CHÍNH SÁCH CỦA HÀ NỘI ĐỐI VỚI ĐẠO PHẬT GIÁO HÒA HẢO
1999.06.30
Tường trình của HAI TRANG Lời Giới Thiệu: Trong chương trình vừa qua, Đài Á Châu Tự Do đã trình bày với Quý thính giả Sự tích Đạo Phật Giáo Hòa Hảo. Quý thính giả cũng đã nghe Bác sĩ Trần Ngươn Phiêu kể lại buổi di nghe Huỳnh Giáo chủ giảng thuyết tại Chợ tỉnh Sađéc hồi mùa Xuân năm 1945. Để giữ đúng tôn chỉ của Đài Á Châu Tự Do, trong loạt bài này Ban biên tập chúng tôi sẽ không nói đến cuộc chiến đấu của những tín đồ Đạo Phật Giáo Hòa Hảo đã phải chống lại thực dân Pháp ở trước mặt để bảo vệ Độc Lập của Dân Tộc, lại bị tấn công ở sau lưng bởi thế lực chủ trương tiêu diệt tôn giáo. Trong bản tường trình hôm nay, trợ bút Đài Á Châu Tự Do là HAI TRANG sẽ chỉ nói về chính sách của nhà cầm quyền Hà Nội đối với Đạo Phật Giáo Hòa Hảo kể từ tháng Năm 1975 tới nay. Chúng tôi cũng xin nhấn mạnh rằng những trích dẫn trong bản tường trình này đều căn cứ từ các bản Báo Cáo của Ban Tôn Giáo thuộc Chính phủ Hà Nội và của giới chức quyền thuộc các cơ quan đảng và nhà nước ở trung ương và các địa phương. Cho đến trước ngày 30 tháng Tư năm 1975, Giáo Hôi Phật Giáo Hòa Hảo là một tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp với đầy đủ tư cách pháp nhân bình đẳng với các giáo hội khác như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Giáo Hội Thiên Chúa Giáo, Giáo Hội Cao Đài và Các Giáo Hội Tin Lành. Tính tới đầu năm 1973 các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tới tuổi thành niên đã ghi danh với các Ban Trị sự các cấp, từ cấp Ấp trở lên để được Ban Trị Sự Trung ương của Giáo Hội cấp giấy chứng nhận, tổng số là trên Hai Triệu Rưởi tín đồ. Về tổ chức, Giáo Hội có trên 3,000 Ban Trị sự cấp Ấp, hơn 400 Ban trị sự cấp Xã, 80 Ban Trị sự cấp Quận và 20 Ban Trị sự cấp Tỉnh. Về cơ sở phụng tự, Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo có 150 tự viện và trên 500 Độc Giảng Đường. Trụ sở của các Ban Trị sự từ Trung ương xuống tới địa phương gồm có 3,500 hội quán. Về văn hóa, Giáo Hội đã thành lập Viện Đại Học Hòa Hảo tại thị xã Long Xuyên; việc xây cất Viện Đại học Hòa Hảo là do Bộ Xã Hội cung cấp vật liệu do quyết định của Tổng trưởng Bộ này là Bác sĩ Trần Ngươn Phiêu. Về xã hội, Giaó Hội đã thiết lập 2 bệnh viện với trên 200 giường. Kể từ tháng Năm 1975, toàn thể các Ban Trị sự các cấp của Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo bị nhà cầm quyền mới ra lệnh giải tán. Việc tổ chức hành đạo của tín đồ bị coi là hoạt động chính trị bất hợp pháp. Nhà cầm quyền mới ở cấp tỉnh và cấp quận-huyện đã dùng biện pháp mạnh để giải tán các Ban trị sự và chiếm đóng các hội quán, các cơ sơ ũvăn hóa , xã hội, từ thiện và các tự viện của Đạo. Hầu hết các Trị sự viên của Giáo Hội ở cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp quận đã bị bắt giam. Nhiều người đã chết trong nhà tù và trong các trại cải tạo. Có khoảng 1,500 trị sự viên cấp xã và ấp được coi là không quan trọng đã bị đưa đi học tập cải tạo tại các trại lao động tập trung. Báo cáo của Ban Tôn Giáo Chính phủ đề ngày 18 tháng Hai năm 1979 có tựa đề là: "Ta hoàn toàn có khả năng xóa bỏ tôn giáo Hòa Hảo". Bản Báo Cáo này có đoạn nói rằng (trích nguyên văn): "Đảng và Chính phủ có thể vĩnh viễn xóa bỏ Đạo Phật Giáo Hòa Hảo trong hạn kỳ 15 năm, kể từ năm 1980. Giai đoạn thứ nhất cần từ 3 đến 4 năm để đập tan hệ thống chính trị phản động Đạo Hòa Hảo. Giai đoạn sau cần từ 8 đến 10 năm để bài trừ các tập quán mê tín dị đoan". Ban Chấp hành Trung ương dảng Cộng sản đã căn cứ vào bản Báo cáo này để đưa ra bản