Ảnh hưởng của chất da cam, 35 năm sau chiến tranh

35 năm sau chiến tranh, hậu quả của hóa chất màu cam với người dân vẫn là một trong những vấn đề còn gây tranh cãi nhiều giữa phía chính phủ Hà Nội và Hoa Kỳ.
Quỳnh Như, phóng viên RFA
2010.04.26
000_Hkg2251958-305.jpg Ông Hoàng Văn Huệ, cựu chiến binh cùng vợ Ung Thị Tám và con trai Hoàng Bình Lập, 31 tuổi (đầu tiên bên trái), con gái Hoàng Thị Ngọc Hà, 26 tuổi (thứ hai bên trái) trong buổi phỏng vấn của AFP tại nhà họ ở ngoại thành Hà Nội hôm 26/3/2009. Ông Huệ nói rằng con cái của ông bị tàn tật do ảnh hưởng của hóa chất màu cam mà quân đội Mỹ rải xuống trong chiến tranh.
AFP photo/Hoang Dinh Nam

Cuối năm ngoái, phiên họp song phương thường niên lần thứ 4 của Ủy ban Tư vấn Hỗn hợp Mỹ-Việt Nam về chất Da cam/dioxin đã thoả thuận thực hiện kế hoạch tổng thể khắc phục ảnh hưởng chất Da cam tại ba điểm nóng là: sân bay Đà Nẵng, Biên Hoà và Phù Cát.

Hợp tác khắc phục hậu quả

Chất Da cam dịch theo tiếng Anh là Agent Orange - Tác nhân da cam. Đây là tên gọi của một loại chất thuốc diệt cỏ và làm rụng lá cây được quân đội Hoa Kỳ sử dụng tại Việt Nam trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam.

Nhiều người cho rằng ngoài tác hại gây ra cho môi trường, hóa chất này còn gây hậu quả trầm trọng cho tính mạng, sức khỏe của nhiều người tiếp xúc với nó, thậm chí tới các thế hệ sinh ra sau chiến tranh. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam, hiện có khoảng ba triệu người Việt Nam đang phải gánh chịu những hậu quả của chất da cam từ thời chiến tranh, đa số là những hộ nghèo có cuộc sống rất khó khăn chật vật.

Trong một thời gian dài phía Mỹ không nhìn nhận vấn đề hậu quả của chất dioxin có liên hệ đến các bệnh tật của các cựu chiến binh đã từng sang Việt Nam chiến đấu, và những người Việt Nam bị nhiễm chất dioxin trong thời gian chiến tranh. Tuy nhiên, trong vòng những năm gần đây, hai nước đã đạt được những bước tiến nhất định trong vấn đề này. Hiện nay Ủy Ban Hỗn hợp Mỹ-Việt cùng làm việc để khắc phục hậu quả môi trường; xử lý các vùng bị ô nhiễm nặng, và có chương trình chăm sóc, hỗ trợ những người bị nhiễm dioxin.  

Việc xúc tiến của phía Mỹ cũng là cái để cho người dân thấy được chính phủ Mỹ cùng hợp tác với chính phủ Việt Nam để khắc phục ảnh hưởng này. Nhưng cũng vẫn đang là quá trình xúc tiến, vẫn là đang cùng nhau thực hiện, chứ hiện nay cũng chưa có kết quả cụ thể.

TS. Lê Thị Hải Lê

 

Tiến sĩ Lê Thị Hải Lê, chuyên viên nghiên cứu của Văn phòng Ban Chỉ đạo 33, là cơ quan đầu mối hợp tác với các tổ chức để nghiên cứu khắc phục hậu quả chất Da cam, trực thuộc Bộ Tài Nguyên Môi trường Việt Nam cho biết ý kiến:

“Trong thời gian vừa rồi, phía Mỹ cũng có thiện chí, Quốc hội Mỹ cũng đưa vào ngân sách của họ một phần chi phí để hỗ trợ cho Việt Nam trong việc khắc phục hậu quả chất Da cam, trong đó có công việc liên quan đến tẩy độc ở các sân bay mà trước đây Mỹ sử dụng làm nơi chứa các chất hoá học.

Việc xúc tiến của phía Mỹ cũng là cái để cho người dân thấy được chính phủ Mỹ cùng hợp tác với chính phủ Việt Nam để khắc phục ảnh hưởng này. Nhưng cũng vẫn đang là quá trình xúc tiến, vẫn là đang cùng nhau thực hiện, chứ hiện nay cũng chưa có kết quả cụ thể. Hiện nay, quan hệ Mỹ-Việt Nam có nhiều cái thay đổi nên rất thuận lợi trong công tác này. Bên cạnh đó cũng có những khó khăn, nhưng tôi tin rằng chính phủ hai nước sẽ phải mau chóng tìm ra được giải pháp trong giai đoạn này.”

