Một số bí quyết khi truy cập, gửi, nhận thông tin trên internet
2007.11.15
Để giúp qúy vị và các bạn tìm lời giải đáp, Trà Mi có cuộc trao đổi với ông Ethan Zuckerman, chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu về internet và xã hội Berkman, thuộc trừơng luật Harvard, tại Hoa Kỳ.
Ông Zuckerman là ngừơi góp mặt trong rất nhiều công trình nghiên cứu nhằm phát triển tính hữu dụng của công nghệ thông tin phục vụ xã hội dân sự và quyền tự do thông tin của con người. Ông đã được trao rất nhiều giải thưởng và danh hiệu cao quý về những cống hiến cho nhân loại trong lĩnh vực này. Trong số này có danh hiệu “Nhà lãnh đạo tương lai của toàn cầu” vào năm 2003 và “Nhà lãnh đạo trẻ của toàn cầu” vào năm 2005.
Gửi, nhận email ở Việt Nam
Trà Mi: Các hoạt động trao đổi thông tin trên mạng có thể chia thành hai dạng chính như trao đổi, phổ biến thông tin, phát biểu ý kiến qua email hay blog, hoặc tìm kiếm, cập nhật thông tin bên ngoài bằng các công cụ vựơt tường lửa. Trước hết, nói về phương tiện phổ biến nhất hiện nay là email, xin được hỏi ông làm cách nào để sử dụng email một cách an toàn nhất?
Ông Ethan Zuckerman: Tại một quốc gia như Việt Nam, nơi internet bị nhà nước quản lý chặt chẽ, thì các cư dân mạng, đặc biệt là những ai muốn tự do truy cập thông tin hay bày tỏ quan điểm trên mạng, phải đối diện với rất nhiều rủi ro và đàn áp từ phía chính quyền.
Vì vậy, đăng ký sử dụng các tài khoản email từ các nhà cung cấp dịch vụ email miễn phí như yahoo hay hotmail chẳng hạn quả thật là không an toàn. Các nhà cung cấp này có thể giao nộp thông tin cá nhân và nội dung trao đổi thư từ của bạn cho an ninh mạng, nếu đựơc yêu cầu.
Hiện nay có những nhà cung cấp email cung cấp công cụ hỗ trợ cho các dạng email mã hoá. Một ví dụ điển hình là Google, tức dịch vụ gmail. Nếu bạn vào đường link URL tên là: https://mail.google.com/mail để đăng ký 1 tài khoản email với Google thì bạn sẽ có một địa chỉ email mà sử dụng nó thì nội dung email của bạn khi gửi đi sẽ được mã hoá.
Cho nên, trên đường thư tới tay ngừơi nhận, an ninh theo dõi trên mạng không thể biết được nội dung của lá thư. Thế nhưng, điều này không có nghĩa đây là cách an toàn tuyệt đối. Vì thư của bạn được tải về trạm chuyển thư là Google trước khi được gửi tới người nhận, thì cũng có khả năng là khi được chính quyền Việt Nam yêu cầu, Google có thể sẽ hợp tác bằng cách cung cấp cả nội dung email và thông tin của người gửi.
An ninh trong thế giới blog
Trà Mi: Còn về việc sử dụng nhật ký điện tử Blog để trao đổi, phổ biến thông tin hay bày tỏ quan điểm. Ông có lời khuyên gì giúp những bloggers tại Việt Nam tự bảo vệ an toàn cá nhân?
Ông Ethan Zuckerman: Tôi có phổ biến những chỉ dẫn cụ thể về phương cách sử dụng Blog an toàn trên mạng. Bài viết nhan đề: “Blog ẩn danh với chương trình Wordpress và TOR” đựơc lưu trữ trong phần Tools and Guides trên trang www.advocacy.globalvoicesonline.org . Qua đó, tôi đề nghị người dân tại những nước kiểm duyệt internet:
Trước hết, bạn nên tải phần mềm TOR từ trang web: www.tor.eff.org vào máy tính hoặc vào đĩa, hay USB của mình, làm theo hướng dẫn từng bước trong đó. TOR là một chương trình có chức năng xoá dấu vết, dấu địa chỉ xuất xứ của người truy cập khi họ gửi, nhận, hay đọc thông tin trên mạng internet bằng cách mã hoá nhiều lần những thông tin trao đổi trên net của người đó và chuyển qua nhiều máy chủ trung gian khác nhau trước khi gửi tới người nhận.
