Đại sứ VN tại Mỹ trả lời phỏng vấn về vấn đề biên giới lãnh hải với Trung Quốc

Vấn đề biên giới Việt Trung trên đất liền, trong vùng biển vịnh Bắc Bộ và vấn đề Hòang Sa, Trường Sa qua lời của Đại sứ Lê Công Phụng, người trực tiếp trách nhiệm trong đàm phán với Trung Quốc.
Trà Mi, phóng viên đài RFA
2008.09.25
Phung-Truc-09232008-305.jpg Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Lê Công Phụng (ảnh trái), trong cuộc trả lời phỏng vấn nhà báo Lý Kiến Trúc (ảnh phải).
Hình do nhà báo Lý Kiến Trúc cung cấp.

Từ khi vấn đề biên giới Trung Việt trên đất liền cũng như trên biển, trong đó có hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, trở nên nóng bỏng, được sự quan tâm sâu sắc của dư luận trong ngòai nước, ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do đã phỏng vấn nhiều chuyên gia và những người quan tâm trong ngoài nước để tìm hiểu vấn đề dưới đủ mọi góc cạnh.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa có cơ hội nghe phát biểu của người trực tiếp trách nhiệm, là ông Lê Công Phụng.


Trước khi trở thành đại sứ Việt Nam tại Hoa kỳ vào cuối tháng chín năm ngóai, ông Phụng là
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ về biên giới, lãnh thổ với Trung Quốc từ đầu năm 2000. Đầu năm sau, ông là Thứ trửơng bộ ngọai giao, Trửơng ban biên giới.

Nhân dịp nhà báo Lý Kiến Trúc, chủ nhiệm tạp chí Văn Hóa xuất bản và phát hành tại quận Cam, California có cơ hội trực tiếp phỏng vấn đại sứ Lê Công Phụng, biên tập viên Trà Mi của Ban Việt ngữ RFA đã hỏi chuyện ông Trúc, được ông kể lại và cho phép sử dụng băng ghi âm cuộc trao đổi giữa ông và ông Phụng. Mời quý thính giả theo dõi.
Nghe cuộc phỏng vấn này
Tải xuống để nghe lại - download

Lý Kiến Trúc: Sáng ngày 23/9/2008 ti Washington DC, chúng tôi có cuc phng vn riêng vi ông Lê Công Phng, đi s nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Hoa Thịnh Đốn.

Trà Mi: Ông có thể giới thiệu sơ lược với quý thính giả vài nét chính của cuộc trao đổi này, thưa ông?

Lý Kiến Trúc: Cuộc phỏng vấn này xoay quanh 3 chủ đề chính. Thứ nhất là về biên giới Việt-Trung. Thứ hai là về Vịnh Bắc Bộ và nghị định thư giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vùng đánh cá. Thứ ba là vấn đề Hoàng Sa-Trường Sa và biện pháp giải quýêt cơn khủng hoảng Hoàng Sa-Trường Sa hiện nay giữa Hoa Kỳ, Việt Nam, và ngay cả cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại.

LeCongPhung-09232008a-200.jpg
Ông Lê Công Phụng, Đại sứ VN tại Hoa Kỳ, nguyên Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ về biên giới, lãnh thổ với Trung Quốc.
Chúng tôi nghĩ rằng những điểm mà chúng tôi đề xuất ra đây với đại sứ Lê Công Phụng là những niềm suy nghĩ thiêng liêng của người Việt trong và ngoài nước đối với đất đai, biển cả, Tổ quốc Việt Nam.

Lập luận của ông Lê Công Phụng

Trà Mi: Thưa những điều ông vừa nói là những vấn đề rất nhạy cảm mà rất nhiều người quan tâm, thì trong những lời giải đáp của ông Lê Công Phụng đối với những thắc mắc mà ông nêu lên tại buổi gặp gỡ đó, điểm nào đáng chú ý nhất?

Lý Kiến Trúc: Điểm thứ nhất về biên giới Việt-Trung, ông Phụng có nói với chúng tôi là ông đã bị nhiều người đổ tội cho ông là đã bán đất ở biên giới Việt-Trung. Và ông Phụng khẳng định là không có chuyện bán đất đó, riêng với cá nhân ông, cũng như là vấn đề mất mát thước vuông như thế nào, vùng biên giới đó được phân định, được cắm mốc như thế nào, tất cả những sự kiện cụ thể đó ông Lê Công Phụng đã nói rất đầy đủ:

“Lúc tôi còn làm trưởng ban biên giới, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, trưởng ban biên giới phụ trách về đàm phán biên giới với các nước láng giềng, thì cũng có nhiều người người ta không hiểu, người ta tố cáo, phản đối tôi với tư cách là trưởng đoàn đàm phán. Người ta nói là tôi đã bán cho Trung Quốc khoảng độ 5-7 trăm cây số vuông trên biên giới đất liền.

