6 người cầm bút VN được vinh danh

Giải thưởng uy tín Hellman/ Hammett, ghi nhận sự dũng cảm đối mặt với khủng bố chính trị, vừa tuyên bố danh sách các người cầm bút được nhận giải năm nay vào sáng ngày 4/8/2010, trong đó có 6 người cầm bút Việt Nam.
Khoa Diễm, phóng viên RFA
2010.08.04
Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy (một trong 6 người cầm bút VN được giải Hellman/ Hammett) cùng chồng tại phiên tòa sơ thẩm ở Hà Nội hôm 5-2-2010. Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy (một trong 6 người cầm bút VN được giải Hellman/ Hammett) cùng chồng tại phiên tòa sơ thẩm ở Hà Nội hôm 5-2-2010.
RFA file photo

Khoa Diễm có cuộc phỏng vấn ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách châu Á của tổ chức Theo dõi nhân quyền, về giải thưởng này như sau.

Thúc đẩy tôn trọng nhân quyền

Khoa Diễm: Trước hết, xin cám ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi nói chuyện hôm nay. Câu hỏi đầu tiên tôi muốn hỏi ông là tại sao tổ chức Theo dõi Nhân quyền lại chọn 6 người cầm bút này?

Họ đã viết về nhiều vấn đề, từ chính sách về quan hệ với Trung Quốc, đến khai thác bauxite, tự do ngôn luận, đến những đàn áp người dân của chính phủ địa phương.

Ô. Phil Robertson

Phil Robertson: Chúng ta thấy rõ là 6 người cầm bút này rất can đảm trong việc lên tiếng và thúc đẩy vấn đề tự do ngôn luận tại Việt Nam. Họ đã viết về nhiều vấn đề, từ chính sách về quan hệ với Trung Quốc, đến khai thác bauxite, tự do ngôn luận, đến những đàn áp người dân của chính phủ địa phương, tất cả những vấn đề này được coi là nhạy cảm với chính phủ Việt Nam và tất cả mọi người họ đều phải trả giá cho những điều họ viết. Họ đã bị quấy rối, bị bắt, và một số lớn bị bỏ tù với bản án nhiều năm tù giam. Sự chọn lựa này của chúng tôi không khó là mấy vì sự can đảm và niềm tin vào tự do ngôn luận của họ. Họ đã bày tỏ những niềm tin này trong một đường lối rất ôn hòa, kiên định và luôn thúc đẩy cho sự tôn trọng nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam.

Khoa Diễm: Xin ông cho biết ý nghĩa thật sự của giải thưởng Hellman/Hammett là gì?

Phil Robertson: Giải thưởng Hellman Hammett có ý nghĩ gì? Xin thưa là giải thưởng này ghi nhận và ủng hộ những người cầm bút đang đối diện với sự đàn áp nặng nề cũng như hạn chế quyền tự do ngôn luận của họ. Và tôi nghĩ rằng nhiều người rất hãnh diện về giải thưởng này và họ xứng đáng nhận giải thưởng này bởi sự can trường của họ.

Khoa Diễm: Làm thế nào mà Tổ chức Theo dõi Nhân quyền biết đến các người cầm bút này?

Phil Robertson: Chúng tôi đã để ý và quan sát các người cầm bút này trong một thời gian dài. Những người này đã cố gắng đưa ra những thông tin cần thiết, dù là trái chiều với nhà nước Việt Nam. Chúng tôi có nhân viên theo dõi những blogs, những bài viết của họ trong nhiều năm.

Khoa Diễm: Ông có gặp những trở ngại nào khi liên lạc với các người cầm bút?

Phil Robertson: Hiện tại, việc liên lạc với họ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Cho những người đang còn bị giam giữ thì gia đình họ sẽ là những người chuyển đến họ tin tức về giải thưởng này. Chúng tôi không có cách liên lạc trực tiếp với các người cầm bút này. Tôi nghĩ việc không thể trực tiếp gặp gỡ và thông báo cho những người này biết về việc họ đã được trao giải Hellman/Hammett không phải là một vấn đề gì lớn lao cả. Qua các thông tin báo chí trong và ngoài nước, việc này rồi cũng sẽ đến tai họ mà thôi.

Cả thế giới biết đến

Khoa Diễm: Ông có nghĩ rằng việc nhận giải thưởng này sẽ gây thêm nhiều khó khăn cho gia đình và cá nhân của những người cầm bút này không?

Ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách châu Á của tổ chức Theo dõi nhân quyền Human Rights Watch. Photo courtesy of HRW.
Ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách châu Á của tổ chức Theo dõi nhân quyền Human Rights Watch. Photo courtesy of HRW.
Phil Robertson: Họ luôn nói rằng họ sẽ không dừng lại và sẽ không im tiếng. Mẹ Nấm, một ví dụ, từng rất cởi mở trả lời với CNN khi công ty truyền thông này phỏng vấn bà khi họ đến Việt Nam làm việc. Bà nói rằng những người cầm bút như bà đã không làm gì sai, họ nói về những điều họ thấy, bàn thảo về các vấn đề họ quan tâm và nghĩ rằng nhà nước Việt Nam nên quan tâm hơn. Họ đòi nhân quyền, đòi hỏi tự do ngôn luận, bày tỏ ý tưởng của họ một cách ôn hòa, họ không nghĩ là họ sai.

Những phản ứng mà chúng tôi nhận được cho thấy họ rất hãnh diện vì đã được nhận giải thưởng uy tín này. Tôi không nghĩ rằng những giải thưởng này sẽ làm làm họ bị chú ý thêm vì bản thân đang nằm trước tầm ngắm của chính phủ Việt Nam. Một số lớn đã bị bỏ tù, lẽ đương nhiên chính phủ Việt Nam đã biết họ là ai và không chấp nhận những việc họ đang làm. Nếu họ vẫn tiếp tục thì họ sẽ gặp rắc rối với chính phủ Việt Nam. Theo nhận xét của chúng tôi thì khi các người cầm bút nhận giải thường này thì những gì họ đã và đang làm, sẽ được chú ý hơn và sẽ bảo vệ cho họ vì bây giờ họ đã được cả thế giới biết đến.  

Khoa Diễm: Ngoài văn bản công nhận hay giấy khen, các người cầm bút có nhận thêm hiện kim đi kèm hay không?

Phil Robertson: Mỗi người họ sẽ nhận được một khoản tiền thưởng lên đến 10.000 đô la. Tuy nhiên, điều quan trọng đây không phải là về số tiền mà họ sẽ nhận được dù là số tiền này sẽ giúp gia đình họ một cuộc sống tốt hơn vì khi họ bị quấy rối hay bị đuổi việc vì những việc làm của họ thì gia đình gặp khó khăn về tài chánh, một vấn đề không thể tránh khỏi.

Khoa Diễm: Năm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền chọn ra 42 người cầm bút trong 20 quốc gia, trong đó có 6 người cầm bút Việt Nam, con số rất lớn, ông có lời gởi gắm gì với thế giới về vấn đề tự do ngôn luận tại Việt Nam? Ông có nhận xét gì đề vấn đề này?

Khi các người cầm bút nhận giải thường này thì những gì họ đã và đang làm, sẽ được chú ý hơn và sẽ bảo vệ cho họ vì bây giờ họ đã được cả thế giới biết đến.  

Ô. Phil Robertson

Phil Robertson: Với sự thật là chúng tôi đã chọn 6 người cầm bút Việt Nam trong 42 người cầm bút từ 20 quốc gia phản ảnh hai vấn đề. Thứ nhất, phản ảnh về sự can đảm của các người cầm bút tại Việt Nam, những người này rất đặc biệt, rất hiếm có. Họ đang làm một việc rất to lớn trong việc đòi quyền lợi họ đáng phải có và cuối cùng thì họ phải trả một giá rất đắt khi phải chịu sự quấy nhiễu của chính quyền và đôi khi bị cầm tù.

Điều này đồng thời cũng cho thấy rằng tự do biểu lộ tại Việt Nam vẫn còn đang trong vòng đe dọa và nhà nước Việt Nam dù đã có những sự thăng tiến lớn trong kinh tế nhưng vẫn chưa thể chấp nhận tự do biểu lộ, chấp nhận những cái nhìn độc lập hay các phương tiện truyền thông độc lập. Chúng ta thấy rằng điều này không chỉ xảy ra cho các phương tiện thông tin đại chúng như ti vi mà còn có sự quấy nhiễu các blogs, các tường lửa, sự cấm đoán sử dụng internet tại Việt Nam khi người sử dụng muốn vào các trang mạng nước ngoài. Và các cuộc tấn công vào các trang web có những ý kiến bất đồng với nhà nước Việt Nam.    

Khoa Diễm: Vậy sau khi giải thưởng này được trao ra, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền sẽ tiếp tục quân tâm đến những người cầm bút này chứ?

Phil Robertson: Đương nhiên, đương nhiên. Nếu như họ tiếp tục làm công việc họ đang làm thì chúng tôi sẽ luôn quan sát, theo dõi và ủng hộ những bước đi kế tiếp của họ. 

Khoa Diễm: Xin cám ơn ông.  

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.