Sau khi đã có công cụ vựơt tường lửa TOR trong tay, nghĩa là có thể yên tâm rằng mọi hoạt động của bạn trên mạng được bảo mật, bạn nên đăng ký một địa chỉ email với Gmail.
Kế đến, bạn cần tạo ra một tài khoản với www.wordpress.org , là một phần mềm trọn gói chỉ dẫn, hỗ trợ tạo blog rất phổ biến, tương tự như yahoo 360 độ.
Nhớ rằng khi tạo địa chỉ email với Gmail và mở blog với Wordpress, bạn đều phải sử dụng TOR để bảo mật an toàn. Có như vậy, cả Gmail và Wordpress đều không biết đựơc những thông tin cá nhân của bạn. Họ chỉ thấy được là bạn sử dụng TOR để đến với họ, nhưng họ không biết đựơc vị trí của bạn đang ở đâu, từ quốc gia nào.
Cho nên, cho dù có đựơc chính quyền Việt Nam yêu cầu đi chăng nữa, thì Gmail và Wordpress cũng không hề có được thông tin cá nhân của bạn để giao nộp hay tiết lộ.
Làm những việc này, bạn sẽ có được một địa chỉ email an toàn để mở blog và trang blog cá nhân để giao tiếp với mọi người trên khắp thế giới. Hơn nữa, mọi hoạt động trên blog bạn đều thực hiện với công cụ TOR thì công an mạng khó mà truy tìm được ra bạn là ai.
Đương nhiên cách này không phải là an toàn tuyệt đối, nhưng nó có tính bảo mật cao hơn và cũng dễ sử dụng đối với mọi người.
Những lưu ý khi vượt tường lửa
Trà Mi: Một hoạt động khá phổ biến trên net là truy cập và tiếp cận thông tin toàn cầu. Việc này vốn bị cản trở rất nhiều ở các chế độ độc tài bằng những bức từơng lửa, và công cụ ‘leo rào’ phổ biến hiện nay là dùng proxy. Theo ông, để vựơt tường lửa an toàn, cần lưu ý những điều gì?
Ông Ethan Zuckerman: Chúng tôi không đề nghị sử dụng các proxy công cộng vì bạn không thể biết đựơc người đang vận hành các proxy công cộng đó là ai.
Chúng tôi khuyên bạn nên dùng TOR hay JAP, tức những proxy ẩn danh có hỗ trợ Java.
Những cư dân mạng ở Việt Nam nếu có bà con, bạn bè định cư ở nước ngoài thì nên sử dụng Psiphon. Ngừơi thân của bạn ở hải ngoại chỉ cần cài đặt chương trình Psiphon vào máy và đưa cho bạn những thông tin kết nối như địa chỉ IP của máy chủ, tên đăng ký sử dụng, và mật khẩu.
Một ngừơi ở Việt Nam truy cập internet bằng Psiphon thì cũng giống như là ngừơi ấy đang dùng máy tính của người thân ở nước ngoài để vào mạng vậy. Bạn sẽ có thể tha hồ truy cập vào bất cứ trang web nào mà bạn thích, mà không để lại dấu vết gì có thể bị truy ra cả. Bạn có thể tải Psiphon về từ địa chỉ: www.psiphon.civisec.org . Đó là những cách vượt tường lửa an toàn nhất.
Tóm lại, bạn cần nhớ rằng khi đăng tải ý kíên cá nhân lên net hay lên blog, cần sử dụng các công cụ như TOR, Psiphon kèm theo để ‘ngụy trang’ và tăng cường tính bảo mật.
Một vấn đề khác đáng lưu ý là tuyệt đối đừng bao giờ tiết lộ bất cứ thông tin nào liên quan đến cá nhân của bạn trên mạng hay trên blog.
Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.
Các tin, bài liên quan
- Các phương pháp mới giúp vượt tường lửa ngăn chận internet
- Trao đổi Thư tín với Thính giả (ngày 8-11-2007)
- Quốc hội Hoa Kỳ điều trần về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam
- TOR: công cụ mới giúp người sử dụng Internet trong các chế độ độc tài
- Đề án 112, “chi ngàn tỷ để mua vịt giời”
- Làm thế nào để nghe đài và vào trang web RFA từ Việt Nam ?
- Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới phát động chiến dịch Online toàn cầu chống kiển duyệt Internet
- Máy tính và sức khoẻ con người
- Tự do báo chí tại Việt Nam theo nhận định của RSF