Rút tỉa kinh nghiệm đối phó với khủng hoảng


1999.01.25

Tuần qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tức là tổ chức IMF, đã công bố phúc trình sơ khởi trong đó họ rút tỉa ưu khuyết điểm về việc đối phó với khủng hoảng kinh tế. Kết quả này sẽ còn được IMF và cả Ngân hàng Thế giới phân tách và thảo luận kỹ hơn trong phiên họp hàng năm sắp tới của họ. Nhưng đây cũng là cơ hội cho người ta kiểm điểm lại cách ứng xử với cuộc khủng hoảng nguy kịch nhất từ 60 năm nay. Mục Diễn đàn Kinh tế tuần này xin nêu vài bài học mà giới chức kinh tế tài chánh thế giới có thể rút tỉa, qua bài nhận định của Nguyễn An Phú dưới đây. Sau khi khủng hoảng Á Châu bùng nổ từ địa hạt tài chánh sang mọi địa hạt khác, và lan từ Đông Á qua lục địa khác, mới nhất là Brazil 12 ngày trước, dư luận lên tiếng đông đảo hơn về nhu cầu cải tổ hệ thống tiền tệ thế giới. Quả vậy, được dựng lên từ năm 1944 với hai cột trụ chính là Quỹ Tiền tệ Quốc tế tức là IMF và Ngân hàng Thế giới, kiến trúc tài chánh thế giới đã dựa vào chế độ gián tiếp neo giá tiền tệ vào giá vàng. Chế độ đó kết thúc từ năm 71 và việc giải phóng chuyển vận tư bản cho tự do hơn từ năm 90, gọi là "toàn cầu hóa tài chánh", cũng làm thay đổi quan hệ kinh tế quốc tế. Cho nên, việc hoạch định lại quy luật trao đổi tài chánh thế giới quả là một yêu cầu khách quan. Nhưng, nếu chỉ giải thích khủng hoảng từ lý do đó thôi, thì vì sao có xứ bị mà có xứ thoát khủng hoảng? Và vì sao hậu quả lại nặng nhẹ mỗi nơi mỗi khác, nếu chẳng là do có sự sai lầm tại một số quốc gia? Mà về lầm lẫn thì dường như chẳng quốc gia hay định chế nào lại nên tự coi là vô can. Là tổ chức bị đả kích mạnh trong suốt 18 tháng khủng hoảng, Quỹ IMF đã lập bản phúc trình tổng kết ưu khuyết điểm, được họ công bố Thứ Ba tuần trước. Trong thế giới văn minh, việc tự phê như vậy là điều đáng mừng, như Ngân hàng Thế giới cũng đang tự kiểm điểm về sự thiếu minh bạch và cả tệ tham nhũng trong viện trợ. Nhưng, bên ngoài thế giới văn minh, người ta không nên vin vào đó để phủ lấp sai lầm và nhất là để trì hoãn những cải tổ cần thiết, ngay trong phạm vi quyết định của mình. Về khái lược, IMF tự phê là đã dự đoán lạc quan tình hình sản xuất, có thể với dụng ý khích lệ các nước bị khủng hoảng vững tin vào tương lai mà tiến hành việc cải tổ cần thiết. Thiếu sót thứ hai là IMF đòi hỏi các nạn nhân áp dụng nhiều biện pháp khắc khổ về công chi hầu quân bình ngân sách, nên làm kinh tế chậm phục hồi hơn. Yếu kém thứ ba là nhịp độ cấp cứu quá chậm vì bị cột vào điều kiện cải tổ phức tạp nên không kịp trấn an tâm lý. Sau cùng, về yếu kém được nhiều nơi công kích nhất, là đề nghị các nước bị khủng hoảng nâng lãi suất để giữ giá đồng bạc, vô hình chung làm kinh tế chậm hồi phục, thì IMF có nỗ lực tự biện hộ. Rằng biện pháp ngắn hạn đó đã chấm dứt, lãi suất ngắn hạn của các quốc gia đã