Phạm Hồng Sơn, ông là ai?


2003.06.16

Bấm vào đây để nghe bài này
Rightclick to save target as this audio

Tin từ gia đình và Ủy Ban Vận Động Tự Do cho Tù Nhân Chính Trị VN, một ủy ban mới được thành lập gần đây ở trong nước, cho hay Viện kiểm sát nhân dân ở Hà nội đã thông báo cho chị Vũ Thúy Hà, vợ bác sĩ Phạm Hồng Sơn, là ông sẽ bị đưa ra tòa án nhân dân xử vào ngày thứ Tư tuần tới, 18 tháng 6, vì tội danh “gián điệp.” Vậy B.S. Phạm Hồng Sơn là ai? Tại sao ông bị tù tội? Và vì lý do nào ông bị ghép vào tội “gián điệp”? Tâm Việt đã theo dõi vụ này từ đầu nên có bài sau đây trước hết là để giới thiệu cá nhân ông Phạm Hồng Sơn...

Theo phần “lí lịch bị can” có ghi trong Cáo trạng do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đưa ra hôm mồng 10 tháng 4, 2003, cũng như theo sự tiết lộ của chị Vũ Thúy Hà, vợ anh, trong thư viết ngày 14 5 2003 gởi cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước thì chúng ta có những chi tiết lý lịch như sau về anh Phạm Hồng Sơn. Đúc kết hai tài liệu, chúng ta có những chi tiết như thế này:

Phạm Hồng Sơn là tên thật của một bác sĩ trẻ, sinh ngày 3/11/1968 tại Nam Định, và đây cũng là nguyên quán, tức quê, của anh. Anh là con ông Phạm Văn Thân, 77 tuổi, và bà Vũ Thị Mùi, 76 tuổi, hiện đang ở Nam Định. Anh gốc người Kinh, mang quốc tịch VN và được ghi trong “lí lịch” là “không có tôn giáo.” Về học lực, anh có bằng Bác sĩ tốt nghiệp từ Đại học Y khoa Hà Nội, và theo sự tiết lộ của chị Hà, anh còn có thêm bằng Cao học Kinh tế nữa. Trước khi bị bắt, anh là “nhân viên công ty Dược Tradewind ASIA.” Tuy nơi “đăng ký hộ khẩu thường trú” là P 303 E 2 tập thể Bách Khoa, Hai Bà Trưng, Hà Nội, chị Vũ Thúy Hà cho biết địa chỉ thực sự của gia đình anh chị là tại số 72B Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội. Chị Hà sinh năm 1971 và có hai mặt con với anh, cháu Phạm Vũ Anh Quân, năm nay lên 6, và Phạm Vũ Duy Tân, mới 4 tuổi. Hiện anh Phạm Hồng Sơn đang bị tạm giam tại trại giam B 14 thuộc Bộ Công an, tức ở Thanh liệt, Hà Đông cũ và bây giờ là ngoại thành Hà nội.

Trước khi đi vào trình bầy cáo trạng dành cho anh, ta hãy nên nói về những điều mà ai cũng biết vì anh Phạm Hồng Sơn không phải là một người thích làm ăn lén lút hay giấu diếm, chuyện gì anh làm cũng đường đường chính chính, công khai trên màn ảnh Internet. Trong nhiều nghĩa anh là tiêu biểu cho tuổi trẻ VN hôm nay vì hiện anh mới có 35 tuổi, rất quen thuộc với máy và phương tiện vi tính, không mang nặng di sản chiến tranh Quốc Cộng và sẵn sàng bắt tay với thế giới trong thời đại thông tin và thời đại toàn cầu hóa. Có thể nói là cùng với lớp người như Lê Chí Quang và Nguyễn Vũ Bình, anh thuộc thành phần dân chủ dấn thân và trẻ của ngày hôm nay ở trong quốc nội những người thẳng thắn dám đứng lên cho tương lai và tiền đồ của đất nước.

Không thuộc thành phần mà Đảng và Nhà nước có thể gọi một cách miệt thị là “ngụy quân” hay “ngụy quyền” khi mới chiếm xong miền Nam, họ, những Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, chấp nhận tranh đấu cho dân chủ một cách ôn hòa và hòa bình ở ngay trong lòng chế độ vì họ tin là tương lai đất nước ở về phía họ. Họ làm tất cả mọi sự trong vòng hợp pháp và quang minh chính đại. Những tài liệu họ viết ra và phổ biến, họ ký tên thật, cho địa chỉ nhà và số điện thoại và sẵn sàng nhận mình là tác giả khi được hay bị hỏi về những tác phẩm đó.