000_Hkg2759719-200.jpg
Bà Hoàng Thị The, 71 tuổi (trái) bên cạnh con trai là anh Trần Đức Nghiã, 35 tuổi và con gái là chị Trần Thị Ty Nga, 31 tuổi. Họ là nạn nhân của hóa chất màu cam. Ảnh chụp ngày 23/6/2009 tại nhà riêng của họ gần sân bay Đà Nẵng. AFP photo
AFP photo
Theo kế hoạch Ủy ban Tư vấn Hỗn hợp Mỹ-Việt Nam về chất Da cam đã thoả thuận, là hợp tác nghiên cứu, thực hiện các chương trình y tế cộng đồng và cải tạo môi trường để khắc phục hậu quả chất dioxin ở ba khu vực, được coi là nơi có nồng độ chất dioxin rất cao là sân bay Đà Nẵng, Phù Cát và Biên Hoà. Quốc hội Hoa kỳ đã phê duyệt tài trợ cho Việt Nam một khoản ngân sách để thực hiện kế hoạch này thông qua tổ chức USAID. Trước tiên là 3 triệu đô la dùng vào việc tẩy độc, và hỗ trợ cho những nạn nhân chất Da cam ở Đà Nẵng. Tuy nhiên việc giải ngân số tiền này cho đến nay vẫn còn rất chậm.

Về phía Việt Nam, Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ kết hợp với Ban Chỉ đạo Quốc gia Khắc phục Hậu quả Chất độc Da cam, còn gọi là Ban Chỉ đạo 33, tiến hành tẩy rửa chất Da cam ở các khu vực trọng điểm đã nêu. Công nghệ chủ yếu mà cơ quan quốc phòng áp dụng hiện nay là chôn lấp, khoanh vùng, để giúp ngăn chặn nguy cơ chất Da cam lan ra bên ngoài do quá trình mưa, lũ, nước trôi rữa từ khu vực bị nhiểm chất Da cam lan rộng ra các vùng dân cư xung quanh. Theo ý kiến của các chuyên gia, đây là giải pháp thực hiện nhằm ngăn chặn sự lan rộng tức thời, để người dân ở bên ngoài vùng bị nhiễm chất Da cam sẽ không bị ảnh hưởng.

Những vấn đề nan giải

Cả phía Việt Nam và đối tác Hoa kỳ đều mong muốn khắc phục ảnh hưởng của chất dioxin đối với môi trường một cách triệt để cho người dân được sống yên ổn, lành mạnh. Tuy nhiên, theo ý kiến của Cán bộ Văn phòng Ban Chỉ đạo 33, trong kế hoạch tẩy chất Da cam ở sân bay Đà Nẵng cũng nổi lên một số vấn đề nan giải.

Do khả năng và điều kiện của công nghệ Việt Nam chưa cao nên không thể đáp ứng ngay yêu cầu có thể tẩy rửa hết chất dioxin một cách triệt để, vì vậy mới đây phía Hoa kỳ giới thiệu với đối tác Việt nam Công nghệ Giải nhiệt, tức là dùng nhiệt để khử chất dioxin. Nhưng công nghệ này cũng chỉ mới ở quy mô trong phòng thí nghiệm, một số nước đã thực hiện, còn trên thực tiễn kết quả như thế nào thì vẫn chưa được khẵng định. Muốn biết phương pháp này có thực sự đảm bảo thành công hay không, các nhà khoa học Việt Nam yêu cầu phải qua quá trình thử nghiệm.

Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy tỉ lệ bệnh tật ở khu vực này tương đối cao so với các vùng khác, nhưng người dân không thể bỏ đất của họ mà đi được và một số người khác vẫn có thể tìm đến để sinh nhai.
TS. Lê Thị Hải Lê

Theo Tiến sĩ Hải Lê, nếu có thử nghiệm công nghệ mới thì có thể sẽ tiến hành ở sân bay Đà Nẵng. Tuy nhiên, vấn đề là kinh phí thực hiện rất lớn, và giả sử việc thử nghiệm có đạt yêu cầu đi chăng nữa thì cũng chưa có nguồn ngân sách để chi cho việc sử dụng công nghệ mới đó. Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, và chính USAID cũng đã tính toán, nguồn tiền ấy lên tới khoảng gần 40 triệu đôla. Trong giai đoạn này thì chưa có công nghệ nào có thể khẵng định tẩy chất dioxin được một cách triệt để.

 Riêng ở hai khu vực còn lại là sân bay Phù Cát và Biên Hoà, Tiến sĩ Lê Thị Hải Lê cho biết:

“Ở Phù Cát, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã xác định được mức độ ô nhiễm và diện tích cần xử lý, khoảng độ hơn 2,000 m2. Và với mức độ như vậy thì năm kia, nước Cộng hoà Séc cũng muốn giúp Việt Nam, và dự định chi một khoản tiền là 1,5 triệu Euro để giải quyết ở Phù cát. Sau khi chúng tôi đã cùng với họ xây dựng một dự án rất đầy đủ thì Cộng hoà Séc gặp khủng hoảng kinh tế nên họ dừng. Bây giờ Việt Nam đang kêu gọi tìm các đối tác quốc tế giúp nên kế hoạch thực hiện ở Phù Cát hiện nay vẫn còn dang dở. 