giảm, trừ trường hợp Indonesia, và vì những lý do bất ổn xã hội hơn là thuần túy kinh tế. Thực ra, nếu chỉ viện dẫn sự sai lầm của IMF, ta không thấy trách nhiệm của nhiều quốc gia, chẳng những lao vào thế toàn cầu hóa mà thiếu cơ chế kinh tế tài chánh lành mạnh, lại cố tình trì hoãn đề nghị cải cách cơ chế đó. Bản tự phê của IMF phàn nàn hiện tượng trên, mà không phủi được trọng trách của mình khi cứ nói nước đôi. Một mặt, IMF ngầm yêu cầu các chế độ bị khủng hoảng nên cải tổ, mặt khác IMF vẫn công khai đưa ra nhận định lạc quan về triển vọng kinh tế của các xứ đó. Đối với các chế độ ngoan cố, đây là lối thoát về lý luận, và nếu có phải cải tổ, các chế độ đó còn có thể đổ lỗi cho IMF về biện pháp thất nhân tâm xuất phát từ sai lầm của mình trước đó. Điều này có thể được thấy rõ qua sự ù lì cải tổ tại Hà Nội và việc thủ tướng Phan Văn Khải học theo Malaysia để đả kích IMF và liều lĩnh khoe tính ưu việt của cái gọi là "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Về cải tổ hệ thống tài chánh thế giới, IMF đề ra bốn hướng cải tổ, vốn cũng đáng để Việt Nam quan tâm dù nền kinh tế chưa ra tới vùng ánh sáng của giao dịch tài chánh toàn cầu. Bốn hướng đó là thứ nhất, nâng cao trình độ thanh tra và giám sát thị trường tài chánh; thứ hai, chấn chỉnh nền tảng ngân hàng, trong đó, cơ bản nhất có luật phá sản và hệ thống thanh toán; thứ ba, là minh bạch hóa cơ chế tài chánh và quản lý doanh nghiệp; và thứ tư, tăng cường khả năng đối phó với các rủi ro tài chánh và kinh doanh. Dù sao, từ việc IMF tự phê bình này và nếu khách quan điểm lại tình hình, thì việc đả kích những bất toàn trong hệ thống tiền tệ thế giới có thể chỉ là giải pháp lười biếng, và nhiều khi thiếu thành thật để khoả lấp trách nhiệm của nhiều nước và để đổ lỗi cho ai khác về nguyên do khủng hoảng. Tham dự hội nghị hàng năm của IMF và Ngân hàng Thế giới năm ngoái, một nhà quan sát tóm tắt tâm lý đó qua lời phát biểu, rằng ta chớ vội nói tới việc xây ngôi nhà mới, khi căn nhà đang ở bốc cháy vì sự bất cẩn của chính mình. IMF có thể dự đoán sai mức độ trầm trọng của khủng hoảng nên phạm sai lầm tiếp về tốc độ và phương hướng cấp cứu. Nhưng, nếu nhớ tới chỉ tiêu hồ đồ về tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam khi vụ khủng hoảng đã bùng nổ từ cả năm, ta thấy rằng ước đoán sai không là tật riêng của IMF. Và rằng việc cải tổ cơ chế kinh tế tài chánh mà họ đề nghị từ mấy năm trước đáng là điều mà nhà cầm quyền Việt Nam nên để ý và giải quyết. Tuần qua, viên chức đại diện IMF tại Hà Nội đã lại một lần nữa nhắc tới nhu cầu đó theo lối ngoại giao cũ: rằng dù Hà Nội chưa cải tổ trong ngắn hạn, thì trong tương lai trung và dài hạỉn, việc cải tổ đó vẫn là tất yếu. Mong rằng lời nhắc nhở đó sẽ lại không như nước đổ đầu vịt, rồi trôi vào lãng quên.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.