Cập nhật về chương trình tang lễ Đức Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang

Mời quý vị nghe những chi tiết cập nhật về chương trình tang lễ Đức Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang có cuộc trao đổi giữa Nguyễn Khanh của Ban Việt Ngữ RFA với ông Võ Văn Ái, Giám Đốc Phòng Thông Tin Quốc Tế - Viện Hoá Đạo - Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA
2008.07.06
ThichHuyenQuangFuneral305.jpg Tam vị Hoà thượng Thích Quảng Độ, Thích Bảo An và Thích Thiện Hạnh dâng lễ thọ tang tại Tu viện Nguyên Thiều, 6.7.2008.
Hình của IBIB

Ông Võ Văn Ái : Sáng nay, lúc 8 giờ sáng, tại Nguyên Thiều, dưới sự hướng dẫn của Đại Lão Hoà Thường Thích Quảng Độ và tất cả chư tăng trong Hội Đồng Lưỡng Viện, tức Viện Tăng Thống và Viện Hoá Đạo, chư tăng đã làm lễ nhập Kim Quan Ngài. Và bây giờ đến Ngày 11 Tháng Bảy, tức Thứ Sáu tuần sau, thì sẽ nhập tháp, tức đưa Ngài đến nơi an nghỉ cuối cùng. Chương trình là như thế, thì có thể nói là chư tăng sáng nay đã làm lễ một cách rất là trang trọng và chưa có vấn đề gì lôi thôi thì đấy cũng là tin mừng.

Ngày nhập Tháp cho Đức Đệ Tứ Tăng Thống

Nguyễn Khanh : Muốn xin được hỏi ông là tại sao Giáo Hội lại chọn ngày Thứ Sáu tới đây là ngày nhập Tháp cho Đức Đệ Tứ Tăng Thống? Điều đó có mang một ý nghĩa đặc biệt nào không, thưa Ông?

Ông Võ Văn Ái : Dạ thưa, bởi vì như anh biết là trong chế độ của nhà nước ta hiện nay thì theo nguyên tắc việc tống táng phải làm ngay trong một ngày mà thôi, nhưng mà theo truyền thống của Đông Phương - Việt Nam thì như anh biết là người ta thường thường làm trong một tuần lễ đến hai tuần lễ, bởi vì cái kim quan - cái quan tài luôn luôn để trong các gia đình trong vòng nhiều ngày, như người Hoa họ làm đến 15 ngày lận, thì trong trường hợp của các ngài trong Phật Giáo thì ít nhất là một tuần lễ quàn ở chùa rồi chư tằng ni sẽ tụng niệm suốt trong 7 ngày đó.

Bởi vì như anh biết là trong chế độ của nhà nước ta hiện nay thì theo nguyên tắc việc tống táng phải làm ngay trong một ngày mà thôi, nhưng mà theo truyền thống của Đông Phương - Việt Nam thì như anh biết là người ta thường thường làm trong một tuần lễ đến hai tuần lễ, bởi vì cái kim quan - cái quan tài luôn luôn để trong các gia đình trong vòng nhiều ngày.

Thì trường hợp Đức Tăng Thống cũng như vậy, tức là theo truyền thống nghi lễ Phật Giáo thì phải trong một tuần lễ các ngài tụng niệm liên tục trong 7 ngày đó, rồi thì sau 7 ngày đó thì trong trường hợp Đức Tăng Thống thì sau 7 ngày mới đưa Ngài nhập Tháp.

Đấy là theo những tin chúng tôi được biết thì việc này sẽ không để cho ai làm việc hết, mà chư tăng sẽ cung thỉnh kim quan Ngài đến nơi an nghỉ, tức là nhập Tháp theo thuật ngữ của Phập Giáo. Thì đấy là chuyện truyền thống thôi chứ không có vấn đề vì sao lại 6-7 ngày.

Không bị gây khó khăn

Nguyễn Khanh : Muốn xin được hỏi ông thêm về trường hợp của Hoà Thượng Quảng Độ. Trước khi ra Tu Viện Nguyên Thiều, Ngài đã từng bị ngăn chận và thậm chí đã có những lời lẽ đe doạ, bây giờ Ngài đang có mặt ở tại Tu Viện Nguyên Thiều, ông có được tin tức gì về Ngài, như Ngài có gặp gì khó khăn không, thưa Ông?