Ở Biên Hoà thì chủ yếu Bộ Quốc phòng Việt Nam làm, dùng ngân sách của chính phủ Việt Nam, cũng sử dụng biện pháp chôn lấp, cô lập lại. Cho đến nay, về cơ bản phần chôn lấp ở Biên Hòa đã xong, bây giờ tiếp tục tìm ở các khu vực khác xem mức độ như thế nào để giải quyết tiếp.”     

Tâm lý người dân

Defoliation_agent_spraying-305-250.jpg
Chiếc máy bay số hiệu UH-1D từ Đại đội không quân 336 đang rải chất diệt cỏ trong vùng rừng của châu thổ sông Mê Kông, 26/07/1969. Photo courtesy of wikipedia
Chiếc máy bay số hiệu UH-1D từ Đại đội không quân 336 đang rải chất diệt cỏ trong vùng rừng của châu thổ sông Mê Kông, 26/07/1969. Photo courtesy of wikipedia
Tiến sĩ Hải Lê cũng đã nhiều lần đến công tác tại những vùng dân cư bị nhiễm chất dioxin, chuyên gia này cho biết về cuộc sống của những cư dân ở các khu vực đó:“Phía Việt Nam chúng tôi cũng đã có những giải pháp để người dân yên tâm. Nhưng kết quả thì không thể là ngày một, ngày hai, và người dân cũng rất hiểu điều đó. Tức là phải có một giải pháp nào đó để ngăn chặn chất Da cam triệt để.

Tất nhiên cũng có những khó khăn nhất định, và bệnh tật vẫn còn trong mức là có những ảnh hưởng, và người dân cũng biết là họ đang sống ở những vùng như vậy. Tuy nhiên, vẫn phải có những cách để khắc phục. Ở đây không có nghĩa là cuộc sống bị xoá đi, mà người ta vẫn phải luôn đấu tranh và cùng nhau xây dựng. Về cơ bản các bệnh tật trong thời gian qua vẫn còn, đã có nhiều nghiên cứu cho thấy tỉ lệ bệnh tật ở khu vực này tương đối cao so với các vùng khác, nhưng người dân không thể bỏ đất của họ mà đi được và một số người khác vẫn có thể tìm đến để sinh nhai.

Về phía Việt Nam, từ xưa đến nay chúng tôi đã rất cố gắng, và người dân ở đây họ cũng biết là có những cái chính phủ hết sức quan tâm. Có một số dự án giúp cho người khuyết tật, những người chịu ảnh hưởng của chất da cam có được một số điều kiện để hoà nhập với cộng đồng. Những vấn đề đó gần đây đã có những chuyển biến rõ rệt, chuyển biến tốt.”  

Khi người ta bắt đầu ý thức được về sự nguy hại của chất dioxin, và biết được sự hỗ trợ cho việc tẩy rửa chất dioxin ở sân bay thì người dân yên tâm hơn trong việc sinh sống và định cư ở đó.   
Ô. Phan Thành Tiến

Ông Phan Thành Tiến, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân Chất độc Da cam thành phố Đà Nẵng, người thường xuyên vào khu vực sân bay Đà Nẵng công tác cũng cho biết:

“Hầu hết dân cư khu vực sân bay đều biết về việc tẩy rửa chất Da cam trong sân bay. Trước 2004, việc nhận thức về chất độc Da cam ở Việt Nam, cũng như ở Đà Nẵng là chưa cao, người ta chưa biết về chất độc Da cam nhiều. Từ đầu năm 2007 đến nay, khi bắt đầu tuyên truyền ra thì người ta biết và người ta lo sợ. Thực tế có nhiều gia đình sống ở đó dùng nguồn nước trực tiếp từ lòng đất lên thì khi sinh con, con họ bị dị tật, dị dạng, tức là bị phơi nhiễm chất độc Da cam.

Người dân biết việc đó nên họ lo sợ. Khi người ta bắt đầu ý thức được về sự nguy hại của chất dioxin, và biết được sự hỗ trợ cho việc tẩy rửa chất dioxin ở sân bay thì người dân yên tâm hơn trong việc sinh sống và định cư ở đó.   

Cả thành phố Đà Nẵng có khoảng năm ngàn người bị nhiễm chất Da cam, Hội Nạn nhân Chất độc Da cam Thành phố Đà Nẵng chăm sóc và hỗ trợ cho khoảng bốn ngàn người bị nhiễm chất dioxin. Những khoản chi này của Hội một phần lấy từ kinh phí được Uỷ Ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng cấp, nhưng phần lớn nhờ sự vận động quyên góp từ các tổ chức từ thiện như: Ford Foundation, UNICEF, hoặc Quỹ Cựu Chiến binh Mỹ, và từ các mạnh thường quân trong và ngoài Tỉnh, nhưng chưa nhận được một khoản kinh phí nào từ Quỹ Hỗ trợ cho những người bị nhiễm chất Da cam do chính phủ Hoa kỳ tài trợ.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.