Nhân dịp này tôi muốn thưa lại quý vị cho rõ hơn. Khi chúng ta bắt đầu đàm phán với Trung Quốc một cách thực sự cuối những năm 90, cái cơ sở để đàm phán là chúng ta lấy cái bản đồ và cái đường biên giới mà Pháp và Nhà Thanh đã ký kết hơn 100 năm trước. Cái đường biên giới đó vẫn còn lưu giữ ở ta, Trung Quốc, Pháp, và Đài Loan.

Trên cơ sở cái bản đồ và cái đường biên giới đó thì Việt Nam vẽ một đường biên giới của Việt Nam, Trung Quốc vẽ một đường biên giới của Trung Quốc dựa theo bản đồ mà Pháp và Nhà Thanh đã làm. Trên cơ sở bản đồ Pháp-Thanh như thế này, thì phía Việt Nam chủ trương là đường biên giới đi như thế nào, và phía Trung Quốc chủ trương đường biên giới đi như thế nào.

Khi chúng ta cùng với Trung Quốc ngồi vào đàm phán thực sự, đưa hai bản đồ của Việt Nam và của Trung Quốc ra so với nhau theo bản đồ của Pháp-Thanh thì thực chất nó chỉ chênh lệch nhau 227 cây số vuông trên 64 điểm trên toàn tuýên biên giới. Vậy nói đàm phán đường biên giới trên bộ thực chất là chỉ bàn để phân định 227 cây số vuông đấy thôi.

Và kết quả cuối cùng là Việt Nam quản lý được thêm 113 cây số vuông, và Trung Quốc quản lý 114 cây số vuông. Như vậy chênh nhau khoảng độ hơn 1 cây số trong suốt quá trình đàm phán và phân định.

Liên quan đến các điểm cao, tôi cũng muốn nói với các vị rằng là năm 1979 Trung Quốc tấn công Việt Nam kết thúc thì cơ bản là Trung Quốc rút về đường biên giới cũ. Trung Quốc giữ lại, chiếm đất của Việt Nam khoảng độ 27 điểm, trong đó hầu hết là các điểm cao.

Trong quá trình đàm phán, chúng ta yêu cầu Trung Quốc trả lại các điểm cao. Trước khi ký hiệp ước, Trung Quốc trả lại 15 điểm cao. Còn lại 12 điểm cao, ta đấu tranh quýêt liệt, và cuối cùng còn lại 6 điểm cao cuối cùng thì chúng ta đưa đường biên giới chạy lên giữa các điểm cao đó.”

LyKienTruc-09232008a-200.jpg
Nhà báo Lý Kiến Trúc, Chủ nhiệm tạp chí Văn Hóa xuất bản và phát hành tại quận Cam, California.

Lý Kiến Trúc: Vấn đề thứ hai, về Vịnh Bắc Bộ, ông Lê Công Phụng có nói rằng không có chuỵên mất hơn 10 ngàn km vuông ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ:

“Chúng ta phân chia Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc là dựa trên luật pháp quốc tế, Công ước về luật biển của Liên Hiệp Quốc, dựa vào các tạp quán quốc tế quy tụ các đảo, các bờ và phân chia theo cái bờ của mỗi nước. Trung Quốc thì có vùng Quảng Đông có đảo Hải Nam. Chúng ta thì có toàn bộ từ miền Bắc vào đến tận Quảng Trị. Vậy là căn cứ vào bờ biển của 2 bên để phân chia vùng Vịnh Bắc Bộ.

Khi ký kết hiệp định, nếu như so diện tích giữa chúng ta và Trung Quốc, thì chúng ta hơn Trung Quốc 8 nghìn cây số vuông. Chúng ta không mất. Tại sao Trung Quốc chấp nhận cho chúng ta hơn 8 nghìn cây số vuông? Bởi vì bờ biển của ta là bờ biển lõm, nó vòng vào thế này, bờ biển Trung Quốc Hải Nam thì nó vòng ra thế này.