Theo chị Vũ Thúy Hà, vợ anh, thì “tháng 2/2002, chồng tôi đã địch sang tiếng Việt tài liệu có tựa đề ‘Thế nào là dân chủ’ trích từ trang thông tin điện tử của Sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội. Sau đó, để hưởng ứng việc xây dựng Quy chế dân chủ ở cấp cơ sở do Ngài Tổng bí thư Đảng Nông Đức Mạnh phát động, chồng tôi có viết bài ‘Những dấu hiệu đáng mừng cho dân chủ ở Việt Nam?’” Đó là hai tài liệu chính và đáng kể mà anh Phạm Hồng Sơn đã nghĩ là anh có thể đóng góp vào tiến trình dân chủ hóa đất nước.

Ta hãy nghe anh công khai hóa công việc làm của anh trong tài liệu 2 nói trên, viết vào ngày 6 3 2002. Anh viết:

“Đầu năm Nhâm ngọ (khoảng đầu tháng 02 năm 2002) Thư Lê và tôi hoàn thành bản dịch ‘Thế nào là Dân chủ?’ theo tư liệu của đại sứ quán Hoa kỳ tại Việt nam. Tuy nhiên, bài viết này không có chủ đích đi sâu vào nội dung bản dịch đó, mặc dù ngay tựa đề, What is Democracy?, của nó đã cho ta một sự hứng thú để tìm hiểu ‘thế nào là dân chủ’ rồi, vì tôi đã nghe thấy từ ‘dân chủ’ từ lâu nhưng chưa bao giờ được nghe và được đọc để hiểu bản chất thực sự của nó là gì và nhiều cái hiện được gọi là ‘dân chủ’ có thực sự là dân chủ không. Phải nói thật, sau khi hoàn thành bản dịch đó, tôi đã có một cái nhìn tổng quát, cơ bản về dân chủ (dĩ nhiên là theo quan niệm của người viết) và một sự lạc quan về dân chủ: có Dân chủ sẽ có Tất cả. Có thể quan điểm của tôi chỉ là quan điểm của một người bị choáng ngợp trước một thế giới mới nhiều điều hứa hẹn, nhưng dẫu sao đó cũng là cảm xúc chân thành nhất của tôi muốn nói lên ở đây.”

Khó có thể tìm thấy một tấm lòng chân thành hơn thế được. Khi làm như vậy, tìm hiểu về dân chủ, một điều chưa có ở nước ta nên chưa mấy quen thuộc, anh không làm gì hơn là thực thi quyền được ghi trong Điều 19 Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà VN đã ký và cam kết tôn trọng vào ngày 24 9 1982. Điều 19 đó quy định như sau: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm cả quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến không phân biệt ranh giới, hình thức tuyên truyền miệng, bằng bản viết, in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật hoặc thông qua mọi phương tiện đại chúng khác, tùy theo sự lựa chọn của họ.”

Vì vậy nên trong thư gửi cho lãnh đạo ngày 14 5 2003, chị Vũ Thúy Hà đã dám khẳng định là:

“Việc dịch tài liệu cũng như viết bài như đã nêu trên của chồng tôi có thể chưa có tiền lệ, chưa phổ biến ở Việt Nam, nhưng không thể là lý do để chồng tôi bị triệu tập, tra hỏi và bắt giam. Công việc đó chỉ đơn thuần là những suy nghĩ, trăn trở mà bất kỳ một công dân, một trí thức nào có trách nhiệm với tương lai của đất nước đều có thể có.”

Thật không có gì khôi hài hơn khi, vẫn theo thư của chị Vũ Thúy Hà, công an đã đến bắt giam anh Phạm Hồng Sơn vào buổi tối ngày 27 3 2002 tại nhà riêng với lý do “thu thập các tài liệu và chuyển cho nước ngoài để nước ngoài sử dụng với mục đích chống phá lại nhà nước XHCN.” Thật vậy, không lẽ anh Phạm Hồng Sơn hay bất cứ ai lại đi làm chuyện điên rồ là dịch một tài liệu tiếng Anh lấy từ một Website công cộng mà cả thế giới có thể vào để đọc, dịch sang tiếng Việt để rồi lại bắn ra hải ngoại cho những người Việt biết tiếng Anh được đọc trong tiếng Việt! Đúng như anh nói, đây chẳng qua chỉ là một sự tìm hiểu của riêng anh và người bạn Thư Lê và khi anh thấy thích thú thì đã tìm cách dịch sang tiếng Việt để chia xẻ với những đồng bào và bạn bè trong nước mà thôi. Anh không bắt ai theo anh, anh chỉ thuần túy chia xẻ, thì làm sao lại có thể mắc tội “gián điệp” được? Đó cũng là câu hỏi của nhà cách mạng lão thành Cao Hồng Lĩnh, 90 tuổi, ở trong nước vậy.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.