Chỉ thị ngày 16 tháng Tư, 1979 với tựa đề: "Tình hình đạo Hòa Hảo và chủ trương công tác của ta đối với đạo Hòa Hảo trong giai đoạn mới" Chỉ thị của Trung ương đảng nhằm xóa bỏ Đạo Phật Giáo Hòa Hảo được thi hành một cách quyết liệt suốt thập niên 80. Một mặt các đảng bộ địa phương ở Miền Tây ra sức lùng bắt các nhóm tín đồ còn tiếp tục sinh hoạt thầm kín để giữ vững niềm tin và bảo vệ Đạo pháp. Một mặt khác cơ quan tư tưởng cho phổ biến liên tiếp trên báo chí và đài phát thanh địa phương nhiều tài liệu xuyên tạc giáo lý và lịch sử của Đạo. Năm 1984, Nhà xuất bản của đảng ở Sàigòn phát hành cuốn tiểu thuyết - hồi ký của Nguyễn Quang Sáng có tựa đề là "Giòng Sông Thơ Ấu". Nội dung cuốn sách này là xuyên tạc lịch sử một cách thô bạo nhằm chỉ để nói xấu Đạo Phật Giáo Hòa Hảo. Tiếp theo là cuốn có tựa đề là "Sư Thúc Hòa Hảo" ký tên tác giả là Nguyên Hùng được tung ra thị trường cũng nhằm một tác dụng nói xấu Đạo. Những loại tài liệu và sách truyện này đã gây nên nhiều làn sóng công phẫn cao độ trong các giới tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo khắp miền đồng bằng Cửu Long. Có một số những nhóm tín đồ trẻ tuổi không tự kìm chế được cho nên đã tập hợp lại để chống trả chính sách của đảng muốn xóa bỏ Đạo. Vụ thi hành án tử hình đối với một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tại tỉnh An Giang vào tháng Chín năm 1998 là vụ ghi nhận được gần đây nhất. Tín đồ bị nhà cầm quyền tỉnh An Giang xử tử tên là Võ Văn Bồi, sinh năm 1964, người xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Theo tờ báo An Ninh và Pháp Luật mà cơ quan chủ quản là Bộ Công An ra ngày 28 tháng Chín 1998 thì anh Võ Văn Bồi tham gia các cuộc vận động bảo vệ Đạo từ năm 1976, nghĩa là lúc đó anh mới 12 tuổi. Võ Văn Bồi hoạt động thầm kín trong gần 20 năm liền, cho đến ngày 11 tháng 10 năm 1995 mới bị công an và bộ đội vây bắt. Trong hai phiên xử của Tòa án tỉnh An Giang ngày 14 tháng Ba 1997 và ngày 26 tháng Bảy 1997, tín đồ Võ Văn Bồi đã bị buộc vào tội gọi là "hoạt động chống phá chính quyền cách mạng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và đe dọa đến an ninh quốc gia" và ở cả hai phiên tòa anh đều bị kêu án tử hình. Tháng Chín 1998, nhà cầm quyền An Giang đã thi hành án xử tử tín đồ Võ Văn Bồi, khi anh được 34 tuổi và sau khi Chủ tịch Nước là Trần Đức Lương phê duyệt bản án tử hình này. Giới cầm quyền của đảng ở các tỉnh miền Đồng bằng Sông Cửu Long đã hết sức cố gắng để thực hiện chỉ thị của Trung ương đảng là xóa bỏ Đạo Phật Giáo Hòa Hảo trong vòng 15 năm. Nhưng thực tế thì mọi biện pháp quyết liệt đều tỏ ra vô hiệu trước niềm tin không gì lay chuyển nổi của khối tín đồ mỗi ngày mỗi đông đảo hơn, không khác chi thời còn bị người Pháp cai trị. Báo cáo ngày 14 tháng Tám năm 1982 của Tỉnh Ủy Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh An Giang nói rằng bề ngoài thì các tín đồ lớn tuổi tỏ ra có quan hệ tốt với các Ban tôn giáo địa phương, nhưng phần đông vẫn bao che cho lớp con cháu họ truyền bá giáo lý trái với chính sách của đảng và nước. Có một số trường hợp họ còn liên lạc với các nhóm hoạt động bí mật chống lại đảng. Tháng Giêng năm 1996, Hội nghị các Ban Tôn Giáo 10 tỉnh vùng đồng bằng Cửu Long được triệu tập tại thị xã Sóc Trăng để kiểm điểm tình hình. Các đai diện nhà cầm quyền có trách nhiệm về việc kiểm soát hoạt động tôn giáo ở các tỉnh An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang, Minh Hải, Tiền Giang, Sóc Trăng và Vĩnh Long đều báo cáo với Hội nghị rằng " tình hình diễn biến phức tạp, nhất là ở