Trong khi chia vùng nước, anh nào mà có bờ biển lõm thì anh có lợi hơn, chứ không có dễ dàng Trung Quốc người ta nhường mình 8 nghìn cây số vuông đâu. Nói mất 10 nghìn thước vuông thì vô lý, không đúng đâu. Chúng tôi cũng không muốn nói cụ thể là lúc chia nó như thế nào, thế nào.

Nhưng cũng thưa thật với các quý vị, chúng ta giữ diện tích của đất nước là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là chúng ta phải giữ được cái gì nằm dưới đáy biển. Cũng có lúc đàm phán Trung Quốc người ta xung phong hiến cho chúng tôi 3 nghìn cây số vuông ở chỗ khác để họ lấy chỗ này chỉ độ 150 cây số vuông. Nhưng mình không chịu, mình không lấy cái nước, cái mặt nước để làm gì. Mình tính cái ở dưới, vừa giữ được chủ quyền đất đai, mà vừa giữ được lợi ích cho quốc gia.”

Lý Kiến Trúc: Thứ ba, về vấn đề Hoàng Sa-Trường Sa, tôi có hỏi biện pháp giải quyết đến nay như thế nào. Ông Lê Công Phụng dẫn chứng lời của ông Thứ trưởng Hoa Kỳ vừa mới họp báo ở Hà Nội, khẳng định là những công ty Mỹ có quyền khai thác, kinh doanh ở những vùng biển mà Việt Nam đang làm chủ. Đồng thời, sự kiện này cũng liên quan đến lời của Tổng Thống Bush đã tuyên bố sẽ bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam.

Ông Phụng cũng đưa ra một ý hướng là Việt Nam luôn luôn chủ trương đối thoại, cương quýêt bảo vệ cho đến cùng đất đai và biển cả của Việt Nam. Ông Phụng khẳng định là Hoàng Sa mặc dù bây giờ đã mất hoàn toàn trong tay Trung Quốc, nhưng Hoàng Sa-Trường Sa mãi mãi là của Việt Nam:

“Hoàng Sa-Trường Sa thì phải khẳng định một điều là Việt Nam có đủ chứng cứ, cơ sở pháp lý, và căn cứ lịch sử để khẳng định Hoàng Sa-Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Cũng đã có nhiều người nói là có thể đưa ra toà án quốc tế, đưa lên Liên hiệp quốc để đấu tranh chuyện này. Chúng ta cũng đang dự tính, nhưng mà cũng có thấy một điều là đất nước mình bên cạnh Trung Quốc. Ông cha đặt mình ở đấy thì mình phải ở đấy. Sống bên cạnh nước lớn thì phải biết cách sống.

Chúng ta đánh cho phong kiến Trung Quốc thua mình, còn phải cấp gạo, cấp lương thực, cấp vàng, cấp ngựa cấp xe cho chúng đi về, phải trải thảm đỏ cho chúng đi về. Đấy là kinh nghiệm của ông cha sống bên cạnh xứ láng giềng lớn, thì mình cũng phải học theo các cụ.

Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của Bạn. email: vietweb@rfa.org

Bây giờ Trung Quốc ngày càng phát triển mạnh, mình không ngăn người ta không mạnh được, thì mình phải học cách sống được với người ta, bên cạnh một nước mạnh. Và cũng nói thật với các vị là có vấn đề gì phức tạp với Trung Quốc, thì mình đâu có yên được. Mình giữ cái của mình, tìm mọi cách giữ cho bằng được, nhất là về đất đai, chủ quyền, lãnh thổ, thế và phải xem người ta như thế nào rồi mình sống với người ta.”   

Lý Kiến Trúc: Xin cảm ơn cuộc phỏng vấn của đài RFA dành cho chúng tôi.

Trà Mi: Cảm ơn ông rất nhiều vì đã dành thời gian cho cuộc trao đổi.


Vừa rồi là cuộc trao đổi giữa biên tập viên Trà Mi của ban Việt ngữ và nhà báo Lý Kiến Trúc, Chủ nhiệm tạp chí Văn Hóa, với những lời phát biểu của ông Lê Công Phụng, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, liên quan đến vấn đề biên giới Việt-Trung.

Quý vị có thể nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn  ông Lê Công Phụng do nhà báo Lý Kiến Trúc thực hiện, trên trang web của chúng tôi: www.rfa.org/vietnamese/SpecialTopic/ChinaVietnamBorder

Theo dòng thời sự:

 


Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.