phải của mình, và vựơt qua nó, nhìn thẳng vào những tội ác của đảng cộng sản Việt Nam đã gây ra cho dân tộc của mình để nói lên sự thật.

Như bạn du sinh Nguyễn Tiến Trung đã nói: “Chúng ta không làm thì ai làm thay? Chúng ta không nói thì ai nói thay? Chúng ta không làm ngay thì đợi đến khi nào mới làm?” Cho nên hãy làm ngay bây giờ. Muốn làm đựơc điều đó, hãy vựơt lên sự sợ hãi. Đó là lời khuyên đầu tiên và cũng là lời khuyên cuối cùng của tôi đối với các bạn trẻ.

Trà Mi: Xin cảm ơn hai anh Phạm Bá Hải và Nguyễn Ngọc Quang đã dành thời gian giao lưu với các bạn trẻ trong chương trình hôm nay. Và cũng xin cảm ơn tất cả các bạn trẻ đã dành sự ủng hộ cho những thành viên khối dân chủ 8406.

Quý thính giả muốn tham gia thảo luận các đề tài trên "Diễn đàn bạn trẻ", vui lòng email cho chúng tôi qua địa chỉ vietweb@rfa.org hoặc để lại lời nhắn qua hộp thư thoại (202) 530 7775, kèm theo số phone, chúng tôi sẽ liên lạc và mời quý vị góp tiếng khi chương trình có những chủ đề mà quý vị quan tâm.

Từ Việt Nam và các nước khác, xin bấm số 001 trước dãy số (202) 530-7775.

“Diễn đàn bạn trẻ” hẹn trở lại cùng quý vị và các bạn trong một chủ đề mới vào giờ này, sáng thứ tư tuần sau.

Trà Mi kính chào.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.