các tỉnh có đông tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo". Các Ban Tôn giáo tỉnh báo cáo với Hội nghị rằng tín đồ Đạo Hòa Hảo không giảm đi mà còn mỗi ngày mỗi tăng thêm một cách đáng lo ngại. Bản tin của Việt Nam Thông Tấn Xã Hà Nội ngày 15 tháng Tư 1997 nói rằng tại Huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, Chín Mươi Tám phần trăm (98%) dân số huyện này theo Phật Giáo Hòa Hảo. Theo nhiều nguồn tin ở trong nước thì tổng số tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo ở 26 tỉnh miền Nam hiện nay đã lên tới 4 triệu. Thể theo nguyện vọng của khối tín đồ đông đảo này, nhiều nhân sĩ của Phật Giáo Hòa Hảo đã rất nhiều lần vận động với nhà cầm quyền ở Hà Nội để cho Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo được sinh hoạt trở lại theo đúng Hiến Pháp và trong quy định của pháp luật. Mặt khác, các tổ chức của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo định cư ở Mỹ, ở Âu châu và ở Úc đã không ngừng vận động với các cơ quan thẩm quyền thuộc Liên Hiệp Quốc, với các tổ chức Quốc tế Nhân Quyền và với các chính phủ các nước có quan hệ với Việt Nam, đặng buộc nhà cầm quyền Hà Nội không được cấm cản việc thực hành quyền tư do tín ngưỡng và các tự do nhân quyền và dân quyền nói chung. Tháng Ba năm 1999 vừa qua, một nhà lập pháp Hoa kỳ là Bà Loretta Sanchez, dân biểu quốc hội đại diện cho tiểu bang California, đã qua thăm Việt Nam để quan sát trong nhiều ngày. Một trong những vấn đề mà Bà Dân biểu Sanchez đặt ra với nhà cầm quyền Hà Nội là vấn đề tự do tôn giáo, đặc biệt là trường hợp của Đạo Phật Giáo Hòa Hảo. Bà Dân biểu Sanchez đã vào Sàigòn và đã gặp ông Trần Hữu Duyên, một nhân sĩ Đạo Phật Giáo Hòa Hảo từng bị nhà cầm quyền Hà Nội bắt giam ba lần, bị tuyên án phạt rất nặng và mới được ra khỏi nhà tù hồi tháng Tám năm ngoái sau khi đã bị giam giữ hàng chục năm. Ông Trần Hữu Duyên đã trao tận tay Bà dân biểu Sanchez một hồ sơ về tình hình cấm Đạo kể từ năm 1975 và nguyện vọng hiện nay của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, mà theo lời ông hiện nay gồm hơn 4 triệu. Nữ dân biểu Hoa kỳ là Bà Sanchez đã ít gặp khó khăn trong việc tiếp xúc với một số nhân sĩ Đạo Phật Giáo Hòa Hảo trong chuyến đi thăm Việt Nam vừa rồi là vì Trung ương đảng đã có chính sách mới đối với tôn giáo này kể từ đầu năm 1999 này. Quyết định của đảng hồi tháng Hai năm 1979 chủ trương xóa bỏ Đạo Phật Giáo Hòa Hảo theo một kế hoạch 15 năm đã tỏ ra là hoàn toàn thất bại. Cho nên đảng phải thay đổi chính sách là không cấm đoán gắt gao việc hành Đạo như trước kia, nhưng mọi hoạt động phải theo đúng những quy định chặt chẽ của nhà cầm quyền trung ương và địa phương. Ngày Tám tháng Tư 1999, Trưởng Ban Tôn Giáo Trung ương là Lê Quang Vịnh gởi thông báo cho một tổ chức gọi là Ban Vận động của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo cho biết rằng họ được phép tổ chức đại hội đại biểu tín đồ Sau đó, ngày 28 tháng Năm, một Ban Đại Diện gồm 11 người được suy cử; nhiệm kỳ làm việc của Ban này là 5 năm, từ 1999 đến năm 2004. Nhà cầm quyền đã thông qua danh sách Ban Đại diện này. Mọi nguồn tin đáng tin cậy từ Châu Đốc, Long Xuyên đều cho biết rằng 11 người lập thành Ban Đại diện này đều do các ban Tỉnh ủy của đảng cộng sản các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ và Kiên Giang chỉ định. Người Trưởng Ban là Nguyễn Văn Tôn tức Mười Tôn, năm nay 82 tuổi, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, hồi 1975 từng giữ chức vụ Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội quân sự An Giang.