Ông Võ Văn Ái : Đây là một điều có thể nói là một dấu hiệu rất lạ lùng và cũng mới, tức là không hề có một sự ngăn cản nào. Như anh biết, suốt trong mấy năm qua, mỗi lần mà Đức Tăng Thống bị ốm thì Ngài (Quảng Độ) đều lấy tàu lửa đi ra (Bình Định) nhưng lần nào cũng bị ngăn cản hết, kể cả đi xe hơi hay là tàu lửa, nhưng mà lần này thì có một cái may mắn là không bị ngăn cản là một, thứ hai là rất đông chư tăng - khoảng 30-40 vị từ các nơi như Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, cho tới Tiền Giang, Lâm Đồng đi về thì phải công nhận rằng không có sự ngăn cản nào cả.

thichhuyenquang200.jpg
Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang.
Photo courtesy of IBIB
Thì theo thiển ý của tôi, có dấu hiệu thứ nhất là nhà nước cũng thừa biết là tình trạng sức khoẻ của Đức Tăng Thống rất là trầm trọng, vì thú thực với anh là cả 10 ngày qua chúng tôi biết rằng Ngài không có qua khỏi rồi, thì đó là cái lý thứ nhất.

Cái thứ hai là cái ngày mà Đại Lão Hoà Thượng Thích Quảng Độ lấy tàu lửa đi ra ngoài Bình Định cũng là cái ngày họp về nhân quyền giữa phái đoàn Hoa Kỳ và phái đoàn Việt Nam ở Hà Nội, 28 và 29 Tháng Năm, rồi thì bây giờ đây thì có thể nói là suốt Tháng Bảy này thì Việt Nam là chủ tịch luân phiên của Hội Đồng Bảo An LHQ, rồi cũng do trong thời qua Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng có đến thăm Hoa Kỳ, thì tôi nghĩ trong những trường hợp lớn như vậy có lẽ nhà cầm quyền cộng sản cũng không thấy lợi gì để gây ra những chuyện như họ đã làm trong quá khứ.

Vì vậy tôi cho có hai yếu tố đó mà rất may mắn là Hoà Thượng Quảng Độ đã ở trên một tháng tại Bình Định mà không bị công an đến hạch sách hay là sách nhiễu hay là ép đưa về Sài Gòn. Đấy cũng là một điều rất may mắn.

Vị Đệ Ngũ Tăng Thống

Nguyễn Khanh : Đức Đệ Tứ Tăng Thống đã viên tịch, muốn xin được hỏi Ông là bao giờ thì Giáo Hội sẽ công bố danh tánh của vị Đệ Ngũ Tăng Thống, thưa Ông? 

Ông Võ Văn Ái : Cái đó thì bây giờ rất tiếc là chúng tôi chưa được tiết lộ vì chưa có lệnh của Giáo Hội, nhưng mà sẽ có 2 trường hợp xảy ra, thứ nhất là Đức Tăng Thống Thích Huyền Quang có để lại di chúc để mời một vị nào đó thay thế Ngài, và nếu trong trường hợp di chúc không có thì Hội Đồng Lưỡng Viện triệu tập một đại hội, chiếu theo Hiến Chương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, để công cử suy tôn một vị lãnh đạo kế thừa nhiệm vụ của Đức Tăng Thống Thích Huyền Quang.

Nguyễn Khanh : Liệu Đại Lão Hoà Thượng Quảng Độ có thể sẽ là người được chọn để giữ vai trò Đệ Ngũ Tăng Thống của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất hay không?

Ông Võ Văn Ái : Thì chúng tôi cũng chưa chưa được quyền để nói điều đó, xin vui lòng đợi cho một thời gian.

Nguyễn Khanh : Thay mặt quý thính giả, Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do chúng tôi xin rất cảm ơn ông về những tin tức mà ông vừa mới cho chúng tôi để chúng tôi có thể phổ biến đến quý vị thính giả bên quê nhà.

 

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.